Feb 9, 2017

Ferragus

Tôi lại ngồi đó, và tôi lại đọc Balzac cho đến hết buổi chiều.

La Comédie humaine trước hết là một vở kịch, thế cho nên nó gồm nhiều cảnh, hay xen (scène). Balzac chia bộ sách thành các "étude", các étude lại gồm các scène: ta có "Études de moeurs" (các Ê-tuýt phong hóa), nó gồm nhiều scène, trong đó có "Scènes de la vie parisienne" (các xen về cuộc sống Paris), mở đầu phần này là trilogy Histoire des Treize (Truyện Mười Ba Quái Kiệt), và Ferragus là tiểu thuyết mở đầu bộ ba này. Đến Ferragus, nghĩa là ta đi đến trung tâm của La Comédie humaine. Ferragus là một kiệt tác lớn lao, một trong những tác phẩm cần phải xếp hàng đầu của toàn bộ La Comédie humaine, Histoire des Treize lại cũng chính là nơi cho thấy rõ nhất tại sao lại có cái nhan đề chung La Comédie humaine: đó là vì nó lặp lại Dante, lặp lại La divine comédie của Dante. Đặc biệt đoạn mở đầu Ferragus là mê cung; trong "thế giới" (từ "thế giới" ở đây dĩ nhiên dễ gây nhầm lẫn) balzacien có đủ các yếu tố của "thế giới" Dante, trong đó nổi bật nhất 1) mê cung 2) các vòng tròn 3) các tầng.

Ferragus đăng nhiều kỳ trên Revue de Paris đầu năm 1833.

Nhân tiện: mới thêm một đoạn rất rất rất dài ở Mặt bên kia của lịch sử hiện thời.


Ferragus

Tặng Hector Berlioz


Ở Paris có những phố bất lương cùng mức độ với một con người có thể mắc tội lỗi nhơ nhớp; rồi lại có những phố cao quý, rồi những phố chỉ giản dị là trung hậu, rồi những phố rất trẻ với hạnh kiểm còn chưa kịp được dư luận đánh giá; những phố sát nhân, những phố còn già hơn các bà quyền quý có thể già, những phố cần coi trọng, những phố lúc nào cũng sạch, những phố lúc nào cũng bẩn, những phố công nhân, cần lao, thương lái. Xét cho cùng, các phố của Paris mang phẩm chất con người, và thông qua tổng thể đặc điểm riêng chúng in lên chúng ta một số tư tưởng mà chúng ta không thể cưỡng lại. Có những phố giao du bất hảo nơi ta hẳn sẽ chẳng muốn ở, lại có những phố nơi ta sẵn lòng tổ chức lưu trú. Vài phố, chẳng hạn như phố Montmartre, có một khuôn mặt thật đẹp và kết thúc giống như đuôi cá. Phố Hòa Bình[1] là một phố rộng, một phố lớn; nhưng nó không đánh thức ý nghĩ cao quý tuyệt diệu nào, loại ý nghĩ vụt đến với một tâm hồn dễ nhận dấu ấn mới ở giữa phố Hoàng Gia[2], và chắc chắn là nó thiếu vẻ oai vệ ngự trị trên quảng trường Vendôme. Nếu dạo các phố trên đảo Saint-Louis[3], hãy chỉ hỏi nguyên do nỗi buồn chộn rộn bỗng chốc ụp lên ta ở nỗi cô đơn, ở không khí sầu thảm của các ngôi nhà và dinh thự lớn hoang vắng. Cái hòn đảo này, hài cốt của các quan thu thuế nông sản[4], giống như là Venise của Paris. Quảng trường Chứng Khoán[5] thì rộn lời thóc mách, hoạt bát, điếm; nó chỉ đẹp nhờ ánh trăng, vào lúc hai giờ sáng: ban ngày, đó là một sự thu nhỏ Paris; trong đêm, nó giống một cơn mơ mòng của Hy Lạp. Phố Traversière-Saint-Honoré chẳng phải một phố nhớp nhúa ư? Ở đó có những nhà nhỏ bệ rạc chỉ hai cửa sổ, ở đó, từ tầng này qua tầng kia, trú ngụ những xấu xa, những tội ác, và sự khốn cùng. Những phố hẹp hếch mặt về phía Bắc, nơi mặt trời chỉ viếng thăm dăm ba lần mỗi năm, là những phố sát nhân, giết người mà không bị trừng phạt; Công Lý ngày nay chẳng buồn thò mũi vào đó; nhưng xưa kia hẳn Nghị Viện có lẽ đã triệu thống lĩnh cảnh sát tới để xạc cho một trận vì các nguyên do trên, và ít nhất thì hẳn cũng đã ban hành một nghị định chống lại con phố, như xưa kia nó từng ban để trừng phạt các bộ tóc giả ở giáo khu Beauvais[6]. Tuy nhiên ông Benoiston de Châteauneuf[7] đã chứng minh rằng tỉ lệ tử của các phố này cao gấp đôi các phố khác. Để tóm tắt các ý tưởng trên đây bằng một ví dụ, chẳng phải phố Fromenteau[8] vừa giết chóc vừa có một lối sống tồi tệ đấy ư? Những quan sát này, không thể hiểu nổi ở bên ngoài Paris, hẳn sẽ được nắm bắt bởi những con người thiên về nghiên cứu và suy nghĩ, thơ ca và khoái lạc biết cách thu gặt, trong lúc đi vẩn vơ tại Paris, cái đống khoái thú bay lơ lửng, vào mọi giờ, giữa các bức tường của nó; bởi những con người thấy rằng Paris là con quái vật kỳ tuyệt nhất: kìa, người phụ nữ đẹp; xa hơn, già nua và nghèo khổ; nơi đây: mới toanh như tiền mà một triều đại mới phát hành; ở góc này, thanh lịch như một đàn bà đúng mốt. Mà lại là con quái vật hoàn chỉnh! Các tầng áp mái của nó, giống như cái đầu chất chứa hiểu biết và thiên tài; các tầng hai của nó, những cái bụng sung sướng; các cửa hiệu của nó, những bàn chân đích thực; từ đó xuất phát mọi con người hoạt bát, mọi con người bận bịu. Này! con quái vật có một cuộc sống lúc nào cũng hoạt náo như thế nào? Tiếng loạt xoạt cuối cùng của những chiếc xe đi vũ hội cuối cùng vừa ngừng ở giữa trung tâm là các cánh tay của nó rộn lên với các Rào Chắn, và nó chậm rãi lắc mình. Tất tật mọi cánh cửa ngáp dài, xoay trên bản lề của chúng, giống những cái càng một con tôm hùm lớn, được vận hành theo lối vô hình bởi ba mươi nghìn đàn ông hoặc phụ nữ, trong đó mỗi người sống bên trong sáu bộ vuông, nơi ấy có một cái bếp, một căn phòng, một cái giường, bọn trẻ con, một khu vườn, nhìn thì không rõ, nhưng phải nhìn mọi thứ. Âm thầm, các khớp nối nhúc nhích, chuyển động truyền đi, phố cất lời. Buổi trưa, mọi thứ sống động, các ống khói tỏa khói, con quái vật đang ăn; rồi nó gầm lên, rồi cả nghìn cái chân quờ quào. Cảnh tượng thật đẹp! Nhưng, ôi Paris! ai còn chưa ngưỡng mộ những phong cảnh u tối của mi, những vũng ánh sáng của mi, những ngõ cụt sâu và im của mi; ai chưa từng nghe thấy những thì thầm của mi, từ nửa đêm đến hai giờ sáng, kẻ ấy còn chưa biết một chút gì về thứ thơ ca đích thực của mi, cũng như những tương phản kỳ khôi và rộng lớn của mi. Có một nhúm nhỏ các tay a ma tơ, những người không bao giờ bước đi một cách đần độn, họ nhấm nháp Paris của họ, họ nắm rõ tổng thể đặc điểm của nó đến nỗi nhìn thấy ở đó một mụn cóc, một mụn đầu đinh, một đốm tàn nhang. Đối với những kẻ khác, Paris luôn luôn là kỳ quan gớm ghiếc ấy, sự kết hợp đáng kinh ngạc của các chuyển động, máy móc và suy nghĩ, thành phố của trăm nghìn tiểu thuyết, cái đầu của thế giới. Nhưng, đối với những người đã nhắc, Paris buồn hoặc vui, xấu hoặc đẹp, sống động hoặc chết ngắc; đối với họ, Paris là một sinh thể; mỗi con người, mỗi mẩu nhà là một mô tế bào của nàng kỹ nữ kỳ vĩ này, mà họ biết rành rẽ khuôn mặt, trái tim và các tập quán phi phàm. Thế nên những người ấy, họ là các tình nhân của Paris: họ nghếch mũi lên ở một góc phố này, vì chắc sẽ tìm thấy ở đó một cái đồng hồ; họ nói với một người bạn rơi vào tình trạng rỗng hộp đựng thuốc lá: Đi vào ngõ kia kìa, trong đó có một cửa hàng bán thuốc lá, bên tay trái, gần một hiệu bánh có ông chủ lấy được vợ đẹp. Đi trong Paris, đối với các nhà thơ này, là một món xa xỉ tốn kém. Làm cách nào để không tiêu tốn vài phút trước các tấn kịch, thảm họa, mặt người, những tình cờ diễm tuyệt ào đến với ta ở chính giữa bà hoàng của các thành phố có tính thích loay hoay này, trang phục là những tấm áp phích và thế nhưng không có lấy một góc nào sạch, vì nương tử ấy khoái chí biết bao với những trò xấu xa của đất nước Pháp! Ai còn chưa từng thấy xảy ra với mình chuyện buổi sáng rời khỏi nhà để tới mấy khu xa của Paris, đến giờ ăn tối vẫn chưa thể ra khỏi khu trung tâm? Những người ấy hẳn sẽ thứ lỗi cho phần mở đầu rất ma cà bông này, tuy nhiên, nó sẽ được chốt lại bởi một nhận xét cực kỳ hữu ích và mới mẻ, nếu như mà một nhận xét còn có thể mới mẻ tại Paris nơi chẳng có gì là mới, kể cả bức tượng mới hôm qua vừa được dựng, trên đó một thằng nhóc đã ghi tên nó lên. Vậy nhé, có những phố, hoặc những đoạn cuối phố, có một số ngôi nhà, không được phần lớn những người thuộc giới tai to mặt lớn biết đến, một phụ nữ thuộc giới ấy không thể lai vãng tới đó mà không khiến người ta nghĩ về mình những điều gây tổn thương nhẫn tâm nhất. Nếu người phụ nữ ấy giàu, nếu nàng có một chiếc xe, nếu nàng đi bộ hoặc cải trang, trong một số cuộc diễu hành của phong cảnh Paris, nàng sẽ tàn phá ở đó danh tiếng phụ nữ đoan chính của mình. Nhưng nếu, vì tình cờ, nàng lại còn đến đó vào chín giờ tối, các giả thuyết mà một người quan sát có thể tự cho phép mình sẽ trở nên đáng hãi hùng bởi những hệ quả của chúng. Rốt cuộc, nếu người phụ nữ ấy trẻ và xinh đẹp, nếu nàng bước vào một ngôi nhà nào đó thuộc một trong các phố ấy; nếu ngôi nhà có một lối đi dài và tối, ẩm ướt và hôi thối; nếu ở cuối lối đi chập chờn ánh sáng nhạt của một ngọn đèn, và bên dưới làn ánh sáng ấy hiện ra khuôn mặt gớm tởm của một mụ già với những ngón tay trơ xương; trên thực tế, ta hãy nói điều này, vì lợi ích của những phụ nữ trẻ và xinh đẹp, người phụ nữ ấy đã tiêu đời. Nàng rơi vào vòng cương tỏa của người đàn ông đầu tiên có quen biết gặp đúng nàng tại các đầm lầy Paris đó. Nhưng ở Paris có một phố này, nơi cuộc gặp ấy có thể trở nên tấn kịch khủng khiếp hãi hùng hơn cả, một tấn kịch đầy máu và tình yêu, một tấn kịch của trường phái hiện đại. Thật không may, niềm tin này, chất kịch nghệ này sẽ, cũng giống kịch hiện đại, chỉ được rất ít người hiểu; và thật thương xót biết bao khi kể một câu chuyện cho một công chúng không nhận thức được toàn bộ phẩm chất nơi này. Nhưng ai kẻ có thể hợm hĩnh là sẽ có lúc nào mình được hiểu? Tất tật chúng ta chết mà không được biết đến. Đó là lời của những người phụ nữ và đó cũng là lời của các tác giả.

