Apr 29, 2018

Tạp chí (tập san nghiên cứu) Văn Sử Địa

Đã nhắc tới Đặng Thai Mai thì cũng nên đến với một thời điểm rất liên quan, thời điểm xung quanh Văn Sử Địa.


Ở đây là bộ sưu tập Văn Sử Địa của tôi. Bộ Văn Sử Địa (đầy đủ nội dung), cùng Tri Tân, Thanh Nghị (và vài thứ khác nữa) từ lâu đã không có gì huyền bí, ai cũng có thể đọc được một cách hết sức dễ dàng (nhưng tôi nghĩ rất ít người thực sự đọc: chẳng ai thực sự đọc báo bao giờ hết cả đâu; vả lại, đọc báo để làm gì?).

Văn Sử Địa tức là câu chuyện của nửa cuối thập niên 50 của thế kỷ 20 (xem ở kia về một trong những quyển sách đầu tiên in ở Hà Nội sau các biến động 1954). Nó là trọng tâm của phá cấu trúc (cũ) và dựng cấu trúc mới: một thực tại mới bắt đầu nảy sinh, một phần không nhỏ, từ những tờ tập san trông rất tầm thường này.





(số 19 đóng chung vào một tập lớn nhiều số khác nữa)

từ đây ta bắt đầu thấy một cách toàn diện: có "Văn Sử Địa xanh" và có "Văn Sử Địa đỏ".

Một sự thay đổi khác nữa: dòng chữ "Ban nghiên cứu văn học lịch sử địa lý" về sau chuyển thành "Ban nghiên cứu Văn Sử Địa Việt Nam". Sự thay đổi này xảy ra chính xác vào thời điểm nào? Nó diễn ra ở thời điểm chuyển từ số 22 sang 23.




Tôi không đặc biệt có nhu cầu cần có đủ Văn Sử Địa (như trên đã nói, rất dễ đọc toàn bộ nội dung các số của nó); tuy nhiên, 27 số của tôi (tức là quá nửa) còn cần 21 số nữa thì sẽ đủ: nếu ai có gì cung cấp được thì pm nhá.

Đặc biệt, trên số 41 có bài viết đặc biệt tởm lợm của Nguyễn Đổng Chi về Phan Khôi. À, mà sao mãi không thấy có Toàn tập Nguyễn Đổng Chi nhỉ?


Văn Sử Địa đình bản ở số 48. Sự đình bản (kết thúc) này chỉ là để tách ra (bắt đầu thái cực sinh lưỡng nghi etc.). Dưới đây là khởi đầu, ngay tắp lự, của một nhánh:


Một nhánh khác khởi đầu vào năm 1960 (chứ không phải 1959 như Nghiên cứu lịch sử): xem số 1 ở kia. Như vậy, tập san Văn Sử Địa là tiền thân trực tiếp của Tập san Nghiên cứu Lịch sử và Tập san Nghiên cứu Văn học (hãy nhớ kỹ những cái tên, vì chúng sẽ thay đổi). Trong đường link, hãy đặc biệt để ý đến những cái tên riêng xuất hiện trên số 1: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, nhưng cũng có cả Phan Cự ĐệVũ Đức Phúc, etc.

Trước khi quay trở lại với Văn Sử Địa, ta xem một ấn phẩm khác ra vào cùng giai đoạn với nó:


Tờ của trường Tổng hợp rất ít được biết đến, nhất là trong đối sánh với tờ tương tự của trường Sư phạm. Đây là tiền thân cho một cái khác nữa (còn chưa thực sự ấn hành được), khởi thủy của một cuộc lưu đày kéo dài cho một số người, nhất là Phan Ngọc. Cùng trong danh sách tác giả, có Vương Hoàng Tuyên: những ai ở bên ngành dân tộc học rất biết Vương Hoàng Tuyên.


Hai điểm nhấn vào Văn Sử Địa, cùng trên số 15 (ra tháng Ba 1956), hai nhân vật có tên rất giống nhau: Văn Tân (còn có Văn Tạo nữa: gọi là Tân Tạo) và Văn Tâm.

Bài của Văn Tân về Thanh Quan:










Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta liên tiếp gặp Thanh Quan. Bài của Đỗ Long Vân về thơ Thanh Quan: xem ở kia.

ở kia tôi nói rằng nên đặt bài của Đỗ Long Vân cạnh bài về cùng chủ đề của Đặng Tiến, giờ đây ta có thể mở rộng thêm: đặt cạnh vào đó bài thứ ba, của Văn Tân. Sự đặt cạnh mở rộng ấy nói lên rất nhiều điều.

Ở trên nói tới một hình thành thực tại mới. Sự hình thành ấy diễn ra như thế nào, dựa trên cơ chế nào? Nhìn vào bài của Văn Tân, sẽ thấy ngay, ít nhất, một điều.

