Jun 3, 2017

Cong ăn cong thẳng ăn thẳng

Tiếp tục chủ đề "chơi bi" ở kia:


Trên đây là hình vẽ mô phỏng lại trò chơi bi rất phổ biến tại Hà Nội cuối thập niên 80 của thế kỷ 20 :p trò "thủ tương".

Ta gạch một đường thẳng, đó là "thủ". Ta lại vẽ một hình chữ nhật nhỏ ở giữa đoạn thẳng trên, với một cạnh chính là "đường thủ", và đây là "tương". Những người chơi bi sau khi vẽ xong như vậy rồi thì sẽ từ một đường kẻ cách đường kẻ "thủ" chừng vài mét bắt đầu "đi" (mép chân phía trên, hoặc là mép dép, không được giẫm lên vạch, giẫm là "ăn gian", có thể bị phạt). Một ván bắt đầu, lần lượt từng người đi (có thể có nhiều người cùng chơi một lúc, rất nhiều cũng được, nhưng lý tưởng là từ bốn đến bảy, tám người; hai hoặc ba người thì quá buồn tẻ), sau khi tất cả đã đi hết thì căn cứ vào vị trí bi của từng người để tiếp tục.

Viên bi nào chui được vào "tương" được tính là cao nhất. Tính lên gấp ba. Vào thủ tính lên gấp đôi. Tương được ăn thủ. Nếu không có thủ và tương thì xét theo vị trí thực tế của viên bi: càng gần vạch "thủ" thì càng cao: như trong hình, bi 1 sẽ được bắn bi 2, nếu trúng thì tiếp tục bắn bi 3, nếu trượt thì đến lượt bi 2 được bắn bi 3. Không có thủ tương nên tính là một. Thông thường, viên bi dùng để chơi là bi cái, sẽ không dùng để "giao dịch": chẳng hạn người có bi 2 bị bi 1 bắn trúng sẽ lấy một viên bi khác để nộp. Bi 4 đi quá vạch thủ nên sẽ bị coi là bét trong ván này; luật tính vị trí ở bên kia vạch thủ cũng tương tự, nhưng đổi chiều, như qua tấm gương.

Ván tiếp theo, thứ tự đi sẽ như sau: 4 rồi 3 rồi 2 rồi 1.

Trên đây là hình ảnh lý tưởng: trên thực tế, chơi bi trên đất, không thể vẽ được thẳng như thế kia :p

Hình vẽ dưới đây mô phỏng gần giống hơn trò này trên thực địa:


Tất nhiên là cũng hơi quá, vì khi chơi, ai cũng sẽ cố gắng vẽ cho thật thẳng :p

Và khi đã vẽ xong thủ và tương, tất cả lũ trẻ con sẽ hét lên: "Cong ăn cong thẳng ăn thẳng". Đây là điều cho thấy tất cả đều chấp nhận mọi điều gì ngẫu nhiên xảy đến. Tức là chấp nhận luật chơi một cách thực tế, và không được oán thán :p Dường như những tiếng kêu đồng loạt này hết sức quan trọng trong mọi trò chơi. Chẳng hạn, trong trò "bắn bòm", phải khi tất cả đã đồng thanh mấy câu "Chiến tranh bùng nổ, gian khổ mười năm, bắt đầu chiến đấu" thì trò chơi mới bắt đầu được.

Bi 2 và bi 3 trong Hình II nhìn không rõ viên nào cao hơn, cho nên cần có trọng tài: một người sẽ lấy cọng cỏ hay bất kỳ cái gì để đo, từ vị trí viên bi gióng thẳng lên đường "thủ", và hai chủ nhân bi phải công nhận kết quả giám định.

Nếu một bi đã vào thủ mà lại có một bi khác vào thủ sau, thì thủ sau ăn thủ trước, tương tự với tương. Nếu vào thủ ở trong vòng tương thì còn được tính lên cao hơn (không chỉ gấp đôi như thủ, gấp ba như tương).

