Dec 22, 2017

Giữa A & B

Trước tiên, xem ở kia.

Có một quyển sách đuổi theo tôi, từ mấy tháng nay. Đuổi mãi mà không gặp, thành thử có những lúc chuyện thành ra giống như tôi đuổi theo quyển sách ấy. Cũng có thể vì tôi di chuyển (đúng hơn, chuyển động) nhiều quá. Tóm lại, từ mấy tháng nay có một quyển sách được gửi cho tôi, nhưng vì một sự huyền bí nào đó - cũng có thể vì những con ma trong không khí, những con ma kafkaïen - nó vẫn chưa đến được tay tôi, trong một nỗi sốt ruột to lớn: đó là bản tiếng Pháp mang nhan đề Amère patrie, cuốn sách di cảo của W. G. Sebald, một trong rất ít nhà văn (gần đây) mà tôi thấy là tuyệt đối phải đọc không sót một thứ gì. Một cuốn sách posthumous: rất giống quyển chứa cái bài ở kia, đó là Thomas Bernhard; Amère patrie đã được gửi cho tôi từ lâu, nhưng mãi mà nó vẫn chưa chịu đến.

Sinh năm 1944, đến tận năm 1988 Sebald mới cho in cuốn sách đầu tiên, một tập thơ: Nach der Natur. Ein Elementargedicht, nếu không đọc được tiếng Đức, nên đọc tập này qua tiếng Anh, After Nature, bản dịch của Michael Hamburger, tại sao lại thế thì lát nữa tôi sẽ nói. Nhưng kể từ đó, là cả một cơn lốc đích thực, cơn lốc mà nếu so sánh, Roberto Bolaño nhạt màu ngay lập tức. Cho đến năm Sebald qua đời, 2001, tức là rất sớm.

Một ai đó, nếu tôi không nhầm (chắc không nhầm), George Steiner (cũng giống Claudio Magris, Steiner cực kỳ am hiểu văn chương tiếng Đức, Magris thì nghiêng hơn sang phía Áo) có một luận đề: văn chương Đức không lớn ở những nhà văn Đức ở Đức, mà nó lại đặc biệt huy hoàng ở những người dùng tiếng Đức nhưng lại không hẳn là người Đức. Nói tóm lại, khối văn chương Đức tối xỉn ở chính giữa, càng ra phía bên ngoài rìa càng sáng. Goethe là thời điểm nước Đức chưa thực sự hình thành. Kafka là một ví dụ không thể rõ hơn được nữa cho thấy luận đề của Steiner chuẩn xác đến mức nào. Tôi đã phớt qua điều này ở kia, và tới đây sẽ là một cặp nhà văn nữa: Franz Werfel và Gustav Meyrink. Rồi, về phía Thụy Sĩ, chẳng hạn như Friedrich Dürrenmatt. Và Elias Canetti, không hề khác. Và Thomas Bernhard, người sống bằng dưỡng chất là niềm căm ghét nước Áo và nước Đức, nỗi căm ghét vọt lên đỉnh cao ở cuốn tiểu thuyết Alte Meister, tức là về "những ông thầy cũ", trong đó Adalbert Stifter hay Martin Heidegger đúng nghĩa là bị phanh thây, trong đó những đỉnh cao của văn chương Đức (và Áo) bị nện những cú huy hoàng (đó chính là nơi Heidegger trở nên thảm hại, nhân vật nhỏ tí dị dạng đội cái mũ bon-nê đại diện huy hoàng cho thứ kitsch tiểu tư sản) - nhưng cuốn tiểu thuyết của Bernhard còn có một phụ đề: "Một vở hài kịch"; tôi lại được gặp lại khái niệm "hài kịch" yêu quý của tôi. Khó có gì khác giải thích được nhiều điều hơn hài kịch, nhất là những khi nào nó được đặt vào trong tương quan và quy chiếu với "bi kịch". Và, "vòng hào quang xa trung tâm" của văn chương tiếng Đức: dĩ nhiên phải bao gồm cả Sebald.

