Mar 8, 2017

[tiện bút] Người chỉ huy thành phố

Cũng giống ở kia, dưới đây là một nhát khai quật khác. Niên đại: cũng tháng Ba 2007.

Nhân tiện: đã viết tiếp về "hiện tượng luận quan hệ thầy trò".



Let me tell you a story… đại khái đó là câu đầu tiên một bài hát của Iron Maiden trong đĩa The Dance of the Death.


Người chỉ huy thành phố


Tôi hai mươi tuổi. Tôi sẵn sàng đập vỡ mặt bất kỳ ai nói đó là cái tuổi đẹp nhất của con người. Hoặc là những người đó chưa sống qua tuổi hai mươi; cuộc đời của họ khéo léo nhảy qua cái vực thẳm đó. Hoặc là cuộc đời của họ mặc kệ coi như không tồn tại ý thức và mặc cảm của điều huyền bí nhất (cho đến khi nào người ta còn chưa khẳng định được xác quyết thời gian chẳng qua cũng chỉ là vật chất, một sự nhòe lượng tử nào đó) là thời gian. Dù nói gì đi nữa, họ cũng may mắn hơn tôi. Hoặc là… Mà thôi, tôi mệt mỏi với những hành hạ trí óc theo kiểu này lắm rồi. Bao nhiêu trí óc lớn trên đời chỉ làm được một việc duy nhất là làm khổ trí óc của chính mình và người khác. Cứ tưởng tượng mà xem, Giordano Bruno nghĩ ra phương pháp kỹ thuật nhớ theo kiểu gán cho mỗi quân bài một hình ảnh ngộ nghĩnh: chó, mèo, cây, nhà… và tự xây dựng một câu chuyện kết nối những cái đó với nhau; cứ luyện tập mãi, sẽ đến lúc nhớ được hết các quân bài. Ai thực hành tốt kỹ thuật đó thì hay thắng bạc. Vấn đề là thua bạc thì có sao không?

Tôi sẽ không kể chuyện này nếu tôi không nhớ đến… Câu này Cao Hành Kiện dùng để mở đầu tiểu thuyết hay nhất của mình, Cuốn sách của một con người. Ý tưởng về đập vỡ mặt người khác mà tôi dùng để mở đầu truyện ngắn của tôi là của Robert Brasillach [erratum 2017: thật ra đó không phải là Robert Brasillach, mà đó là Paul Nizan]. Có nhiều lúc tôi nghĩ, nếu cứ thế này mãi, hóa ra tôi sống toàn bằng vay mượn. Trí nhớ của tôi rất có thể cũng sẽ biến thái theo lối Bruno, biến tất cả những gì có ở trong đó thành một câu chuyện. Hay là tôi đang ghép Cao Hành Kiện, Brasillach, Kafka, Proust, Murakami, Auster, Modiano theo lối khỉ, cáo, hoa, đất? Bruno sau này (chính xác là năm 1600 - tôi đã biến cái năm này thành một cỗ xe: số 1 là roi ngựa, số 6 là người đánh xe, và hai số 0 là hai cái bánh xe. Nếu muốn có một câu chuyện mang tính nhất quán cao, kết nối với hai thời điểm khác là 1984 và 1492, tôi chỉ cần đảo ngược người đánh xe thành ra ở tư thế trồng cây chuối ở trường hợp thứ nhất, ngồi êm ái trên cái ghế tựa trong trường hợp thứ hai, và trên xe lúc này đã có hành khách: lần lượt là một anh chàng mũi nhọn chọc mũi vào eo lưng của cô nàng to béo hình số 8 và một ông bố đi chân trần ngồi cạnh thằng con đi giày đế bằng, thế là tôi đã có một câu chuyện kết nối từ Bruno sang George Orwell và Columbus; nếu thêm chút kỹ thuật thì gộp thêm cả cỗ xe hoàn hảo của bưu điện trong một cuốn sách nào đó của De Quincey) bị thiêu sống trên một quảng trường nhỏ châu Âu. Chết trong lửa. Đến đây tôi lại rơi vào cái bẫy của Milan Kundera. Tôi chỉ mượn tạm những chi tiết, mà không hề có cảm giác là đang mắc nợ. Mắc bẫy thì đúng hơn, như tôi đã nói. Tôi không đủ hung bạo để đấm vỡ mặt bất kỳ ai. Tôi chỉ hoang mang, và trong đầu có quá nhiều suy nghĩ. Tôi thường xuyên đi nhầm đường về nhà, và có khả năng mênh mông về chuyện đi quá lối rẽ; chuyện này nhiều khi làm tôi mất rất nhiều thời gian, nhất là khi gặp phải đường một chiều. Lúc này thì không phải lo đường một chiều, vì tôi đang đi bộ. Đằng nào thì từ lâu tôi cũng đã từ chối gây tai nạn ôtô bằng cách ngồi sau vô lăng. Từ quảng trường Saint-Sulpice, lẽ ra tôi phải xuống tàu điện ngầm ở bến Saint-Sulpice, đâu đó nằm trên đại lộ Raspail, nhưng có vẻ như là tôi đã không chú ý đến cái miệng bến mở ra đó. Khi ấy tôi đang nghĩ là trên quảng trường Saint-Sulpice kia có một quán cà phê mà Gérard Genette và Roland Barthes đã ngồi nói chuyện gì đó, rất có thể là về các cô gái mặc váy bị tung lên vì gió thổi. Một quán cà phê khác (hoặc chính quán đó) là nơi Georges Perec ngồi nhìn ra đường, trong cơn cuồng nắm bắt cái thực tế cuộc sống ở từng milimet vuông một. Cuối cùng thì Perec cũng viết xong được Cuộc sống cách sử dụng với vô số cái bẫy và vô số trang sách. Còn chính nhà thờ Saint-Sulpice (rất xấu, theo quan điểm của riêng tôi - rất có thể nó không có chút giá trị nào, quan điểm của riêng tôi - với bức tranh tường rất lớn của Delacroix vẽ thánh Michel giết rồng) là nơi xảy ra cuộc gặp tối hậu của nhân vật lang thang của Remy de Gourmont với ông chúa kỳ bí trong Một đêm trong vườn Luxembourg. Tôi đọc cuốn sách bị lãng quên đó đơn giản vì nó là cuốn sách thất bại thảm hại nhất của Gourmont. Tôi cũng giống một số người, thích đọc những cuốn sách không ai muốn đọc. Không biết họ có giống tôi không, sau khi đọc xong thì tôi hoàn toàn hiểu tại sao lại không ai muốn đọc chúng. Cứ tưởng tượng mà xem, với tất cả những hỗn loạn nhảy múa trong đầu như thế - tôi rất hối hận, nhưng chưa biết phải làm thế nào - thì đi nhầm hai mươi bến tàu điện ngầm cũng là điều có thể. Cuối cùng thì tôi quyết định đến một bến thật lớn để không có khả năng lạc đường nữa. Cái miệng của những bến tàu lớn cũng lớn tiếng hơn miệng của những bến tàu nhỏ. Cái miệng của bến tàu điện ngầm, hình ảnh lặp đi lặp lại của Truffaut trong Nuit américaine. Lại nữa rồi… tôi phải hết sức tập trung (trước khi có thể mọi sự quá muộn): bến tàu điện ngầm lớn, tên là Odéon, và tôi đang đi xuống. Tôi đang đi vào nội tạng của con quái vật đó. Sẽ đi qua những gan ruột của nó, sẽ bị nó co bóp, giật lôi, bị nó tiêu hóa, và sẽ trở thành chất bài tiết của nó, và đi lên ở một cái miệng khác đâu đó. Đằng nào thì cũng chỉ có 14 đường tàu, với vài trăm cái bến. Hoạt động ăn uống của con quái vật đó hết sức phức tạp, tôi chỉ có thể nói như vậy. Có những ngày tôi biến hóa từ vai con mồi sang vai chất thải hàng chục lần. Hôm nay cũng không có gì đặc biệt. Tôi đi xuống một trong những nơi tiếp nhận đồ ăn. Tôi không biết mình có phải là một món ăn khoái khẩu của nó không. Và tôi tự an ủi rằng nếu không phải thế thì cũng đã là một cách trả thù. Tôi không đủ sức hung bạo đến mức cắm vào ruột nó một cái que thật sắc. Cũng không đủ sức nhảy xuống một trong những đường ray để làm tắc lại trong một khoảng thời gian nhất định cái cơ chế nhai nghiền nuốt thải kia. Tổn thất sẽ là quá lớn.

