Feb 21, 2019

Bắc (3) Strindberg: Inferno

Trước tiên, xem ởkia.

Kể ra cũng không được hay lắm, vì Inferno, nhan đề tác phẩm của August Strindberg lại trùng với nhan đề một cuốn tiểu thuyết gần đây, một cuốn tiểu thuyết nghe nói rất đình đám: rất dễ có lẫn lộn. Chuyện tên tuổi trùng nhau bao giờ cũng khó giải quyết; chẳng hạn như tôi mới nhận ra có một nhân vật hiện nay tên là "Nhượng Tống" mới khiếp. Nhưng thôi kệ.

Inferno là (một trong những) tác phẩm Strindberg viết bằng tiếng Pháp. Tôi sử dụng ấn bản gần đây, trong đó có các ghi chú của một người phụ trách biên tập, nhiệm vụ chính là để thông báo (và cả điều chỉnh) những chỗ Strindberg viết hơi sái, nhưng nói cho đúng, chủ yếu nhân vật ấy lại chỉnh lý một nhân vật khác nữa, trước đó, từng chỉnh lý ấn bản cách đây đã lâu của Inferno. Tức là chỉnh lý sự chỉnh lý, rồi lại chỉnh lý sự chỉnh lý đã chỉnh lý.

Strindberg, với Inferno, ghi tên mình vào số các nhà văn không phải người Pháp viết về Paris (giống chẳng hạn ởkia) và tất nhiên cũng giống người đồng bào Thụy Điển Ivar Lo-Johansson, chủ đề kỳ "Bắc" mới đây của tôi. Trong Inferno, sẽ xuất hiện một người đồng bào Thụy Điển, một đồng bào rất hiển hách, và nhân vật đó xuất hiện trong tương quan với một người mà chúng ta không hề xa lạ: Balzac. Lại Balzac.

Thì chính ởkia, sau ba nhân vật thì tôi lười không viết nốt về nhân vật thứ tư, tức là chính Strindberg. Giờ dịch luôn Inferno ra tiếng Việt, để, ngoài một số ý nghĩa khác, có thể thấy Balzac hiện ra như thế nào trong một tác phẩm Bắc.






August Strindberg

Inferno


I

Bàn tay của vô hình


Với một niềm vui dữ tợn tôi quay trở về từ Ga Bắc nơi tôi đã để người vợ nhỏ nhoi của tôi lại, lên đường đến chỗ đứa con gái bé xíu của chúng tôi, bị ốm tại đất nước xa xăm. Vậy là đã xong xuôi cuộc hy sinh của trái tim tôi! Những lời cuối: “Hẹn khi nào? - Sẽ sớm thôi” hẵng còn vang lên như những dối trá không được xác nhận, vì một tiên cảm bảo tôi rằng ấy sẽ là vĩnh viễn.

Và những lời từ biệt trao đi trả lại hồi tháng Mười một năm 1894 ấy là những lời từ biệt cuối, bởi, lúc này đây, tháng Năm 1897, tôi vẫn chưa hề gặp lại người vợ yêu.

Đến quán Café de la Régence, tôi ngồi xuống cái bàn trước đây tôi từng ngồi cùng vợ tôi, nữ nhân cai ngục xinh đẹp ngày đêm rình rập tâm hồn tôi, đoán định các ý nghĩ bí mật của tôi, giám sát dòng chảy những ý tưởng của tôi, ghen tuông với các khát khao của tôi vươn tới cái chưa biết…

Được trả về với tự do, một cơn dạt dào đột nhiên chiếm lấy tôi và cuốn tôi vọt lên trên những nhỏ mọn của Thành Phố vĩ đại, sân khấu của các cuộc chiến trí tuệ, nơi tôi vừa giành một thắng lợi, tự thân nó thì vớ vẩn, đối với tôi thì rất mực to lớn, và nó tạo dựng sự thành tựu một giấc mơ tuổi trẻ, vốn dĩ từng được nuôi dưỡng bởi tất tật người cùng thời và đồng bào văn chương của tôi, nhưng chỉ được hiện thực hóa bởi một mình tôi: được diễn tại một nhà hát Paris. Sân khấu khiến tôi thấy kinh tởm cũng như mọi thứ gì người ta đã đạt được, và khoa học lôi cuốn tôi. Bởi phải chọn giữa tình yêu và hiểu biết, tôi đã quyết định ngả sang các hiểu biết tối hậu, và sự hy sinh những tình cảm nơi tôi làm cho tôi quên đi nạn nhân vô tội đã bị diệt trừ trên ban thờ tham vọng của tôi, hay thiên hướng của tôi.


Quay trở lại căn phòng sinh viên bệ rạc tại Khu Latin, tôi lục lọi trong két sắt, và rút từ chỗ giấu chúng ra sáu cái chén nung bằng sứ mỏng mà tôi đã cẩn thận mua lấy, chắt bóp từ những khoản thu nhập của tôi. Một cái panh cùng một gói lưu huỳnh nguyên chất hoàn thành cuộc dựng phòng thí nghiệm.

Một ngọn lửa lò rèn được đốt trong lò sưởi, cửa đóng chặt và các ri đô kéo kín, vì ba tháng sau ngày hành quyết Caserio [nhân vật ám sát tổng thống Pháp Carnot] sẽ không thận trọng khi dùng tới các dụng cụ hóa học tại Paris.

Bóng tối buông, lưu huỳnh cháy thành những ngọn lửa địa ngục, và quãng buổi sáng tôi nhận ra hiện diện của các bon nơi cái chất được coi là nguyên tố kia, lưu huỳnh; và qua đó tôi cho mình đã giải được bài toán lớn, lật đổ thứ hóa học đang ngự trị, và giành lấy sự bất tử trao cho đám người phàm.

Thế nhưng, da của hai bàn tay, bị đun nóng trước lò lửa lớn, rụng xuống như những vảy, và nỗi đau đớn chỉ riêng chuyện cố gắng cởi quần áo đã gây ra, nhắc tôi về cái giá cuộc chinh phục của tôi. Một mình trên cái giường bốc mùi người vợ, tôi thấy mình sung sướng: một cảm giác về thuần túy ở tâm hồn, về trinh nguyên đàn ông, khiến tôi nhìn quá khứ vợ chồng giống cái gì đó thật bẩn, và tôi tiếc vì chẳng có ai để được cảm tạ sự tôi giải phóng khỏi những dây buộc tởm lợm, đã đứt mà không tốn mất quá nhiều câu nói.

Vì tôi đã trở nên vô thần, theo dòng thời gian, trong khi các quyền năng không được biết đến để mặc cho thế giới đi đâu thì đi, chẳng hề ló dạng.

Ai đó mà tôi có thể cảm ơn! không có ai hết, và sự bội bạc cưỡng ép làm tôi thấy sao nặng nề!


Bo bo giữ riêng khám phá vừa có, tôi bỏ bẵng đi các cách thức để phổ biến nó. Sự rụt rè của tôi không đi tìm uy danh lẫn các viện hàn lâm. Tuy nhiên, tôi tiếp tục các thí nghiệm, trong khi những xước xát nơi bàn tay mưng mủ, các kẽ nứt toác ra, lấm đầy bụi than cốc, máu rỉ nhoèn, và những đau đớn trở nên không sao chịu nổi. Tất tật những gì tôi chạm phải đều gây đau đớn và, điên giận trước những cực hình mà tôi muốn quy nguyên nhân cho các thế lực không ai biết tìm cách hành hạ tôi và ngăn trở những nỗ lực của tôi từ biết bao năm nay, tôi tránh những con người, không lai vãng các cuộc họp, lờ những lời mời, và đẩy bạn bè bắn xa ra. Quanh tôi vươn cao sự im lặng cùng nỗi cô đơn: đó là sự bình thản của sa mạc, trang trọng, khủng khiếp, tại đó bằng thách thức tôi khiêu khích cái không biết, tranh đấu mặt đối mặt, tâm hồn áp tâm hồn. Tôi đã chứng minh sự hiện diện của các bon nơi lưu huỳnh; tôi sẽ lấy được từ đó hyđrô và ôxy, vì chúng phải ở đó. Các thứ máy móc của tôi không còn đủ nữa, tiền thì thiếu, hai bàn tay tôi đen kịt và lấm máu, đen như nỗi khốn cùng, máu me như trái tim tôi. Quả thật, trong quãng thời gian ấy tôi vẫn thư từ với vợ tôi, và tôi kể với nàng những thành công của hóa học đối với tôi, nàng đáp bằng các tin tức sức khỏe đứa con chúng tôi, gieo rắc những lời khuyên nhỏ bé về sự hão huyền khoa học của tôi, và về sự điên rồ lãng phí tiền bạc.