Trong luật chơi còn có một điều: không được phép làm viên bi, bất kỳ viên nào, chạm vào một bi khác (khi 1 bắn 2 thì cả 1 và 2 đều không được chạm vào bất kỳ viên nào khác; chỉ cần chạm là ván này bị hủy, chơi lại ván mới): chẳng hạn bi 4 và bi 5 quá sát nhau, người được bắn sẽ phải cân nhắc, vì nếu chạm lung tung thì cả ván sẽ bị hủy, những bi đã ăn được trước đó phải trả lại. Có thể hủy lượt, và thế là bi 4 bỗng dưng được lãi vì ăn luôn được bi 5 (khoảng cách quá gần, không có khả năng bắn trượt :p); nhiều lúc người sở hữu bi 4 sẵn sàng hối lộ cho người sắp bắn để họ tự hủy, nhất là sau 5 có khả năng xơi thêm những bi khác nữa.

Một vấn đề xảy ra: nếu người đi đầu vào tương luôn, thì đương nhiên những người đi sau đều tìm mọi cách tẩy bi của người đó ra, thậm chí ném béng viên bi cái của mình đi thật xa. Để ngăn ngừa trường hợp này, ta có hình thứ ba:


Hai nửa hình cầu được vẽ về hai bên đường thủ. Điều này muốn nói lên rằng: chẳng hạn bi 4 nằm ngoài vòng, thì bi 1 trong tương kể cả không bắn trúng vẫn thu gấp ba, nếu bắn trúng thì nhân đôi thêm nữa.

Cái vòng này có tên gọi riêng, tôi quên mất rồi, ai còn nhớ không?


Chơi bi, nhất là ở trò "thủ tương" này, đặc biệt cần đầu óc chiến thuật. Được ăn thì không nói, nhưng nếu thấy tình hình quá bất lợi mà tới lượt đi thì phải tìm cách "phá bọt", chứ để cho một thằng khác chén sạch cả lũ thì quá bằng nỗi nhục muôn đời. Trong trò này, một năng lực cũng đặc biệt cần là "điều bi", chẳng hạn như trong Hình III, bi 1 ăn bi 2 thì đồng thời cũng phải làm sao để bi của mình ở vào vị trí thuận lợi để ăn tiếp bi 3, rồi sau đó lại phải lợi dụng bi 3 để đến thật gần bi 4, ăn nốt nó; nếu một phát dọn sân như thế này, ông 1 trong tương sẽ ăn được tổng cộng 12 viên bi nếu tính luật 1, 2, 3, hoặc 24 nếu theo 2, 4, 6, và cứ thế nhân lên. Thành thử, tôi để ý, ai hồi nhỏ chơi bi tốt, về sau thế nào cũng chọc bi-a có hạng :p (trong chơi bi câu "cong ăn cong thẳng ăn thẳng" là quan trọng thì trong bi-a, tại Hà Nội cuối thập niên 90, mấy câu xuất sắc nhất là: "đường xa ướt mưa", "từ từ rồi khoai sẽ nhừ" và "nhẹ nhàng như đẩy xe hàng").

Theo lứa tuổi, chơi bi cũng bắt đầu thay đổi tính chất. Bọn rất bé (cỡ lít nhít 6, 7 tuổi) rất hay cú dỉn nhau, thậm chí còn chơi hủi kiểu hích vào tay, hoặc lừa lừa dùng chân đẩy vị trí viên bi đi chỗ khác cho có lợi. Bọn lớn hơn sẽ không như vậy, không khí thậm chí còn khá là trầm mặc, không khác đánh bạc về sau :p Điều này rất tương ứng với nghiên cứu của Jean Piaget về bọn trẻ con chơi bi: tùy theo lứa tuổi mà chúng dần dần học được cách tuân thủ luật lệ, rồi dần dần đạt đến mức biết tôn trọng người khác, nhất là tôn trọng sự khéo léo của người khác, kể cả khi trong bụng tức sôi máu.

Ngày xưa, bọn tôi chơi bi dưới gốc một cây dâu da xoan to. Ngoài sới chính, bọn bé hơn cũng tự lập các sới "thủ tương" riêng. Có thằng thửa bi sắt làm bi cái, bắn có thể vỡ bi thằng khác.


nhân tiện: đã viết xong "tờ thứ nhất mặt A" của "Đọc Kiều"

33 comments:

  1. Ở chỗ mình, vượt quá vạch thủ gọi là cai, hình chữ nhật gọi là hòm. Ô chứa bi con gọi là lồ. Mình ngày xưa hay chơi, nhiều lần ăn hết cả lồ bi sau khi điều bi cái của đối thủ ra thật xa. Bắn trúng nhau cách hàng mét. Đọc lại tuổi thơ vui quá. Cảm ơn bạn nhé

