Tháng này cực nhiều sách, nên ta sẽ phải chia phần ra cho dễ
theo dõi nhé.
I) Chuyên đề của tháng
Tháng Sáu máu lửa của báo chí Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm cái
năm 1865 vẫn hay được tính là mốc khởi đầu của lịch sử báo chí Việt Nam (nhưng
ngày 21/6 “ngày báo chí Việt Nam” lại không dính gì đến mốc ấy nhé, vì đó là
“ngày báo chí cách mạng Việt Nam”), nhà xuất bản Trẻ đã có một chùm pháo hoa rất
đẹp. Đại thể, năm nay, 2015, là kỷ niệm 150 năm cái năm 1865 kỳ bí, sự kiện
liên quan đến một tờ báo tên là Gia Định
báo (đây là một “món” huyền thoại mà chỉ những ai sưu tầm báo chí mới thực
sự ý thức được; tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, Gia Định báo bỗng nhiên chẳng còn quý hiếm nữa hehe, ngay Nam phong rồi gần đây hơn là Phong hóa cũng vậy luôn; lịch sử chính
là câu chuyện của những huyền thoại bị tan vỡ).
- Trần Nhật Vy, Báo quấc
ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19, NXB Trẻ, 270tr., 75.000đ.
Có lẽ tôi sẽ quay trở lại kỹ hơn với cuốn sách này. Mới liếc
qua, thấy dăm ba điểm cần quan tâm rồi.
- Nhiều tác giả, Trận
tuyến công khai giữa Sài Gòn, NXB Trẻ, 286tr., 75.000đ.
Hóa ra đây mới chỉ là tập một, tức là giai đoạn đến 1954. Ta
đón chờ tập sau, 1954-1975 (cá nhân mà nói, mảng báo này với tôi là mảng báo
chán nhất: trước đây tôi từng sưu tầm tờ Đối
diện, một thời gian ngắn thì bỏ luôn vì đọc quá chán).
Trong lời giới thiệu, các tác giả cho rằng báo chí Sài Gòn rất
oách, còn hơn cả Paris (còn nhấn mạnh đó là thành phố ánh sáng), vì thời
Occupation (Đức Chiếm đóng) báo chí tranh đấu Pháp không được như thế. Chưa nói
đến chuyện tìm kiếm một chút là chứng minh được điều đó sai, mà phát ngôn trên
đây cho thấy rằng họ có quan niệm rất kỳ cục về “ta” và “địch”.
- Và đây, ngôi sao của đợt này:
Philippe M. F. Peycam, Làng
báo Sài Gòn 1916-1930, Trần Đức Tài dịch, NXB Trẻ, 458tr., 145.000đ.
Luận án tiến sĩ của Peycam, phát triển lên thành cuốn sách
này. Cuốn sách được giới thiệu là áp dụng lý thuyết của Habermas về public sphere. Quả là Peycam có nhắc đến
public sphere (và Benedict Anderson,
tất nhiên :p) nhưng không thể gọi đây là một tác phẩm áp dụng lý thuyết của
Habermas được, chỉ là có nhắc đến thôi.
Điểm độc đáo nhất của Peycam là đã khai thác tài liệu của Sở
Liêm phóng. Điều này rất quan trọng, nó tạo ra một thứ tài liệu parallel, phần bổ sung cho câu chuyện chính. Nhờ tài liệu này, ta sẽ
biết chẳng hạn tờ La Cloche Fêlée từng
có tới chừng 600 độc giả đặt báo dài hạn, một con số rất choáng. Không những thế,
Sở Liêm phóng còn rất tỉ mỉ, cho biết bao nhiêu phần trăm là Nam Kỳ, bao nhiêu
phần trăm những nơi khác, và ta biết có tới 7 thành viên triều đình Huế cũng có
đặt báo. Những chi tiết này giúp ta có hình dung sắc nét về tờ báo của nhóm
Nguyễn An Ninh.
Những đóng góp không nhỏ nữa của Peycam là chỉ ra và bám sát
những sự kiện quan trọng, ảnh hưởng của chúng trong dư luận báo chí và người
dân Nam Kỳ, như hồi mùa xuân năm 1926 hay vụ độc quyền cảng vụ Sài Gòn. Peycam
đưa lại một số nhân vật đã rất bị lãng quên, đặc biệt là Nguyễn Háo Vĩnh. Nhờ
các tài liệu mà Peycam thu thập được, ta mới biết không chỉ Võ Nguyên Giáp từng
dính dáng tới Louis Marty, mà còn có một số người Việt Nam khác nữa, trong đó
có Nguyễn Háo Vĩnh. Hoặc nhóm Huỳnh Phúc Yên.
