Jul 2, 2015

Lãi

Tháng vừa rồi lãi lớn, nhận được bao nhiêu quà tặng :p

Trước hết là đây:


Trông thù lù vậy thôi, nhưng là một thứ rất quý: số chuyên đề Hoàng Đạo của tạp chí Văn, số kép 107-108, một số khá là khó tìm.


Nếu có lúc nào tôi viết được "Tiểu luận thứ hai về Tự Lực văn đoàn" thì đương nhiên sẽ phải có trung tâm là Hoàng Đạo. Hoàng Đạo, anachronism, TLVĐ "cao" hay "thấp".

Trong số này, có một bài rất quan trọng của nhà văn Dương Nghiễm Mậu.

Tiếp đến là đây:


Số 2 và số 3 tôi cũng mới được tặng, giờ thêm số 1 nữa, vậy là đủ nguyên bộ, toàn được tặng :p cực lãi luôn. Thích nhất là những bộ tạp chí ít số, có thể oánh nhanh thắng nhanh, chứ còn nhiều quá, ví dụ tờ Đại học, chỉ còn thiếu vài ba số là đủ bộ mà mấy năm rồi tôi vẫn chưa xử lý được.

Một tập thơ:


Tiếp đến, một "nhật ký". Tôi từng nói về Nhật ký của Kafka, tác phẩm lớn nhất của Kafka. Nhật ký là tác phẩm văn chương lớn khi nó không thực sự là nhật ký. Trong lịch sử, ta đã có vài ví dụ về nhật ký với tư cách tác phẩm văn chương cực lớn: nhật ký của Paul Léautaud, nhật ký của Amiel, và quyển này:


Quyển này, vì vừa nhận được xong, nên tôi mới chỉ kịp xem cái bìa, lời giới thiệu và đoạn văn đầu tiên.

Kierkegaard là một cái gì đó vô cùng quan trọng, "tổ hiện sinh" theo như cách tính của lịch sử triết học. Kierkegaard có biệt hiệu "Hiệp sĩ của lòng tin", với rất nhiều tác phẩm cực kỳ oách về tôn giáo. Chẳng hạn, trong Fear and Trembling, Kierkegaard đặt câu hỏi: "Is there an Absolute Duty to God?" Khi còn trẻ, Kierkegaard từng "vào làng viết" với những bài điểm sách, trong đó có bài về các truyện của Andersen. Còn trẻ thế mà đã nhìn ra Andersen thì đúng là quái nhân, những "truyện kiểu Andersen", trong tiếng Đan Mạch gọi là eventyr, ta sẽ còn phải nói nhiều.

Nhưng Kierkegaard là người Đan Mạch, viết bằng tiếng Đan Mạch, đâu phải là người Đức, viết bằng tiếng Đức. Tôi không hiểu sao cả ở trên bìa lẫn trong sách tên của Kierkegaard lại được viết là "Sören", với chữ "o umlaut" trong tiếng Đức. Nếu muốn viết đúng, cái tên ấy phải dùng chữ o này: "ø", chứ không phải "ö". Còn nếu không, thà viết quách thành "Soren" với chữ "o" bình thường, chứ sao lại dùng "o umlaut".

Trong lời giới thiệu, cũng không thấy nói đến một quyển sách mà phàm dân thích đọc triết ở Việt Nam đều biết: Kierkegaard người chứng của chân lý do nhà xuất bản Ca Dao ấn hành tầm cuối thập niên 60.

Nội dung quyển này thì tôi khá rành (xem thêm ở đây), nên tôi rất ngạc nhiên: sao lại "mị tình"? có gì là "mị tình" đâu?

Đoạn đầu mà tôi đã đọc làm tôi khá phân vân.

"nằm bên trên là một quyển khổ bốn được đóng rất đẹp"

Kierkegaard định nói gì khi viết "quyển khổ bốn"? Rõ ràng dịch giả Quế Sơn đã không hiểu chỗ này. Chắc ông tưởng sách có "khổ một", "khổ hai", "khổ ba", "khổ bốn" vân vân, chắc ông nghĩ số càng to thì khổ càng lớn?

Tất nhiên là không phải. Đây là một thuật ngữ của ngành in. In ấn truyền thống làm như thế này: một tờ giấy lớn (gọi một cách phổ biến là "feuillet") được gấp lại, như thế mới tiện để đóng sách, sách in truyền thống khi đọc thì phải rọc, chính là vì kỹ thuật gấp giấy này. Thuật ngữ chính xác của "khổ bốn" là "in-quarto", viết tắt là "in- 4o". Khổ này tức là khi tờ giấy được gấp lại hai lần, tạo thành bốn tờ, tức là tám trang. Ta sẽ có các khổ khác ví dụ "in-octavo", "in-duodecimo", vân vân và nếu là "8" thì nhỏ hơn "4", số càng to thì khổ càng nhỏ. Khổ "in-quarto" mà Kierkegaard nói tới phải hiểu là khổ lớn, có thể nghĩ tương đương khổ giấy A4 quy chuẩn hiện nay.