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chơi bi cũng cần phải có chiến thuật nhỉ. Nếu số 4 đã hòm rồi thì số 3 sẽ né, hoặc ở nhà hoặc đi lên thật cai(bạn bi 4 sẽ chê là kém tắm). Bi 2 cũng né và tìm cách ăn bi 3. Bi 1 có nhiều lựa chọn nhất. Hoặc canh ti với số 4 làm bắc cầu chén hết bọn kia sau đó chung chi, hoặc tìm cách ăn bi 2, 3. Nếu đủ dũng cảm thì hòm sau, ăn cả bi 4 luôn, bắn giật lùi, điều bi cái ra chỗ gần bi 2,3 nhất có thể. Nếu không hòm được thì lãnh đủ. Chấp nhận thôi. Trò chơi công bằng, ganh đua công bằng khó mà ăn gian. Nhưng buồn cười, có lúc bạn khẳng khái, không sợ thì lại thường thua. Bạn láu cá, khôn lỏi thích ăn chung chi, săn bạn né ở nhà lại vớ to.
      Mình đọc nhiều bài của bạn trên blog này. Có những quan điểm này kia không tán thành nhưng vẫn đọc. Đây là bình luận đầu tiên của mình đấy. Cảm ơn bạn lần nữa nghe.

      Delete
  2. Nhìn nét chữ đoán nét người chị phải đẹp, minhon, thanh cảnh, nhẹ nhàng lắm nhờ😇. Vậy mà sao rành môn chơi bi thế cơ chứ😮

    ReplyDelete
  3. Ở chỗ tôi, không có tương, chỉ có vạch đích và vạch đứng ném bi. Người nào bi càng lăn gần vạch đích (tốt nhất là chạm vào vạch đích) là đứng nhất, bi nào vượt quá vạch đích coi như là thua luôn phải nộp bi. Bi đứng nhất sẽ bắn các bi còn lại lần lượt theo thứ tự từ cao xuống thấp. Quan trọng là trước khi bắn trúng bi thằng thấp hơn mình thì không được va trúng bi của thằng khác. Nếu va trúng là thua, mất lượt. Đại khái thế. Thủ thuật phá bọt thì chắc là ở đâu cũng giống nhau. Nếu có một thằng bi đã chạm vạch đích rồi thì bọn còn lại sẽ biết thân biết phận tìm cách để cái thằng có bi chạm đích kia không ăn được cả lũ. Ôi, đang mùa hè, đọc lại vụ này lại nhớ các mùa hè cấp 1 xa xưa không bao giờ ngủ trưa, toàn lẻn đi chơi bắn bi trong ngõ phố với bọn con trai quá. Hức. Còn trò bắn dây chun (quê tôi gọi là nịt) nữa, cũng gay cấn không kém.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ha ha. Hoặc là cứu bạn, né cùng bạn rồi thỏa thuận ngầm không ăn của nhau, hòa cả làng. Bi thủ, hòm tức thôi. Hoặc là phản, bắc cầu để được chia phần, đổi lại sẽ bị ghét. Mỗi ván một tính toán khác nhau. Nó chả khác gì cuộc đời thật chúng ta ở mỗi khúc quanh. Và từ chơi bi ' biết tôn trọng luật lệ, tôn trọng người khác, tôn trọng cả đối thủ khi nó giỏi hơn ' Đọc xong bài chơi bi này, thấy những tình bạn thủa ấy hay thế. Sau mỗi cuộc chơi, đếm bi ăn được, đứa thắng vui, cho đứa thua nhiều một ít để an ủi. Thua cũng không quá buồn, không căm lắm. Tức tức tý thôi, kể cả khi bạn có chơi khôn lỏi. Lại hẹn ngày mai. Thắng thua sát phạt nhau từng tý một nhưng vẫn muốn chơi với nhau

      Delete
    2. Với lại khi chúng ta học tuân thủ luật lệ ( bao gồm trong đó có cả ăn gian) của một trò chơi thì cùng lúc ấy chúng ta đang phá luật của một trò chơi khác: ngủ trưa. Cái vụ lẻn đi chơi giờ ngủ trưa hồi xưa vừa sợ hãi vừa háo hức, chỉ lo vừa mới bước qua cửa đã bị mẹ quát tóm lại :p

