Sep 27, 2015

Một nhân vật nữa

Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở lòng em cô độc quá
Khách ngồi lại cùng em đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu say
Đây rượu nồng và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử
Chớ đạp hồn em trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn
Gió theo trăng từ biển thổi qua non
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn

Thiên tài của Xuân Diệu, tuy rằng phát lộ chỉ một thời gian không dài, thực sự tuyệt diệu ở những khoảnh khắc ríu rít rối bời của cảm giác, hình ảnh, âm điệu. Cứ đợt nào sáng trăng như Hà Nội lả lướt mấy hôm nay, tôi lại nhớ đến Xuân Diệu (các bác đặc biệt chú ý nhé: "và hồn của em đây", một tuyên ngôn quá đỉnh, quá mức ý vị :p). Xuân Diệu còn nhập đồng thiếp được vài lần nữa, không chỉ trong "Lời kỹ nữ", như trong bài "Hoa đêm" dưới đây:

Miệng thở ra hương hương tỏa tình ngầm
Hoa kỳ nữ đã mở lời trêu ghẹo
Chàng gió lạ đi khuya ngoài khuất nẻo
Nghe tiếng thơm liều liệu đến tìm hương
Cánh du lang phơ phất phấn qua tường
Áo công tử dải là vương não nuột

Nhưng tôi không định nói đến Xuân Diệu (càng ngày tôi càng thấy thơ Xuân Diệu bị nhạt màu - đó là nhà thơ đỉnh cao của tôi hồi tôi mười sáu tuổi). Tôi muốn nói đến một nhân vật khác, cũng bị lãng quên từ rất lâu, một sự lãng quên cũng bất công như hầu hết mọi sự lãng quên trên đời.

Đó là Tchya (Đái Đức Tuấn).

Lại thêm một nhân vật nhiều vướng mắc về tiểu sử (như cả một đại đội ở đây). Nhưng trong số những nhà văn Việt Nam từng viết truyện ma quái, kinh dị pha màu sắc đường rừng, Tchya rất xuất sắc, hơn Lan Khai nhiều.

Tủ sách "Việt Nam danh tác", sau khi mở được con đường cho "vệt quỷ dị" (xem thêm ở đâyở đây), tác phẩm thứ hai sẽ là Ai hát giữa rừng khuya của Tchya.

Tchya người Thanh Hóa và đặc biệt chú tâm đến vùng núi non Tam Điệp. Ai hát giữa rừng khuya ngoài đoạn cuối diễn ra quanh vùng Lào Cai (một dải núi non hiểm địa nữa), có hai địa điểm quan trọng là Gôi ("Xe lửa qua Gôi qua Ninh Bình" - Nguyễn Bính) và Tam Điệp. Tôi vừa nói đến "hổ" (xem ở đây) thì ngay lập tức đã có thể thông báo là nhà văn chuyên viết về hổ đã sắp xuất hiện trở lại :p

Hai tác phẩm rất đặc biệt của Tchya về hổ là Thần hổ và sau đó vài năm, Ai hát giữa rừng khuya, cả hai đều đăng trên Phổ thông bán nguyệt san. Với Tchya, ai đã bị hổ để ý thì không bao giờ có thể thoát được, dẫu có tìm mọi cách để chạy trốn. Ai hát giữa rừng khuya còn là một câu chuyện về ma hát ả đào, giai nhân tuyệt sắc ôm đàn tì bà ("Đàn mang tên đáy mà không đáy" - Vũ Hoàng Chương). Mức độ ma quái trong văn chương Tchya vô cùng rùng rợn nhưng đẹp. Văn chương Việt Nam luôn luôn có một dòng chảy của truyền kỳ, quỷ dị, đó là một đặc điểm rất lớn và nổi bật.

Tchya còn là một nhà thơ. Đây là bìa tập thơ hồi tiền chiến của Tchya:


(courtesy of VHT)

Tập thơ này hiếm đến mức nghe nói bản thân Tchya khi vào tới Sài Gòn cũng không có.

Chắc tôi sẽ còn phải quay lại với Tchya, một nhân vật theo tôi rất đặc biệt. Mảng dịch thơ Tàu của Tchya dường như còn chưa được mấy ai biết đến.

Nhân tiện đang thông báo sách mới: chỉ mai kia là đã có thể mua cuốn mới của Alain de Botton (về cuốn đầu tiên dịch ra tiếng Việt, xem ở đây): Sự an ủi của triết học.

Không cần phải nói với tôi về "level triết học" các thứ ở Alain de Botton hehe, tất nhiên là tôi hiểu rõ, nhưng với tôi Alain de Botton còn ý nghĩa hơn rất nhiều kiểu triết học khác, ở chỗ đó là sự trình bày triết lý, cách thức suy nghĩ, chứ không phải kiến thức triết học. Triết học ở Việt Nam là một thứ vón cục của kiến thức và càng ngày càng trở thành một thứ dùng để hù dọa lẫn nhau.

Vả lại, cứ ai nói hay về Montaigne như Alain de Botton trong Sự an ủi của triết học là tôi thấy thích :p

6 comments:

  1. "Triết học ở Việt Nam là một thứ vón cục của kiến thức và càng ngày càng trở thành một thứ dùng để hù dọa lẫn nhau"
    chuẩn như Trí Uẩn

    ReplyDelete
  2. Rất nhiều đầu sách trong "Việt Nam danh tác" đã từng trở lại đầu những năm 2000 trong tủ sách "Văn học Việt Nam" của NXB Văn nghệ á anh.

    ReplyDelete
  3. hehe lịch sử xuất bản nói ngắn gọn chỉ là in cái mới và in lại cái cũ, có gì khác nữa đâu

    nxb Văn nghệ đã là gì so với Sài Gòn thập niên 60, đầu 70, các nhà như Trường Sơn, Phượng giang, Đời nay, Văn nghệ (lại cũng Văn nghệ), Hoa tiên vân vân, hoặc Hà Nội cuối thập niên 80 đầu 90

    ReplyDelete
  4. Tủ sách bạn đệ anh nói còn có cả Nguyễn Chánh Sắt, hội sách vừa rồi thấy Vạn huê lầu mà nát quá,hông mua.

    ReplyDelete
  5. Chắc NL chép lại theo trí nhớ tuổi 16,đoạn Lời kỹ nữ ở trên chấm phẩy,xuống dòng ác liệt lắm

    ReplyDelete
  6. không đến mức thế, phẩy thì không nhớ thật, nhưng giật cấp thì hình như có mỗi cái chỗ sau "chớ đạp hồn em" thôi chứ

    ReplyDelete