Trong một cơn kiêu ngạo chính đính, với một cuồng nộ đau đớn đầy chủ ý, tôi tự sát bằng cách gửi đi một bức thư đê hạ, không thể tha thứ, trong đó tôi đẩy bắn đi mãi mãi vợ lẫn con, để lộ rằng một mối quan hệ yêu đương mới đang chiếm lĩnh tâm trí tôi.

Đòn đánh đã có hiệu lực. Vợ tôi trả lời bằng lời đề nghị ly hôn. Chỉ một mình, có khả năng tự sát và giết người, tôi quên đi tội ác bằng những buồn phiền và lo lắng. Chẳng ai đến thăm tôi, và tôi không thể gặp ai, hằn học như tôi vốn dĩ với tất cả mọi người.

Tôi tự cảm thấy mình trác tuyệt, bồng bềnh trên bề mặt một biển nào: tôi đã cất neo nhưng chẳng có lấy một cánh buồm.

Tuy nhiên nỗi khốn cùng, được nói lên bằng hóa đơn chưa thanh toán, phạt ngang nghiên cứu khoa học và suy tư siêu hình học, gọi giật tôi xuống mặt đất.

Đương vậy thì Giáng sinh sáp lại. Tôi đã thẳng thừng từ chối lời mời tới một gia đình Scandinavia mà tôi không thích bầu không khí, do có những lệch lạc nặng nề. Chỉ mới một mình, buổi tối, tôi thấy hối tiếc nên lại đến đó: chúng tôi ngồi vào bàn, bữa tiệc đêm khởi đầu với một sự ầm ĩ inh tai cùng một niềm vui phơi phới giữa các nghệ sĩ trẻ ở đó như đang ở nhà họ. Một tình thân mật làm tôi ghê tởm, các cử chỉ, nét mặt, nói ngắn gọn, một cái tông không tỏa mùi gia đình, siết lấy tôi trong một nỗi khó ở không sao miêu tả nổi, và chính giữa ồn ào, nỗi buồn gợi cho tâm trí tôi ngôi nhà yên bình của vợ tôi. Phòng khách khơi lên nơi tôi một viễn kiến bất chợt: cây thông Nôen, vành lá, đứa con gái nhỏ của tôi và mẹ nó bị ruồng rẫy… Nỗi sám hối chụp lấy tôi: tôi đứng dậy, viện cớ bị mệt, và đi khỏi.

Tôi đi qua phố Gaîté khủng khiếp, nơi gaîté [tức là sự vui tươi] giả đò của đám đông gây tổn thương cho tôi, rồi phố Delambre, ủ dột và im lìm, phố gây nhiều tuyệt vọng nhất trong cả khu, tôi rẽ vào đại lộ Montparnasse và thả mình rơi phịch xuống một cái ghế, nơi hàng hiên quán Brasserie des Lilas.

Một cốc áp xanh tưng bừng an ủi cho tôi trong vòng hai phút, rồi một đàn gái điếm đi cùng lũ sinh viên tấn công tôi, dùng roi quật vào mặt tôi và, như thể bị đuổi đi bởi đám nữ thần báo thù, tôi bỏ lại cốc áp xanh, vội vã đến tìm một cốc khác ở quán François Premier, trên đại lộ Saint-Michel.

Lại càng tệ hơn! một đám người khác hét lên chế nhạo tôi: “Ô hê kẻ cô đơn!” và bị những nữ thần Euménide đánh quật, tôi chạy trốn về nhà, được hộ tống bằng những tiếng kèn đồng náo loạn điên tiết.


Ý về một trừng phạt, hệ quả của một tội ác, chẳng hề đến với tôi. Trước chính tôi, tôi hiện ra thật vô tội, đối tượng cho một sự hành hạ bất công. Những kẻ xa lạ đã ngăn cản tôi theo đuổi tác phẩm vĩ đại, và cần phải bẻ gãy các trở ngại trước khi giành được vương miện người thắng cuộc.

Tôi đã sai, và dẫu vậy, tôi đang và tôi sẽ đúng!

Đêm Giáng sinh ấy, tôi ngủ chập chờn. Một luồng gió lùa lạnh lẽo nhiều lần ập vào mặt tôi, và âm thanh một cây đàn guimbarde chốc chốc lại đánh thức tôi.


Một cơn suy sụp tăng tiến dần dà xâm chiếm tôi. Hai bàn tay đen kịt và lấm máu ngăn cản tôi mặc quần áo và rửa ráy cho cẩn thận. Mối lo món tiền thuê phòng khách sạn phải trả không còn để cho tôi yên nữa, và tôi đi đi lại lại trong phòng như một con thú nhốt trong chuồng.

Tôi đã ngừng dùng các bữa ăn, và ông chủ khuyên tôi tới bệnh viện, thứ vốn dĩ chẳng hề là một giải pháp, vì nó tốn nhiều tiền, lại còn phải trả trước.

Đúng lúc đó các mạch máu cánh tay phồng tướng lên, cho thấy máu bị nhiễm độc. Đòn ân huệ đây; và cái tin ấy lan đi giữa các đồng bào của tôi, thành thử một tối nọ người phụ nữ đầy từ tâm mà tôi đã bỏ trốn khỏi bữa tiệc đêm Giáng sinh theo lối chẳng hề đẹp mặt, vốn ác cảm với tôi, mà tôi từng gần như khinh bỉ, đến gặp tôi, hỏi han, biết được cơn hoảng loạn của tôi, và vừa khóc vừa chỉ cho tôi bệnh viện, như là sự cứu trợ duy nhất.

Hãy nhìn nhận nỗi rã rời và ăn năn của tôi, khi sự im lặng đầy hùng biện của tôi khiến bà hiểu rằng tôi không có tiền. Vậy là bà đâm ra thương hại tôi, vì thấy tôi thảm đến thế.

Dẫu chính bà nghèo và bị chất lên người nỗi lo cuộc sống hằng ngày, bà tuyên bố sẽ đi tìm sự giúp đỡ nơi những người Scandinavia, và rằng bà muốn gặp ông mục sư giáo xứ.

Người phụ nữ tội lỗi đã xót thương kẻ đàn ông vừa từ bỏ người vợ hợp pháp của hắn.

Thêm một lần ăn xin, nhờ viện đến từ thiện qua trung gian một phụ nữ, tôi bắt đầu đoán được tồn tại của một bàn tay vô hình điều khiển logic khôn cưỡng của các sự kiện. Tôi gập mình lại dưới cơn bão, nhất quyết đứng dậy trở lại khi có cơ hội đầu tiên.


Xe chở tôi đến bệnh viện Saint-Louis. Giữa đường, tôi xuống mua hai cái sơ mi trắng, phố Rennes.

- Vải liệm, để chuẩn bị sẵn cho giờ khổ hình!

Bởi tôi suy tư về cái chết sắp tới, mà chẳng thể nói tại sao.

Bị cho vào ở nội trú, với lệnh cấm ra ngoài nếu không được phép, hai tay bị quấn kín, thành ra không thể làm được gì, tôi tự hình dung mình bị bỏ tù.

Một căn phòng trừu tượng, trần trụi, chỉ có những gì thiết yếu, không một dấu vết của cái đẹp, và nằm ngay gần phòng họp nơi người ta hút thuốc và chơi bài, từ sáng đến tối.

Người ta bấm chuông báo bữa sáng, và bên bàn tôi rơi vào trong sự quần tụ ảm đạm. Những đầu lâu và mặt người hấp hối: chỗ này thiếu mũi, nơi kia một con mắt, rồi nữa, môi nhểu xuống, má thối rữa. Thế nhưng, có hai người chẳng hề có vẻ bệnh tật, nhưng trưng bày một bộ mặt u ám, tuyệt vọng. Đó là những tên trộm lớn của xã hội thượng lưu, bọn họ, nhờ những mối quan hệ hùng mạnh, đã được thả khỏi nhà tù, với cái cớ bị ốm.

