Feb 15, 2017

Tản Đà vận văn vân vân vân vân

Không lâu sau khi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu qua đời, bộ Tản Đà vận văn, gồm nhiều tập, được in; đây là bộ sách cho thấy đầy đủ thơ của Tản Đà hơn cả, bộ sách nhất thiết nếu muốn nhìn vào văn nghiệp, hay đúng hơn là thi nghiệp, của Tản Đà.

Một câu hỏi rất thú vị: bộ sách này có lịch sử như thế nào?

Sau khi Tản Đà đã qua đời, bộ Tản Đà vận văn được in, trong vòng vài năm. Xưa nay người ta vẫn nghĩ bộ sách có ba tập.

Tôi chỉ có tập ba của bản nhất này, tình trạng nhìn chung là thảm hại hehe:




Tôi cứ yên tâm là Tản Đà vận văn bản đầu tiên có ba tập như thế, cho đến ngày một người bảo với tôi là từng nhìn thấy một bộ Tản Đà vận văn bốn tập, và khẳng định đó là một ấn bản "tiền chiến": thông tin này làm tôi rất kinh ngạc. Nếu thông tin ấy là đúng, thì hoặc ấn bản đầu như hay thấy không phải ba tập, mà là bốn tập, hoặc giữa ấn bản đầu này và ấn bản 1945 còn có một ấn bản nữa, rất ít người biết.

Rốt cuộc thông tin chính xác là đây: Tản Đà vận văn bản đầu, tức là ấn bản in ngay sau khi Tản Đà qua đời, và in trong vòng mấy năm, gồm tổng cộng bốn tập (nguồn thông tin: courtesy of VHT).

Trước khi đi tiếp vào lịch sử của bộ sách, ta thử đặt một câu hỏi: văn xuôi của Tản Đà như thế nào?

Cần dứt khoát trả lời: Tản Đà không phải một nhà văn xuôi lớn, văn xuôi của Tản Đà thực sự non kém.

Tản Đà có phải một nhà báo đáng kể không? Ở điểm này, cũng cần dứt khoát trả lời: không. An Nam tạp chí bắt đầu ra từ năm 1926 (xem ở kia) có nội dung chán không thể chịu nổi, và chán nhất trên tờ báo ấy chính là các bài do Tản Đà viết. Người ta, và cả Tản Đà, hay ngậm ngùi thương xót, than thân trách phận vì tờ báo của Tản Đà (ra nhiều lần) chẳng ai đọc: nhưng là như vậy không phải vì đen đủi gì hết, mà chỉ vì nó thực sự rất chán. Tản Đà không biết viết báo, mà vào thời điểm ấy ở Việt Nam, nhiều tờ báo đã cho thấy trình độ và năng lực làm báo thực sự cao: An Nam tạp chí không có độc giả là tất yếu.

Tiếp tục: Tản Đà vận văn ấn bản nhì hết sức quan trọng:



(nhà xuất bản Hương Sơn, 1945, 2 tập)

Đặc biệt, trong sách có lời tựa rất dài của Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng:



Bài viết này là một trong những yếu tố trọng yếu giúp tạo ra hậu thế cho Tản Đà.

Nguyễn Mạnh Bổng là anh vợ của Tản Đà, cũng là anh ruột của Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng.

Đây là chữ ký và thủ bút Nguyễn Tiến Lãng (niên đại: thập niên 70):


Trong đời, Nguyễn Tiến Lãng có mấy kỳ phụng sự đáng nói, thứ nhất là Tản Đà, thứ hai là Phạm Quỳnh, sau 1945 là kỳ phụng sự một nhân vật đặc biệt: tướng Nguyễn Sơn. Đấy là nếu không kể vai trò của Toàn quyền Đông Dương René Robin. Nguyễn Tiến Lãng từng bị Phan Khôi "búng tai véo mũi" theo đúng nghĩa. Tôi từng hết sức cố gắng đọc Les Chemins de la révolte của Nguyễn Tiến Lãng: chán rùng rợn. Về Nguyễn Tiến Lãng, xem thêm ở kia.

Ấn bản lần ba của Tản Đà vận văn, vẫn là Hương Sơn, vẫn Nguyễn Mạnh Bổng, vẫn hai tập, nhưng niên đại là 1952:



Như vậy, bộ sách này rơi đúng vào khoảng sách trong thành phố Hà Nội từ 1947 đến 1954.

Tôi quyết định đọc toàn bộ Tản Đà vận văn. Tôi nghĩ đây là một công việc không thiếu tính chất anh hùng.

Thơ của Tản Đà có hai đặc điểm nổi bật: những khi nào muốn nghiêm trang, thì nó kèn kẹt cứng đơ lại, những lúc nào muốn phóng túng, thì nó rơi ngay vào cợt nhả.

