Apr 2, 2018

Đông Dương ấy, Đông Dương này

Kể cũng không hay lắm, khi mà đã thông báo từ tận ở kia, thế mà tới tận bây giờ thì mới bắt đầu được. Mà nói đúng hơn, bây giờ cũng chỉ mới là gần bắt đầu.

Nhưng, làm thế nào để hình dung "Indochine thuở ấy"? Thì cứ đè cái gì có chữ "Indochine" ra mà săm soi thôi (đồng thời hy vọng đối tượng có đường cong gợi cảm). Và, thêm một lần nữa: các tờ báo, các tờ tạp chí. (thật ra - điều này chắc nhiều người đã thấy - cái nhìn của tôi rất nhàm chán, tôi chẳng làm gì ngoài xem báo cũ, chẳng làm gì khác hết đâu)

Một Indochine có thể gọi là "đầu": Revue Indochinoise; nếu tôi không nhầm (chắc có nhầm thì cũng không nhầm quá), tờ này bắt đầu ra từ năm 1893, tuổi thọ rất đáng kể, và quy tụ không biết bao nhiêu "người Pháp Đông Dương" rất chi danh giá (có phải như thế thì gọi là "Asiate" theo tên cuốn tiểu thuyết của Jean Hougron không nhỉ - chưa bao giờ tôi chắc được về điều này, vì cuốn Les Asiates ấy chẳng bao giờ tôi đọc hết nổi, vừa dày vừa dở).


Một Indochine có thể gọi là "cuối": tên chính xác của nó là Indochine luôn; "revue" kia thì xám xịt, dày, rất dày, coi như chẳng hề có hình ảnh, thì tờ "hebdomadaire illustré" này mỏng, bay bướm, nhiều hình ảnh (ảnh chụp - dường như ảnh phục vụ quảng cáo du lịch Đà Lạt về sau này hay lấy từ đây), đại khái nếu muốn có một sự so sánh, với các "đồng đạo nhưng không nhìn mặt nhau bao giờ" của chúng, thì có thể nói là giống An Nam tạp chí mà so với tờ Ngày nay hay tờ Trung Bắc Chủ nhật. Niên đại của Indochine: đầu thập niên 40 của thế kỷ 20 (cũng không cần nói quá rõ, là cho đến trước tháng Ba năm 1945); theo tôi ước lượng, tờ này có trên 200 số, nhưng có lẽ không đến 250 số.


Tôi chưa định nói kỹ về hai "Indochine" này, mà chỉ tranh thủ hỏi: có ai thực sự rành về tờ Indochine (cuối) không? tôi muốn tìm vài thông tin chính xác trên tờ ấy. Tôi cũng sẽ sớm đến với một "Indochine" khác, có một tính chất rất khác so với Indochine đầu và cuối trên đây, La Tribune Indochinoise.

Nhưng làm thế nào để hình dung được?

Đây là thập niên 50 của thế kỷ 20 (không nhất thiết là phải sau Dien Bien Fou):


Đây là Pierre Gourou, nhưng không phải về nông dân đồng bằng sông Hồng:


Đây là về một toàn quyền, và không phải bất cứ một toàn quyền Đông Dương nào: Decoux (đã đờ rồi lại còn cu, tiếp nối truyền thống sáng chói của các quan toàn quyền toàn những lông với đù, chưa kể lại còn banh; quan banh này thân với Nguyễn Tiến Lãng lắm đấy), toàn quyền cuối cùng, hay được gọi là "đô đốc nước ngọt":


Khi tôi đọc về những gì từng viết về Nguyễn Huy Thiệp, Greg Lockhart là nhân vật duy nhất mà tôi nghĩ có nhìn thấy một cái gì đó ở văn chương Nguyễn Huy Thiệp; nghĩa là hoàn toàn khác so với trường phái Hoàng Ngọc Hiến (trường phái hoàn toàn có thể mang tên tu từ học dở: về Hoàng Ngọc Hiến, xem thêm ở kiaở kia):


Để tìm kiếm (nhưng tôi cũng kiểm tra rồi, không thực sự như thế):


Cuối cùng, vẫn là câu hỏi ấy: làm thế nào để hình dung một Đông Dương thuở ấy? Câu trả lời không thể trông đợi từ các sử giả kiểu như Philippe Papin. Roland Barthes tên hao hao thủ môn Fabien Barthez nhưng không ai nhầm, còn sử gia Philippe Papin rất dễ lộn với Jean-Pierre Papin, ấy là giả dụ sử gia Papin có biết đá bóng bao giờ. Tôi còn biết một Papin nữa: một cai ngục ở Paris hồi Trung cổ (à, điều này thì không có gì đâu, ai từng đọc tiểu sử François Villon, nhà thơ mà người Pháp nào cũng rành, thì biết ngay ấy mà).

Điều gì làm cho giới nghiên cứu Việt Nam học người Pháp bất ngờ trở nên tệ như thế? Không, đó không phải truyền thống, vì từng có những người Pháp không hề như vậy. Thời gian trước khi qua đời, Philippe Langlet lần nào đến Hà Nội cũng thông báo với tôi và chúng tôi gặp nhau; một ngày nào đó tôi sẽ kể về những cuộc gặp, rất kỳ quái, somme toute, ấy.

Tôi nghĩ một nguyên nhân (cầu mong không phải nguyên nhân chính yếu) khiến sử gia người Pháp hiện nay như vậy, là vì họ sùng bái Phan Huy Lê.

Nhưng Phan Huy Lê có phải là sử gia đâu. Rồi thì Đào Hùng etc.

Rất tương tự, các nhà Việt Nam học cả Pháp lẫn các khu vực khác, rơi trúng Vũ Trọng Phụng. Đấy là vì các vị không biết đọc, lại đi tin vào một số nhân vật Việt Nam, nên tưởng Vũ Trọng Phụng là văn chương. Biết làm sao đây. Hai cú kinh điển nữa: Võ Phiến và Nhã Ca.

Đấy là chuyện của họ, tôi nghĩ cũng không cần quan tâm cho lắm. Tôi mở rộng tìm kiếm, và tôi nghĩ, kiểu gì thì - nếu tìm kiếm trong lĩnh vực này - cũng sẽ đến với những cuốn sách như dưới đây:


Đúng, cuối cùng thì, cuộc lật tung dài dặc của tôi xem có cái gì không nhầm lẫn cũng đã có kết quả: tôi đã tìm ra một cuốn sách tuyệt vời, nó là một trong số những quyển giống như trong bức ảnh ngay trên đây (nhưng không nằm trong ảnh). Tôi sẽ sớm đến với cuốn sách ấy, và khi đó, mục "Đông Dương thuở ấy" sẽ thực sự bắt đầu được. Finalement.



Dien Bien Fou

2 comments:

  1. tình trạng của đống sách về nó cũng là tình trạng của nó. hy vọng là trong giấy lộn cũng tìm được vài dòng mật thư. lịch sử Đông Dương chắc giống như cải lương "hò Quảng"?

    ReplyDelete
  2. ô, rất có thể vấn đề nằm chính xác ở chỗ: Viễn Đông Bác Cổ EFEO chính là yếu tố gây rối, yếu tố ngăn cản cái nhìn, tức là hoàn toàn ngược lại với hình dung thông thường

    tức là phải búng EFEO đi chỗ khác

    ReplyDelete