Cũng trong đoạn đầu tiên: cái dòng chữ mà ta viết to trên bìa một quyển sách, nó không phải "tựa đề", mà là "nhan đề". Ngày nay trẻ con nông nổi cứ tưởng đó là "tựa", thì ok, sai mãi thành đúng theo quy luật đi, nhưng đã là người chữ nghĩa nhiều năm thì tốt nhất vẫn nên phân biệt.

Và đây:


Cuốn sách đẹp nên tôi rất vui lòng đọc lại. Tôi từng có một "giai đoạn Anatole France" chừng vài tháng, khoảng năm 1996, khi ấy tôi tìm đọc bất kỳ cuốn sách nào của France (đã bị Paul Valéry hạ sát ở đây). Tất nhiên Sách của bạn tôi, Đảo poanh goanh, đến cả những thứ kỳ bí hơn như Thais, Bông huệ đỏ. Sau này còn đọc thêm Sylvestre Bonnard. Nhưng tác phẩm hay nhất của Anatole France đúng là Thiên thần nổi loạn, quyển sách tôi đọc hồi đó chi chít chữ viết của tôi (trẻ con mà, các bác thông cảm :p)

Và nhất là được đọc lại bản dịch của một dịch giả vô cùng tuyệt vời: Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ (trong ấn bản này của Thiên thần nổi loạn, có đoạn giới thiệu về Đoàn Phú Tứ rất trân trọng). Đoàn Phú Tứ, đó là Stendhal, nhất là Rabelais, là những ngôn từ tuyệt đẹp, và nhất là cái chất dí dỏm của các nhà văn kiểu Anatole France được tái hiện rất thần tình:

"Chính đó, từ 1825 đến 1857, là nhà ở của bậc danh nhân dòng họ, ngài Alexandre Bussart d'Esparvieu"

"Trong các lầm lạc của tuổi trẻ, niềm tin của anh vẫn nguyên vẹn, vì anh có động gì đến nó đâu."

"Có đủ mọi thứ trong cái đống chất chồng những kinh điển lớn và kinh điển nhỏ thiêng liêng hay phàm tục đó, có đủ mọi thứ cho đến cả cái chủ nghĩa thực dụng mới toanh và trang nhã nhất hạng."

Vì cuốn sách này có trung tâm là thư viện của gia đình d'Esparvieu (thư viện ấy có đến 360.000 sách và tài liệu, nằm ngay gần nhà thờ Saint-Sulpice - nhiều lần France ý nhị ám chỉ đến thánh Michel: ai từng đến nhà thờ Saint-Sulpice, một nhà thờ rất lạ lùng ở Paris, đều còn nhớ bức tranh rất lớn vẽ Michel giết chằn; đây là thánh địa của những người tôn thờ họa sĩ Eugène Delacroix) nên cũng có đoạn về các khổ sách, tức là "in-quarto" các thứ đấy. Đoàn Phú Tứ đã giải thích rất chuẩn xác, nhưng còn hay hơn, giải thích xong rồi thì sau đó khi nhắc tới khổ sách, ông ấy chỉ cần nói là "khổ nhỡ", "khổ lớn". Xử lý thế mới oách chứ.

Các bác cũng nên đọc quyển Đoàn Phú Tứ của Văn Tâm. Trong đời, nhà phê bình xuất sắc Văn Tâm từng viết ba cuốn sách về ba nhân vật, đều là tác phẩm để đời: về Vũ Trọng Phụng, về Tản Đà và về Đoàn Phú Tứ.

Quên mất, còn quyển này nữa:


6 comments:

  1. Thoạt nghe Thiên thần nổi loạn tôi lại ngỡ hồn ma Sidney Seldon lộn về. Thế "Mị tình" có tương tự "Lừa tình" không nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. anh SS là Thiên thần nổi giận thì phải chứ nhờ

      Delete
  2. Anh đã nhận được mấy dòng chữ bé mọn của em chưa ạ? :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. đã nhận mãi từ hồi tháng Năm rồi mà :p tks

      Delete
  3. ui xời, quên béng mất một quyển cũng mới được tặng, mới bổ sung rồi :p

    ReplyDelete
  4. Cháu mà cũng được tặng nhiều sách như bác chắc sướng tòi mỡ mất!!

    ReplyDelete