Sep 1, 2015

Mộng kinh sư

Một nhà văn đã hoàn toàn bị lãng quên: Phan Du. Có được nhắc tới trong một bộ sách to thì chỉ được nhắc tới phớt qua, không hề tương xứng với tầm vóc. Văn chương miền Nam có những nhà văn không hay được nói đến nhưng có tài năng rất lớn.

Mộng kinh sư:


(Cảo Thơm, 1971, bản đặc biệt số 88)

Đọc tập Hai chậu lan Tố Tâm trước đây, tôi đã rất thích, đã có cảm giác mình tìm thấy một nhà văn lớn. Nhưng gần đây, trong một chuyến đi Huế, ngồi giữa Huế mà đọc thật kỹ càng cuốn Mộng kinh sư này, hốt nhiên tôi nhận ra rõ ràng một văn chương tinh diệu, và nhất là tôi nhìn thấy chủ ý của Phan Du khi viết cuốn sách pha lẫn chính sử, dã sử, tùy bút, khảo cứu và hư cấu này.

Đích ngắm của nó là Hoàng Lê nhất thống chí, mặc dù không một lời nhắc đến bộ tiểu thuyết kỳ lạ ấy.

Hoàng Lê nhất thống chí, sau đoạn đầu tiên mấy trang tập trung vào Đặng Thị Huệ, là đến quận Huy và quận Việp. Ở bản dịch phổ biến nhất hiện nay (của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch) ta đọc thấy:

"Khi ấy Huy quận công Hoàng Tố Lý đang có danh vọng lớn, thường dựa vào sự giúp đỡ của Thị Huệ; mà Thị Huệ thường cũng lấy quận Huy làm chỗ nhờ cậy bên ngoài.

Quận Huy người làng Phụng Công, là cháu Bình Nam thượng tướng quân Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc, vẻ người thanh dật, là tay văn võ toàn tài. Khoa thi hương năm Ất Dậu (1765), Huy đi thi được trúng cách; đến khoa thi võ năm Bính Tuất (1766) Huy lại đỗ luôn tạo sĩ. Hồi ấy Ân vương còn đang trọng dụng quận Việp, mới gả con gái thứ cho quận Huy.

Uy quyền quận Việp mỗi ngày một lớn. Có người ngờ sẽ xảy ra điều gì bất trắc, hoặc cũng có kẻ bảo quận Việp sắp lấy thiên hạ để truyền cho quận Huy."

Hoàng Lê nhất thống chí là một "account lịch sử" của Đàng Ngoài, chúa Trịnh và vua Lê, mở đầu bằng hậu kỳ Hoàng Ngũ Phúc thắng trận trở ra Bắc.

Mộng kinh sư của Phan Du thì lại là "account" của Đàng Trong. Và nó kết thúc đúng vào thời điểm chúa Nguyễn thứ chín (Duệ Tôn), nhất là quốc phụ Trương Phúc Loan, bị quân lính nhà Trịnh (mang danh nghĩa vua Lê) dưới sự chỉ huy của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc tiêu diệt ở Huế, "kinh sư". Tức là Mộng kinh sư nối thẳng vào Hoàng Lê nhất thống chí, hai tác phẩm ấy cộng vào với nhau thì đủ câu chuyện từ Nguyễn Hoàng Gia Dũ đến Nguyễn Gia Long.

Tôi từng nhìn thấy một truyện ngắn của Phan Du đăng trên tờ Tiểu thuyết thứ Bảy của Tân Dân trước 1945. Giai đoạn miền Nam là vài tập truyện ngắn và vài cuốn sách khảo cứu, tất cả đều có chất lượng rất cao. Phan Du quả là một nhà văn kín đáo, mãi năm ngoái tôi mới tìm được người quen của Phan Du trước đây, và nhìn thấy những bức ảnh một thời, chụp hình ảnh những cuộc gặp gỡ, đám cưới trong đó Phan Du có xuất hiện. Hồi ấy, Phan Du thân thiết với một nhân vật nổi danh khác của miền Trung là Nguyễn Văn Xuân. Nguyễn Văn Xuân chứ không phải Nguyễn Đắc Xuân. Đọc Phan Du hay Nguyễn Văn Xuân mới thấy tiếc thời gian vì trước kia, về triều Nguyễn, thời tôi còn trẻ, toàn là sách về chín chúa mười ba vua của Nguyễn Đắc Xuân, rồi Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc của Phạm Khắc Hòe.