      Delete
  4. hình như đúng là gọi "cai" trong trường hợp quá vạch thủ

    kỹ thuật bắn (búng) bi cũng rất phong phú, tôi từng rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhìn thấy bọn chỗ khác chơi, rất hay dùng ngón trỏ và đặc biệt thích bắn bằng ngón cái (khi đó bàn tay phải vòng tròn lại làm bệ phía dưới) trong khi ở chỗ bọn tôi phổ biến dùng ngón giữa kết hợp ngón cái

    không ai nhớ cái vòng tròn tròn ở hình III gọi là gì à?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình cũng bắn bằng ngón giữa kết hợp với ngón cái, bạn chơi cùng cũng thế. Bắn bằng ngón trỏ hay dùng ngón cái bật thường là những tên gà mờ, chơi rất kém. Thua sạch túi với bọn mình luôn. Ăn gian là dưới tay dài ra nhể, bạn thắc mắc thì lại rụt vào tý. Ha ha
      Chỗ mình chỉ có hai cách chơi. Hòm thủ và vẽ ô lồ. Lồ hình vuông, to nhỏ tùy số lượng bi. Khoảng 40×40. Ai gần vạch lồ nhất sẽ được đi trước. Chén hết quân trong đó là thích nhất. Ở xa thì tà vần lại gần hơn. Luôn phải canh chừng đối thủ nữa. Bi cái mà bị lọt vào ô gọi là mù. Mù là phải đền quân và mất lượt. Tức lắm... Hi hi

      Delete
    2. Kỹ thuật. Mình nhớ mấy mẹo bắn thế này. Nếu bi kia ở xa thì mình phải để tay sát đất sau đó vê bi lệch sang phải một chút, cạnh ngón giữa í, thì bi sẽ đi mạnh và xa nhất có thể. Bắn bình thường thì dùng ngón trỏ của tay trái chống xuống đất làm trụ. Tay phải kê lên, hướng lòng bàn tay lên trời rồi bắn. Tìm cách ăn bi trong lồ(cự li gần) thì phần nhiều cũng không cần bệ đỡ, mà quay ngang tay bắn một góc 45 ° về phía trái, bắn ngang thế bi cái và bi ăn được sẽ tóc ra hai bên, bi cái vẫn gần lồ và không bị mù. Có lúc cần bắn đổ dốc. Kê thật cao tay lên. 'Pinh' một phát. Bi con văng xa, bi cái thì xoáy xoạy nằm gần như đúng vị trí vừa bắn. Rồi bắn giật lùi, bắn lướt để cả hai bi cùng sang bên kia an toàn...
      Chơi bi cần độ chính xác, cần khéo léo, cần tính toán kỹ và sự linh hoạt vì luôn phải canh đối thủ. Có phải vì thế mà nó mặc định là trò chơi của bọn con trai. Bọn con gái cực kém trò này. Độ chính xác cũng ngang ngửa, nó còn khéo léo hơn. Nghĩ cũng hay. Rồi cùng là chơi khăng. Bọn trai đo rất nhanh. Que khăng quay tí mù. Bọn con gái đo từng nhịp một nhìn rất nghiệp dư

      Delete
    3. cách đây khoảng 30 năm, ở Hà Nội trò khăng không còn thực sự phổ biến nữa, có lẽ vì không gian quá hẹp, rất dễ làm vỡ kính cửa sổ :p nhưng trò này tôi cũng chơi được

      ngoài bi và chun (nịt), hồi đó phổ biến nhất mấy trò: thả diều, đi vòng (sắt, có thanh điều khiển bằng tre), bắn ná cao su và bổ quay (phải đi mua ở ngõ Tô Tịch phố Hàng Gai)

      bắn bi mà lại chống ngón trỏ xuống đất à? tôi toàn chống ngón út, cơ động hơn, dễ chỉnh hướng hơn; "bắn lướt" thì gọi là "sượt đầu", lợi dụng thằng bi đối thủ để đi xa theo cùng hướng

      xem ở nước ngoài cũng hay thấy nói đến kỹ thuật bắn bi sao cho bi cái đứng yên tại chỗ sau khi chạm bi kia: họ gọi đây là "carreau" (ta có "ca-rô" chính từ đây), nhìn chung kỹ thuật này rất quan trọng cả cho bi-a hehe, cùng kỹ thuật bắn sượt, trong bi-a gọi là "má" hoặc "mỏng"