Tám giờ rưỡi tối, trên phố Pagevin[9], vào cái thời phố Pagevin chẳng có lấy bức tường nào không nhắc lại một lời nhơ bẩn, và về hướng phố Soly, phố hẹp nhất, heo hút nhất trong tổng số phố Paris, đấy là đã tính cả góc nhộn nhịp nhất của phố vắng nhất; đầu tháng Hai, tính từ cuộc phiêu lưu ấy đến nay đã mười ba năm[10], một chàng thanh niên, do một trong những sự tình cờ không xảy đến hai lần trong cuộc đời, đi bộ, rẽ ở góc phố Pagevin để bước vào phố Vieux-Augustins[11], bên tay phải, chính cái nơi có phố Soly. Ở đó, thanh niên kia, vốn dĩ sống tại phố Bourbon[12], trong lòng hết sức vô tư lự, nhìn thấy nơi cô gái đang đi cách anh chỉ vài bước chân có vài điểm mơ hồ giống với người phụ nữ xinh đẹp nhất Paris, một con người thánh thiện và diễm lệ mà anh bí mật đem lòng yêu đắm đuối, và là yêu mà không hy vọng: nàng đã có chồng. Trong thoáng chốc tim anh giật nảy lên, một cơn nóng khủng khiếp trào ra từ cơ hoành và truyền đi trong tất cả các mạch máu, anh lạnh sống lưng, và cảm thấy trong đầu một đợt run rẩy thoáng qua[13]. Anh đang yêu, anh còn trẻ, anh lại biết rõ Paris; và sự sáng suốt nơi anh không cho phép anh không biết tới mọi thứ gì là nhơ nhớp tiềm tàng đối với một phụ nữ thanh nhã, giàu có, trẻ và đẹp, khi đi ở đây, với bước chân gấp gáp lẩn lút theo đường lối tội phạm. Nàng, ở nơi ô uế này, vào cái giờ này! Tình yêu mà chàng trai dành cho người phụ nữ ấy có thể coi là rất nhiều tính chất tiểu thuyết, và lại càng như vậy hơn nữa vì anh là sĩ quan thuộc Vệ binh hoàng gia[14]. Nếu anh ở bên bộ binh, thì chuyện còn có thể khả dĩ; nhưng vốn dĩ là sĩ quan kỵ binh cao cấp, anh thuộc về cái phần quân đội Pháp muốn là thần tốc nhất trong các cuộc chinh phục của nó, nuôi lòng tự mãn với các tập quán yêu đương cũng như trang phục của nó. Tuy nhiên niềm đam mê của viên sĩ quan này là thực, và đối với nhiều trái tim trẻ tuổi nó có vẻ rất lớn. Anh yêu người phụ nữ ấy bởi vì nàng đức hạnh, anh yêu sự đức hạnh nơi nàng, sự yêu kiều thánh thiện, sự thuần khiết đường bệ, giống như các kho báu quý giá nhất của niềm đam mê không được biết đến ở anh. Người phụ nữ ấy thực sự xứng để tạo cảm hứng cho một tình yêu kiểu Platonic mà ta bắt gặp giống như bắt gặp những bông hoa giữa các phế tích đẫm máu trong lịch sử Trung cổ; xứng đáng trở thành, một cách bí mật, nguyên tắc cho mọi hành động của một trang nam nhi; tình yêu cũng cao, cũng trong giống bầu trời khi nó xanh; tình yêu không hy vọng và ta gắn bó thật chặt, bởi vì nó chẳng bao giờ lừa dối; tình yêu hoang toàng những ngất ngây cháy bỏng, nhất là vào một độ tuổi khi trái tim thì ngùn ngụt, trí tưởng tượng thì khuấy đảo, và cũng là lúc cặp mắt một người đàn ông nhìn mọi thứ thật rõ. Ta bắt gặp tại Paris những hiệu ứng màn đêm rất đặc biệt, kỳ lạ, khó mà hình dung nổi. Chỉ những ai thích quan sát chúng mới biết những lúc ấy người phụ nữ trở nên kỳ ảo trong ánh hoàng hôn đến như thế nào. Khi tạo vật mà ta đi theo, vì tình cờ hoặc do cố ý, hiện ra thật thanh mảnh; lúc thì đôi tất, nếu thật trắng, khiến ta mơ tưởng cặp chân thon và nhã nhặn; rồi eo lưng, tuy được phủ một tấm khăn lớn, một cái áo lông, cho thấy tươi trẻ và ngồn ngộn trong bóng tối; rốt cuộc những luồng sáng dật dờ của một cửa hiệu hay một ngọn đèn đường khiến cô gái không quen biết như mang một vẻ huy hoàng thoáng qua, gần như lúc nào cũng lừa mị, nó đánh thức, nó châm ngòi cho trí tưởng tượng và đẩy cô gái đi quá địa hạt của cái đúng. Khi đó các giác quan nhộn nhạo lên, mọi thứ được tô màu và mọi thứ trở nên hoạt bát; người phụ nữ bỗng có một dáng vẻ hoàn toàn mới; cơ thể nàng đẹp hẳn lên; đôi lúc đó không còn là một phụ nữ nữa, đó là một con quỷ, một ánh ma trơi lôi kéo ta bằng một lực từ tính mãnh liệt tới một ngôi nhà tươm tất nơi cô gái tư sản tội nghiệp, vì sợ bước chân đầy đe dọa của ta hay đôi bốt gây nhiều ồn ã của ta, sập cánh cửa dưới mái vòm lại trước mũi ta mà chẳng buồn nhìn ta. Ánh sáng chập chờn hắt ra từ ô kính một hiệu giày đột nhiên rọi bừng lên, chính xác ở đoạn hõm lưng, vòng eo của người phụ nữ đang đi trước mặt chàng trai. A! chắc chắn rồi, chỉ nàng mới có dáng thắt lưng ong như thế kia! Chỉ nàng mới nắm được bí mật về cái dáng đi thánh thiện kia, hết sức trong trắng, nó càng làm nổi bật thêm vẻ đẹp những hình những khối thu hút nhất. Kia chính là cái khăn buổi sáng của nàng, kia cũng chính là chiếc mũ nhung buổi sáng. Trên đôi tất lụa màu ghi của nàng, không một đốm ố, trên giày nàng không có lấy một vệt bùn. Cái khăn quấn chặt thân người trên, mơ hồ vẽ nên những công tua tuyệt đẹp, và chàng thanh niên từng nhìn thấy hai bờ vai trắng muốt ở vũ hội; anh biết mọi thứ châu ngọc kiều lệ mà chiếc khăn kia đang phủ lên. Dựa vào cách thức một phụ nữ Paris uốn lượn trong tấm khăn, dựa vào cách thức nàng nhấc chân ở trên phố, một đàn ông trí tuệ đoán biết được bí mật trong chuyến đi bí hiểm của nàng. Có một cái gì đó không rõ thật run rẩy, thật nhẹ trong con người và trong dáng đi: dường như người phụ nữ bớt cân nặng, nàng đi, nàng đi, hoặc nói đúng hơn nàng lướt đi như một vì sao, và bay, được cuốn theo bởi một ý nghĩ mà các nếp li và cách xộc xệch của váy nàng tiết lộ. Chàng thanh niên vội rảo bước chân, vượt lên trước, ngoái đầu lại để nhìn nàng… Hụt! nàng đã biến đi mất vào một cái ngõ với cánh cửa song thưa và gắn phong linh sập lại và kêu tinh tang. Chàng trai trở bước, và nhìn thấy người phụ nữ kia ở tận sâu cái ngõ, đã đón nhận xong lời chào khúm núm của một mụ gác cổng già, đang đi lên một cầu thang xoắn vặn với các bậc đầu tiên được chiếu sáng rất mạnh; và madame vội vã, gấp gáp lao lên, đúng như một phụ nữ đang sốt ruột sẽ lao lên.