Mãi rất gần đây tôi mới xác định được chính xác, Phan Du là em trai của sử gia Phan Khoang, họ là con của tiến sĩ Phan Quang, một trong "ngũ phụng tề phi". Ngoài Mộng kinh sư, Phan Du còn viết một cuốn sách tương tự về Quảng Nam. Thời ấy, Việt sử: xứ Đàng Trong của Phan Khoang là một cuốn sách rất quan trọng mà ngày nay ý nghĩa của nó đã phôi pha nhiều, với sự xuất hiện rộng rãi của những bộ sách lịch sử như Ô Châu cận lục và sử liệu triều đình, những tư liệu Phan Khoang từng sử dụng để viết sách, giống như là thuật lại tư liệu cho người khác đọc. Cảm hứng về Đàng Trong từng nổi lên rất mạnh; thời ấy ở miền Nam, sách vở và nhiều tờ tạp chí (Đại học, Văn hóa nguyệt san, Quê hương...) có rất nhiều thứ nằm trong cảm hứng và sự lưu tâm này. Một tác phẩm rất nổi bật thời ấy là Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, ông sư Trung Quốc được chúa Nguyễn trọng vọng mời sang thăm thú. Tác phẩm của Phan Khoang nhìn chung đã đi hết hành trình của nó và tương đối lỗi thời trong ngành lịch sử, nhưng vẫn còn lại giọng văn khách quan ấy: khi viết về Phạm Quỳnh, tôi thấy trích dẫn Phan Khoang trong Việt Nam Pháp thuộc sử là tốt hơn cả (xem thêm ở đây).

Nhưng Phan Du thì không như thế, vì Mộng kinh sư ngoài giá trị khảo cứu điềm đạm còn là một văn chương tinh diệu, và cũng điềm đạm. Những thứ như thế này không dễ bị lỗi thời. Câu chuyện của Phan Du bám chặt lấy chùa Thiên Mụ (Linh Mụ) được Nguyễn Hoàng cho xây dựng từ rất sớm, giống như biểu tượng hưng vong của kinh sư. Mộng kinh sư khởi đầu từ sau đoạn Trịnh Kiểm, Nguyễn Kim, đến lúc Nguyễn Hoàng bỏ chạy khỏi Thăng Long để giữ lấy thân, rồi vừa lòng với Ái Tử (Quảng Trị) rồi dựng đại bản doanh ở đó.

Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi

(thơ vịnh sử của Hoàng Cao Khải)

Kinh đô sẽ dịch chuyển từ Ái Tử vào sâu hơn, Kim Long, rồi như ta biết hiện nay, qua các đời chúa, mỗi chúa có một đặc điểm riêng, công trạng riêng, Chúa Sãi, Chúa Thượng, Chúa Hiền... mỗi người một vẻ. Câu chuyện của Mộng kinh sư sẽ có đối ứng với Hoàng Lê nhất thống chí ở hành xử và đóng góp của các triều thần nổi bật. Những cuộc chiến Trịnh-Nguyễn (hình như tổng cộng là bảy đợt trong thế kỷ XVII) với những thất bại của Trịnh Tạc làm cho vị thế của kinh sư Đàng Trong ngày càng vững chắc.

Đặng Thị Huệ của Đàng Ngoài trong Hoàng Lê nhất thống chí khuynh đảo quốc gia như thế nào thì nàng Tống thị với độc chiêu vòng kết trăm hoa quyến rũ nam nhân gây đảo điên cho kinh sư và mấy đời chúa bấy nhiêu. Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc sẽ tiêu diệt Trương Phúc Loan quyền thế lệch trời trong Huế, thay ngôi đổi chúa, để rồi ra Bắc cũng lại gieo rắc mầm mống của các quyền thần kiêu mạn, rắc rối.

Quân của Hoàng Ngũ Phúc tiêu diệt chúa Nguyễn, gia tộc và triều thần, nhưng lại để sót một thằng bé mới hơn mười tuổi, Nguyễn Phước Ánh, Gia Long hoàng đế sau này. Trước đó, Trương Phúc Loan tiêu diệt đối thủ nhưng lại để chạy thoát một môn khách, người ấy sẽ bỏ chạy sâu hơn vào Nam, rồi trở thành thầy dạy cho Nguyễn Nhạc. Phan Du trong Mộng kinh sư đặc biệt tài năng và khéo léo trong việc miêu tả mầm mống họa phúc. Một cuốn sách rất kỳ lạ.

7 comments:

  1. Hấp dẫn quá, Nhã Nam xuất bản lại đi cụ

    ReplyDelete
  2. Nhị Linh hóa ra ít đọc sử nam triều và dã sử nam triều nhỉ. Bởi thế, nên thấy sách này lạ mà thôi.

    ReplyDelete
  3. hehe đúng là không đọc hết, mà đọc hết làm gì?

    quan trọng là văn chương của Phan Du í chứ, còn chuyện chép ở trong đó về cơ bản sách sử nào mà chẳng có

    à mà bác đọc quyển này chưa?

    ReplyDelete
  4. sách đã được tái bản, mà không biết có bị sửa chữa gì so giới nguyên bản không. mình đọc thấy phần giới thiệu sách khá hay, search thêm về tác giả thì lọt vào đây : )

    ReplyDelete
  5. Mình viết là "không biết có bị sửa" hay không mà.

    ReplyDelete
  6. đã có nhiều người khen Mộng Kinh Sư, nhưng bài review này còn khiến người ta muons đi tìm đọc thêm về bản thân nhà văn Phan Du nữa, thật là hấp dẫn quá chừng ♡ v ♥

    ReplyDelete