Một cái mùi iodoform lộn mửa khiến tôi hết muốn ăn và, hai tay bị trói, tôi phải nhờ các bạn xung quanh giúp cắt bánh mì và đổ đồ uống. Và quanh bữa đại tiệc của lũ tội phạm cùng đám người bị kết án chết, bà xơ, tức bà giám đốc trong bộ trang phục khổ hạnh đen trắng, chia cho mỗi chúng tôi thức uống tẩm độc. Nâng cốc đựng thạch tín lên, tôi chạm nó với một đầu lâu, kẻ ấy chào tôi bằng digitalin. Thật thảm thê và, dẫu vậy, cần phải biết ơn, điều khiến tôi giận điên. Phải biết ơn vì một điều tầm thường đến thế và khó chịu đến thế!

Người ta mặc quần áo cho tôi, người ta cởi quần áo cho tôi, người ta chăm cho tôi như một đứa trẻ, và bà xơ tỏ tình trìu mến với tôi, coi tôi như trẻ sơ sinh, gọi tôi là “con ơi” trong lúc tôi gọi bà, “thưa mẹ”.

Và thật tuyệt lúc thốt ra cái từ mẹ đó, mà tôi đã không dùng tới từ ba mươi năm! Bà già, thuộc dòng Saint-Augustin, mang trang phục người chết vì bà chưa từng bao giờ sống cuộc đời, hiền dịu như lòng cam chịu, dạy chúng tôi mỉm cười trước những đau đớn cũng hệt như trước các niềm vui, bởi bà biết rõ những ân sủng của nỗi đau. Không một lời trách cứ, cũng như chỉ trích, hay hô hào. Bà biết nội quy của các bệnh viện thế tục hóa, và bà rành việc trao những ngoại lệ nho nhỏ cho các bệnh nhân, chứ không phải cho chính bà. Bởi thế bà cho phép tôi được hút thuốc trong phòng và lại còn tự đề nghị thân chinh cuốn cho tôi những điếu thuốc lá, lời đề nghị mà tôi từ chối. Bà kiếm cho tôi giấy phép ra ngoài, không phải những giờ thông thường, và vì phát hiện tôi quan tâm đến hóa học, tìm cách khiến tôi được giới thiệu với nhà bác học dược sĩ của bệnh viện, ông cho tôi mượn sách và, nghe trình bày lý thuyết của tôi về cấu tạo các nguyên tố, mời tôi làm việc tại phòng thí nghiệm. Bà xơ ấy đã đóng một vai trò trong đời tôi, và tôi khởi sự hòa giải với phần số của mình, ca ngợi nỗi bất hạnh tốt lành đã dẫn tôi tới bên dưới cái mái nhà được ban phước đó.

Quyển sách đầu tiên mượn từ tủ sách của ông dược sĩ cứ thế tự mở ra, và ánh mắt tôi sà xuống như một con chim ưng lên một dòng tiêu đề chương: Phốt pho.

Hết sức ngắn gọn, tác giả kể chuyện nhà hóa học Lockyer đã chứng minh thông qua phân tích quang phổ rằng phốt pho không phải là một nguyên tố, và bản tường thuật những thí nghiệm của ông đã được trình lên Viện Hàn lâm Khoa học Paris, họ đã không chối bỏ điều đó.

Được ủng hộ bởi chỗ dựa bất ngờ ấy, tôi ra khỏi bệnh viện, mang theo đống chén nung cùng những gì còn lại của lưu hình chưa cháy hết hẳn. Tôi giao chúng cho một cơ sở phân tích hóa học, tại đó người ta hứa sẽ cấp giấy chứng nhận cho tôi vào hôm sau.

Đó là ngày sinh nhật tôi. Quay trở lại bệnh viện, tôi thấy có một bức thư từ vợ tôi. Nàng khóc cho những thảm họa của tôi, muốn đến với tôi, chăm sóc tôi, và yêu tôi.

Niềm hạnh phúc vẫn được yêu dẫu thế nào, khơi dậy bên trong tôi nhu cầu cảm tạ… ai đây?

Cảm tạ cái kẻ lạ mặt đã trốn nhủi từ suốt nhiều năm!

Trái tim tôi chảy ra, tôi thú nhận sự dối trá đê hạ về chuyện đã thiếu chung thủy, tôi xin tha thứ, và vậy là tôi dấn thân trở lại vào trong một cuộc thư từ yêu đương với chính vợ tôi, nhưng vẫn tiếp tục đẩy lùi cuộc gặp giữa chúng tôi lại cho một thời điểm thích hợp hơn.


Sáng hôm sau, tôi chạy bổ tới đại lộ Magenta để gặp nhà hóa học của tôi.

Tôi mang giấy chứng nhận phân tích, đựng trong phong bì dán kín, về bệnh viện. Đi qua trước bức tượng Saint Louis nơi sân trong, ba tác phẩm của ông thánh hiện ra trong ký ức tôi: bệnh viện Quinze-Vingts, trường Sorbonne và nhà thờ Sainte-Chapelle, tức là dịch ra như sau: từ Đau Đớn qua Khoa Học đến Sám Hối.

Nhốt kín mình lại trong phòng, tôi mở cái phong bì sẽ quyết định tương lai của tôi. Sau đây là những gì tôi đọc thấy:

“Chất bột được đưa cho thí nghiệm của chúng tôi có những tính cách sau đây:

“Màu ghi ngả đen. Để lại vết trên giấy.

“Mật độ: rất lớn, cao hơn mật độ trung bình của grafít: có vẻ đây là một grafít cứng.


“Kiểm tra hóa học:

“Thứ bột này cháy rất dễ, tỏa ra ô xít các bon và a xít các bon níc. Như vậy nó chứa than.”


Nguyên tố lưu huỳnh chứa than!

Tôi đã được cứu: có khả năng kể từ nay chứng minh với bạn bè và người thân rằng tôi không điên. Như vậy, đã được chứng thực các lý thuyết trình bày trong cuốn sách Antibarbarus của tôi, xuất bản một năm về trước và bị các tờ báo coi là một tác phẩm của lang băm hay của kẻ điên, ấy là nguyên nhân khiến tôi bị đuổi khỏi gia đình như một kẻ ăn không ngồi rồi, một dạng Cagliostro.

Kìa, các đối thủ của tôi, thế là các người đã bị nghiền nát rồi nhé! Con người tôi phồng tướng lên một nỗi ngạo nghễ chính đính, tôi muốn ra khỏi bệnh viện, hét lên ngoài phố, hét trước Học Viện, phá tan Sorbonne… nhưng, hai tay tôi vẫn bị trói, và khi tôi bước ra sân, hàng rào cao khuyên tôi: kiên nhẫn nào.

Ông dược sĩ mà tôi nói cho kết quả của phân tích đề xuất tập hợp một hội đồng để tôi đứng trước đó trình bày luận đề của tôi nhờ các thí nghiệm tức thì.

Tuy nhiên, thay vì chờ đợi, và đầy ý thức về sự rụt rè của tôi trước công chúng, tôi viết liền một bài báo về chủ đề đó rồi gửi tới tờ Le Temps, hai hôm sau nó đăng bài.

Thế là mệnh lệnh đã thốt ra, người ta đáp lại tôi từ kia, từ đó, chẳng hề chối bỏ. Tôi tìm được những người ủng hộ, được giới thiệu vào một tờ tạp chí Hóa Học, và khởi đầu một cuộc thư từ nuôi dưỡng cho các nghiên cứu liên tục của tôi.


Một Chủ nhật nọ, ngày cuối cùng kỳ lưu trú của tôi tại cõi nhân gian Saint-Louis, tôi ngồi đó bên cửa sổ, quan sát những gì diễn ra ngoài sân. Hai tên trộm đưa vợ con bọn họ đi loanh quanh, thỉnh thoảng hôn hít, vẻ rất mực sung sướng được hâm nóng cho tình yêu châm ngòi bởi các bất hạnh.

Nỗi cô đơn của tôi áp chế tôi, tôi tự nguyền rủa số phận mình, mà tôi thấy bất công, quên mất rằng tội của tôi vượt xa tội của bọn họ về mặt đê hạ.