“Sốt ruột vì cái gì nhỉ?” chàng thanh niên tự hỏi, anh lùi lại, dán chặt lưng vào bức tường phía bên kia đường. Và con người bất hạnh ấy nhìn tất cả các tầng của ngôi nhà với sự chú tâm của một viên cảnh sát đang lùng tìm tên tội phạm của hắn.

Đó là một ngôi nhà giống cả nghìn ngôi nhà tại Paris, nhà nhơ nhớp, hạ tiện, hẹp, tông màu vàng khè, bốn tầng gác và ba cửa sổ. Cửa hiệu và tầng hầm thuộc về người thợ giày. Các chớp cửa sổ tầng hai đóng kín. Madame đi đâu? Chàng thanh niên nghĩ mình nghe thấy tiếng chuông cửa rung trên căn hộ tầng ba. Quả thật, có ánh đèn rung rinh trong một gian buồng hai cửa sổ được chiếu sáng rõ, và đột nhiên rọi sáng cửa sổ thứ ba với bóng tối thông báo phòng đầu tiên, hẳn là phòng khách hoặc phòng ăn của căn hộ. Ngay lập tức bóng dáng một cái mũ phụ nữ mơ hồ hiện ra, cửa đóng lại, căn buồng đầu tiên lại tối om, rồi hai cửa sổ cuối cùng quay trở lại với sắc đỏ của chúng. Vào lúc đó, chàng thanh niên nghe thấy: Cẩn thận, và bị giáng một cú đau điếng vào vai.

“Ông không chịu để ý gì hết thế hả”, một giọng nói lộ cộ vang lên. Đó là giọng của một công nhân vác trên vai một tấm ván dài. Và người công nhân đi qua. Người công nhân ấy đúng là người Thiên Khải, nói với chàng trai tò mò kia: “Anh bạn xía vào chuyện gì thế? Làm việc của anh bạn và để mặc cho dân Paris làm gì thì làm đi.”

Chàng thanh niên khoanh hai tay lại; rồi, không còn bị ai nhìn thấy nữa, anh để mặc cho những giọt nước mắt điên giận chảy dài trên má mà chẳng buồn chùi. Rốt cuộc, cứ nhìn mãi những cái bóng diễn kịch trên hai cửa sổ sáng đèn kia, anh cảm thấy đau khổ, anh nhìn lơ vơ về phần phía trên của phố Vieux-Augustins, và thấy một cỗ xe ngựa đỗ dọc một bức tường, tại một nơi không có cửa nhà cũng chẳng ánh đèn cửa hiệu.

Có phải nàng không? hay chẳng phải nàng? Cuộc sống hay cái chết đối với một người tình nhân. Và tình nhân ấy đợi. Anh ở đó trong vòng một thế kỷ tương đương hai mươi phút. Sau đó, người phụ nữ đi xuống, và khi ấy anh nhận ra người mà anh yêu trong bí mật. Tuy nhiên anh muốn được nghi ngờ tiếp. Người phụ nữ xa lạ đi về phía cỗ xe và bước lên.


“Ngôi nhà vẫn sẽ luôn luôn ở đây, lúc nào mình cũng sẽ có thể lục soát nó”, chàng trai trẻ tự nhủ, anh chạy đuổi theo chiếc xe với mục đích làm tan biến những mối nghi cuối cùng, và anh sẽ sớm chẳng còn chúng nữa.

Xe dừng trên phố Richelieu, trước một cửa hàng hoa, gần phố Ménars[15]. Quý bà bước xuống, đi vào hiệu, gửi tiền ra cho xà ích, và đi ra sau khi đã chọn lông hạc. Lông hạc cho mái tóc đen của nàng! Vốn là người tóc nâu, nàng đặt thử mấy sợi lông chim lên đầu để xem hiệu ứng mà chúng tạo ra[16]. Viên sĩ quan tưởng chừng mình nghe thấy cuộc trò chuyện của người phụ nữ ấy với các nhân viên cửa hàng.

“Thưa bà, chẳng gì có thể hợp với những người tóc nâu hơn được nữa đâu, những người tóc nâu có cái gì đó quá mức sắc nét trong các công tua, và lông hạc khiến cho phục sức của họ có một sự mơ hồ mà họ thiếu. Nữ công tước de Langeais[17] nói cái đó khiến một phụ nữ có một cái gì đó huyền ảo, nhiều tính chất Ossian[18] và rất đúng như phải thế[19].

- Được. Gửi gấp chúng tới cho tôi nhé.”

Rồi quý bà ấy vội vã rẽ về phía phố Ménars, và về nhà. Khi cửa dinh thự nơi nàng sống đã đóng lại, chàng tình nhân trẻ, đánh mất hết mọi hy vọng và, nỗi bất hạnh còn nhân đôi thêm, cả những tin tưởng quý giá nhất, bước đi trong Paris như một người say, và sớm thấy đang ở nhà mình mà chẳng biết đã làm thế nào về được tới đây. Anh ngồi phịch xuống một cái phô tơi, ở yên đó, hai chân gác lên thanh chắn lò, vục mặt vào hai bàn tay, hong khô đôi bốt ướt, thậm chí là đốt cháy chúng. Đó là một khoảnh khắc kinh hoàng, một trong những khoảnh khắc khi, trong đời người, tính cách biến đổi, và cũng là khi cách hành xử của con người tốt đẹp nhất tùy thuộc vào may mắn hoặc đen đủi của hành động đầu tiên anh ta làm. Thiên Hựu hay Định Mệnh, hãy chọn đi.

