Sep 29, 2014

Mười ngày: Lời đầu

Bản dịch Mười ngày mới đây của Hồ Thiệu (tôi lại hết sức khuyến khích các bác đọc đi, thêm một lần nữa :p) tuy là bản dịch đầy đủ tác phẩm Il Decameron nhưng lại thiếu mất "Vie de Boccace" giới thiệu tiểu sử của Boccaccio do chính dịch giả Sabatier de Castres viết, và "Lời đầu" chung cho cả cuốn sách. Thế nên dưới đây tôi dịch phần "Lời đầu" này để bổ sung.


Lời đầu


Phải an ủi những ai sầu muộn: đó là một cái luật của loài người; bất kỳ người nào cũng phải biết cảm thông, nhất là những ai từng cần đến lòng cảm thông và đã được hưởng những êm ái của nó. Từng có một người biết rõ ân sủng đó, ấy là tôi. Khi còn rất trẻ, tôi đem lòng yêu thiết tha một phụ nữ vô cùng cao quý, dòng dõi xuất chúng, có lẽ hơi quá xuất chúng so với hạng người thấp kém như tôi; dẫu có thế nào, những con người kín đáo được tôi gửi gắm tâm sự về nỗi đam mê đã không hề chê trách mà ca ngợi tình cảm của tôi hết lời, càng coi trọng tôi hơn; thế nhưng tôi bị giày vò mãnh liệt, không phải vì quý bà ấy ác độc với tôi, mà bởi ngọn lửa ngùn ngụt trong tôi gây nên những nồng nàn không thể dập tắt: không thể thỏa mãn chúng vì chúng lớn quá, tôi phải gánh chịu những đau đớn kinh người. Hẳn tôi đã chết vì thế nếu không có những an ủi của một người bạn, anh đã giải khuây cho tôi bằng cách kể những câu chuyện thú vị và dễ chịu.

Nhưng nhờ tay đấng toàn năng, vốn dĩ đã định rằng mọi thứ gì tồn tại trên cõi thế đều phải kết thúc, mối tình tôi, sôi sục đến độ không chút cân nhắc thận trọng nào, không một sự ô danh hiển nhiên hay hiểm nguy nào có thể chế ngự hay làm giảm được nhiệt, theo thời gian đã lắng xuống, rồi chỉ còn để lại trong lòng tôi chút dư tình dìu dịu. Giờ đây tôi yêu như cần phải yêu để có thể hạnh phúc; tôi giống thủy thủ kia trên biển chỉ cần miễn sao thuyền của mình còn nguyên vẹn chứ chẳng lao vào những cuộc phiêu lưu nữa. Mệt mỏi thì nặng nề lắm: khi đã được nghỉ ngơi tôi thấy mới ngọt ngào làm sao. Nhưng dẫu cho những giày vò không còn, tôi vẫn không quên những hành động tốt đẹp của những người vì yêu quý tôi mà đã cùng tôi chịu nỗi đau kia. Không, kỷ niệm ấy chẳng bao giờ tôi quên: có chăng chỉ đến khi xuống mồ. Và bởi với tôi, lòng biết ơn là đức hạnh đáng ca ngợi hơn cả, còn gớm ghiếc nhất trong mọi thói xấu là sự vô ơn, để chính mình không vô ơn, tôi quyết định, giờ đây khi đã tìm lại được tự do, cũng đi an ủi người khác, dẫu cho không phải những người từng an ủi tôi nhưng có lẽ chẳng cần được đền đáp, ít nhất là những ai cần đến.

Càng bất hạnh, càng đau khổ, người ta càng cần được an ủi: và những gì tôi có thể làm, dẫu chỉ ít ỏi thôi, hướng đến phụ nữ hơn là đàn ông. Sự nhã nhặn, nỗi thẹn thùng thường tác động làm họ che giấu đi ngọn lửa tình yêu nung nấu; ngọn lửa ấy khi chôn vùi đi lại càng dữ dội hơn: điều ấy chỉ những ai từng trải qua rồi mới biết. Vả lại, không ngừng bị bắt buộc phải đè nén vào trong những ý chí và ham muốn, là nô lệ của cha của mẹ, rồi anh rồi chồng, phần lớn thời gian bị nhốt kín trong căn phòng chật mà thờ thẫn ở nơi đó, họ vật vờ lả lướt theo những biến động của trí tưởng tượng hoành hành; lúc nào họ cũng bị vây hãm trong cả nghìn suy nghĩ tán loạn, và những suy nghĩ ấy không thể lúc nào cũng tươi tắn. Chỉ cần ngọn lửa tình yêu nhóm lên trong lòng, nỗi sầu muộn sẽ xuất hiện ngay, chiếm giữ lấy họ, trừ phi được trò chuyện vui vẻ.