Người bưu tá mang đến một bức thư của vợ tôi. Nó lạnh lẽo băng giá: thành công của tôi đã khiến nàng bị tổn thương, và nàng vờ lấy làm căn cứ cho sự nghi ngờ ý kiến của một nhà hóa học chuyên nghiệp; nàng thêm vào đó các ý riêng của mình về mối nguy những ảo tưởng dẫn đến các khủng hoảng bộ óc. Vả lại tôi kiếm được gì từ tất tật những cái đó? Tôi có thể nuôi sống một gia đình bằng hóa học hay chăng?…

Lại là lựa chọn: tình yêu hay khoa học! Chẳng hề do dự, tôi dồn ép nàng với bức thư từ biệt cuối cùng, thấy thỏa mãn với bản thân, giống một kẻ sát nhân sau khi thực thi cú đòn của hắn.

Buổi tối, tôi dạo chơi trong khu phố buồn, tôi đi qua con kênh Saint-Martin đen ngòm như một cái hố, thích hợp đến tuyệt diệu cho những chết đuối. Tôi dừng chân nơi góc phố Alibert. Tại sao lại Alibert? Đó là ai? Chẳng phải chất grafít mà nhà hóa học tìm được trong lưu huỳnh của tôi tên là grafít Alibert? Từ đó có thể rút ra kết luận nào? Kỳ khôi, nhưng ấn tượng về một điều không thể giải thích đọng lại trong tâm trí tôi. Rồi phố Dieu. Tại sao Dieu [tức là Chúa], trong khi cái đó đã bị hủy bỏ bởi Cộng hòa, thứ vốn dĩ cải dụng điện Panthéon? - Phố Beaupaire. Le beau repaire [tức là hang ổ đẹp] của lũ bất lương… Phố Bondy. Có phải quỷ đang dẫn lối cho tôi?… Tôi thôi đọc các tấm bảng, tôi bị lạc, phải đi trở ngược nhưng vẫn không tìm được đường. Tôi bước lui trước một hăngga khổng lồ bốc mùi hôi thối của thịt sống và những thứ rau ủng, nhất là mùi choucroute [món này chua loét, dân ở mạn Alsace là chuyên gia]… Các nhân vật khả nghi lướt qua tôi, ném những lời thô lậu… tôi sợ sự không biết: tôi rẽ phải, rồi rẽ trái, và rơi vào một cái ngõ nhơ nhớp khép lại thành ngõ cụt nơi rác rưởi, tật thói và tội ác dường cư ngụ. Đám gái chặn đường tôi, lũ ác ôn xùy tôi… cảnh của đêm Giáng sinh bắt đầu trở lại. Voe soli! Kẻ nào đây bày sẵn những rình rập kia, ngay khi nào tôi tách mình khỏi thế giới và con người? Có kẻ nào đó đã khiến tôi rơi vào cái bẫy ấy! Hắn ở đâu! để tôi tranh đấu với hắn!…

Mưa rơi, trộn lẫn với tuyết nhớp, vào đúng lúc tôi khởi sự chạy… Tận cuối một phố nhỏ, về phía bầu trời, dựng lên, màu nâu sẫm, một cánh cửa to lớn, tác phẩm của lũ khổng lồ cyclope, cửa không cung điện, mở hé vào một biển ánh sáng… Tôi hỏi một nhân viên cảnh sát xem mình đang ở đâu. - Cửa Ô Saint-Martin, thưa ông.

Hai bước chân đưa tôi đến grands boulevards, nơi tôi đi xuôi xuống. Đồng hồ của Nhà Hát chỉ sáu giờ mười lăm phút. Đúng là giờ người ta hay uống apéritif, và bạn bè tôi đang đợi ở quán cà phê Napolitain, như thường lệ. Tôi vội vã đi xuôi, quên mất bệnh viện, những buồn bã, sự nghèo. Thế nhưng, đi ngang trước quán cà phê Cardinal, tôi vấp phải một cái bàn đằng sau đó có một ông kia ngồi. Tôi chỉ biết tên ông ta; nhưng ông ta thì biết tôi và trong một giây cặp mắt ông ta nói với tôi: “Anh ở đây? Tức là anh đang không ở bệnh viện? Từ thiện té ra là trò đùa ấy nhỉ!”

Và tôi cảm thấy người đàn ông đó là một trong những nhà hảo tâm vô danh của tôi, ông ta đã chi tiền cho tôi và đối với ông ta tôi là một kẻ ăn mày không có quyền đến quán cà phê.

Ăn mày! Đó chính là cái từ vang lên bên tai, và làm hai má tôi nóng bừng vì ngượng ngùng, nhục nhã và điên giận.

Nghĩ xem! Sáu tuần trước tôi từng ngồi đây: ông giám đốc nhà hát của tôi nhận các lời mời của tôi, gọi tôi là Thầy thân mến; đám nhà báo đến xin phỏng vấn tôi, tay nhiếp ảnh gia thì xin được vinh hạnh đem bán những bức chân dung tôi… Và giờ đây: kẻ ăn mày bị lên án, khai trừ khỏi xã hội!

Bị vụt roi, bị o ép, bị dồn đẩy tan nát, tôi đi dọc đại lộ như một tên lang thang ban đêm, và rút về hang ổ của tôi, chỗ của những kẻ thối inh. Ở đó, tự nhốt mình trong phòng, tôi được ở nhà tôi.

Suy nghĩ về phần số riêng, tôi nhận ra bàn tay vô hình đang trừng phạt tôi, đẩy tôi về một cái đích mà tôi hẵng còn chưa đoán định được. Nó trao cho tôi vinh quang, cùng lúc chối từ tôi những vinh hạnh của thế giới; nó làm nhục tôi trong lúc nâng tôi dậy, và nó hạ thấp tôi xuống nhằm làm tôi phấn khích.

Thế là quay trở lại với tôi cái ý theo đó trời dành tôi cho một sứ mệnh và chính ở đây sự giáo dục bắt đầu.


Tháng Hai, tôi ra khỏi bệnh viện, không thể chữa nhưng đã khỏi về những cám dỗ của thế giới. Lúc đi, tôi những muốn hôn tay bà xơ, bà chính là người chẳng hề bắt tôi nghe các bài giáo huấn nhưng đã dạy cho tôi con đường vác thánh giá, thế rồi cảm giác kính ngưỡng đối với một điều rất thánh đã chặn tôi lại.

Thôi, bà hãy nhận lấy trong tinh thần sự cảm tạ của một kẻ nước ngoài đi lạc, mất hút nơi một đất nước xa xôi.






II

Saint Louis đưa tôi tới nhà ông Orfila quá cố


Đến ở một ngôi nhà khiêm nhường có sẵn đồ đạc, tôi theo đuổi các công trình hóa học suốt mùa đông, nán lại nhà cho tới tận tối, rồi đi ăn tại một quán kem nơi các nghệ sĩ gồm nhiều quốc tịch khác nhau đã hình thành một nhóm. Sau bữa tối, tôi thăm cái gia đình mà trong một khoảnh khắc quá mức nghiêm ngặt tôi đã rời bỏ. Toàn bộ xã hội nghệ sĩ vô chính phủ đều ở đó, và tôi cảm thấy bị kết án phải chịu đựng điều tôi từng muốn tránh: phong hóa quá dễ dãi, đạo đức buông thả, hỗn hào theo chủ ý. Ở đó có nhiều tài năng và vô tận trí tuệ; duy nhất một có thiên tài, đầy hung dữ, đã chinh phục được một cái tên được kính trọng.

Tuy nhiên, đó là một gia đình nơi người ta yêu quý tôi, và tôi cần phải biết ơn nó, thành thử tôi giả điếc giả mù trước mọi thứ gì thuộc về những sự vụ nhỏ nhoi của họ và chẳng hề quan hệ tới tôi.

Nếu tôi từng chạy trốn những người ấy chỉ do một sự kiêu ngạo không hợp lẽ, thì sự trừng phạt hẳn là logic, nhưng trong hoàn cảnh nguyên do cuộc trốn chạy của tôi lại là ham muốn làm thanh sạch cá nhân tính của tôi và nhằm nuôi dưỡng tâm hồn tôi trong tĩnh tâm của nỗi cô độc, tôi không hiểu nổi phương pháp của trời cao, vì vốn dĩ tôi có tính cách mềm, thích nghi với môi trường xung quanh bằng sự nhã nhặn thuần túy, và bằng nỗi e sợ mình bội bạc. Bị khai trừ khỏi xã hội bởi khốn cùng và xì căng đan về sự nghèo của tôi, tôi từng sung sướng khi tìm được một chốn trú ngụ cho những buổi tối mùa đông dài, dẫu phải chịu đựng thật sâu sắc sự trò chuyện nhả nhớt.