Mê cung chỉ là một trong những ẩn dụ về đường tàu điện ngầm. Cũng như ẩn dụ con quái vật. Ngôn ngữ là như vậy: hoặc là vay mượn, hoặc thả mình trượt theo các nghĩa. Mọi thứ tu từ đều là trượt nghĩa. Không ai sống được chỉ với những nghĩa đen. Mê cung dưới đất ở đoạn ngã tư Odéon này không phức tạp lắm, nhưng nếu không tập trung thì vẫn có thể đi nhầm, lẽ ra phải xuống được đường 10 thì lạc sang đường số 4. Đường số 4 rất nóng, vào một ngày hè như thế này tôi không hề muốn bị nướng chín trong đó. Con quái vật ăn cả đồ nóng và đồ chín; dĩ nhiên nó là đồ ăn tạp. Tôi cũng không thanh khiết gì lắm trong ăn uống. Tôi đã kịp mua một cái panini merguez ở miệng bến. Mọi thứ đều là trùng lắp, trùng trùng duyên khởi, cái này ở trong cái kia. Văn chương là một trò trùng ngôn, sống là một trò trùng sinh. Tôi ăn trong khi bị ăn, và chỉ cần ý nghĩ con quái vật đang ăn tôi kia cũng bị một con quái vật khác nuốt chửng, rồi đến lượt nó, đến lượt sau nó… là đã đủ để làm tôi thỏa mãn trong một ngày mùa hè nóng nực ít nhu cầu, rất điển hình để Bouvard gặp Pécuchet hay M.S. Fogg gặp Kitty Wu. Cũng đã từ lâu tuổi hai mươi của tôi không trông đợi một cuộc gặp tình cờ nào nữa. Nương theo sự tình cờ cũng là một cách sống, nhưng có vẻ như nó không xứng đáng lắm với tuổi hai mươi nữa, nếu như quả thật tuổi hai mươi có một ý nghĩa. 




nhân tiện: mới thêm một đoạn dài dài dài Ferragus






đây:




6 comments:

  1. uây, quảng cáo đúng chỗ thật

    ReplyDelete
  2. Mãi mãi tuổi hai mươi :b

    ReplyDelete
  3. Anh biết vẽ không?

    ReplyDelete
  4. “Người chỉ huy thành phố” làm em nhớ tới vở kịch “Ở một thành phố mà người cai quản còn là trẻ thơ” (mà hình như Souplier và Sevrais cũng quãng tuổi 20 thì phải)

    ReplyDelete