Tôi quan tâm hơn đến giai đoạn báo chí Việt Nam từ 1930 trở
đi, nên cuốn sách này với tôi rất có giá trị. Nó là một nghiên cứu đứng đắn.
Nhưng tôi vẫn thấy buộc phải chỉ ra những thiếu sót của nó, ở đây tôi chỉ nói đến
duy nhất một điều, theo tôi là quan trọng hơn cả.
Nhan đề là Làng báo
Sài Gòn 1916-1930 (tất nhiên, tên tiếng Việt không chuyển dịch chính xác
tên gốc: The Birth of Vietnamese Political
Journalism: Saigon, 1916-1930; tất nhiên ta hiểu Peycam muốn nói tới “báo
chí chính trị”), nhưng Peycam có một số ưu tiên quá lớn làm lệch đi một miêu tả
tổng quát. Theo tôi, Peycam đã quá coi trọng Trần Huy Liệu, bị Trần Huy Liệu hấp
dẫn quá mức. Thế nhưng, kể cả có giai đoạn Đông
Pháp thời báo, Trần Huy Liệu không phải là một nhà báo lớn. Đó là một người
hoạt động chính trị rất kỳ lạ, giai đoạn Nam Kỳ này thì tham gia đảng Thanh
Niên, ngay sau đó lại liên kết với Việt Nam Quốc dân đảng (xem thêm ở đây) rồi
thành ra như thế nào thì chúng ta đều đã biết. Một quá khứ kiểu như vậy hẳn
chính là nguyên nhân khiến yếu nhân Trần Huy Liệu sau này chỉ làm đến chức Viện
trưởng Viện Sử học; nhưng dẫu sao thế cũng là may, vì vậy nên đã có chỗ cho Đào
Duy Anh ngồi dịch sách.
Nhưng Trần Huy Liệu trong thập niên 20 ở Sài Gòn không phải
nhân vật lớn của báo chí. Peycam có vẻ có quan niệm về “chính trị” còn hẹp
hơn người Việt Nam thông thường: các nhà báo Sài Gòn hồi ấy về cơ bản đều có một
kích thước chính trị rất mạnh mẽ. Không phải vô cớ mà chỉ đến 1928, cũng trên Đông Pháp thời báo, Phan Khôi đã đập cho
Trần Huy Liệu tơi tả, nhân cuốn Một bầu
tâm sự. Trong làng báo Nam Kỳ, Trần Huy Liệu không có vị thế như Peycam có
thể tưởng. Và bởi quá quan tâm đến Trần Huy Liệu, Peycam đã có những bỏ sót rất
ngoạn mục. Ở đây, tôi chỉ nói đến một trường hợp: Đào Trinh Nhất. Viết về giai
đoạn này mà không có Đào Trinh Nhất tức là chưa hiểu sâu về làng báo Sài Gòn.
Peycam có nhắc lướt qua Bùi Thế Mỹ nhưng về cơ bản đã bỏ sót không ít nhà báo lớn;
cũng có nhắc đến tờ Đuốc Nhà Nam
nhưng lại không thấy vai trò của tờ này. Mà Đào Trinh Nhất thì lại rất liên
quan đến nhiều câu chuyện mà Peycam muốn thuật lại và phân tích trong cuốn sách
của mình. Và cả vai trò của Phan Khôi nữa.
Xem thêm về Đào Trinh Nhất ở đây.
Xem thêm về Đào Trinh Nhất ở đây.
Bản dịch tốt, ổn thỏa, Trần Đức Tài hiểu sâu nội dung cuốn
sách, tuy rằng nếu soi kỹ thì cũng nhặt ra được một số thứ, ví dụ khi tác giả
viết “Ancien Régime” mà dịch ngay thành “chế độ cũ” thì không ổn: đây là một
khái niệm khá lằng nhằng trong phân kỳ lịch sử Pháp. Thỉnh thoảng ta lại thấy
những câu trời ơi đất hỡi, ví dụ như: “Với tờ La Cloche Fêlée cùng những tờ bắt chước phong cách này, vốn chỉ có
sức thu hút với những bộ phận trẻ Tây học trong dân chúng Việt Nam.” Câu vừa
xong muốn nói gì? Thật ra, kinh nghiệm đọc sách Việt Nam của tôi cho thấy: những
câu kiểu thế này rất hay là dấu vết cho thấy nhà xuất bản đã cắt bớt đi một hoặc
nhiều ý nào đó. Cắt đi nhưng không chỉnh lại cho kỹ, thành ra như thế.