Khám phá được sự tồn tại của bàn tay vô hình dẫn dắt những bước chân tôi trên con đường gập ghềnh, tôi không còn thấy mình cô lẻ, và tôi mang đến cho các hành động cùng lời lẽ của tôi một sự chú ý nghiêm ngặt, vả lại chẳng phải lúc nào cũng thành công. Nhưng, cứ khi nào tôi vừa phạm lỗi, liền có ngay ai đó túm lấy tôi, và sự trừng phạt hiện ra với một vẻ cụ thể và tinh tế không để lại chút nghi ngờ nào về can thiệp của một quyền năng giáo cải. Sự không biết đã trở nên một hiểu biết cá nhân đối với tôi, tôi nói chuyện với nó và cảm tạ nó, tôi hỏi nó những lời khuyên. Đôi khi tôi hình dung nó giống như tên hầu của tôi, tương tự với Daïmon của Socrate, và ý thức mình được những sự không biết chống đỡ mang cho tôi một năng lượng và một sự tự tin đẩy tôi đến với các nỗ lực mà tôi chưa từng bao giờ nghĩ mình có khả năng thực hiện.

Là kẻ khánh tận của xã hội, tôi tái sinh trong một thế giới khác nơi chẳng ai có thể theo kịp tôi. Những sự kiện không nghĩa lý thu hút sự chú ý của tôi, các giấc mộng ban đêm mang hình thức các điềm báo, tôi coi là tôi đã chết, và cuộc sống của tôi chuyển qua một tầng cầu khác.


Chứng minh được hiện diện của các bon trong lưu huỳnh rồi, tôi còn cần tìm ra hydrô và ôxy ở đó nữa, chúng được giả định là có hiện diện thông qua tương đồng.

Hai tháng trôi đi trong các tính toán và suy tưởng nhưng tôi không có những máy móc cần thiết cho các thí nghiệm. Một người bạn khuyên tôi đến Sorbonne, phòng thí nghiệm nghiên cứu, mở cửa cả cho người nước ngoài. Đầy rụt rè, lại sợ đám đông, tôi không dám làm theo, thành thử công việc của tôi bị khựng lại, và một thời điểm buông lỏng được tạo ra. Thế nhưng, một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, tôi tỉnh dậy đầy thơ thới, đi xuôi phố Grande-Chaumière, và đến phố Fleurus, nó dẫn vào vườn Luxembourg. Phố nhỏ xinh xắn thật thanh bình, lối đi lớn hai bên trồng cây dẻ xanh um, óng ả, rộng, thẳng như một sợi dây, và tận về cuối mọc lên như một cột chỉ đường cây cột David, và xa xa, vượt cao hơn mọi thứ, vòm tròn điện Panthéon, với cây thập giá mạ vàng, gần như mất đi vào giữa những đám mây.

Tôi dừng lại, sung sướng trước cảnh tượng trưng, nhưng hạ mắt xuống, tôi quan sát phía bên phải một tấm biển của thợ nhuộm trên phố Fleurus. Kìa! viễn kiến về một thực tại không thể chối cãi. Được viết thật lớn trước cửa hiệu hai chữ tên tôi: A. S. bồng bềnh trên một đám mây trắng bạc cùng, phía trên, mống cầu vồng.

Omen accipio trong lúc nhớ đến Sáng Thế ký:

“Ta đặt mống của ta trên từng mây, dùng làm dấu chỉ sự giao ước của ta với đất.”

Tôi không còn bước đi trên mặt đất nữa, và với một bước chân bay bổng, tôi đi vào trong khu vườn, nơi chẳng có một ai. Vào cái giờ buổi sáng ấy công viên kia là của tôi, vườn hồng thuộc về tôi, tôi nhận ra từng bông hoa của tôi trên những bồn trồng, cúc, cỏ roi ngựa, thu hải đường.

Bước lên sợi dây thẳng tắp, tôi đi tới chỗ cây cột, tôi ra khỏi bằng cái cửa rào lưới phố Soufflot và lẽ sang đại lộ Saint-Michel. Rồi, tôi dừng lại trước giá bày của hiệu sách Blanchard, không dự tính tôi cầm lên một quyển sách hóa học cũ của Orfila, tôi mở bừa nó ra và đọc: “Lưu huỳnh từng được xếp vào hàng các nguyên tố. Những thí nghiệm đầy khéo léo của H. Davy và của Berthollet con hướng đến chỗ chứng minh nó chứa hyđrô và ôxy, và một loại bazơ đặc biệt cho đến hiện nay còn chưa thể tách ra.”

Hãy đánh giá cơn phấn khích của tôi, tôi những muốn nói là có tính cách tôn giáo, trước điều hé lộ giống như phép mầu ấy. Davy và Berthollet từng chứng minh được ôxy và hyđrô, còn tôi, các bon. Như vậy thuộc về tôi việc đưa ra công thức lưu huỳnh.

Hai hôm sau, tôi đã ghi tên theo học Ngành Khoa học, tại Sorbonne (của Saint Louis!) và được phép làm việc ở phòng thí nghiệm nghiên cứu.


Cái buổi sáng đi tới Sorbonne đối với tôi giống hệt một ngày lễ trọng đại. Tuy tôi chẳng hề có chút ảo tưởng nào về khả năng thuyết phục các giáo sư, họ đã đón tiếp tôi với sự lịch thiệp lạnh lùng dành cho người nước ngoài, cho kẻ đột nhập, nhưng một niềm vui êm dịu và bình thản mang đến cho tôi lòng can đảm của kẻ tuẫn đạo đang tiến đến một đám kẻ thù thật đông. Bởi, với tôi, ở tuổi của tôi, tuổi trẻ là kẻ thù tự nhiên.

Đến quảng trường nơi có nhà thờ nhỏ của Sorbonne, thấy cửa mở, tôi bèn bước vào, chẳng biết lắm là tại sao. Nữ đồng trinh người mẹ và đứa bé chào tôi với một nụ cười dịu dàng: Người Đóng Đinh Câu Rút khiến tôi thấy lạnh lẽo, dường không sao hiểu nổi giống mọi khi. Saint Louis, chỗ quen biết mới của tôi, bạn của những kẻ khốn cùng và lũ thối inh, được các nhà thần học trẻ tuổi trình bày. Saint Louis, đó có phải người bảo trợ của tôi, thiên thần hộ mệnh của tôi, người đã đẩy tôi vào bệnh viện nhằm làm cho tôi biết ngọn lửa của hoảng loạn, trước khi phủ vinh quang dẫn tới những mất danh dự và những nỗi khinh bỉ… có phải ông đã gửi tôi tới hiệu sách Blanchard, có phải ông đã lôi tôi đến đây?

Thế là tôi rơi từ sự vô thần vào cõi mê tín hoàn toàn nhất.

Ngắm nhìn những thứ vật thờ chứng kiến kết quả sung sướng các kỳ thi, tôi phát nguyện sẽ không bao giờ chấp nhận các tặng thưởng hào nhoáng, trong trường hợp tôi thành công nổi.

Giờ đã điểm, tôi đi qua bên dưới sự hăm dọa của một tuổi trẻ chẳng biết xót thương la ó tôi, được cảnh báo về cái công việc chất chứa ảo tượng mà tôi tự đề xuất cho mình.


Khoảng hai tuần đã trôi qua, và tôi đã nhận được những chứng cứ không thể bàn cãi cho thấy lưu huỳnh là một kết hợp ba thành phần, gồm các bon, ôxy và hyđrô.

Tôi cám ơn ông phụ trách phòng thí nghiệm, ông ta làm ra vẻ không quan tâm đến chuyện riêng của tôi, và tôi rời cõi nhân gian mới ấy với một niềm vui bên trong không sao mà diễn tả.

Tôi đi dạo tới nghĩa trang Montparnasse những buổi sáng nào không thăm vườn Luxembourg. Vài hôm sau khi rời Sorbonne, tôi khám phá gần bùng binh của nghĩa trang một tòa mộ mang vẻ đẹp cổ điển. Một huy chương bằng đá hoa cương màu trắng bày ra những đường nét cao quý của một Nhà Thông Thái già mà dòng chữ trên bệ giới thiệu với tôi là Orfila, nhà hóa học, chuyên gia chất độc. Đó là người bạn bảo trợ cho tôi, người về sau nhiều lần dẫn lối cho tôi đi qua mê cung các phương trình hóa học.

