Jul 3, 2015

Một lời biện hộ cho Milan Kundera

Thấy các trí thức Việt Nam bỗng rộ lên nói chuyện Milan Kundera, tôi muốn hỏi các vị một câu nghe thì như hỏi đểu, nhưng rất thành thực: các vị đã đọc cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông ấy, La Fête de l'Insignifiance, chưa? Chẳng cần câu trả lời thì tôi cũng biết thừa: gần như chưa ai đọc hết, vì La Fête đã in một thời gian rồi, có ai nói gì đâu, giờ vì có bản dịch tiếng Anh, báo chí Anh-Mỹ rộn lên, nên các vị hùa vào ùa ạt thôi.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Kundera quay trở lại cấu trúc bảy chương "truyền thống Kundera", như dưới đây:


Alain đi trên phố, nhận ra các cô gái bây giờ hay trưng bày cái rốn của họ. Anh ta bắt đầu suy nghĩ:

"Nếu một người đàn ông (hoặc một thời kỳ) nghĩ rằng trung tâm sự hấp dẫn của phụ nữ nằm giữa hai đùi, thì ta sẽ phải miêu tả và định nghĩa đặc trưng định hướng tình ái này như thế nào? Anh thấy ngay một câu trả lời: độ dài của cặp đùi và hình ảnh ẩn dụ của con đường, dài và quyến dụ (chính bởi vậy mà đùi cần phải dài), dẫn tới sự thành tựu của tình ái; quả thật, Alain tự nhủ, ngay cả ở giữa lúc đang giao hợp, độ dài của cặp đùi cũng khiến cho người phụ nữ có dáng vẻ của thứ ma thuật lãng mạn của sự bất khả xâm nhập.

Nếu một người đàn ông (hoặc một thời kỳ) nghĩ rằng trung tâm sự hấp dẫn của phụ nữ nằm ở bộ mông, thì ta sẽ phải miêu tả và định nghĩa đặc trưng định hướng tình ái này như thế nào? Anh thấy ngay một câu trả lời: sự khốc liệt; niềm vui; con đường ngắn nhất dẫn tới đích; cái đích lại càng kích thích hơn, bởi vì đó là một cái đích kép. [chú thích của người dịch: vì có hai cái lỗ gần nhau]

Nếu một người đàn ông (hoặc một thời kỳ) nghĩ rằng trung tâm sự hấp dẫn của phụ nữ nằm ở bộ ngực, thì ta sẽ phải miêu tả và định nghĩa đặc trưng định hướng tình ái này như thế nào? Anh thấy ngay một câu trả lời: sự thánh hóa người phụ nữ; Đức Mẹ Đồng Trinh cho Chúa Hài Nhi bú sữa; giống đực quỳ gối trước sứ mệnh cao quý của giống cái.

Nhưng làm thế nào để định nghĩa tính dục của một người đàn ông (hoặc một thời kỳ) nghĩ rằng trung tâm sự hấp dẫn của phụ nữ lại tập trung vào chính giữa cơ thể, ở cái rốn?"


Đây là một tác phẩm rất "nhẹ" của Milan Kundera, nhan đề sách đã nói rõ: "bữa tiệc của sự vớ vẩn". Kundera là một tiểu thuyết gia, một tiểu thuyết gia cực kỳ tài năng, vô cùng tinh quái và hết sức thích gây sự.

Không phải gây sự với ai cả, mà là gây sự với "common sense". Có tiểu thuyết gia lớn nào không thấy lương tri con người, niềm tin chung của con người, là đối tượng để gây sự không? Có tiểu thuyết gia lớn nào chịu làm cái việc là nói những điều ai cũng nghĩ không?

Làm gì có, tất nhiên.

Trước đây, khi viết luận văn về tác phẩm văn chương của Milan Kundera, hồi 2003-2004, tất nhiên tôi đã để ý thấy, hình ảnh Milan Kundera ở Mỹ rất quái dị: ở đó, Kundera là một nhà văn kỳ thị giới tính, hạ thấp phụ nữ etc. Giờ, khi tiểu thuyết mới của Kundera xuất hiện trong thế giới anglo-saxon, ta lại thấy, và sẽ còn thấy nhiều, khúc đồng ca chói tai ấy.

Đừng vội nghĩ thế. Văn chương là đạo đức, nhưng là một đạo đức khác.

Ta quay trở lại với một tác phẩm đã dự báo từ cách đây rất lâu những câu chuyện như thế này: 451 độ F của Ray Bradbury vì sao là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại (tôi tin rằng tuy đã có ở Việt Nam một thời gian nhưng chẳng ai hiểu thực sự nó nói gì)? Là vì nó cảnh báo một điều rất sâu sắc. Cuốn tiểu thuyết ấy chỉ nói đến chuyện sách bị tiêu diệt trong thế giới loài người, nhưng thật ra nó nói nhiều hơn thế: bằng việc chỉ ra nguyên nhân của việc diệt trừ sách (vì các chính quyền hướng tới việc thỏa mãn cho mọi nhóm xã hội, đảm bảo quyền lợi của mọi nhóm nhỏ), Bradbury đã cho biết rằng thế giới tươi đẹp và trí tuệ của chúng ta sẽ bị tiêu diệt chính bởi vì nó trí tuệ quá, hiểu biết quá, biết chăm lo cho mọi người quá. Lo lắng đến quyền lợi của từng nhóm xã hội nhỏ là một điều tốt đẹp, và cũng chính là xu thế tất yếu của loài người.

Có nhiều xu thế tất yếu như thế: nước Mỹ đã sản sinh những ngành nghiên cứu phát triển đáng kinh hãi, về giới, về chủng tộc, quyết liệt đòi quyền lợi, nói lên thân phận của những gì xưa nay bị lãng quên. Phụ nữ cần phải được nâng niu chứ không được soi mói, kiểu như Milan Kundera.

Milan Kundera tất nhiên bị lép vế: không một tiểu thuyết gia nào, dẫu cho có lớn đến đâu, có thể không lép vế trước những "xu hướng không thể đảo ngược của loài người". Nhưng các tiểu thuyết gia vẫn giữ được đạo đức của mình: Michel Houellebecq miêu tả đạo Hồi, Milan Kundera soi mói phụ nữ. Với họ, đạo đức của tiểu thuyết mới là quan trọng, kể cả khi nó đi ngược lại với "xu thế không thể đảo ngược".

LGBT gần đây càng cho thấy thêm tính chất của những gì "không thể đảo ngược" này. Tất nhiên rồi, đó là một xu thế không thể đảo ngược, ta không thể lờ đi quyền lợi được mưu cầu hạnh phúc của những người LGBT. Và loài người cũng sẽ vì những "xu hướng không thể đảo ngược" ấy mà tất yếu đi đến chỗ diệt vong thôi.

Cũng như loài tê giác, diệt vong vì cái xu hướng không thể đảo ngược của chúng, là kiêu ngạo trong tập quán sinh đẻ. Người thì to mà đẻ thì ít, làm sao mà tồn tại được.


Nói thêm một chút về riêng Milan Kundera: một tiểu thuyết gia cần được nhìn nhận giá trị văn chương. Năm 2010, tuy bình thường không trả lời phỏng vấn, nhưng Milan Kundera đã trả lời các câu hỏi của tôi (đã đăng trên tờ Sài Gòn tiếp thị): khi ông ấy thấy là tôi hiểu Vô tri là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của ông ấy, thì ông ấy đồng ý trả lời luôn. Tôi tin là cho đến giờ ở Việt Nam người ta vẫn chưa hiểu tầm quan trọng của cuốn Vô tri ấy. Cũng trong bài trả lời phỏng vấn, Milan Kundera cũng đã cho biết ông sẽ cho xuất bản một tiểu thuyết (tức là La Fête de l'insignifiance hiện nay đang làm rộn rất nhiều văn nhân chưa hề đọc nó), "rất ngắn và hoàn toàn không nghiêm túc chút nào": ngày ấy Kundera đã miêu tả cuốn sách của mình như thế.


Bài phỏng vấn Milan Kundera của tôi năm 2010:


- Ông có nghĩ rằng tình thế của nhân vật Irena trong Vô tri (rơi vào cái bẫy của sự trở về, rồi những điều bất trắc của nỗi hoài nhớ) là tình thế chung cho những người di cư không?

- Tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ vậy.

- Có cảm giác trong cuốn tiểu thuyết mới nhất này, ông đã rất mạnh bạo “giải thiêng” một trong những huyền thoại lớn nhất của phương Tây, huyền thoại cuộc trở về của người anh hùng…

- Cuộc trở về vĩ đại, đúng như anh nói, là chủ đề của một huyền thoại lớn phương Tây (rất có thể là không chỉ phương Tây). Với Rabelais, với Cervantès, nghệ thuật tiểu thuyết được sinh ra như là sự chống đối lại các huyền thoại. Như một phân tích, một sự phá hủy các huyền thoại. Điều này thuộc về bản thân ý nghĩa của nghệ thuật tiểu thuyết.

- Cá nhân tôi thấy rằng trong Vô tri có sự lặp lại của một số đề tài từng được ông sử dụng trong các tác phẩm đầu tiên, đặc biệt là Những mối tình nực cườiCuộc sống không ở đây. Liệu có thể coi đây cũng là một sự hoài nhớ của riêng ông, về mặt văn chương?

- Mỗi tiểu thuyết gia lại hào hứng với một số đề tài, chúng chính là lẽ sống của toàn bộ những gì anh ta viết ra. Những đề tài - nỗi ám ảnh này, anh ta phân tích chúng trong các tiểu thuyết của mình, từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Tới một ngày nào đó, anh ta nhận ra mình đã nói mọi điều có thể nói về chúng, để rồi đóng “cửa tiệm” lại. Hoặc là, anh ta không nhận ra điều ấy, để mà bắt đầu tự lặp lại chính mình. Tôi hy vọng mình còn chưa rơi vào trường hợp đó. Nhưng làm sao mà tôi biết được đây?

- Việc ngừng viết bằng tiếng Séc và chuyển sang viết tiếng Pháp gây ra những hiệu ứng nào lên ông?

- Tôi đã viết bảy cuốn sách bằng tiếng Séc - ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Tôi đã viết bảy cuốn sách khác bằng tiếng Pháp - thứ tiếng của 35 năm vừa qua trong đời tôi. Khi sử dụng tiếng Séc, sự viết của tôi bột phát hơn, ít suy tư hơn. Khi sử dụng tiếng Pháp, nó ít bột phát hơn, nhiều suy tư hơn. Trong những năm bảy mươi, tôi đã xem lại toàn bộ, thật tỉ mỉ, mọi bản dịch tiếng Pháp những cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Séc của tôi. Kể từ lúc đó, tôi coi phiên bản tiếng Pháp toàn bộ tác phẩm tiểu thuyết của tôi là bản chuẩn và luôn luôn đề nghị các dịch giả sử dụng chúng để dịch.

- Ông có dự định viết tiểu thuyết nữa không, sau khi vừa cho xuất bản tập tiểu luận tuyệt vời, Một cuộc gặp, tập tiểu luận thứ tư của ông?

- Tôi vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết, rất ngắn và hoàn toàn không nghiêm túc chút nào. Nếu muốn, có thể coi nó tiếp tục phong cách của cuốn tiểu thuyết Chậm rãi hay vở kịch mà tôi biến tấu dựa trên tác phẩm của Diderot: Jacques và ông chủNhưng cuốn này còn đi xa hơn nhiều theo hướng đó, ít nghiêm túc hơn nhiều. Chưa có ai đọc nó cả, ngoại trừ vợ tôi.

- Xin cám ơn ông.

-----------

"Cỡ" (calibre) của Milan Kundera lớn lắm. Dưới đây là trích đoạn một bài viết của Adam Thirlwell, nhà văn sinh năm 1978 của nước Anh. Dưới cái bóng của Kundera, cả một thế hệ nhà văn mới đã ra đời và được khích lệ. Ai đã đọc Politics của Thirlwell thì sẽ thấy Thirlwell chịu ảnh hưởng của Kundera lớn tới mức nào. Có lẽ Thirlwell sẽ không bao giờ thoát nổi khỏi cái bóng ấy.

Milan Kundera là một xì căng đan

6 comments:

  1. Thấy hôm nay tâm tư tình cảm của Nhilinh mâu thuẫn quá: (tôi tin rằng tuy đã có ở Việt Nam một thời gian nhưng chẳng ai hiểu thực sự nó nói gì)?" Mà đọc đoạn sau lại bảo: "Bradbury đã cho biết rằng thế giới tươi đẹp và trí tuệ của chúng ta sẽ bị tiêu diệt chính bởi vì nó trí tuệ quá, hiểu biết quá..." Vậy thì nên hiểu sách cho nó uyên thâm hay "trí tuệ" vừa phải thôi đây.

    Đôi khi thấy câu Đừng chết vì quá hiểu biết. Hay như hôm nọ Nhilinh viết triết lý này râdt hay "Có những lúc, không đọc thì tốt hơn là đọc, không xem thì tốt hơn là xem, muốn sướng thì đừng ấy, vân vân và vân vân :p"

    ReplyDelete
  2. chẳng có gì mâu thuẫn đâu

    ReplyDelete
  3. Thực là một mớ hỗn độn vô căn cứ.

    ReplyDelete
  4. Nhân dịp vừa có cái an cái toạ đàm cái đạo MK (not Michael Kors;)) đọc lại chứ nhỉ

    ReplyDelete
  5. lại còn có cái gì như thế nữa à

    ReplyDelete
  6. còn tới khi nào không còn cái chợ mà không có mợ thì chợ vẫn đông.

    ReplyDelete