Chàng thanh niên này thuộc về một gia đình con nhà, tuy nhiên dòng dõi quý tộc chưa xa xưa cho lắm; nhưng ngày nay có quá ít gia đình cổ xưa, thành thử mọi thanh niên đều là cổ xưa khỏi phải bàn cãi. Tổ tiên của anh đã mua một chức vụ cố vấn ở Nghị viện Paris, nơi cụ trở thành chủ tịch. Các con trai của cụ, mỗi người được hưởng một gia tài lớn, khởi sự công việc phục vụ và, thông qua hôn nhân, vươn tới được triều đình. Cuộc cách mạng đã quét bay gia đình này; nhưng trong số họ có một bà quyền quý già[20] rất bướng bỉnh nhất định không chịu đi lưu vong[21]; bà, bị tống vào tù, bị đe dọa sẽ phải lĩnh án tử hình và được cứu sống nhờ các sự kiện ngày 9 thermidor[22], thu lại được tài sản của mìnhKhi tình hình êm, bà gọi về, quãng năm 1804, người cháu Auguste de Maulincour, hậu duệ duy nhất của nhà Charbonnon de Maulincour, được bà quyền quý già tốt bụng nuôi dạy với một sự tận tâm nhân ba, của bà mẹ, của người phụ nữ quý tộc và của bà quyền quý bướng bỉnh. Rồi, tới kỳ Trung Hưng[23], chàng thanh niên, lúc ấy mười tám tuổi, vào Nhà Đỏ[24], theo các hoàng thân đến Gand[25], được phong sĩ quan thuộc đội Cận vệ, rời khỏi đó để phục vụ trong quân đội thường trực, được gọi trở lại vào Vệ binh hoàng gia, tại đó anh, ở tuổi hăm ba, trở thành thiếu tá thuộc một trung đoàn kỵ binh, vị trí tuyệt hảo, và có được là nhờ người bà, mặc cho tuổi tác, bà vẫn rất rành thế giới của mình. Tiểu sử kép trên đây là tóm tắt cho lịch sử chung và riêng, không tính các dị bản, của mọi gia đình từng lưu vong, có những món nợ cũng như tài sản, có các bà quyền quý già cũng như tài xoay xở. Bà nam tước de Maulincour có ông bạn là vị đại diện nhà thờ de Pamiers[26] già nua, cựu giám quản của Đoàn Malte[27]. Đó là một tình bạn vĩnh cửu xây dựng trên những mối liên kết dài sáu chục năm, mà chẳng gì có thể tiêu diệt, bởi vì ở tận đáy sâu những mối quan hệ ấy luôn luôn có các bí mật của trái tim con người, có thể đoán là rất đáng ngưỡng mộ nếu có thời gian để đoán, nhưng nhạt nhẽo, có thể giải thích trong vòng hai mươi dòng, và hẳn có thể dùng để viết nên một tác phẩm dày bốn tập, cũng hấp dẫn như Vị đoàn trưởng Killerine[28] có thể hấp dẫn, đó là một trong các tác phẩm được đám thanh niên nhắc đến, bọn họ đánh giá các tác phẩm ấy nhưng chưa bao giờ đọc chúng. Vậy nên Auguste de Maulincour dính dáng tới faubourg Saint-Germain[29] thông qua người bà và thông qua ông đại diện, và đối với anh chỉ cần dòng dõi đã trải qua hai thế kỷ là đã có thể mang các dáng vẻ và ý kiến của những người nói gốc gác gia đình mình ngược lên đến Clovis[30]. Chàng thanh niên mặt tái này, cao và mảnh khảnh, vẻ ngoài thanh nhã, lại còn là con người của danh dự và của lòng can đảm đích thực, người sẵn sàng đấu súng mà không cân nhắc vì một điều có, vì một điều không, vẫn còn chưa trải qua một chiến trận nào, và anh đeo huy chương Bắc đẩu bội tinh. Đó là, ta có thể thấy rõ, một trong những lỗi lầm sống động của thời Trung Hưng, có lẽ là lỗi lầm dễ tha thứ hơn cả. Tuổi trẻ của thời này không phải tuổi trẻ của một thời kỳ nào khác: nó nằm ở giữa các kỷ niệm về Đế Chế và các kỷ niệm về Lưu Vong, giữa các truyền thống lâu đời của triều đình và các nghiên cứu nghiêm cẩn của giới tư sản, giữa tôn giáo và các cuộc vũ hội hóa trang, giữ hai Lòng Tin chính trị, giữa Louis XVIII người chỉ nhìn thấy hiện tại, và Charles X người nhìn xa trông rộng quá mức; rồi, buộc lòng phải tôn trọng ý chí Nhà Vua mặc cho vương quyền thì nhầm lẫn. Tuổi trẻ này không chắc chắn vào mọi sự, mù quáng và sáng suốt, bị cho là chẳng đáng tính đến trong mắt đám già khăng khăng giữ cho chặt công việc cầm cương Nhà Nước trong những bàn tay oặt oẹo của họ, trong khi nền quân chủ có thể được giải cứu nếu họ chịu lui về, và nếu được hưởng sự tiếp bước của cái nước Pháp trẻ trung kia, về nó tận ngày nay đám mô phạm già nua, những kẻ lưu vong của giai đoạn Trung Hưng vẫn không thôi chế nhạo. Auguste de Maulincour là một nạn nhân của các tư tưởng ngày ấy trĩu nặng trên tuổi trẻ kia, và sau đây là lý do. Ông đại diện vẫn, ở tuổi sáu mươi bảy, còn là một người rất trí tuệ, vì đã nhìn thấy rất nhiều, đã sống rất nhiều, kể chuyện hay, con người của danh dự, con người ga lăng, nhưng, về phía phụ nữ, có những ý kiến đáng ghét nhất: ông yêu họ và khinh bỉ họ. Danh dự của họ, các tình cảm của họ ư? Rặt những vụn vặt, lẻ tẻ và giả tạo! Ở gần họ, ông tin tưởng họ, con quái vật xưa kia ấy, chẳng bao giờ ông nói gì trái ý họ, và ông tôn họ lên. Nhưng, những lúc ở chỗ bạn bè, mỗi khi nhắc đến họ, ông đại diện nhà thờ lại nhất nhất cho rằng lừa dối phụ nữ, cùng một lúc hưởng thụ nhiều tình ái, phải trở nên tất tật công việc của đám thanh niên, bọn họ thật chệch đường khi cứ thích xông vào các sự vụ Nhà Nước. Thật tệ khi phải phác họa một chân dung cũ rích như vậy. Chẳng phải bức chân dung ấy xuất hiện khắp mọi nơi à? và theo đúng nghĩa đen, chẳng phải gần như cũng cũ kỹ giống như chân dung một tên lính của Đế Chế[31] ư? Nhưng ông đại diện gây ảnh hưởng lên cuộc đời de Maulincour, mà ta nhất thiết phải xem xét; ông giáo huấn anh theo cách riêng của mình, và muốn cải anh sang các học thuyết của thế kỷ vĩ đại về phương diện ga lăng ái tình. Bà quyền quý, người phụ nữ dịu dàng và sùng đạo, ngồi ở giữa ông đại diện của bà và Chúa, mẫu mực của nhã nhặn và sự dịu dàng, nhưng được phú cho một sự kiên định tốt đẹp, xét về lâu về dài nó chiến thắng tất tật mọi thứ, muốn lưu giữ cho người cháu những ảo tưởng đẹp về cuộc đời, và đã nuôi dạy anh bằng những nguyên tắc tốt đẹp nhất; bà truyền sang cho anh mọi sự tế nhị của mình, và biến anh thành một người đàn ông rụt rè, một kẻ đần độn đích thực nếu căn cứ vào vẻ bên ngoài. Sự nhạy cảm nơi chàng trai ấy, được giữ cho thật thuần khiết, không hề được dùng đến ở bên ngoài, ở anh nó thật trong trắng, thật bồn chồn, đến mức anh thấy vô cùng phật lòng trước các hành động và phương châm mà mọi người chẳng hề coi là có chút quan trọng nào. Ngượng ngùng vì đức tính dễ mủi lòng của mình, chàng trai che giấu nó bên dưới một vẻ tự tin đầy lừa dối, và âm thầm đau khổ; nhưng anh, cùng những người khác, chế giễu những thứ mà khi chỉ có một mình anh thấy ngưỡng mộ. Vậy nên anh đã bị đánh lừa, bởi vì, tuân theo một thói đỏng đảnh rất hay thấy của phận số, anh gặp được trong đối tượng của niềm đam mê đầu tiên, anh, con người của sầu muộn dịu dàng và thiên về tinh thần trong tình yêu, một người phụ nữ rất kinh tởm trò ủy mị kiểu Đức[32]. Chàng trai trẻ tự nghi ngờ chính mình, trở nên người mơ mộng, và cuộn mình lại trong những nỗi buồn riêng, than thân trách phận vì đã không được hiểu. Rồi, vì chúng ta càng mãnh liệt ham muốn hơn những thứ gì mà chúng ta chỉ có được một cách khó nhọc, anh tiếp tục yêu phụ nữ với sự êm ái thuần hậu đó, với những tế nhị ve vuốt đó, những thứ mà họ nắm được bí mật và có lẽ muốn giữ độc quyền. Quả thật, dẫu cho phụ nữ than van vì đàn ông yêu họ theo cách rất dở, họ chẳng mấy đoài hoài tới những người mang tâm hồn nhuốm tính nữ. Toàn bộ sự vượt trội của phụ nữ nằm cả trong việc khiến đàn ông hiểu rằng họ thấp kém hơn ở trong tình yêu; vậy nên phụ nữ khá sẵn lòng rời bỏ một người tình, chừng nào anh ta tỏ ra thiếu kinh nghiệm tới mức cướp mất đi nơi họ những nỗi sợ mà họ muốn trưng ra làm trang sức, những dằn vặt tuyệt diệu ấy của lòng ghen tuông vờ vịt, những rối loạn ấy của hy vọng bị lừa bịp, những đợi chờ vô vọng ấy, tóm lại là tất tật cuộc diễu hành những khốn cùng tốt đẹp của phụ nữ; họ ghê tởm các Grandisson[33]. Còn có gì trái ngược với bản tính của họ hơn là một mối tình bình lặng và hoàn hảo? Họ muốn các xúc cảm, và hạnh phúc không giông bão đối với họ chẳng còn là hạnh phúc. Các tâm hồn phụ nữ đủ mạnh để có thể đưa sự vô tận vào trong tình yêu là những ngoại lệ đầy phẩm tính thiên thần, và trong thế giới của phụ nữ chúng cũng giống như là các thiên tài đẹp đẽ trong thế giới của đàn ông. Những niềm đam mê lớn cũng hiếm như các tuyệt tác lớn. Ở bên ngoài tình yêu ấy, chỉ có các dàn xếp, những tức tối thoáng qua, đáng khinh bỉ, giống mọi thứ gì nhỏ mọn.

Ở chính giữa những thảm họa bí mật của trái tim anh, trong lúc anh tìm một phụ nữ ngõ hầu hiểu được anh, cái cuộc tìm kiếm, nhân tiện nói qua, chính là sự điên rồ tình yêu lớn lao của thời chúng ta, Auguste gặp trong cái thế giới cách xa thế giới của anh hơn cả, tại tầng cầu thứ hai của thế giới tiền bạc nơi ngân hàng cao cấp chiếm địa vị hàng đầu[34], một sinh thể hoàn hảo, một trong những phụ nữ sở hữu một cái gì đó không rõ thật thánh thiện và thiêng liêng, những người tạo ra ngần ấy kính trọng, khiến tình yêu cần đến mọi trợ sức của một sự gần gũi thật dài lâu thì mới có thể phát ngôn nổi. Thế là Auguste lao mình vào các khoái cảm của niềm đam mê gây nhiều cảm động nhất và sâu sắc nhất, vào một tình yêu thuần tính chất ngưỡng mộ. Đó là hằng hà sa số ham muốn bị đè nén, các sắc thái của dục vọng mơ hồ và sâu thẳm, phảng phất và gây vọng động đến mức người ta không còn biết lấy gì mang ra so sánh nữa; chúng giống những mùi, những đám mây, những tia mặt trời, những bóng tối, giống mọi thứ gì có thể, ở trong tự nhiên, bừng sáng lên chốc lát rồi biến mất, sống dậy và chết đi, để lại cho trái tim những xúc cảm dai dẳng. Vào cái thời điểm khi tâm hồn vẫn còn đủ trẻ để mường tượng cơn sầu, những niềm hy vọng xa xôi, và biết cách tìm ra ở người phụ nữ nhiều hơn một phụ nữ, chẳng phải sẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất có thể ụp xuống một thanh niên nếu yêu đương đủ mức nhằm cảm thấy niềm vui khi chạm tay vào một cái găng tay màu trắng, lướt qua mái tóc, lắng nghe một câu nói, liếc một ánh mắt, còn nhiều hơn so với sự sở hữu cuồng dại nhất có thể mang tới cho mối tình viên mãn? Vậy nên, những ai bị dằn hắt, các phụ nữ xấu, những người bất hạnh, những tình nhân không được biết đến, những phụ nữ hoặc đàn ông rụt rè, chỉ họ mới biết các kho báu mà giọng nói của người yêu dấu chứa đựng. Bằng cách đặt nguyên ủy và nguyên tắc vào chính trong tâm hồn, các rung động của bầu không khí bừng lửa cháy xích các trái tim lại với nhau theo cách thức mãnh liệt, đặt ở đó suy nghĩ theo cách thức sáng suốt, và ít tính chất lừa dối, đến mức chỉ một xê xích nhỏ thường cũng đã là cả một câu chuyện bi thảm. Biết bao nhiêu mê hoặc mà âm sắc hài hòa của một giọng nói dịu êm phun trào nơi trái tim một nhà thơ! biết bao nhiêu ý tưởng mà nó thức tỉnh ở đó! sự tươi tắn lớn biết bao mà nó lan tỏa ở đó! Tình yêu nằm trong giọng nói trước khi được thú nhận bằng ánh mắt. Auguste, vốn dĩ là nhà thơ theo cách thức của các tình nhân (có những nhà thơ cảm thấy và những nhà thơ diễn đạt, những người cảm thấy thì sung sướng hơn), Auguste từng tận hưởng tất tật những niềm vui đầu tiên ấy, rộng lớn biết bao, màu mỡ biết bao. Nàng sở hữu cơ phận giỏi chiều chuộng nhất mà ngay người phụ nữ giả tạo nhất cũng luôn luôn mong mỏi ngõ hầu có thể lừa dối tùy thích; nàng có cái giọng nói lấp lánh như bạc ấy, nó thật êm ái khi nghe, chỉ tưng bừng đối với trái tim mà nó gây bối rối và khuấy động, mà nó ve vuốt bằng cách tạo náo loạn. Và người phụ nữ ấy buổi tối đi trên phố Soly, gần phố Pagevin; và sự xuất hiện lén lút của nàng trong một ngôi nhà nhơ nhớp vừa làm tan nát niềm đam mê tuyệt diệu nhất! Thứ logic của ông đại diện nhà thờ đã chiến thắng.