Phần “thư mục” rất đáng nói, nó bộc lộ kha khá sai lầm. Tôi
chỉ liếc nhanh các sách và tài liệu có tác giả là người Việt: ngay quy cách viết
tên đã không thống nhất, và rất nhiều điều sai: “Dương, NhưĐức” [sic]: đây là Dương Đức Nhự, dịch giả tiếng
Anh rất nổi tiếng tại Sài Gòn trước 1975; “Hoàng, Tiên”: tác giả cuốn sách về
chữ quốc ngữ ấy là Hoàng Tiến chứ không phải Hoàng Tiên; “Phạm, Thị Ngoàn”: bà
con gái của Phạm Quỳnh tất nhiên là Phạm Thị Ngoạn chứ không phải Phạm Thị
Ngoàn; “Phương, Lan và Bùi Thế Mỹ”: tác giả cuốn sách về Nguyễn An Ninh ấy là
Bà Phương Lan Bùi Thế Mỹ; “Trinh, Văn Thao”: tất nhiên là Trịnh Văn Thảo; “Võ,
Long Tề”: đây là Võ Long Tê.
Nhân tiện đúng dịp, khoe một món mà tôi lấy làm tự hào cao độ
trong bộ sưu tập báo chí Việt Nam của tôi: một số La Cloche Fêlée, ở số này nhân vật trung tâm là Phan Văn Trường, và
có cả quảng cáo cho cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn An Khương tức là thân phụ của
Nguyễn An Ninh:
- Mitchell Stephens, Hơn
cả tin tức. Tương lai của báo chí, Dương Hiếu, Kim Phượng và Hiếu Trung dịch,
NXB Trẻ, 381tr., 115.000đ.
Báo chí “truyền thống” trong mối tương quan với một thứ ngày
nay rất thời thượng được gọi là “truyền thông xã hội”.
- Còn một quyển nữa tên là Nhà báo điều tra của Đức Hiển, mà tôi nhét vào đâu mất rồi nên chẳng
biết nói gì về nó nữa. Đức Hiển thuộc thế hệ nhà báo tiếp theo thế hệ của những
người giống như Huỳnh Dũng Nhân, cái thế hệ viết phóng sự như kể chuyện. Cùng lứa
tuổi với Đức Hiển còn có một nhà báo rất nổi tiếng nữa là Đào Tuấn. Thật ra vẫn
còn một người thứ ba, là Đỗ Doãn Hoàng, nhưng theo tôi Đỗ Doàn Hoàng thuộc vào
phía các nhà báo rất diêm dúa, cho nên hơi khác.
II) Sách khác
- William Trevor, Sau
mưa, tập truyện ngắn, Hà Nguyễn dịch, NXB Phụ nữ, 334tr., 79.000đ.
Trevor là một nhà văn Ai len rất nổi tiếng, chuyên viết truyện
ngắn. Tập này gồm 12 truyện. Trevor viết rất, rất nhiều, ta có thể mường tượng
phần nào nếu nhìn vào đây, để xem chỉ một tuyển tập truyện ngắn đã dày hự đến
thế nào:
Tiết lộ thêm một thông tin hậu trường xuất bản tại Việt Nam:
bản dịch này ban đầu đã tìm đến tôi :p
- Anatole France, Thiên
thần nổi loạn, Đoàn Phú Tứ dịch, Tao Đàn & NXB Hội Nhà văn, 340tr.,
98.000đ.
Tái bản tác phẩm rất nổi tiếng của France, bản dịch cũng cự
phách của Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ. (xem thêm ở đây)
- Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra của Oriana Fallaci
Xem thêm ở đây
- Trà hoa nữ của Alexandre Dumas con, bản dịch mới
Xem thêm ở đây
- Nguyễn Ngọc Tiến, Đi
xuyên Hà Nội, khảo cứu, NXB Trẻ, 341tr., 95.000đ.