Ngoài ra, ta còn phải nhất trí rằng họ có ít sức mạnh hơn so với đàn ông để mà chịu đựng những nỗi sầu tình. Những tình nhân nam giới ít rơi vào tình trạng thê thảm hơn nhiều: điều đó rất dễ thấy. Nếu buồn bã quá thì họ có thể than thở, vậy là sẽ được nhẹ nhõm hẳn; nếu thích họ có thể dạo chơi, tới nhà hát, rồi cả đống trò vui khác nữa; đi săn, đi câu, chạy bộ, cưỡi ngựa, buôn bán. Rất nhiều cách giải trí ngõ hầu chữa lành toàn bộ hoặc ít ra là một phần, trong một quãng thời gian, nỗi đau khổ mà họ phải gánh chịu; rồi, cách này hay cách khác, những an ủi sẽ tới và rồi nỗi đau không còn nữa.


Để sửa chữa theo khả năng riêng của mình những cay nghiệt của số phận, cái số phận đã ban cho phái yếu quá ít sự giải trí, nhằm giúp đỡ những người phụ nữ đang yêu (vì những người khác thì chỉ cần cây kim cuộn chỉ là đủ), tôi xin kể một trăm câu chuyện, hay ngụ ngôn, cách ngôn, hay truyện, gọi thế nào cũng được. Những câu chuyện này được chia thành mười ngày qua lời kể của một nhóm người trung thực gồm bảy phụ nữ và ba người đàn ông, trong quãng thời gian xảy ra dịch hạch mới gần đây vừa làm rất nhiều người chết: thỉnh thoảng các quý bà đáng yêu lại hát những bài hát mà họ ưa thích. Trong những câu chuyện này ta sẽ thấy có nhiều cuộc phiêu lưu tình ái vừa cổ vừa kim: phụ nữ đọc chúng sẽ tìm thấy lạc thú và những lời khuyên hữu dụng; qua những ví dụ ấy họ sẽ thấy những gì cần tránh và những gì cần bắt chước. Nếu được (hẳn Chúa cũng muốn vậy), tôi sẽ dùng những câu chuyện để vinh danh tình yêu, chính tình yêu khi giải thoát cho tôi khỏi xiềng xích của mình đã làm tôi đủ khả năng thử làm một việc có thể mang lại niềm vui thích cho phụ nữ.

-----------

Il Decameron ở Pháp:

Bản dịch đầu tiên là của Antoine Le Maçon vào giữa thế kỷ 16.

Bản của Sabatier de Castres được dùng để dịch ra tiếng Việt lần này được ấn hành vào cuối thế kỷ 18.

Năm 1884, đến lượt bản dịch của Francisque Reynard. Điểm đặc biệt của bản dịch này là chỉ trích rất ghê rợn bản của Sabatier de Castres. Reynard đã dùng không thiếu câu từ gì để chê trách Sabatier de Castres. Ta hiểu truyền thống dữ tợn của tranh cãi dịch thuật, nó không phải chuyện mới gần đây, và rất nhiều người như thể cứ nằng nặc đinh ninh mình giữ chân lý muôn đời :p Thật ra, chẳng có gì dễ hơn là phê phán một bản dịch, cách gì cũng có thể phê phán được hết.

(so sánh một ít thì tôi thấy bản Sabatier de Castres đọc còn dễ chịu hơn bản Francisque Reynard hehe)

Sau giai đoạn xưa này, thời hiện đại trong tiếng Pháp còn có nhiều bản dịch khác.

-----------

Còn đây là tình hình bản dịch Mười ngày trước đây của nhóm Hướng Minh, in năm 1985, tổng cộng có 39 truyện trên tổng số 100 truyện gốc.




(bản tiếng Việt này thì dùng một bản dịch tiếng Pháp thế kỷ 20: Jean Bourciez)

2 comments: