Một cuốn tiểu thuyết trùng khít với hiện thực là một cuốn tiểu
thuyết dở, tuyệt đối không đáng đọc. Nhà văn nào cũng biết là phải biến hiện thực
thành văn chương, nhưng gần như lúc nào kết quả cũng là một trong hai trường hợp:
quá sát hiện thực, hoặc quá xa. Cách nào thì cũng dở như nhau.
Tên nhân vật chính cũng đánh lừa như nhan đề À la recherche du temps perdu. Không chỉ
có một Đi tìm thời gian đã mất, và
không nên hiểu ngay Đi tìm thời gian đã mất
nghĩa là đi tìm thời gian đã mất (xem thêm ở đây và ở đây), là bởi vì còn có một
nguyên nhân rất đơn giản nữa: lẽ ra bộ tiểu thuyết đã không mang tên À la recherche du temps perdu. Trong một
thời gian, ở đoạn cuối khi viết nốt bộ sách, Marcel Proust đã thực sự cân nhắc
khả năng nó sẽ mang nhan đề chung là Intermittences
du coeur, “coeur” là trái tim, “intermittences” là những bập bềnh, trồi trụt,
bất ổn. Sau này, ở bản chung quyết, cụm từ này trở thành tên một phần (phần rất
quan trọng) trong tập Sodome và Gomorrhe.
Và ta cũng thấy sự tiến triển của Marcel Proust trong quan niệm: lúc đầu là dự
định khai thác “ký ức vô ý” (mémoire involontaire) mà ví dụ lớn nhất là chiếc
bánh madeleine, nhưng không chỉ có thế, còn rất nhiều vật nhỏ bé khác cũng có
cùng chức năng, như chiếc thìa gõ xuống đĩa kêu lanh canh ở tập cuối Thời gian tìm thấy lại (trong bản thảo,
lúc đầu không phải thìa, mà là một cái dĩa), rồi sau này thật ra “ký ức vô ý”
cùng những hồi ức không còn vị trí lớn đến như vậy (và lớn đến mức nhiều độc giả
hiện nay vẫn còn tưởng) nữa, vì đã xuất hiện thêm, ở các chỉnh sửa về sau, sự bập
bềnh của trái tim, làm đối trọng với một lý thuyết về trí nhớ và ký ức.
Những cái tên riêng là dấu ấn không phai mà Marcel Proust để
lại trong lịch sử văn chương. Cho tới nay, độc giả Việt Nam đã biết một phần về
điều đó, nếu đã đọc Bên phía nhà Swann.
Sẽ còn có những đoạn dài nữa ở tập về Guermantes, và nhất là những đoạn vô cùng
kỳ thú ở tập Sodome và Gomorrhe, trên
chuyến tàu đi từ Balbec đến với những bữa tối tại nhà vợ chồng Verdurin, lúc
này không ở Paris như trong Bên phía nhà
Swann, nơi diễn ra cuộc tình Swann-Odette nữa, mà nhà Verdurin đã thuê ngôi
nhà mang tên La Raspelière từ bà hầu tước de Cambremer già (bản thân cái tên
“Cambremer” đã là một nguồn phong phú cho các diễn giải: với một nhân viên trực
thang máy của khách sạn Grand-Hôtel, Cambremer nhất định phải là pho mát
“Camembert”). Trên chuyến tàu này, Marcel được Brichot, giáo sư Sorbonne, giải
thích từ nguyên tên riêng các địa danh trong vùng. Marcel Proust đã ở cảm hứng
sáng tạo cao nhất ở những đoạn về đoàn tàu này. Thời ấy, có một tờ tạp chí văn
chương rất nổi tiếng tên là La Revue des
deux mondes. Ở đoạn đầu giai đoạn Balbec lần hai ấy, Marcel đi tàu và nhìn
thấy một bà già ngồi đọc tờ tạp chí. Ngay lập tức Marcel hiểu ra đây chỉ có thể
là một bà chủ nhà thổ, mọi đặc điểm, dáng dấp đều nói lên điều đó (nhà thổ là một
chủ đề quan trọng trong Đi tìm thời gian
đã mất; người tình của Robert de Saint-Loup cũng là một cô gái điếm,
Rachel, giống như Odette người tình rồi vợ của Charles Swann). Hóa ra bà già ấy
là một quận chúa Đông Âu, khách mời danh dự của nhà Verdurin.