“Nếu nàng lừa dối chồng, chúng ta sẽ trả thù[35]”, Auguste nói.

Vẫn còn tình yêu trong cái từ “nếu”. Nghi ngờ trong triết học của Descartes là một sự lịch thiệp, căn cứ vào đó lúc nào ta cũng phải vinh danh đức hạnh. Chuông điểm mười giờ. Vào thời điểm này nam tước de Maulincour sực nhớ rằng người phụ nữ ấy hẳn sẽ tới dự vũ hội tại một ngôi nhà mà anh có thể đến. Ngay tắp lự anh mặc quần áo, lên đường, tới nơi, tìm kiếm nàng với một dáng vẻ xảo trá tại các phòng. Bà de Nucingen[36], thấy anh bấn loạn như vậy, nói với anh: “Anh không nhìn thấy bà Jules, nhưng cô ấy còn chưa đến.

- Xin chào, bạn thân mến”, một giọng nói vang lên.

Auguste và bà de Nucingen quay đầu lại. Bà Jules vừa tới, vận toàn đồ trắng, giản dị và cao quý, điểm trang mái tóc chính bằng những lông chim mà chàng nam tước trẻ tuổi đã thấy nàng lựa tại cửa hàng hoa. Giọng nói tình yêu kia đâm nát trái tim của Auguste. Nếu từng biết cách chiếm lấy một cái quyền dẫu là nhỏ nhất cho phép anh được ghen vì người phụ nữ ấy, hẳn anh đã có thể làm nàng hóa đá khi nói với nàng: “Phố Soly!” Nhưng anh, một người xa lạ, có nhắc đi nhắc lại đến cả nghìn lần câu ấy vào tai bà Jules, thì hẳn nàng cũng sẽ tỏ vẻ kinh ngạc hỏi anh muốn nói gì: anh ngây người nhìn nàng.

Đối với những con người độc ác, những kẻ sẵn sàng cười trước mọi thứ, có lẽ thật là cả một niềm vui thích lớn lao khi biết bí mật của một phụ nữ, khi hay rằng vẻ thánh thiện của nàng chỉ là nói dối, rằng khuôn mặt bình thản của nàng che giấu một suy nghĩ sâu thẳm, rằng có một tấn kịch đáng sợ nào đó bên dưới vầng trán thanh khiết của nàng. Nhưng có một số tâm hồn bị một cảnh tượng tương tự thực sự gieo buồn thảm, và rất nhiều trong số những kẻ cười cợt chuyện ấy, chừng nào về tới nhà, chỉ còn lại một mình với lương tâm, nguyền rủa thế giới và khinh bỉ một người phụ nữ như vậy. Auguste de Maulincour ở vào tâm trạng đó với sự hiện diện của bà Jules. Tình huống thật kỳ cục! Giữa họ chẳng hề có mối liên hệ nào khác ngoài những liên hệ được tạo dựng trong xã hội giữa những người trao đổi với nhau dăm câu mỗi mùa đông[37], và anh đòi nàng thanh toán cho một hạnh phúc mà nàng không biết đến, anh phán xử nàng mà không đọc lời buộc tội cho nàng nghe.

Nhiều thanh niên từng giống như vậy, trở về nhà, tuyệt vọng vì đã vĩnh viễn đoạn tuyệt với một phụ nữ mà họ yêu kính trong bí mật; mà họ kết án và khinh bỉ trong bí mật. Đó là những độc thoại nội tâm không được biết đến, được nói cho những bức tường của một căn phòng hẹp đơn côi, những cơn giông lồng lên rồi dịu đi mà không hề đi ra khỏi đáy các trái tim, những cảnh đáng ngưỡng mộ của thế giới luân lý, những thứ hẳn cần đến một họa sĩ. Bà Jules tìm chỗ để ngồi, rời khỏi chồng đang đi một vòng phòng khách. Khi đã ngồi xuống, nàng thấy như thể bị quấy rối và, vẫn tiếp tục nói chuyện với người phụ nữ ngồi cạnh, nàng lén liếc nhìn ông Jules Desmarets, chồng nàng, nhân viên hối đoái của nam tước de Nucingen. Sau đây là câu chuyện của cặp vợ chồng này.