Ta tập trung vào cụm từ "nội dung tư tưởng" xuất hiện ở ngay đầu bài. Đây là một điểm rất quan trọng trong sự hình thành thực tại lý luận (thực tại này không dễ nhìn nhận đâu, và nó chỉ tồn tại ở trong một số phong cảnh, đại khái ta có thể nói, ở Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, rồi Ba Lan, Hungary, Bungari, Rumani etc.). Câu hỏi: "nội dung tư tưởng" có thể là gì? Một câu hỏi vô cùng khó trả lời. Tách riêng "tư tưởng" và "nội dung" ra cũng không giải quyết được gì: cả cụm từ ở đó giống như một khối đá vững chắc; khối bê tông thì đúng hơn, nhưng vẫn còn có thể đúng hơn nữa: khối pa-nen, loại vật liệu xây dựng mà trước đây người ta sử dụng để xây các khu tập thể, Trung Tự hay Giảng Võ (đặc điểm của tường làm từ các pa-nen này là: không thể đóng đinh). Nhưng nếu đừng quá để ý vào signifié (vả lại, bản thân cụm "nội dung tư tưởng" gây cám dỗ rất lớn theo hướng ấy) mà chỉ thuần túy chăm chú vào signifiant, ta có thể nói như sau: "nội dung tư tưởng", trong yếu tính phát ngôn của nó, là một "idiom", hay nói đúng hơn, cliché, hay nói đúng hơn nữa, đó là một stereotype. Các stereotype, trong chuyển động của chúng, thì tạo ra ý luận.

Ô, thì là như vậy mà: lý luận ở rất sát ý luận. Tôi sẽ còn quay trở lại, đây là một điểm quan trọng ở mức độ vô biên.

Ý luận có một yếu tính trung tâm: nó nặng.

Định ngôn của ý luận (ý luận của một thời đại) được hình thành như vậy; trên đây tôi miêu tả, một cách sơ giản hết mức, phoọc-ma-xi-ông của định ngôn ấy. Định ngôn ngày sẽ phát triển ra sao, ai cũng đã thấy; ở đây chỉ nhấn mạnh vào một điều: dạng định ngôn này dễ sử dụng đến mức đáng kinh ngạc (nó nặng, nhưng nghịch lý của nó lại là: nó đặc biệt mềm dẻo); dùng đến "nội dung tư tưởng", một nhà lý luận như Văn Tân ngay tức khắc bắn phá triều Nguyễn một cách dễ dàng: "nội dung tư tưởng" chính là cái máy do Archimède chế tạo.


Văn Tân, và ở cuối số, là Văn Tâm:



Bài của Văn Tâm còn dài (điều đặc biệt là Văn Tâm rất đả kích Phan Bội Châu) nhưng tôi dừng ở sau hai trang đầu: tôi muốn nhấn mạnh vào điểm, Văn Tâm có mối quan hệ cá nhân với Phan Khôi.

Văn Tân phía trên, Văn Tâm phía dưới (và hãy đặc biệt để ý dòng "Bài lai cảo xin gửi cho: ông Trần Huy Liệu"):



Ta tiếp tục một chút với một trong hai nhánh thoát ra từ Văn Sử Địa, như đã nói ở trên.

Dưới đây là ba mươi năm sau thời điểm khởi đầu (1960) - và như đã nói, có những đổi tên, và dưới đây, thế là, ta có Tạp chí văn học.


Điều đáng nói là tờ tạp chí năm 1991 này trông như thể rất nhiều hy vọng. Trông nó có tương lai, trông như thể nó phấn chấn. Hy vọng đúng đắn, hay ảo tưởng? ta cũng không cần quan tâm. Nhưng cũng như số 15 Văn Sử Địa đã nhắc ở trên, xuất hiện trong cùng số báo các nhân vật rất bất ngờ.

Ở số 1 Tạp chí văn học năm 1991, mở màn là Phong Lê aka Lê Phong Sừ, ngay tiếp theo là Trần Đình Sử (tôi đã nói rồi mà: Sừ một bên và Sử một bên, nhưng lại có thời điểm lưỡng nghi nhập một, như ở đây), thế nhưng đồng thời trên cùng số lại có một tiểu luận kiệt xuất: "Thơ là gì" của Phan Ngọc.

1991 và 1960: 30 năm (30 năm đời ta có); 1991 đến nay: lại thêm một quãng 30 năm nữa. Bây giờ, cái tờ tạp chí, hay tập san, hay bất kỳ cái gì đi nữa, tức là hậu thân của Văn Sử Địa (nó đã trở thành một trong những tờ tạp chí ra được nhiều số nhất trong lịch sử Việt Nam) như thế nào?

Tôi nghĩ là tôi trả lời được cho câu hỏi này. Tôi đã chấm dứt viết trên tờ ấy từ khoảng năm năm nay. Bài cuối cùng chính là bài về Vũ Trọng Phụng.



* đã tiếp tục Sinh lý học phê bình của Albert Thibaudet

2 comments:

  1. Viết ít thôi, cái gì đó, thật rõ, để ít ra người đọc còn biết ông viết gì.

    ReplyDelete
  2. cái hình chỗ ý kiến bạn đọc mờ quá, thay được không?

    ReplyDelete