May 28, 2016

Foucault, Barthes, Genette - một câu chuyện Pháp

ba nhân vật này rất quen thuộc với tôi, từ rất nhiều năm, nhưng cũng phải mất rất nhiều năm tôi mới xếp được họ ở cạnh nhau

khó nhất chính là xếp những gì mà ta quá rành (hoặc tưởng là mình quá rành): Michel Foucault là con người của trật tự, Roland Barthes là con người của diễn ngôn, từ đó dẫn tới câu hỏi văn chương là gì?, còn Gérard Genette là con người của điều gì?

lần cuối cùng tôi thực sự nhắc đến Foucault cách đây đã sáu năm (xem ở kia), không lâu sau khi từ chối mọi conference cho đại chúng, tôi cũng tách dần khỏi cả các conference dành cho dân chuyên môn, chỉ giữ một mức rất tối thiểu, chủ yếu là những lúc có trách nhiệm đọc phản biện một tham luận nào đó; nếu làm việc trong ngạch nghiên cứu văn học, và thích đi hội thảo, một năm, tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài, ta có thể đến vài chục cái hội thảo; ở Việt Nam từng có lời mỉa mai đối với các giáo sư văn học đi dự và phát biểu tại hội thảo về vật lý, nhưng như thế đã là gì, vì có giáo sư xuất hiện và phát biểu ở cả hội thảo về nông nghiệp (thật đấy, không nói đùa đâu)

khi ấy, tôi tự nhận thấy là phải tách khỏi, giữ một khoảng cách; tất nhiên, cũng có một nguyên do nho nhỏ khiến tôi thấy chán, đó là ở thời điểm đó, ai cũng nói đến Foucault, cái tên Foucault bay rào rào như cào cào

Foucault, Barthes và Genette có thể đặt cùng nhau trên cùng một mức độ, một mặt phẳng, hoặc một "strate" (thuật ngữ của Foucault) trước hết là bởi họ giữ một khoảng cách bằng nhau đối với một thứ, thứ đó là văn chương (nhân đây, tôi cũng không hiểu vì sao lại có thể dùng trộn lẫn như thể hai từ ấy tuyệt đối là đồng nghĩa, văn chươngvăn học, đây là hai điều hoàn toàn khác nhau cơ mà nhỉ)

đến khi xuất hiện ba nhân vật này (đồng loạt, với Barthes sớm hơn một chút, sinh năm 1915, còn Foucault sinh năm 1926 và Genette sinh năm 1930), văn chương trở nên không còn là một cái gì đó đương nhiên nữa

họ cũng phải đồng loạt, giống như khi Foucault nói tới sự không ngẫu nhiên của việc hầu tước de Sade và Chateaubriand sống cùng thời với nhau, Justine của Sade và Atala của Chateaubriand xuất hiện gần như cùng một lúc (ta cũng sẽ thấy không hề ngẫu nhiên khi phiên tòa xử Baudelaire liên quan đến tập thơ Les Fleurs du mal và phiên tòa xử Flaubert liên quan đến cuốn tiểu thuyết Madame Bovary được tổ chức sát sạt về thời điểm, cũng như việc Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Thiên Hư Vũ Trọng Phụng từng là hàng xóm và có thời điểm qua đời rất gần nhau)

văn chương, cho tới khi họ xuất hiện, đã bị hiểu thiếu đi mất một phương diện rất lớn; năm 1966 được coi là năm kỳ diệu của đời sống văn chương và học thuật nước Pháp (ở Việt Nam thì có hai mốc, 1946 và 1956), nó được coi là năm kỳ diệu chính là bởi vì vào năm này, cả ba người đều cho xuất bản tác phẩm quan trọng (Michel Foucault là Les Mots et les choses, Gérard Genette là Figures I, đây chính là cuốn sách đầu tiên của Genette, và Figures V tận mãi năm 2002 mới ra; năm 1966 Roland Barthes không hoàn toàn có cuốn sách nào, vì thời điểm của Barthes sớm hơn một chút, nhưng lúc này Barthes đã trở thành người đỡ đầu cho cả một thế hệ mới, cộng thêm một nguồn cảm hứng lớn vô bờ, Claude Lévi-Strauss - trong câu chuyện Pháp này không hề có vai trò của Jean-Paul Sartre đâu nhé, thật ra Sartre đã hết vai trò từ rất lâu rồi, thật ra còn phải đặt câu hỏi, Sartre có thực sự bao giờ đóng một vai trò nào không, hay thuần túy, từ đầu đến cuối, là một trompe-l'oeil, chẳng khác gì Albert Camus)