Sebald sang Anh dạy học rồi ở lì ở đó suốt cuộc đời. Bỏ nước Đức đi từ khi còn rất trẻ.

Sau bốn cuốn sách "cơ bản" (mà ta khó gọi là "tiểu thuyết": Sebald là cả một hình thức mới, tôi sẽ quay trở lại điều này): Die Ausgewanderten. Vier lange Erzählungen tức là cuốn sách gồm bốn câu chuyện "the emigrants" (nhân vật gì đó gốc Việt được giải thưởng Pulitzer gần đây rùm beng rất nỗ lực làm người nghĩ mình là truyền nhân của Sebald ở phương diện "emigrant" này, nhưng đó chỉ là một sự vờ vịt rất thô thiển và quá dễ thấy - đó là một nhân vật tuyệt đối giống tuyệt đại đa số nhà văn Việt Nam tại Việt Nam); Schwindel. Gefühle, dịch ra tiếng Anh là Vertigo, nghe cứ như tên phim của Hitchcock, mở đầu là Stendhal, rồi xuyên qua Casanova và Kafka: thêm một tác phẩm chia làm bốn phần nữa (phần về Kafka đặc biệt quan trọng, tôi sẽ còn trở lại); Die Ringe des Saturn. Eine englische Wallfahrt: những cái vành của sao Thổ, đi đánh cá trích (hay cá thu nhỉ, tôi quên khuấy mất rồi), sir Sandwich, Thomas Browne, Từ Hi thái hậu nuôi tằm ăn lá dâu - một cuốn sách đặc biệt phong phú và có lẽ cũng là nơi cho thấy rõ Sebald hơn cả; và Austerlitz, xem ở kia, tôi đặc biệt chờ đợi Amère patrie vì tôi muốn bổ sung vài điều sau khi đã nuốt tập thơ After Nature cũng như ba cuốn sách dưới đây:

Campo Santo: cuốn sách đảo Corse, nhưng không chỉ đảo Corse:


Quyển sách tập hợp các bài trả lời phỏng vấn của Sebald (không nhiều):


Và đây, cuốn sách gây tranh cãi rất lớn, nhất là ở Đức (tất nhiên):


Trong cuốn sách về "hủy diệt", phần chính gồm bài thuyết trình của Sebald tại Zurich về văn chương Đức chủ đề chiến tranh, luận đề của Sebald là văn chương Đức kể từ 1945 tuyệt đối né tránh chủ đề những trận oanh tạc của Đồng minh lên nước Đức vào cuối chiến tranh (Royal Air Force của Anh đã ném bom tổng cộng 131 thành phố Đức, thực hiện 400.000 chuyến bay để ném một triệu tấn bom). Không nhà văn Đức nào, gần như vậy, thực sự đề cập những cuộc ném bom. Tất nhiên, Sebald nhanh chóng nhắc đến cuốn sách của Stig Dagerman (xem ở kia), vì đó là một lời chứng đặc biệt quan trọng.


(còn nữa)





Giữa X và Y

3 comments:

  1. tuyệt!
    môn địa lý tự nhiên của văn chương có vẻ ko mấy quan tâm đến các đường biên giới quốc gia. thủ đô cứ xây quanh đầm lầy thì núi chạy ra rìa, rồi ngó xuống.

    ReplyDelete
  2. hehe, cái đó có một ref.: La Forme d'une ville, tức là Hình một thành phố, Julien Gracq

    ReplyDelete
  3. Have you ever considered about adding a little bit more than just your articles?
    I mean, what you say is valuable and all. But think of if you added
    some great graphics or videos to give your posts more, "pop"!
    Your content is excellent but with images and videos, this site
    could definitely be one of the most beneficial in its niche.
    Superb blog!

    ReplyDelete