Như thế thì khó mà gọi là phong khí của thi bá lắm, có phải không Tản Đà tiên sinh? Không, tôi không muốn nói là tôi không bắt gặp những câu thơ hay trong bộ sách. Nhưng vậy thì đâu có đủ, và Bùi Giáng đã thực sự xuất sắc khi nói rằng thơ của Tản Đà chẳng có gì là xuất sắc hết. "Bảng phong thần" của Bùi Giáng, những sắp xếp giá trị trông thì như bông đùa của Bùi Giáng, thật ra vô cùng chính xác. Vậy thì tại sao Tản Đà lại có vị trí lớn đến thế trong văn chương Việt Nam?

Ta lại một lần nữa bắt gặp một nguyên do đã trở nên quá nhàm chán: đó chủ yếu là vì tiểu sử. Tản Đà và Vũ Trọng Phụng là hai nhân vật văn chương làm người ta say mê vì tiểu sử, trong khi chất lượng văn chương của họ đều không thực sự cao. Một điều trớ trêu: Tản Đà và Vũ Trọng Phụng là hàng xóm và qua đời gần như cùng một thời điểm. Cộng lại, hai con người ấy trở nên một khối công phá đánh thẳng vào lòng thương xót của bao nhiêu thế hệ.

Nhưng như thế thì đâu có được?

Và tất nhiên, vai trò rất lớn trong câu chuyện này, một lần nữa, nằm ở Hoài Thanh (dẫu cho bài viết của Nguyễn Mạnh Bổng trên đây có quan trọng đến đâu). Tản Đà chính là khuôn mặt mở đầu cho Thi nhân Việt Nam, thậm chí còn ngoại hạng, đứng trước cả bài tựa. Đây là "Cung chiêu anh hồn Tản Đà", Thi nhân Việt Nam ấn bản nhì, Nguyễn Đức Phiên 1943:



Cuốn sách Thi nhân Việt Nam, từ lâu tôi đã biết nó cực kỳ sai lầm, nhưng điểm mấu chốt của sai lầm của nó nằm ở đâu? Mất rất lâu, tôi mới nhận ra, đó không phải là trường hợp Đinh Hùng, trường hợp Xuân Diệu, trường hợp Nguyễn Vỹ hay nhiều trường hợp khác, mà nó sâu xa hơn nhiều: nó nhầm lẫn ngay từ đầu, ngay từ trang đầu tiên, dòng đầu tiên. Cái nhìn của Hoài Thanh vào thơ Việt Nam một giai đoạn là một cái nhìn hoàn toàn méo, và cần dứt khoát coi là không có giá trị đến như thế.

Tôi chỉ nhận ra được điều này sau khi đã thử động vào "nhân vật Tản Đà trong Thi nhân Việt Nam" bằng con đường âm bản, bằng cách thử dùng con mắt thông thường nhìn vào, xem ở kia, phải sau đó rồi tôi mới hiểu, đấy chính là sự lệch lạc lớn nhất của Thi nhân Việt Nam, và từ đó dẫn đến không biết bao nhiêu hệ lụy khổng lồ cho cả một nền nghiên cứu văn học.


nhân tiện: Séraphîta mới thêm một đoạn rất rất rất rất dài

8 comments:

  1. tôi đồng ý về cuốn thi nhân việt nam, nó chỉ nên là sách tham khảo, các trường đại học đã quá đà khi đặt cuốn sách vào một vị trí quan trọng

    ReplyDelete
  2. Nguyễn Tuân còn kể chuyện Tản Đà biết múa kiếm,giai thoại uống rượu có một bài thơ của Trần Huyền Trân. Phong độ của một thi bá theo lối cũ phải chăng nằm ở chí làm quan ?

    ReplyDelete
  3. Tôi nói thật là tôi cũng biết múa kiếm

    ReplyDelete
  4. Ông Nhị Linh, ông tuốt gươm tuyên chiến với "lịch sử văn học nước nhà" đấy à? :P

    ReplyDelete
  5. uây, có biết kiếm cung gì đâu

    với cả không phải với lịch sử văn chương, mà vấn đề là văn học sử, tức là cái sản phẩm của một truyền thống diễn giải và định vị giá trị

    ReplyDelete
  6. Nếu tôi nhớ không lầm thì BG chỉ nói không thích thơ Tản Đà chứ không '.. nói rằng thơ của Tản Đà chẳng có gì là xuất sắc hết'
    Sorry nếu tôi nhớ lầm dù tôi vẫn cho rằng đây không là cách nói của BG.

    ReplyDelete
  7. chính xác là "thơ của tiên sinh làm, chẳng có chi xuất sắc", xem thêm ở đây:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/01/bui-giang-khong-ien-khong-tinh.html

    ReplyDelete
  8. Vụ TĐ a thử hỏi bác VHT xem.

    ReplyDelete