Có một trường hợp nhân vật ngoài đời bước thẳng vào Đi tìm thời gian đã mất: đó là Céleste
Albaret, bà người hầu của Marcel Proust. Không có một “chuyển hóa” về tên riêng nào hết,
Céleste Albaret ngoài đời trở thành Céleste Albaret trong tiểu thuyết, một
trong hai người đàn bà hay chăm bẵm cho Marcel trong Sodome và Gomorrhe tại khách sạn Grand-Hôtel. Sau này, Céleste
Albaret sẽ còn rất nổi tiếng về điều này. Đó là một biệt lệ. Có thể đó là phần thưởng của Marcel Proust cho người hầu tận tụy.
Nhưng mọi nhân vật khác đều đã thông qua chuyển hóa rồi mới
bước qua cái ngưỡng ngăn cách cuộc đời và tiểu thuyết (thậm chí có thể chuyển hóa giới tính, như ta đã thấy, tài xế Alfred Agostinelli trở thành cô gái Albertine). Brichot, giáo sư
Sorbonne, có nguyên mẫu là Victor Brochard, một giáo sư chuyên về triết học cổ,
người có thật. Trước khi mang tên Brichot trong La Recherche, nhân vật này, trong bản thảo, từng mang hai cái tên
khác: Cruchot và Crochard. Saint-Loup lúc đầu lẽ ra phải là Montargis, còn nam
tước de Charlus suýt đã mang tên de Gurcy.
Mấy nghệ sĩ chiếm vai trò quan trọng trong Đi tìm thời gian đã mất, quan trọng đến
mức ta sẽ chẳng hiểu bộ sách nói gì nếu không nghiêm túc tìm hiểu về họ: có một
nhạc sĩ, đó là Vinteuil; có một họa sĩ, đó là Elstir, và có một nhà văn, đó là
Bergotte.
Vinteuil có nguyên mẫu gần như chắc chắn là Gabriel Fauré như
tôi cũng mới nói. Nhưng tất nhiên, các nghệ sĩ xuất hiện trong La Recherche đều không hoàn toàn bê
nguyên hiện thực, bê nguyên nguyên mẫu, và mỗi nhân vật ấy lại được xây dựng từ
không chỉ một nguyên mẫu. Có Fauré, nhưng ở Vinteuil còn có các khía cạnh khiến
ta nhớ đến Saint-Saëns và vài nhạc sĩ khác nữa. Elstir cũng vậy, Whisler là
nguyên mẫu rõ ràng nhất, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Có vẻ như tiểu thuyết đòi hỏi
nhiều hơn so với hiện thực rất nhiều.
Còn Bergotte? Nhân vật nhà văn quan trọng tột bậc trong cuộc
đời nhân vật chính, có nguyên mẫu nào?
Cũng lại rất nhiều, nhưng ta có thể yên tâm, một người nổi bật
trong số đó chính là Anatole France.
Đi tìm thời gian đã mất không phải là đi tìm thời gian đã mất
Quên tình yêu
Paul Valéry hạ sát Marcel Proust
Những tác giả, tác phẩm nào dù bị chê hay được khen bởi các nhà phê bình tài năng đều có một cái gì đó rất đáng thương. Bởi sau khi các "đao phủ" ấy "xuống tay" rồi, thì dù có được bay lên thiên đàng hay rớt xuống âm ti thì tác giả và tác phẩm vẫn cứ vĩnh viễn bị... sứt mẻ, chứ không phải sứt môi :-)
ReplyDeleteHọ, những tác giả ấy, tại sao phải "đi từ hiện thực đến văn chương" nhỉ? Sao họ không cứ việc đứng yên một chỗ không "đi" đâu hết; họ có thể vặn cổ xoay đầu sang hướng này, rồi sang hướng khác có phải "dynamic" hơn không? Nói gì thì bạn Nhị Linh cũng đang từ lần đi vào văn học sử Việt Nam, đứng ở một vị trí cao cao, ở một thời điểm cũng cao cao :-)
Chắc sang năm nhờ bạn Nhị Linh tuyển chọn giúp một... tủ lạnh ebook, để dành dưỡng già, đọc lai rai tới chết. Còn bạn thích gì thì mình sẽ tặng lại nhé. Xin cảm ơn.
-- Gió, cũng gần hết hơi để chướng rồi ;-)
oày, cứ phải chướng tiếp chứ
Deletethì đúng thế, họ có đi đâu đâu, đi lắm lúc đâu có phải là đi
"Marcel Proust đã ở cảm hứng sáng tạo cao nhất ở những đoạn về đoàn tàu này" rất đúng
ReplyDelete