Một tuần sau, đang xuôi phố Assas, thì tôi dừng chân trước một ngôi nhà có dáng vẻ tu viện. Một tấm biển lớn hé lộ cho tôi bản tính của nó: Khách sạn Orfila.

Vẫn là Orfila!

Ở các chương sắp tới tôi sẽ kể mọi điều gì đã xảy ra trong ngôi nhà cũ ấy nơi bàn tay vô hình đẩy tôi vào để cho tôi bị trừng phạt, được dạy dỗ và… tại sao lại không? được soi sáng ở đó!






III

Những cám dỗ của quỷ


Vụ ly hôn diễn ra rất chậm chạp, thỉnh thoảng lại bị gián đoạn bởi một bức thư yêu đương, một tiếng hét của nuối tiếc, những lời hứa hòa giải. Và rồi, một lời vĩnh biệt đột ngột, cho mãi mãi.

Tôi yêu nàng, nàng yêu tôi, và chúng tôi căm ghét nhau bằng một niềm căm hận của tình càng tăng thêm lên bởi sự vắng.

Tuy nhiên, và nhằm cắt đứt một dây liên hệ tệ hại, tôi tìm cơ hội thay thế tình trìu mến ấy bằng một tình trìu mến khác, và rất sớm những mong muốn thiếu lương thiện của tôi đã được thỏa mãn.

Tại bữa tối nơi quán kem xuất hiện một nương tử Anh quốc, vô cùng say mê điêu khắc. Nàng là người hướng tới tôi trước, và ngay tắp lự, tôi thích nàng. Nàng đẹp, duyên dáng, kiêu kỳ, ăn vận đỏm, quyến rũ bởi một sự buông thả của nghệ sĩ. Nhìn chung, một ấn bản thượng hạng của vợ tôi, mà nàng bày ra hình ảnh đã trở nên cao quý và được phóng to lên. Nhằm tỏ ra khả ái với tôi, nhân vật trọng yếu của quán kem, một nghệ sĩ, mời nương tử ấy đến các buổi tối thứ Năm tổ chức tại xưởng. Tôi tới đó, và tôi tự tách mình vào một xó, vì tôi hết sức khó chịu phải trưng bày những tình cảm của tôi trước một công chúng hay cợt nhả.

Quãng mười một giờ, nương tử đứng dậy, kín đáo ra hiệu cho tôi. Khá là vụng về, tôi cũng đứng dậy theo, chào tạm biệt và, sau khi đề nghị với người phụ nữ trẻ được đưa nàng về, tôi dẫn nàng ra cửa giữa những tiếng cười của đám thanh niên trơ trẽn.

Vì nhau mà trở nên lố bịch, chúng tôi đi khỏi, chẳng nói chẳng rằng, khinh bỉ lẫn nhau, như thể bị lột truồng trước đám đông giễu cợt.

Thế nhưng, đã phải đi qua phố Gaîté nơi đám ma cô và gái điếm tát vào mặt chúng tôi bằng những lời sỉ nhục hỗn xược của bọn họ, coi chúng tôi là hai kẻ trong số tương tự họ nhưng lầm đường lạc lối.

Ta thật thiếu dễ ưa, chừng ta nổi giận, bị hành hạ khốn khổ và, gập mình dưới roi vụt, tôi không thể đứng thẳng dậy trở lại. Đến đại lộ Raspail, một cơn mưa mịn tấn công chúng tôi, cũng sấn sổ y như những nhát roi quật. Không có ô, còn gì hợp lý hơn so với tìm chỗ trú trong một quán cà phê thật ấm nóng và sáng trưng, với động tác của một lãnh chúa lớn, tôi giơ ngón tay chỉ về phía quán ăn đắt tiền nhất. Chúng tôi băng qua đại lộ bằng bước chân nhẹ nhõm… Pằng! Pằng! Ý nghĩ tôi không có tiền giáng xuống đầu tôi như một nhát búa.

Tôi đã quên mất làm thế nào để thoát thân, nhưng sẽ chẳng bao giờ tôi quên những cảm giác đổ ập lên tôi trong đêm, sau khi đã chia tay nương tử trước cửa nhà nàng.

Sự trừng phạt, dẫu nghiêm khắc và tức thì, và được thực thi bởi một bàn tay khéo léo mà tôi không thể lờ tịt đi, đối với tôi đã không đủ. Là kẻ ăn mày, đầy các bổn phận không hoàn thành đối với gia đình, tôi đã muốn khởi sự một mối quan hệ đầy bê bối đối với một phụ nữ trung thực. Đó thuần túy là tội ác, và tôi tự áp đặt lên tôi hình phạt sám hối. Tôi chối từ tiệc tùng tại quán kem, tôi ăn chay, và tránh mọi thứ gì có thể khơi lên dục vọng định mệnh.

Nhưng kẻ quyến rũ vẫn ở đó, và vào một buổi tối nơi cái xưởng, tôi gặp lại giai nhân trong trang phục phương Đông càng làm tăng thêm vẻ đẹp của nàng theo một cách thức gây phát điên.

Tuy nhiên, trước mặt nàng, tôi không tìm được gì để nói, tôi hóa ngẫn, và phát hiện rằng người phụ nữ ấy hẳn chỉ xứng với một lời tuyên bố rõ nét và thẳng thắn: “Tôi muốn em”, tôi đi khỏi, cháy bừng bừng vào tận xương một ngọn lửa nhơ nhớp.

Hôm sau, tôi quay trở lại quán kem: nàng ở đó, đầy duyên dáng, ve vuốt tôi bằng giọng nói mơn trớn, lần mò người tôi bằng cặp mắt miêu. Cuộc trò chuyện khởi sự, và mọi sự đang hết sức thuận tiện, thì vào đúng thời điểm gay cấn cô nàng Minna ầm ĩ bước vào. Đó là một nữ nghệ sĩ, người mẫu, yểu điệu, quan tâm đến văn chương, tốt tính, được tiếp đón ở mọi nơi. Tôi cũng có quen biết cô, và một tối nọ chúng tôi đã trở nên bạn tốt, tuy chẳng vượt quá vòng khuôn phép. Nói ngắn gọn, cô bước vào, lao vào vòng tay tôi - cô hơi say rượu - hôn lên má tôi, xưng hô thân mật với tôi.

Nương tử Anh quốc đứng dậy, trả tiền và đi ra. Vậy là hết. Nàng không bao giờ trở lại! Nhờ Minna, vả lại cô từng cảnh báo tôi về người phụ nữ ấy, với những lý do mà tôi xin phép không kể.

Chẳng còn tình yêu nữa! mệnh lệnh của các quyền năng đã buông và tôi cam chịu, trong sự chắc chắn rằng một nguyên do cao vời náu mình ở đó cũng như nơi khác.


Được khích lệ bởi thành công của lưu huỳnh, tôi tiếp tục với i ốt, và sau khi tung một bài báo lên tờ Le Temps về một trong những phương pháp tổng hợp i ốt, một ông lạ mặt đến gặp tôi ở khách sạn. Ông tự giới thiệu mình là đại diện cho tất tật cơ sở sản xuất i ốt ở châu Âu, cho tôi biết rằng ông ta vừa đọc bài báo của tôi, và rằng vào đúng lúc áp phe được xác nhận, chúng tôi sẽ có thể tạo ra một cuộc náo loạn lớn tại Thị trường Chứng khoán, đi kèm với một món lời hàng triệu cho chúng tôi, chỉ với điều kiện duy nhất là đi đăng ký sáng chế.

Tôi đáp lại ông ta là tôi đã không có một sáng chế công nghiệp, mà một khám phá khoa học còn chưa chín muồi, và rằng khía cạnh thương mại không khiến tôi quan tâm đủ để chạy theo các trò ma mãnh.

Ông ta đi. Bà chủ khách sạn, xưa kia có quan hệ với cái ông lạ mặt, từ ông ta biết được chuyện, thế là suốt hai ngày liền, tôi được coi như là triệu phú tương lai.

Thương gia quay trở lại, lần này hăng máu hơn hẳn. Ông ta đã tìm hiểu, và vì tin tưởng khám phá có thể kiếm lời, ông ta mời tôi đi ngay Berlin nhằm bắt tay vào hành động.