văn chương không phải là ngôn ngữ được sắp xếp một cách nghệ thuật, hay ít nhất là theo một cách thức nào đó khiến nó trở nên đặc biệt, mà văn chương (Barthes đã phải đặt ra riêng một từ, écriture, để mọi thứ khỏi bị lẫn lộn) đồng thời vừa có biểu hiện cụ thể là tác phẩm (hoặc văn bản - như thể được trích ra từ một cái gì đó lớn hơn nhiều) lại vừa, chính nó, tìm cách trả lời cho câu hỏi văn chương là gì?

về cơ bản, có thể coi Foucault và Barthes "phụ trách" điều vừa nói trên đây, và cũng cần không quá tin lời Foucault liên tục nói, rằng mình không mấy quan tâm đến văn chương (xem thêm ở kia), nhưng như vậy là vì nguyên do gì? vì sao bỗng dưng văn chương phải gánh lấy một trách nhiệm mới? là bởi vì (đây là điều do Foucault phát biểu) tu từ học - rhétorique - đã biến mất từ thế kỷ XVIII (chuyện bỗng dưng một cái gì đó biến mất không phải quá hiếm, ví dụ siêu hình học, xem thêm ở kia), nên không còn có lĩnh vực ấy để trả lời cho rất nhiều câu hỏi nữa, kết quả là văn chương phải nhận hết lấy khoảng trống ấy, mà tu từ học bỏ lại

từ đó mà có vai trò của Gérard Genette, vì trước hết và trên hết, Genette là một nhà tu từ học, người điền vào chỗ trống mênh mông, một công việc bất khả; Genette chính là người điền cho đủ ô trống mà bảng Aristote để lại, và năm tập Figures của Genette là về các biện pháp tu từ

cả bộ ba này đều chiếm vị trí then chốt trong việc diễn giải văn chương Marcel Proust; vị thế không thực sự chồng lấn vào địa hạt của văn chương ở họ khiến họ có đủ một khoảng cách để tránh rơi vào những điều dấm dớ bao đời nở rộ như nấm sau mưa: trong một "bàn tròn", Roland Barthes nói À la recherche du temps perdu chính là biểu hiện vật chất của Quyển sách Mallarmé (có ai biết quyển sách Mallarmé là gì không nhỉ?), Foucault chỉ ra đích xác bốn thời gian của Proust, còn Genette thì, điều này giới nghiên cứu văn học Việt Nam đều biết, có cả một hành trình trong đó "phép hoán dụ Marcel Proust" vô cùng đáng nhớ

trong bộ ba này, Gérard Genette hiện nay vẫn còn sống (xem thêm ở kia)


tiếp tục một chút câu chuyện về Gabriel Marcel, dưới đây là ấn bản đầu Être et avoir, 1935, của Marcel, đó cũng là nhật ký, nhưng không phải Journal métaphysique (Nhật ký siêu hình học) đã xuất bản từ trước (1927):


về Sartre triết gia, giờ còn có gì cần sờ đến nữa, ngoài quyển này?


5 comments:

  1. mình không hiểu sao người Việt lại quá sùng bái Sartre như thế? các tác phẩm của Sartre được kể theo kiểu cách nhìn của các nhân nhân vật thì gợi hứng từ mớ tiểu thuyết Mỹ Faulkner, Dos Passos.
    Còn cái ý tưởng trong cái cuốn buồn nôn hay les mots thì cái trò ngập ngụa trong cuộc sống phải thoát ra bằng ý tưởng biến cái khủng hoảng này nọ thành abc xyz thì là ảnh hưởng bởi Proust.
    Vậy tại sao Sartre lại được sùng bái ở VN như thế?

    ReplyDelete
  2. cũng có thể vì anh ấy dị tướng chăng

    ReplyDelete
  3. Tại vì anh ý là cánh tả chứ làm sao nữa

    ReplyDelete
  4. ok, cánh tả và dị tướng

    thế là quá đủ để giải thích rồi

    ReplyDelete