Oct 2, 2013

Đà Linh Nguyễn Đức Hùng

Ở trong ngành xuất bản Việt Nam rất lâu năm và có một vị thế đặc biệt, anh Đà Linh Nguyễn Đức Hùng liên quan đến nhiều quyển sách, liên quan đến không ít bước thăng trầm của ngành xuất bản nói chung.

Anh lại là một con người mạnh mẽ, sự mạnh mẽ mà ngay một người không có quá nhiều tiếp xúc với anh như tôi cũng nhận thấy. Tôi gặp anh Nguyễn Đức Hùng lần đầu tiên cách đây gần chục năm, có một lần cuối 2006-đầu 2007 ngồi ăn đêm với anh ở chợ Hàng Da, còn những lần gặp khác chủ yếu đều có đông người, ít "riêng tư" hơn nhiều. Góc Hàng Da-Đường Thành có lẽ là một nơi mà anh Nguyễn Đức Hùng gắn bó ở đất Hà Nội. Tuy không thực sự gần gũi, nhưng tôi cũng có thể biết anh là một người mạnh mẽ, và rất khôn ngoan. Anh cũng gặp nhiều, rất nhiều sóng gió, nhất là ở những thời điểm không yên tĩnh của ngành xuất bản Việt Nam.

Theo cách nhìn của riêng tôi, xuất bản Việt Nam có một cuộc bùng nổ lớn vào quãng 2005-2006-2007, sau rất nhiều năm phải nói thẳng là nhiều tính chất lênh đênh vô hướng. Trong đó, năm 2006 có thể gọi là "năm của Nguyễn Đức Hùng". Hồi ấy, sức ép không hề nhỏ; đến cuối năm 2006, nhiều cuốn sách "qua tay" anh Nguyễn Đức Hùng đã bị bêu tên một cách nặng nề trên tờ báo của ngành công an.

Giai đoạn bùng nổ ấy, vẫn theo cách phân tích của riêng tôi, lên đến cao trào (một cách biểu tượng) và chững lại ở cuốn sách này: nó chính thức xuất hiện vào đầu năm 2008. Vẫn với vai trò to lớn của anh Nguyễn Đức Hùng, khi đó đang là Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Đà Nẵng:



Nội vụ các diễn biến ngay trước và ngay sau khi cuốn sách ra đời xứng đáng trở thành đối tượng cho một "nghiên cứu trường hợp" về lịch sử xuất bản Việt Nam.

Và bản thân bản thảo sau khi qua bàn tay anh Nguyễn Đức Hùng gửi trả lại để chuẩn bị đem in cũng xứng đáng được trưng bày trong bảo tàng xuất bản Việt Nam (nếu có).

Một cú bùng nổ nữa của xuất bản Việt Nam sẽ là bao giờ? Rất khó biết.

Chỉ biết là khi ấy (nếu có) sẽ không còn vai trò thực tiễn của anh Đà Linh Nguyễn Đức Hùng. Nhưng "vai trò thực tiễn" cũng chỉ là một phần, vì khía cạnh vô hình, khía cạnh tinh thần cũng vẫn tồn tại, tồn tại cả trong sự vắng mặt.

5 comments:

  1. Rất hay và cảm động. Cảm ơn bạn Nhị Linh.

    ReplyDelete
  2. À, hóa ra là vậy. Trước đây mình rất nể NXB Đà Nẵng đã có nhiều ấn phẩm có thể nói là "ngược dòng". Hình như "Rồng Đá" cũng từ đấy. Và bây giờ mới biết... Chà, Đà Linh. Hèn gì giới văn chương cảm khái giống như khi ông Nguyễn Thắng Vu của Kim Đồng ra đi. Thanks Nhị Linh.

    ReplyDelete
  3. NXB Đà Nẵng? Ở đây cho ra đời nhiều cuốn rất độc mà nơi khác không có. Những người tốt sao ra đi sớm thế?

    ReplyDelete
  4. Mấy hôm nay em ngồi xem lại 250 trang topic sâu sách của anh :)
    mới nhớ tại sao năm đó anh hỏi có biết gì về Đa Huyên
    mà nhắc đến Đà Linh ở post về Chu Giang thật không hợp :(

    ReplyDelete
  5. 250 trang cơ à

    250x7, hoa hết cả mắt

    ReplyDelete