Một trường hợp rất là thú vị. Trước đây Nguyễn Ngọc Tiến đã
viết Đi ngang Hà Nội và Đi dọc Hà Nội, tôi từng viết
review về một trong hai (xem ở đây).
Như vậy là sau Me Tư Hồng,
Nguyễn Ngọc Tiến đã quay trở lại với hình thức quen thuộc là các bài rời tập hợp
lại thành sách.
Như thế đỡ hơn hẳn, vì Me
Tư Hồng là cuốn sách hỏng hoàn toàn. Ý đồ tiểu thuyết hóa một nhân vật có
thật đã trở thành một màn trình diễn mê lô, pathetic đáng ngại. Đặc biệt, ở Me Tư Hồng, Nguyễn Ngọc Tiến đã thể hiện
một năng lực khảo cứu đáng kinh ngạc: ghi sai nguồn tham khảo quan trọng nhất,
là tác phẩm Cô Tư Hồng của Đào Trinh
Nhất. Giới sưu tầm báo chí chúng tôi đã hết sức kinh ngạc với màn thể hiện kiến
thức sai toét của Nguyễn Ngọc Tiến về tờ Trung
Bắc Chủ nhật. Còn đáng kinh ngạc hơn: nếu giả dụ Nguyễn Ngọc Tiến có đọc Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất thật, thì
còn viết Me Tư Hồng, nghĩa là kém rất
xa Cô Tư Hồng, để làm gì? Thế mới thấy
Đào Trinh Nhất giỏi hơn đám hậu sinh chúng ta biết bao nhiêu.
Ở cuốn sách Đi xuyên
Hà Nội này, Nguyễn Ngọc Tiến vẫn không thôi làm tôi kinh ngạc, mặc dù đã biết
từ trước khi đọc là sẽ có những thứ rất bực mình.
Đây, chính xác là câu đầu tiên của cả cuốn sách, tức câu đầu
tiên trong bài “Biệt thự và thân phận”:
“Trước khi trở thành thành phố nhượng địa (concession) vào
năm 1888 thì chính phủ Pháp đã có kế hoạch xây mới, mở rộng Hà Nội với mục đích
cai trị làm căn cứ để bình định các tỉnh Bắc Kỳ, chiếm đóng Việt Nam lâu dài.”
Ông Nguyễn Ngọc Tiến đùa à? Câu như thế này thì chỉ có thể
hiểu chủ ngữ là “chính phủ Pháp”, và phải hiểu chính phủ Pháp trở thành thành
phố nhượng địa. Đọc sách của Nguyễn Ngọc Tiến thì cũng sẽ thu lượm được nhiều
thông tin lặt vặt hay đấy (nhưng luôn luôn phải kiểm chứng), nhưng rất mệt vì cứ
phải chỉnh hộ tác giả câu cú. Mà sách thì đắt. Mà ông Nguyễn Ngọc Tiến có thể tính là tác giả cuốn sách thứ năm rồi, thế mà còn viết lách như thế.
Sau đây, ta chờ đợi ông Nguyễn Ngọc Tiến viết thêm Đi ngược Hà Nội, hay tốt hơn nữa, Đi ra Hà Nội.
- Rất thích hợp cho công cuộc bốc phét:
Nhưng nói gì thì nói, theo tôi, muốn bốc phét cho nó hay thì
cũng nên đọc thêm một số quyển có tính cách chuyên môn, ví dụ như thế này:
- Bảo Ninh, Tạp bút,
NXB Trẻ, 441tr., 115.00đ.
Rất là nhiều bài, chia làm hai phần, một phần về chính trị
xã hội, một phần về văn chương.
- Jon Krakauer, Vào
trong hoang dã, Lê Hồng Vân dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 374tr.,
79.000đ.
Lại thêm một điều huyền bí nữa trong thế giới xuất bản Việt
Nam: tại sao quyển Into the Wild này, vì cách đây vài năm đã có một bản dịch tiếng Việt, thế tại sao giờ lại có một bản dịch tiếng
Việt khác, và là từ hai cơ sở xuất bản khác nhau? Định kể câu chuyện này, nhưng
thôi, để cho nó tiếp tục là bí ẩn vậy :p
- Thạch Lam, Nắng
trong vườn, tủ sách “Việt Nam danh tác”, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn,
159tr., 42.000đ.