Tôi cám ơn ông ta, khuyên ông ta cho thực hiện các phân tích cần thiết trước khi giao kết.

Ông ta hứa đưa tôi một trăm nghìn franc trước buổi tối nếu tôi chịu đi theo ông ta…

Tôi đuổi ông ta đi, đánh hơi thấy mùi lừa đảo.

Bên dưới, chỗ bà chủ, ông ta bảo tôi là thằng điên.

Những ngày sau đó, một sự yên bình được thiết lập trong đó tôi có thời gian để suy nghĩ. Nỗi khốn cùng đầy đe dọa, những món nợ chưa trả, tương lai thiếu chắc chắn, một bên; bên kia: sự độc lập, tự do tiếp tục các nghiên cứu, cuộc sống dễ dàng. Và rồi, một ý tưởng đáng cái giá của nó.

Nỗi hối tiếc chụp lấy tôi, nhưng tôi không có đủ can đảm để nối lại quan hệ, đúng lúc đó một bức điện của ông thương gia báo cho tôi rằng một nhà hóa học ở trường dược, cùng một vị dân biểu, lúc đó đã nổi tiếng, giờ thì quá nổi tiếng, quan tâm đến vấn đề i ốt.

Tôi bèn khởi đầu một chuỗi thao tác với kết quả bất biến chứng minh rằng từ benzin có thể chiết xuất i ốt.

Đến đó, và sau một cuộc thương thuyết với nhà hóa học, ngày gặp được ấn định, tiếp theo là những thí nghiệm có tính quyết định.

Cái buổi sáng sẽ quyết định vụ việc đó, tôi thuê một cỗ xe, và mang theo đống bình cổ cong cùng các chất phản ứng đi đến cuộc hẹn, ở nhà thương gia, khu Marais. Ông ta ở đó; nhưng nhà hóa học, vì nhận ra đó là ngày lễ, đã kiếu mất, lùi cuộc gặp sang hôm sau.

Đó là ngày lễ Pentecôte, mà tôi không biết. Văn phòng cáu bẩn, nhìn ra phố đen kịt và lầy bùn, làm tôi lộn mửa. Những kỷ niệm tuổi thơ sống lại: Pentecôte, lễ của những cơn xuất thần, nơi nhà thờ nhỏ xanh um cây cối, tuy líp, tử đinh hương, huệ chuông, mở ra cho lễ ban thánh thể đầu tiên; những thiếu nữ ăn vận như các thiên thần trắng tinh… đàn organ… chuông…

Cảm giác ngượng ngùng xâm chiếm tâm trí tôi, và tôi quay về nhà, rất mực cảm động, nhất quyết cắt đứt với mọi cám dỗ đánh đĩ khoa học. Tôi khởi sự dọn sạch căn phòng khỏi đống máy móc và chất phản ứng cồng kềnh, tôi lau dọn, thổi bụi, quét tước; tôi sai người đi kiếm hoa, nhất là thủy tiên. Sau khi tắm và thay áo sơ mi, tôi thấy như thể đã được thanh tẩy khỏi các ô uế. Rồi, tôi ra ngoài đi dạo tới nghĩa trang Montparnasse nơi một sự thanh thản tâm hồn dẫn tôi đến với những ý nghĩ êm dịu, và đến một sự ăn năn hiếm có.

O crux ave spes unica: các ngôi mộ tiên báo số phận cho tôi như vậy. Không còn tình yêu! Không còn tiền! Không còn vinh dự! con đường vác thánh giá, con đường duy nhất dẫn tới Sự Thông Thái.





IV

Thiên đường giành lại


Mùa hè và mùa đông năm 1895, dẫu có thế nào, tôi vẫn tính chúng vào trong số những đoạn sung sướng của cuộc đời nhiều bấn loạn hết mức của tôi. Mọi thứ gì tôi chạm đến đều bừng nở; những người bạn xa lạ mang cho tôi đồ ăn giống lũ quạ mang cho Élie, tiền tự tìm tới tôi: tôi có thể mua những quyển sách, những thứ đối tượng thuộc về lịch sử tự nhiên, ngoài những cái khác, một kính hiển vi hé lộ cho tôi các bí ẩn của sự sống.

Chết với thế giới bằng cách chối bỏ những niềm vui vô ích của Paris, tôi nán lại trong khu phố của tôi nơi sáng nào tôi cũng viếng thăm những người chết ở nghĩa trang Montparnasse, sau đó xuôi xuống vườn Luxembourg chào lũ hoa của tôi. Đôi khi một người đồng bào trên đường du hành đến gặp tôi để mời tôi ăn trưa bên kia sông và đi nhà hát. Tôi từ chối bởi vì đối với tôi hữu ngạn là một điều cấm, tạo dựng thế giới đúng nghĩa, cái thế giới của những người sống và của sự phù phiếm.

Ấy là bởi, dẫu cho tôi không thể nói được rõ ràng, một dạng tôn giáo đã được tạo ra bên trong tôi. Một trạng thái tâm hồn thì đúng hơn là một ý niệm dựa trên các lý thuyết; một hỗn độn của các cảm giác ít nhiều cô đặc thành những ý.

[…]

Nhằm hoàn thành bức họa về tình trạng hỗn độn của tâm hồn tôi, tôi chép lại đây những phân tích tang tóc trong đó cái tôi được gieo trồng trong cô độc và những đau đớn quay về với một ý niệm mơ hồ về Chúa và sự bất tử.






VII

Nghiên cứu tang tóc


1

Một năm đã trôi qua kể từ cuộc dạo chơi buổi sáng đầu tiên tại nghĩa trang Montparnasse. Tôi đã thấy rụng những lá du và đoạn, tôi đã thấy mọi thứ rậm lục trở lại, đậu biếc và hồng nở hoa trên mộ của Théodore de Banville: tôi đã nghe thấy tiếng chim hét khởi sự bài hát đầy quyến rũ của nó dưới tán những cây bách, và lũ bồ câu thì khánh thành mùa ghép đôi trên các mộ phần.

Giờ đây đám cây đoạn úa lá, hoa hồng ủng rũ còn chim hét thì không hót nữa, nó chỉ bật ra một tiếng cười nhạo báng về các cuộc tình mùa xuân của nó, đã qua để quay trở lại. Và mùa thu bẩn thỉu cùng mùa đông bùn lầy sáp lại gần để đi qua như mọi điều khác.


Bước vào nghĩa trang, tôi đã rời khỏi khu phố Montparnasse hơi tầm thường và ồn ào: những giấc mộng kém lành mạnh của đêm vẫn tiếp tục truy đuổi tôi, nhưng tôi để chúng lại nơi cổng lớn. Tiếng ồn ĩ các phố lịm đi, thế chỗ là sự yên bình của người chết.

Lúc nào cũng chỉ một mình vào cái giờ buổi sáng ấy, tôi đã quen với việc coi chốn trú ngụ này là khu vườn cảnh của tôi, thành thử tôi xem một người khách viếng thăm tình cờ như một kẻ thiếu kín đáo: tôi và những người chết!

Suốt năm đó, tôi đã không bao giờ dẫn theo một người bạn cũng như một bạn gái, hẳn có thể để lại những kỷ niệm có khả năng trộn lẫn vào với các ấn tượng riêng của tôi. Vừa chào những người mà tôi ưa thích hơn cả, Orfila, Thierry và Dumont d’Urville, tôi vừa đi ngược lối Lenoir, trồng đầy bách cũng giống lối đi Raffet. Quả là một cảm giác về quyền năng cực đỉnh khi đi qua giữa những hàng cây thẳng tắp ấy, như các lính bộ đội mũ bon nê lông màu lục, giương cao vũ khí. Những khi nào có chút gió chúng liền rạp xuống, tỏ vẻ ngưỡng phục trên hai hàng, và tôi bước đi, kiêu hãnh như một vị thống chế, cho tới hết con đường. Ở đó, tôi đọc đi đọc lại trên một tấm bia đối diện: “Boulay chắc chắn từng là một con người can đảm và trung hậu.” [Napoléon.]

Tôi không biết Boulay, cũng chẳng muốn biết, nhưng việc Napoléon sáng nào cũng gọi tôi từ bên kia nấm mộ, cái đó làm trái tim tôi thấy vui, và như thể tôi thuộc vào số những người tâm phúc của ông.