Ông Desmarets, năm năm trước khi lấy vợ, được nhận vào một văn phòng hối đoái, và khi ấy toàn bộ tài sản chỉ là những khoản tiền lương còm của một ký lục. Nhưng đó là một trong những con người được nỗi bất hạnh chóng vánh dạy cho những điều của cuộc đời, và đi theo con đường thẳng với sự nhẫn nại loài côn trùng muốn trở về tổ; một trong những chàng thanh niên ương bướng tạo ra các xác chết trước những chướng ngại vật và gây chán nản cho những sự kiên trì bằng một sự kiên trì của con mọt gỗ. Vậy là, hẵng còn trẻ, anh đã có được mọi đức hạnh cộng hòa nơi các dân tộc nghèo khó: anh giản dị, hà tiện thời gian riêng, kẻ thù của các khoái thú. Anh đợi. Vả lại tự nhiên đã trao anh các ưu thế rất lớn của một vẻ bề ngoài gây dễ chịu. Vầng trán anh yên ả và thuần khiết; khuôn của bộ mặt điềm tĩnh, nhưng biểu cảm; các cung cách của anh đơn giản, mọi thứ ở anh đều hé lộ một sự tồn tại cần mẫn và nhẫn nhịn, cái phẩm giá cao vời của con người ấy tạo sức mạnh trấn áp, và sự cao quý ngấm ngầm của trái tim kia kháng cự lại trước mọi hoàn cảnh. Tính khiêm nhường nơi anh truyền đi một dạng kính trọng tới tất cả những ai quen biết anh. Vả lại, đơn độc giữa Paris, chỉ thảng hoặc anh mới tới chỗ đông người, trong những thời điểm hiếm hoi anh tới phòng khách của ông chủ anh, những ngày lễ lạt. Ở chàng thanh niên này, cũng như ở phần lớn những ai theo lối sống tương tự, có các dục vọng mang một chiều sâu đáng kinh ngạc; những dục vọng quá lớn nên không thể bị hề hấn bởi các sự cố nhỏ nhặt. Gia sản không đáng kể nên anh buộc phải sống một cuộc đời khắc kỷ, và anh chế ngự các huyễn tưởng của mình bằng làm việc hăng say. Sau khi nhợt nhạt cả người trước các con số, anh buông lỏng bản thân bằng cách kiên nhẫn tìm cách chiếm lấy cái tổ hợp những mối quen biết, ngày nay là nhất thiết đối với mọi người nào muốn được nổi bật trên đời, trong Thương Mại, ở Tòa Án, Chính Trị hoặc Văn Chương. Tảng đá ngầm duy nhất mà những tâm hồn đẹp ấy vấp phải chính là lòng chính trực của bản thân họ. Chỉ cần trông thấy một cô gái nghèo, tức thì họ đem lòng đắm đuối ngay, lấy luôn cô gái làm vợ, và dùng cuộc đời họ để chiến đấu ở giữa khốn cùng và tình yêu. Tham vọng đẹp nhất tắt ngấm trong quyển sổ chi tiêu gia đình. Jules Desmarets trao đi tất tật mọi thứ cho tảng đá ngầm đó. Một tối nọ, anh gặp ở nhà ông chủ một thiếu nữ có vẻ đẹp thuộc hạng hiếm có nhất. Những người bất hạnh thiếu thốn tình cảm, lại dốc những giờ khắc đẹp nhất của tuổi trẻ vào những công việc kéo dài, chỉ họ mới nắm được bí mật của những đợt tàn phá lẹ làng mà một niềm đam mê gây ra trong những trái tim họ hoang vắng, không mấy được thấu hiểu. Họ chắc chắn là mình sẽ yêu thật nhiều, tất tật sức mạnh của họ được dồn tụ thần tốc lên người phụ nữ mà họ hướng tới, đến mức, ở bên cô gái, họ nhận được những cảm giác tuyệt diệu, nhưng lại không thường trao chúng đi. Đó là lời phỉnh nịnh tối cao trong số mọi sự ích kỷ đối với người phụ nữ nào biết cách đoán định cái vẻ bất động bên ngoài của dục vọng ấy, cùng những đòn trúng đích sâu thẳm tới mức phải mất không ít thời gian thì mới có thể tái xuất hiện trên bề mặt con người. Những người tội nghiệp đó, các ẩn sĩ ngay giữa Paris, được hưởng tất tật những thú vui của các ẩn sĩ, và đôi khi có thể gục ngã trước các cám dỗ; nhưng rất hay bị lừa, bị phản bội, bị hiểu sai, hiếm khi nào họ được phép hái lấy những thành quả êm đềm của tình yêu ấy, đối với họ luôn luôn nó giống như một bông hoa từ trên trời rơi xuống. Chỉ một nụ cười nơi người phụ nữ của anh, chỉ một dịch chuyển rất nhỏ trong giọng nói của nàng thôi cũng đã đủ để Jules Desmarets hình dung cả một niềm đam mê vô bờ bến. Thật may mắn, ngọn lửa dồn tụ của dục vọng bí mật này được hé lộ một cách ngây thơ cho người đã truyền cảm hứng tạo ra nó. Thế rồi hai người ấy yêu nhau theo cách thức tôn giáo. Để miêu tả mọi sự bằng một lời duy nhất, họ cầm tay nhau mà không thấy ngượng ngùng, ở giữa chỗ đông người, giống như hai đứa trẻ, anh trai em gái, khi muốn băng ngang một đám đông nơi ai ai cũng nhường đường vì ngưỡng mộ họ. Nàng thiếu nữ ở vào một hoàn cảnh thảm khốc nơi sự ích kỷ đặt một số đứa trẻ vào. Nàng không có giấy tờ tùy thân, và tên nàng là Clémence, tuổi của nàng được ghi trong một tờ giấy chứng nhận của chưởng khế[38]. Về phần tài sản, chẳng có gì nhiều nhặn. Jules Desmarets trở thành người hạnh phúc nhất khi biết những bất hạnh này. Nếu Clémence thuộc về một gia đình bề thế nào đó, hẳn anh sẽ tuyệt vọng chẳng thể có được nàng; nhưng nàng lại là một đứa con của tình yêu khốn khổ, thành tựu của một mối đam mê ngoại tình khủng khiếp: họ bèn lấy nhau. Từ đây, khởi sự với Jules Desmarets một loạt sự kiện may mắn. Ai ai cũng ghen tị với hạnh phúc của anh, và ngay lúc đó những kẻ ghen ghét đã buộc cho anh cái tội chỉ gặp toàn hạnh phúc, mà chẳng buồn tính đến các đức hạnh của anh, cũng như lòng can đảm của anh. Vài ngày sau đám cưới của con gái, mẹ của Clémence, về danh nghĩa với người ngoài là mẹ nuôi của nàng, bảo Jules Desmarets mua một chỗ nhân viên hối đoái, hứa là sẽ cung cấp cho anh toàn bộ số tiền cần thiết. Vào thời điểm ấy, các Chức Vụ đó vẫn còn có giá phải chăng. Tối đến, ngay chính tại văn phòng hối đoái của anh, một nhà tư bản giàu có đề xuất, thông qua lời giới thiệu của người đàn bà ấy, với Jules Desmarets một thỏa thuận thuộc loại nhiều lợi ích nhất có thể đạt được, đưa cho anh đủ số tiền cần thiết để khai thác lợi thế, và ngày hôm sau chàng ký lục sung sướng mua lấy chức vụ của ông chủ[39]. Trong vòng bốn năm, Jules Desmarets trở thành một trong những người giàu nhất của công ty; các khách hàng đáng kể xuất hiện, làm tăng thêm số lượng những người mà tiền nhiệm của anh trao lại. Anh tạo được một lòng tin vô bờ bến, và không thể có chuyện anh không nhận ra, trong cách thức các áp phe xuất hiện, một ảnh hưởng bí ẩn nào đó nhờ vào bà mẹ vợ hoặc vào một sự bảo vệ bí mật mà anh quy kết cho Thiên Hựu. Sau năm thứ ba, Clémence mất bà mẹ nuôi. Ở thời điểm ấy, ông Jules, người ta hay gọi như vậy để phân biệt với người anh trai của anh, mà anh đã giúp để trở thành chưởng khế ở Paris, sở hữu chừng hai trăm nghìn livre tiền lợi tức. Toàn Paris không có lấy ví dụ thứ hai về hạnh phúc mà gia đình này có được. Từ năm năm nay tình yêu ngoại hạng đó chỉ mới từng một lần bị khuấy động bởi một lời vu khống mà ông Jules đã xử lý bằng sự trả thù rực rỡ nhất. Một trong các bạn cũ của anh tung tin tài sản của anh là của bà Jules, và giải thích điều đó bằng một sự bảo vệ từ trên cao, được mua bằng cái giá rất đắt. Kẻ đặt điều vu khống đã bị giết trong cuộc đấu súng. Niềm đam mê sâu sắc của hai vợ chồng dành cho nhau, kháng cự lại cả trước hôn nhân, giành được trong xã hội thành công lớn nhất, dẫu cho nó làm phật ý nhiều phụ nữ. Cặp vợ chồng xinh đẹp được tôn trọng, ai ai cũng chúc mừng họ. Người ta thành thực yêu quý ông và bà Jules, có lẽ bởi vì chẳng gì còn có thể êm dịu hơn là được chứng kiến người ta hạnh phúc; nhưng họ chẳng bao giờ nán lại lâu ở các phòng khách, sốt ruột rời khỏi đó để được tung cánh gấp gáp trở về tổ giống như hai con chim bồ câu bay lạc. Vả lại cái tổ là một dinh thự lớn và đẹp trên phố Ménars, nơi gu nghệ thuật làm trung hòa cho sự xa xỉ mà giới tài chính vẫn tiếp tục bày ra, theo đúng truyền thống, và cũng là nơi hai vợ chồng tiếp đón khách khứa một cách huy hoàng, dẫu cho họ chẳng đặt nặng các bổn phận xã hội là mấy. Tuy nhiên, Jules vẫn chịu đựng người bên ngoài vì biết rằng, sớm hay muộn, một gia đình sẽ cần đến họ; nhưng vợ anh và anh luôn luôn ở đó giống như những cái cây trong nhà kính giữa một cơn giông. Bởi một sự tế nhị khá tự nhiên, Jules đã cẩn thận giấu vợ về cả lời vu khống cũng như cái chết của kẻ đặt điều, thiếu tí chút thì đã gây khuấy động cho sự tốt lành mà họ đang được hưởng. Bà Jules, do bản tính nghệ sĩ đầy tế nhị, có bị sự xa xỉ quyến rũ. Mặc cho bài học khủng khiếp của cuộc đấu súng, vài phụ nữ ít thận trọng vẫn thì thụt với nhau rằng bà Jules hẳn thường xuyên phải rối trí. Hai mươi nghìn franc mà chồng nàng cung cấp để nàng chi tiêu cho quần áo đồ trang sức[40] cùng những thứ khác không thể, theo tính toán của họ, đủ cho nàng. Quả thật, thường người ta thấy nàng thanh lịch hơn khi ở nhà, so với những lúc nàng đi dự các bữa tiệc. Nàng chỉ thích ăn vận điểm trang cho mình chồng nàng, bằng cách ấy chứng tỏ với anh, đối với nàng, rằng anh còn hơn cả thế giới bên ngoài. Tình yêu đích thực, tình yêu thuần khiết, nhất là hạnh phúc, ở mức có thể đối với một tình yêu lén lút một cách công khai. Vậy nên ông Jules, lúc nào cũng là tình nhân, qua mỗi ngày lại càng yêu đắm đuối hơn, sung sướng vì mọi thứ khi được ở bên vợ, ngay cả vì những thói đỏng đảnh của nàng, anh còn lo lắng khi không thấy chúng ở nàng, như thể đó là triệu chứng cho một căn bệnh nào đó. Auguste de Maulincour thật bất hạnh vì đã lao trúng vào niềm đam mê ấy, và đem lòng yêu người phụ nữ kia đến mất trí. Tuy nhiên, mặc dù mang trong tim một tình yêu trác tuyệt đến vậy, anh vẫn không trở nên lố bịch. Anh tự buông thả theo mọi đòi hỏi của phong hóa nhà binh; nhưng anh vẫn thường trực, cả khi uống một cốc rượu vang Champagne, có cái dáng vẻ mơ màng ấy, sự cao ngạo câm lặng của tồn tại, cái khuôn mặt mờ ảo hay thấy, ở nhiều lối khác nhau, nơi những người hờ hững, những người không mấy hài lòng với một cuộc đời rỗng, và những người tin mình bị ho lao hoặc được ân hưởng một chứng bệnh nào đó trong tim. Yêu không hy vọng, chán ngán cuộc đời, mấy thứ đó ngày nay tạo lập các vị thế xã hội. Thế nhưng, ý muốn xâm phạm trái tim của một bà hoàng có lẽ mang nhiều hy vọng hơn so với một tình yêu được hình thành một cách rồ dại dành cho một phụ nữ hạnh phúc. Vậy nên Maulincour có đầy đủ các lý do để giữ dáng vẻ nghiêm trang và sầu thảm. Một nữ hoàng đi nữa thì vẫn còn sự phù phiếm quyền lực của mình, nàng ấy bị gây hại bởi sự vươn lên của chính nàng; nhưng một phụ nữ tư sản theo đúng chuẩn mực tôn giáo thì giống như một con nhím, như một con hàu ở bên trong hai cái vỏ xù xì của nó.

Vào thời điểm ấy, chàng sĩ quan trẻ đang ở ngay gần nữ tình nhân vô danh của mình, chắc hẳn nàng không biết là mình thiếu chung thủy tận hai lần. Bà Jules đang ở kia, tạo dáng thật ngây thơ, giống người phụ nữ ít giả tạo nhất trên đời, dịu dàng, tràn đầy một vẻ thanh thản diễm lệ.