Ai cũng biết tôi có những suy nghĩ riêng như thế nào về Thạch
Lam, nhưng đó là đánh giá riêng, và là đánh giá ở trong một cách hình dung
riêng, tất tật không ngăn cản Thạch Lam vẫn là một tác giả quan trọng mà ta nên
đọc, nhất là đọc bản tái của ấn bản đầu tiên in năm 1938.
- Nam Xuân Thọ, Phan
Thanh Giản (1796-1867), tủ sách “Góc nhìn sử Việt”, Alphabooks & NXB Hồng
Đức.
Một quyển tái bản khác nữa.
Nam Xuân Thọ là bút danh của Nguyễn Bá Thế. Nhưng tại sao lại
“Nam Xuân Thọ” nhỉ? Tôi nhớ quyển Phan
Thanh Giản này trước đây (chưa lục ra được) xuất bản hồi 1957 dưới cái tên
Thế Nguyên cơ mà nhỉ.
Ở Sài Gòn trước đây có hai “Thế Nguyên”. Một là nhà văn Thế
Nguyên (Trần Gia Thoại) của nhóm Trình Bầy, nhóm Đất Nước, tác giả cuốn Hồi chuông tắt lửa (tôi từng chụp ảnh quyển này rồi nhưng giờ tìm chưa thấy ở cái post nào) và Thế Nguyên tức Nam Xuân Thọ
này, tức là Nguyễn Bá Thế. Từng có thời gian xảy ra vụ lùm xùm giữa Nguyễn Bá
Thế và Nguyễn Q. Thắng liên quan đến cuốn sách mà họ cùng đứng tên tác giả.
- Lại thêm một Alphabooks:
Thật là may mắn, vì không còn là Đỗ Khánh Hoan của những Iliad, Odyssey (à nhầm, Odyssêy)
nữa, tức là “ngô bối” “ngô bối” nhức cả tai. Ngó qua bản dịch này (của An
Khánh) thấy rất tốt. Tuy nhiên, cách nói SCN (sau Công nguyên) là cách nói sai,
cần phải nói là “sau Thiên chúa” hay đừng “sau” gì cả.
Sách không rẻ: 159.000đ.
Quyển sách đứng đắn, chỉ dở nhất là “Thư ngỏ gửi độc giả” và
“Lời giới thiệu”, đều của cơ sở xuất bản Alphabooks. Tôi vẫn phải nói điều này,
mặc dù trong đó có nhắc đến tôi :p
- Quyển này mới mua, chưa giở ra xem, nhưng có vẻ hay:
và đây
III) Cuốn sách của tháng
Nó phải là cuốn sách này (510tr., 110.000đ):
Tháng này đúng là tôi được mùa, được nhắc đến trong tận mấy
cuốn sách liền. Quả được nhắc đến trong cuốn này thật là khác haha. Ông Chu
Giang Nguyễn Văn Lưu chửi tôi một thôi dài trong đó đấy. Nhưng tôi vẫn bầu cho
nó là cuốn sách của tháng, mặc dù thấy ông viết về tôi sai tè le ở nhiều chi tiết,
viết về những người khác cũng sai tè le nốt.
Tôi vẫn quyết bầu cho sách của Nguyễn Văn Lưu là cuốn sách của
tháng này. Sách của ông Nguyễn Văn Lưu mà không cháy hàng sau phát này thì tôi
không phải là người nữa.
Thế là ông Nguyễn Văn Lưu sẽ có thêm thu nhập nhé. Mặc dù
tôi có biết là ông có những nguồn thu nhập rất oách, ví dụ tiền nhuận bút ở mức
rất riêng cho một số bài viết hướng tới một số đối tượng cụ thể. Và cả tiền bán sách nữa :p (xem thêm ở đây).
Để ko làm thị trường khan hiếm trứ tác của ngự sử Chu Giang, kính đề nghị bác Nhị bốt "một thôi dài" lên đây cho chúng tôi thưởng lãm.
ReplyDeletekhồng, để đạt mục đích bán chạy sách thì phải bất chấp thủ đoạn chứ :'>
ReplyDeletekhông có Chỉ còn 4 ngày là hết tháng 4 của Thuận hả anh :?
ReplyDeletehê hê hê
Delete"Rất thích hợp cho công cuộc bốc phét"?????????