      Delete
    4. Mình dùng ngón trỏ thấy vững chãi hơn. Chắc do thói quen thôi
      Chơi chun gẩy chồng lên nhau là được ăn, nhưng trò đó cò con. Lớn hơn chút bọn mình chơi bài 3 cây tính điểm hoặc úp bài. 10 ăn 10, 5 ăn 5 của nhà cái. Bốc anh áng cũng được. Có thằng ' khát nước' chơi cả vốc luôn. Kỷ lục có lần mình thắng hơn nghìn chun. Bạn kia tiếc không ăn nổi cơm nữa cơ. ( lạ là sau này mình không bao giờ chơi bạc )
      Chơi diều kỳ công lắm. Đẽo, vót, căn chỉnh, dán mấy ngày mới xong. Còn gắn cả sáo trúc nữa. Đùa, nhìn diều mình bay cao, chao liệng tự do vi vu trong gió thấy vui gì đâu
      Chạy vòng cũng thích. Chạy mướt mải thôi xem xe thằng nào đổ trước. Còn trổ tài uốn lượn cơ
      Bổ quay. Ít xiền thì đẽo lấy bằng gỗ ổi vậy. Có bạn được bố chiều thửa cho quả gỗ lim, ngiến mang đi tiện rồi đóng bi bằng đinh 5 mài bớt. Nó bổ cho một nhát, quay mình nứt toác. Vừa cay vừa tiếc
      Chơi khăng cũng nguy hiểm. Có quả vụt mạnh nhiều bác biểu trán nhỉ.
      Bọn mình chơi nhiều hơn trẻ con bây giờ. 3 tháng hè chơi suốt nhưng học vẫn tốt. Vui ghê
      Mình thấy những trò chơi con trẻ ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách khi trưởng thành. Bạn thấy thế không?

      Delete
    5. bé chơi thế mà lớn không đánh bạc à? lạ nhỉ :p

      thế có bi-a không? những năm đại học ở Hà Nội tôi ngoài quán bi-a suốt

      Delete
    6. Được phép chơi nhưng không được phép hư. Con ngoan mà. He he

      Delete
  5. chỗ tôi cũng hay chơi "lồ", ngoài thủ tương ("hòm thủ"), luật chơi chắc giống hệt thôi, đó cũng là hai trò phổ biến nhất trong chơi bi

    ngoài ra còn một trò thứ ba, rất tự do, không vẽ gì hết, nhìn chung chỉ dành cho bọn mới biết chơi, cứ lần lượt bắn nhau, khi nào trúng thì thôi (tôi cũng quên mất tên rồi)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Gọi là "Về đâu về đấy"

      Delete
    2. Gọi là "về đâu về đấy" vì lúc bắt đầu thích thả bi chỗ nào cũng được

      Delete
  6. Ở chỗ tôi thì tôi còn không biết có trò chơi bi này

    ReplyDelete
  7. Vào cả thủ và tương gọi là thủ tương, đấy là cao nhất

    ReplyDelete
  8. cái đấy thì nói rồi, còn cái vòng ở hình III thì gọi là gì nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bố em bảo, vòng tròn đấy là bi măng. Em đọc bài này cho bố em nghe, cụ ngồi miêu tả cứ như thể sàn nhà đang có cuộc chơi bi í :p
      EMi

      Delete
  9. bi măng (măng) à? sao nghe lạ thế, có vẻ đấy là cách gọi từ thời trước, hoặc các nơi khác nhau thì gọi khác nhau (ngay ở đây đã thấy có từ "tương" và "hòm" khác nhau rồi)

    một chút tìm hiểu về luật chơi bi tại các nước nói tiếng Pháp cho kết quả đại khái như sau :p