-----------

[1] Rue de la Paix.
[2] Rue Royale.
[3] Đảo thứ hai, và nằm sát đảo thứ nhất, Cité, ở khu vực giữa sông Seine, đoạn trung tâm thành phố Paris.
[4] Chức quan đặc thù của Pháp giai đoạn trước Cách mạng 1789 (fermier général). Đây là nhân vật quý tộc đại diện cho nhà vua thu thuế nông sản. Các ông quan này, ở một số thời kỳ, đặc biệt giàu.
[5] Chứng Khoán của Paris: công trình này được xây dựng xong vào năm 1826, tức là không lâu trước khi Balzac viết cuốn tiểu thuyết Ferragus.
[6] Vụ việc xảy ra vào năm 1685: một thầy tu làm lễ mixa mà lại đội tóc giả.
[7] Một chuyên gia thống kê, sinh năm 1776 mất năm 1856 (nghĩa là chết sau Balzac).
[8] Giờ đây không còn. Phố này nối từ ke Louvre đến quảng trường Palais-Royal.
[9] Giờ đây không còn: sau nhiều thay đổi, phố Pagevin cũng như phố Soly (một phố ngắn, hẹp, gần và chạy song song với phố Pagevin) đã biến mất. Khu vực này ngày nay là khoảng giao nhau của quận 1 và quận 2 Paris. 
[10] Câu chuyện diễn ra vào khoảng năm 1819-1820.
[11] Nay là phố Hérold, nối dài bởi phố Argout.
[12] Nay là phố Lille (thuộc quận 7, bên Tả Ngạn sông Seine). Cái tên “phố Bourbon” tồn tại cho tới năm 1792, và tồn tại từ 1815 đến 1830, nghĩa là kể từ thời điểm Trung Hưng, dưới triều trị vì của Louis XVIII và Charles X.
[13] La Comédie humaine không chỉ xây dựng cả một hệ thống đồ sộ về xã hội (về sau, chỉ một mình À la recherche du temps perdu có thể so sánh được về tầm vóc), cuộc sống của tầng lớp lao khổ cũng như giới quý tộc (nhiều trang miêu tả “faubourg Saint-Germain” của Balzac hoàn toàn có thể đặt thẳng vào bộ sách của Proust, thậm chí còn không cần đổi tên các nhân vật), mọi chi tiết về tỉnh lẻ, nông thôn, chính trị, nhà binh, Paris, mà nó còn vẽ những bức tranh chi tiết đến kiệt cùng về nhiều điều, chẳng hạn như nghệ thuật, triết học, nghề luật, hôn nhân, phụ nữ, và đặc biệt quan trọng trong tư duy của Balzac là y học (ở nhiều điểm, Émile Zola sẽ lặp lại điều này); giải thích hệ thống y học mà Balzac dựng ra là quá phức tạp, độc giả sốt ruột có thể tìm đọc các tác phẩm thuộc La Comédie humaine có xuất hiện nhân vật bác sĩ Horace Bianchon, hoặc về thầy của Bianchon, Desplein (nhất là La Messe de l’athée - Lễ mixa của người vô thần), hoặc những đoạn hết sức kỹ càng về “phương pháp Mesmer” trong Ursule Mirouët; trong phần thứ hai của Mặt bên kia của lịch sử hiện thời cũng xuất hiện một nhân vật bác sĩ rất bí hiểm, Halpersohn, và tất nhiên, ở riêng lĩnh vực này, không thể bỏ qua kiệt tác Le Médecin de campagne, tức Viên bác sĩ nông thôn.
[14] Garde royale.
[15] Các chuyên gia Balzac cho rằng đây là cửa hàng hoa Nattier, nằm ở số 76 phố Richelieu, là nơi cung cấp hoa cho nữ công tước de Berry và công tước d’Orléans.
[16] Rốt cuộc, nàng có mái tóc đen hay mái tóc nâu? Dường như Balzac muốn miêu tả một phụ nữ tóc nâu cắm lông chim màu đen lên đầu để mái tóc biến thành màu đen.
[17] Truyện Mười Ba Quái KiệtFerragus là phần mở đầu, còn gồm hai phần tiếp theo, La Duchesse de Langeais (Nữ công tước de Langeais) và La Fille aux yeux d’or (Cô gái mắt vàng). Câu chuyện về nữ công tước de Langeais là một câu chuyện hết sức nổi tiếng, một trong những tác phẩm của La Comédie humaine đi sâu nhất vào cuộc sống, tức là “phong hóa”, của “faubourg Saint-Germain”, tức là giới quý tộc: trong đó có rất nhiều đoạn có thể coi là sát kề với À la recherche du temps perdu. Nữ công tước de Langeais cũng thuộc vào số các nhân vật nữ đáng nhớ nhất mà Balzac từng tạo ra (có hàng chục nhân vật như vậy trong La Comédie humaine). Ở đây, ta cũng thấy Balzac để các nhân vật của mình dịch chuyển qua nhiều tác phẩm khác nhau, nữ công tước de Langeais là nhân vật chính của Nữ công tước de Langeais đã xuất hiện thoáng qua trong Ferragus; ngược lại, Auguste de Maulincour cũng sẽ trở thành một nhân vật phụ trong Nữ công tước de Langeais.
[18] Ossian xuất hiện trong các tác phẩm sử thi của nhà thơ người Scotland James Macpherson vào cuối thế kỷ 18: Macpherson nói mình sưu tầm được thơ ca của một nhà thơ lang thang tên là Ossian sống vào thế kỷ thứ 3; Ossian hay Macpherson là một trong các tác giả ưa thích của Balzac, đọc La Comédie humaine, ta có thể nhận ra Balzac thích đọc các tác giả nào: trên đây, đoạn nhắc đến thời Trung cổ và những bông hoa giữa đống phế tích, ta có thể dễ dàng nhận ra sự ám chỉ tới những câu chuyện tình thời Trung cổ, Pétrarque và Laure, Dante và Beatrice, cũng như Abélard và Héloïse (câu chuyện thứ ba này xuất hiện ngay, cũng theo đường lối của ám chỉ, ở đoạn đầu Mặt bên kia của lịch sử hiện thời).
[19] Balzac có cả một lý thuyết rất chi tiết về việc một phụ nữ “đúng như phải thế” (comme il faut), nhất là phụ nữ ở Paris, nghĩa là như thế nào (cf. chủ yếu Autre étude de femme, tức Thêm một ê-tuýt về phụ nữ).
[20] Các bà quyền quý già (douairière) là kiểu nhân vật xuất hiện rất nhiều trong La Comédie humaine: ta bắt gặp họ gần như trong mọi tác phẩm của Balzac; đặc biệt bà de Maulincour ở đây rất quan trọng và có vai trò ở nhiều cuốn sách khác. Cũng như đối với hầu khắp mọi lĩnh vực, Balzac xây dựng cả một lý thuyết chi tiết liên quan đến các bà quyền quý này, cf. Le Lys dans la vallée, tức Bông huệ trong thung, bức thư gửi cho Félix de Vandenesse của bà de Mortsauf, nhũ danh Henriette de Lenoncourt.
[21] Ta bắt đầu bước vào những câu chuyện liên quan mật thiết đến một giai đoạn biến động lớn của lịch sử nước Pháp: Lưu Vong (Émigration) xảy đến với giới quý tộc Pháp, và không chỉ giới quý tộc, vì trong số những người bỏ chạy còn có nhiều nhà tư sản giàu có; ngay sau cuộc phá ngục Bastille, các nhà quý tộc đã bắt đầu rời nước Pháp - từ 1789 đến khoảng chục năm sau, 1800 (quãng thời gian của cuộc Lưu Vong), hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn, người đã chấp nhận lưu vong. Một trong những người đầu tiên bỏ trốn là bá tước d’Artois, sau này trở thành Charles X, trị vì cho tới cuộc Cách mạng tháng Bảy (1830), có gia đình Polignac đi theo (ta biết chính sự nước Pháp dưới mấy năm trị vì của Charles X in dấu ấn rất sâu đậm của các nhân vật nhà Polignac); bá tước de Provence (Louis XVIII tương lai) bỏ trốn khỏi Paris muộn hơn nhiều, cùng thời điểm với Louis XVI, nhưng đi đường khác và thoát thân trong khi Louis XVI và Marie-Antoinette bị bắt rồi lên đoạn đầu đài (Louis XVI, Louis XVIII, Charles X là ba anh em; Louis XVII là tước hiệu cho con trai của Louis XVI, chết trong tù khi còn bé, thực tế chưa trị vì một ngày nào). Lưu Vong là đề tài trở đi trở lại trong La Comédie humaine, đặc biệt quan trọng trong Une ténébreuse affaire tức Một vụ việc ám muội.
[22] Ta biết rằng thời kỳ Cách mạng 1789, lịch nước Pháp được quy định lại, ví dụ ta có tác phẩm xuất chúng Ngày 18 tháng Sương mù của Karl Marx (liên quan đến các sự biến ngày 18 brumaire). Ngày 9 thermidor (tức là 27 tháng Bảy) là sự kiện xảy đến năm 1794, liên quan tới Robespierre.
[23] Trung Hưng (Restauration) là tên gọi của một giai đoạn lịch sử: đó là tên chung cho hai lần Trung Hưng, I và II, trong đó kỳ thứ nhất bắt đầu từ thời điểm Napoléon thoái vị (6/4/1814) cho tới tháng Ba 1815, thời điểm Napoléon quay lại nắm quyền; kỳ thứ hai bắt đầu từ khi Đệ nhất Đế chế sụp đổ (tháng Bảy 1815) cho tới cuộc cách mạng năm 1830 tức là khởi đầu của giai đoạn Quân chủ tháng Bảy (dưới quyền trị vì của Louis-Philippe Đệ nhất, người nhà d’Orléans, tức là nhánh thứ của họ Bourbon). Như vậy, kỳ Trung Hưng I và kỳ Trung Hưng II cách nhau một đoạn cầm quyền ngắn ngủi của Napoléon, hay được gọi là Cent-Jours (Bách Nhật).
[24] Maison-Rouge: tên chỉ một đội cảnh binh và lính khinh kỵ phụng sự hoàng gia, có đồng phục màu đỏ. Ta nhớ rằng Alexandre Dumas viết một cuốn tiểu thuyết mang tên Le Chevalier de Maison-Rouge (Hiệp sĩ Nhà Đỏ).
[25] Trong kỳ trở lại ngắn ngủi của Napoléon (Bách Nhật), triều đình của Louis XVIII bỏ chạy sang Gand (thuộc Bỉ).
[26] Thêm một nhân vật ông già rất “balzacien”, xuất hiện trong nhiều tác phẩm thuộc La Comédie humaine, vidame de Pamiers; “vidame” là người đại diện cho tu viện hoặc tòa tổng giám mục trong những công việc liên quan tới quyền lợi của những nơi này, ở đây dịch thành “đại diện nhà thờ”.
[27] De Pamiers có tước “commandeur” của “Ordre de Malte”, một tổ chức rất lâu đời và có lịch sử phức tạp, gắn liền với giới tôn giáo và quý tộc.
[28] Tác phẩm (chưa hoàn thành) Le Doyen de Killerine (1735), nhiều tính chất răn dạy đạo đức, của abbé Prévost (tác giả của một tác phẩm nổi tiếng hơn nhiều: Manon Lescaut, ở Việt Nam trong một thời gian dài hay được gọi là Mai Nương Lệ Cốt).
[29] Khu vực của giới quý tộc cao cấp nhất của nước Pháp, bắt đầu hình thành khi các nhà quyền quý muốn lánh xa khỏi cung điện Louvre, vượt sông Seine xây dựng các tòa dinh thự riêng. À la recherche du temps perdu của Marcel Proust rất đẫm màu sắc faubourt Saint-Germain, nhưng La Comédie humaine còn đẫm hơn nhiều: ngoài ra, các khu quý tộc ở các thành phố tỉnh hay được Balzac gọi đầy mỉa mai, chẳng hạn “faubourg Saint-Germain của Tours”, “faubourg Saint-Germain của Nemours”, v.v…
[30] Vị vua cổ xưa của người Franc, trị vì từ năm 481 đến năm 511.
[31] Người lính của Đế Chế (tức là lính của quân đội Napoléon) là chủ đề rất được ưa thích của văn chương thời Balzac. Tác phẩm quan trọng nhất về khía cạnh này của La Comédie humaineLe Médecin de campagne tức Viên bác sĩ nông thôn, với nhân vật sĩ quan kỵ binh Genestas và vài cựu binh sĩ khác của Napoléon.
[32] Trò ủy mị kiểu Đức, trong đó đóng vai trò quan trọng tình yêu dạt dào nhưng rất Platonic, rất nhiều lần trở thành đối tượng chế nhạo của Balzac. Đối tượng cho niềm đam mê của Auguste de Maulincour đang nhắc tới ở đây chưa phải là Madame Jules, nhân vật chính của Ferragus, mà là Madame de Sérizy, một nhân vật nữ xuất hiện trong nhiều tác phẩm của La Comédie humaine.
[33] Nhân vật của nhà văn Anh Richardson: Sir Charles Grandisson là biểu tượng của đức hạnh hoàn hảo. Richardson là một trong các tác giả mà Balzac rất hay nhắc đến, nhưng dưới mức độ của Walter Scott.
[34] Balzac đang phân biệt, theo cách riêng của mình, giới tư sản hạng cao và giới tiểu tư sản. Madame Jules, đối tượng tình yêu của Auguste de Maulincour, là một người thuộc giới tài chính ngân hàng, thông qua chồng.
[35] Chú ý: “chúng ta” chứ không phải “ta”. 
[36] Delphine de Nucingen, vợ của nam tước de Nucingen chủ ngân hàng, con gái của Goriot, là một trong nhóm nhân vật tạo nên trụ cột và linh hồn cho toàn bộ La Comédie humaine, xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm, có tiểu sử hết sức rõ ràng. Trong Le Père Goriot, Delphine cháy bỏng ham muốn được mời đến nhà nữ tử tước de Beauséant, khi ấy là nữ hoàng của faubourg Saint-Germain, cũng là nữ hoàng của cả Paris. Nhóm nhân vật quan trọng nhất, đậm chất “balzacien” nhất gồm có, các nhân vật nam: de Marsay làm đến thủ tướng thời Louis-Philippe, Eugène de Rastignac, Lucien de Rubempré, bác sĩ Horace Bianchon, nhà báo Émile Blondet, nhà văn Raoul Nathan, các nhân vật nữ: Natalie de Manerville, nữ công tước de Langeais, Delphine de Nucingen (từng là tình nhân của cả de Marsay và Rastignac), nữ tử tước de Beauséant, lady Dudley, nữ hầu tước d’Espard, Diane de Maufrineuse tức công nương de Cadignan, bà de Sérizy, Félicité des Touches tức nữ văn sĩ với bút danh Camille Maupin. Có một tác phẩm của La Comédie humaine tập hợp đầy đủ các nhân vật này, trong một cuộc trò chuyện ban đêm: Autre étude de femme (Thêm một ê-tuýt về phụ nữ), một kiệt tác lớn.
[37] Thời điểm các phòng khách Paris mở cửa đón khách tiệc tùng là mùa đông. 
[38] Bà Jules Desmarets có nguồn gốc xuất thân bí ẩn. Tên của bà, “Clémence”, có nghĩa là “khoan dung”.
[39] Chuyện mua các chức vụ, nhất là trong ngành tài chính và ngành luật, có vẻ là hết sức bình thường và thông dụng, xuất hiện vô số lần trong La Comédie humaine.
[40] Tại các gia đình giàu có, người chồng đưa vợ số tiền cố định và định kỳ cho “toilette” của vợ: chi tiết được Balzac khai thác rất nhiều trong các tiểu thuyết.