ReplyDeleteà ý mình là cho các đối tượng thích bốc phét, biến tấu trên chủ đề NBK, chứ ai mà dám nói xấu Ánh đại nhân :'( (mặc dù không được ngài tặng sách, phải tốn một đống tiền để mua huhu)
DeleteGiời ơi, trong phòng cũng không có sách tặng đâu. Đến tớ giờ còn chưa mua được sách nữa là :(
DeleteInto the Wild của em là bản bìa xanh của Thái Hà búc thì phải, em chưa ngó bản của NN, quyển này em rất thích hehehe
ReplyDeleteGia Định báo bản chữ Quấc ngữ không còn hiểm chứ Gia Định báo bản chữ Hán thì vẫn hiểm đấy bác, hehe
ReplyDeletea đây rồi đại cao thủ đây rồi: theo bác thì mốc 65 có chuẩn không? haha
DeleteCho đến giờ thì mốc ấy vẫn chưa bị đập vỡ, nay mai thì chưa biết. Hehe
DeleteTrong quyển "Làng báo Sài Gòn 1916-1930", đoạn viết về tờ "Đông Pháp thời báo" cũng ghi sai tên bà vợ của ông Đính. Đúng phải là Thạnh Thị Mậu chứ không phải Thanh Thị Mâu. Cũng bởi in ấn ngày xưa hay dùng chữ Việt không dấu rồi biên tập viên ngày nay có lẽ không am hiểu về các nhân vật trong giới báo chí xuất bản xưa. Bà Thạnh thị Mậu tuy không biết chữ nhưng lại có đóng góp rất lớn cho ngành xuất bản ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20. Hồi ấy báo Phụ Nữ Tân Văn đăng có bài viết về bà.
ReplyDeletetôi có người bạn hẹn sẽ gửi một list những nhầm lẫn đã nhặt ra được, nhất là nhầm từ người này qua người khác, trong quyển sách
DeleteNếu có thể, xin hãy công khai list những nhầm lẫn trong cuốn sách :p
DeleteEm thích từ "tè le", hehe:D:D
ReplyDeleteÀ, quyển Phan Thanh Giản 1957 đúng là Nam Xuân Thọ đấy bác :p
ReplyDeletehehe ok, tks bác
Deletecó thể nhận xét sơ bộ Các hung thần lên cơn khát được chăng hỡi bạn Nhị? tôi thấy giá khá cao, tên dịch giả cũng lạ và phần chú giải có vẻ sơ lược so với Thiên thần nổi loạn nên tâm tư quá thành ra dụt dè.
ReplyDeleteặc, Trần Mai Châu mà lạ, cùng nhóm Dạ đài với Trần Dần, Đinh Hùng và dịch nhiều thơ Pháp, quyển hung thần khát này cực hay đấy
ReplyDeletecám ơn nhiều. Đấy, chuyên gia phải có ý kiến thì mây mù mới vén đặng giời xanh mới lộ được.
ReplyDeletehoa tàn mà lại thêm tươi/trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
ReplyDelete"Lại thêm một điều huyền bí nữa trong thế giới xuất bản Việt Nam: tại sao quyển Into the Wild này, vì cách đây vài năm đã có một bản dịch tiếng Việt, thế tại sao giờ lại có một bản dịch tiếng Việt khác, và là từ hai cơ sở xuất bản khác nhau? Định kể câu chuyện này, nhưng thôi, để cho nó tiếp tục là bí ẩn vậy :p"
ReplyDeleteBác bật mí tí bí mật đi ạ :(
SCN thì sai rồi, nhưng TCN có bắt buộc phải ghi không ạ? Trong quyển Alexander thấy nhiều chỗ không ghi TCN lắm, kể cả bảng biên niên cuối sách.
ReplyDeletetất nhiên là bắt buộc chứ, vì quy ước ngầm là nếu không ghi gì thì sẽ phải hiểu là sau Thiên chúa
ReplyDeletenhưng tất nhiên nếu văn cảnh quá rõ ràng không thể nhầm thì không ghi cũng được
Cảm ơn anh. Vẫn biết thời này TCN nhưng lẽ ra nên ghi cho đủ, đột nhiên mở ra đọc thấy "Từ năm 331, Alexander đã..." cũng hơi giật mình.
DeleteInto the wild bản dịch cũ xài font chữ nghiêng mấy cái quote đọc khá là nhức mắt phần bìa thì ok.
ReplyDeleteCó vẻ cuốn của ô Lưu bán chạy phết. Ngoài hiệu sách mới xuất hiện thêm cuốn nữa trong cái bộ này :D. Sách ra cũng lâu rồi.
ReplyDelete