    ở đâu cũng khẳng định đây là trò xuất hiện ít nhất phải 4000 năm rồi, ở Hy Lạp đã có (tuy nhiên, nhiều khả năng bi ở Việt Nam là trò chơi du nhập, bởi vì từ "bi" gần như chắc chắn là phiên âm của "bille" tiếng Pháp: "bi ve" là hai lần phiên âm, với ve từ "verre"; người ta cũng miêu tả "bi Trung Quốc", nhưng nó lại dẹt, giống như chơi đáo nhiều hơn)

    về luật chơi: rất nhiều nơi miêu tả trò rất giống "lồ" (xem trong các comment trên đây), tuy nhiên họ vẽ vòng tròn thay vì vẽ hình vuông như (có vẻ) phổ biến ở Việt Nam

    chưa thấy ở đâu có gì giống như trò "thủ tương", dường như đây là trò rất độc đáo và đặc thù

    nhưng có một trò có nguyên tắc cơ bản tương đối giống, tuy đơn giản hơn "thủ tương" rất nhiều: chọn một bức tường, những người chơi ném bi, ai gần tường nhất thì thắng, nhưng chỉ cần chạm tường là thua luôn

    kỹ thuật chơi bi của trẻ con phương Tây có vẻ cũng rất khác: hay thấy chúng để yên viên bi, không hề cầm lên, rồi búng, trong khi trẻ con Việt Nam cầm bi lên, với điều kiện phải nâng lên thẳng đứng từ vị trí ban đầu, vê bi vào đốt giữa (cũng có thể là đốt trên cùng, chỗ móng) rồi kết hợp lực với ngón tay cái để bắn viên bi đi

    miêu tả sơ giản đến đây là hết, sẽ thông tin thêm nếu tìm được gì mới :p

    ReplyDelete
  10. Hình III khó hiểu thế.

    ReplyDelete
  11. chắc là phụ nữ nên không hiểu ngay :p

    tức là bi mà cứ ngoài vòng thì thằng ở trong không cần bắn trúng vẫn được ăn, trúng thì ăn gấp đôi, nếu tất cả ngoài vòng thì bi đầu tiên ra ngoài vòng ăn lần lượt các bi khác, theo đúng chiều thứ tự đi

    phụ nữ thường không bao giờ hiểu được luật (cho nên ngoài đường rất hay đi lung tung hehe), chỗ bạn Quách Hiền bọn con trai mà chấp nhận cho con gái chơi bi cùng thì đúng là vớ vẩn quá, sao lại thế được, ra chỗ khác mà chơi nhảy dây đi chứ :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thế mới thấy bọn giai Hà Nội thật là hẹp hòi :p . Trong số tất cả những trò chơi của bọn con trai có một trò mà tớ không bao giờ chơi được đó là chơi cù (bọn cậu gọi là bổ quay). Dù làm cách nào thì khi con cù của tớ bổ xuống nó lăn đùng ra đất trong khi bọn khác cù quay tít mù.

      Delete
  12. khục khục, "cái quay búng sẵn trên trời/mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm", nó huyền vi như thế cơ mà :p

    quay cũng nhiều tên gọi nhỉ, "cù", nhưng còn gọi là "vụ"

    hồi đó, con quay nào trông lừng lững đáng sợ thì gọi là "vâm", quay rất tít gọi là "vu", tít và đứng im gọi là "ngủ"

    trò này thì con gái hết cửa :p phải chứng kiến bọn chơi quay ngồi miệt mài tết dây mới thấy mức độ kỳ công, tập luyện đến mức nhằm bất kỳ cái gì cũng có thể bổ trúng

    đen nhất là gặp thằng mới biết chơi, nó mắc dây, con quay thành một thứ vũ khí rất là gớm, tầm sát thương rộng :p, mình từng một lần ăn con quay vào đúng má rồi, nhớ đời

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ở trong Nam gọi là bông vụ, dưới chân con bông vụ là viên đạn (bi), bị trúng vào má coi như tiêu

      Delete
  13. Thiện tai. Thiện tai! May mà vào má đấy. Mình thấy nó bổ chả khác gì trái phá cả. Sân đất còn đỡ, sân gạch thì tóe lửa

    ReplyDelete
  14. không gọi là "đinh" mà gọi là "đạn" à?

    tôi từng ăn một con quay vào má nhưng tất nhiên không phải cắm thẳng cái đinh vào, cho nên giờ vẫn ngồi đây miêu tả chơi bi và chơi quay :p

    ReplyDelete
  15. Đọc lại vui nhỉ, lâu rồi không nhìn thấy bọn trẻ nào đánh đáo, chơi bi, con quay

    ReplyDelete
  16. Sao không comment được nhỉ?

    ReplyDelete
  17. Ba bức trên anh vẽ ngang ngửa tranh của Kafka, đáng để sưu tầm chứ không chơi :D

    ReplyDelete