(còn nữa)



Balzac: Mặt bên kia của lịch sử hiện thời

22 comments:

  1. đúng là "thứ thơ ca đích thực của mi". viết thế này bằng sống mấy cuộc đời một lúc. Paris "đực tính" thế nhỉ?

    ReplyDelete
  2. nói đúng hơn, nó rất đực đối với các phụ nữ và nó rất đàn bà đối với tập đoàn đàn ông, nó cũng có thể gay hay lesbian, sado hoặc macho tuỳ nhu cầu, thậm chí nó giống trẻ con đối với đám pedophile, nói tóm lại nó bắt người ta rơi vào quan hệ erotic, bất kể ai, kể cả lũ tủ lạnh :p

    ReplyDelete
  3. tôi thấy phải chi anh còn xuất hiện báo chí thì đem lại kiến thức cho biết bao nhiêu bạn trẻ, tiếc quá

    ReplyDelete
    Replies
    1. Báo chí thì liên quan gì kiến thức!

      Delete
    2. nó chả lan truyền tiếng nói tốt hơn blog này sao?

      Delete
    3. loa phường là nhất :D

      Delete
  4. vả lại, tôi thấy, về cơ bản, kiến thức chẳng bao giờ có ý nghĩa gì cả, và bạn trẻ có đọc báo, nhất là báo Tuổi trẻ, thì theo tôi cũng chẳng làm gì được nữa đâu hehe

    ReplyDelete
  5. à, để tránh mọi hiểu nhầm có thể có: việc tôi không viết bài đăng báo nữa hoàn toàn là lựa chọn của tôi, trong năm 2016 vì nể nang tôi vẫn có cho đăng vài thứ khi có tờ báo chủ động liên lạc, điều đó khiến về sau tôi thấy hối hận khủng khiếp

    ReplyDelete
  6. kể cả trước đây, về cơ bản khi muốn ngừng viết cho tờ báo nào, đều là tôi chủ động, mục "Con sâu" trên Thể thao & Văn hoá, tôi ngừng ngay sau khi chính tờ báo này đăng bài sai lệch về tôi trong khi tôi đang giữ mục cho họ (nhà báo Bùi Dũng viết theo com măng của Phạm Thị Thu Thuỷ tức Thuỷ Phạm), mục trên "Thể thao & Văn hoá Đàn ông" tôi chủ động thôi sau khi tròn 5 năm

    chỉ có một trường hợp khác, nếu tôi nhớ không nhầm: tờ CF, 5 số đầu tôi cộng tác, có những số tôi còn tổ chức gần như toàn bộ nội dung, sau đó bỗng nhiên không thấy gì nữa, tôi cứ nghĩ nó ngừng không ra nữa, sau lại thấy hoá ra vẫn ra, lúc í tôi mới biết họ đã thay cộng tác viên mà không nói với tôi một câu

    lúc cần mời thì lăn ra như bi mời, lúc sau thì lẳng lặng như chả có gì xảy ra: đó chính là đặc điểm của báo chí VN, ở tờ CF cụ thể là hai nhân vật này: Phạm Thị Điệp Giang và Nguyễn Danh Quý

    ReplyDelete
    Replies
    1. tôi không ngờ báo chí giờ làm ăn như thế, có đầu mà không đuôi, thôi tôi đã hiểu

      Delete
  7. Chữ latin khả năng giữ nguyên bản là cao hơn chữ Hán, máy chủ đặt ở Bắc âu thì vấn đề nguyên tác không đáng lo bất chấp vỉa hè Hà Nội thì lắm văn nhân triết gia nghệ sĩ các thứ

    Anh chỉ lo chúng nó quẫn lên

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mặc cảm hải đăng bền bỉ, hì

      Delete
  8. Đó là lí do cho những lần từ chối in? Giờ mới hiểu, tưởng có hiềm khich gì.

    ReplyDelete
  9. Bắc Âu hả? sắp đến Bắc Âu rồi đây, thông qua con đường Balzac hehe

    ReplyDelete
  10. mặc cảm hải đăng, nhưng như thế thì chưa đủ: mặc cảm hải đăng luôn luôn gặp sự đối nghịch là mặc cảm trốn núp, mặc cảm của lẩn lút hehe

    à mà mình cầm chắc các bạn chẳng biết "mặc cảm" nghĩa là gì đâu, mặc dù lải nhải suốt ngày, đây này: mặc cảm là thứ nằm bên trong ý thức, va đập và gây thương tật cho ý thức từ bên trong, đã rõ chưa? (không có cái gì là "phức cảm" hết)

    ReplyDelete
  11. chàng sĩ quan kỵ binh chạy theo chiếc xe ngựa. văn bây giờ cũng ko theo kịp. cái nhìn của ông ấy thật là rộng và cùng một lúc cả bốn chiều. à, "Ngày Mười tám tháng Sương Mù của Louis Bonaparte" xưa kia từng hé cho mình thấy defective của môn sử với môn chính trị ở trường. bây giờ loạt Balzac này đúng là lật đổ cả một đống.

    ReplyDelete
  12. một nghiên cứu riêng về cuốn này lưu ý vào đoạn de Maulincourt đi theo Madame Jules: lúc đứng dưới đường nhìn lên nhà thì rất điện ảnh câm, đoạn đứng ngoài tưởng tượng quý bà nói chuyện với nhân viên bán hoa thì như thần thiên lý nhãn thiên lý nhĩ gì đó

    ReplyDelete
  13. dịch nốt rồi in thành sách đi bác ơi

    ReplyDelete
  14. những câu văn oách quá, như dạy một môn tâm lý học bằng nhịp điệu. mỉa thì lịch sự như phép "nghi ngờ trong triết học Decartes" rồi có ngày tôi xin cóp lấy vài câu nhé :) kiểu như bọn thấy mình có gốc lên tận Clovis bây giờ đông như trảy hội đền H.

    ReplyDelete
  15. "politesse" làm nên một truyền thống thuộc loại khó xâm nhập nhất, cả truyền thống xã hội lẫn truyền thống triết học Pháp: Alain liên tục nói đến cái "lịch sự" này, và Derrida thì đẩy sự lịch sự lên đến mức nói toẹt là tao viết để chúng mày khỏi dịch được sang bất kỳ thứ tiếng nào

    ReplyDelete