Giữa những cây bách, hàng nghìn ngôi mộ kia, phủ những hoa mọc trên đá cứng, được nuôi dưỡng bởi các xác chết và được những giọt nước mắt thành thực hoặc giả dối một nửa tưới lên. Trong khu vườn mênh mông ấy, các nhà nguyện nhỏ bé trang trí giống những ngôi nhà búp bê, điểm xuyết các thánh giá hai tay giơ lên trời mà phản đối, hét thật to: O Crux, ave spes unica! Đó là cuộc xưng tội chung, dường như, của nhân loại khổ đau. Và chính giữa tán lá, đây kia, khắp mọi nơi, viết tắt lại: Spes unica! Và chỉ vô vọng những bức tượng bán thân của các kẻ sống bằng tiền lợi tức nhỏ bé, với thập tự danh dự hay không, được dựng lên nhằm cho thấy là có một niềm hy vọng sau khi chết khác.

Người ta đã khuyên tôi đừng thực hiện những cuộc thăm thường xuyên ấy, chúng chứa nhiều nguy cơ bởi các chướng khí lơ lửng đó. Quả thật, tôi từng nhận thấy một dư vị nào đó của gỉ đồng còn đọng lại trong miệng hai tiếng sau khi về nhà. Như vậy là các linh hồn, tôi muốn nói những cơ thể bị phi vật chất hóa, trôi nổi trong không trung: điều đó dẫn tôi đến toan tính túm lấy chúng và phân tích chúng. Cầm theo một lọ nhỏ đựng axêtát chì lỏng, tôi tiến hành cuộc săn đuổi linh hồn, tôi muốn nói các cơ thể, và nắm chặt cái lọ mở nắp trong bàn tay, tôi dạo chơi như một kẻ chuyên săn chim khỏi cần mất công nhử mồi.

Về nhà, tôi lọc lấy thứ kết tủa dồi dào và đặt nó dưới kính hiển vi!

Gringoire khốn khổ [ở trên đã nhắc đến Théodore de Banville, ở đây Gringoire là một vở kịch của de Banville]! có thật chăng, chính các mẩu pha lê nhỏ bé kia từng cấu tạo nên bộ óc-cỗ máy từng, hồi tôi còn trẻ, khơi dậy những cảm tình nơi tôi đối với nhà thơ trong cơn hoảng loạn, tuy nhiên có khả năng thú hút tình yêu của một thiếu nữ dịu êm? Boulay can đảm và trung hậu (người đã viết Bộ Luật, như giờ đây tôi biết), có phải tôi đã túm được ông vào trong cái lọ đựng ruồi này? Hay là ông, d’Urville, người đã cho tôi chuyến đi vòng quanh thế giới đầu tiên, những buổi tối dài mùa đông, xa nơi đây, dưới bình minh địa cực tại Thụy Điển, giữa thước vụt và bài học?

Thay vì trả lời, tôi nhỏ một giọt a xít lên đó. Nó phồng lên, thứ vật chất chết, nó quẫy đạp, nó khởi sự sống, tỏa ra một mùi thối rữa, rồi lắng xuống và chết.

Chắc chắn, tôi biết đánh thức những người chết, tôi đây, nhưng tôi không lặp lại điều đó nữa, bởi họ có hơi thở thật gớm, những người chết, giống những kẻ trụy lạc sau một đêm trắng. Vậy có phải họ không ngủ hoàn toàn ngon, ở đó, trong lúc đợi phục sinh?

Tôi đã tự biến mình thành người vô thần cách đây mười năm! Tại sao? Tôi cũng không biết rõ! Cuộc sống từng gây phiền hà cho tôi và đã phải làm gì đó, nhất là một cái gì đó mới. Giờ đây khi sự đã già, tôi muốn không biết tất tật, để các câu hỏi treo lơ lửng lại và đợi.

Từ tám tháng nay tôi quan sát tòa công trình đẹp nhất của nghĩa trang. Đó là một tác phẩm hỗn hợp, quách, nấm, hầm mộ, lăng, mồ giả, bình di cốt, theo một phong cách thuộc cổ đại La Mã đẹp nhất. Được tạc bằng đá granít đỏ, nó không mang dòng chữ nào. Tôi từng lẫn lộn nó rất lâu với cây cột gãy, “công trình kỷ niệm, để lưu ký ức về những ai không có nó”.

Bí mật nào ẩn giấu ở đó? Một sự khiêm nhường đầy cao ngạo, thứ buộc người viếng thăm phải tra vấn, hoặc hỏi những gì mình biết từ trước.

Hôm trước, rất mực bận tâm với những ý nghĩ cô độc, tôi đã dừng chân trước một tấm bảng ghi tên lối đi chạy ngang nơi kẻ vô danh tuyệt diệu đã dựng công trình của mình: lối đi Chauveau-Lagarde. Một luồng sáng đột nhiên rọi chiếu óc tôi, và rồi màn đêm của quên lãng rơi xuống, hoàn toàn. Nhìn cái quách, đỏ máu bết với các sắc vàng nhạt, tôi nhắc lại: “Chauveau-Lagarde”, như người ta nói lại cái tên xa lạ của một người mà người ta từng quen.

Lối đi chắc đã mang tên đó vì Chauveau-Lagarde kia… Chauveau-Lagarde… kìa… phố Chauveau-Lagarde! Phố Chauveau-Lagarde, đằng sau nhà thờ Madeleine! Cuộc ám sát bí hiểm một bà già, hồi năm 1893, tại phố Chauveau-Lagarde… đỏ máu bết… người ta đã không tìm thấy hai tên sát nhân!

Đã quen quan sát mọi thứ gì diễn ra bên trong tâm hồn, tôi nhớ mình đã bị chấn động bởi một nỗi ghê sợ hiếm thấy, trong khi các hình ảnh xô đẩy nhau, hỗn loạn, giống những hình dung của kẻ loạn trí. Tôi trông thấy người biện hộ cho Louis XVI, máy chém phía sau: tôi nhìn thấy một dòng sông lớn cận kề là những ngọn đồi màu lục, một người mẹ trẻ dẫn một đứa bé gái đi dọc bờ nước; rồi một nhà tu kín với hậu bộ ban thờ do Vélasquez thực hiện; tôi đang ở Sarzeau, tại Hôtel Lesage, nơi có một ấn bản Ba Lan của Le Diable boiteux; tôi ở đằng sau nhà thờ Madeleine, phố Chauveau-Lagarde…; tôi đang ở Hôtel Bristol, Berlin, nơi tôi gửi một bức điện cho Lavoyer, Hôtel London; tôi đang ở Saint-Cloud, nơi một phụ nữ đội cái mũ Rembrandt lăn lộn trong cơn thiếu trẻ con; tôi đang ngồi ở quán Café de la Régence, nơi vương cung thánh đường Cologne được dựng bằng đường thô… và người phục vụ chuyên rượu bảo nó được làm bởi tay ông Ranelagh cùng thống chế Berthier…

Vậy là sao? Tôi đâu hay biết! Một trận cuồng phong các kỷ niệm, những giấc mơ bị khơi lên bởi một tấm bia mộ, bị đuổi đi bởi sự hèn nhát. Chắc chắn, nếu mộ kia không chứa Chauveau-Lagarde, điều mà tôi không biết, thì nó che giấu một bí mật mà mộ của chính tôi có lẽ sẽ hé lộ!


Chẳng hề xảy đến chuyện gì trong cái khoảng quây kín ấy của nỗi chết, các ngày giống hệt nhau và cuộc sống bình thản chỉ bị quấy rối bởi những đợt ấp trứng của lũ chim. Đảo nhỏ nở hoa ở giữa biển: ta nghe thấy từ xa như thể tiếng thì thầm của sóng. Hòn đảo của những kẻ sung sướng, một sân chơi rộng lớn nơi bọn trẻ con đã nhặt hoa, đồ chơi, dùng ngọc trai nhặt được trên bãi biển kết thành tràng; thắp các ngọn nến, trang trí ruy băng, những món đồ vặt… Nhưng lũ trẻ con đã chạy trốn mất, sân chơi hoang vắng… Thế nhưng, một sáng nọ, vào tháng Sáu, tôi khám phá một phụ nữ trẻ đi dạo trên lối đi lớn. Nàng không vận tang phục và như thể đang đợi ai, tung những liếc nhìn lo lắng về phía cổng chính, qua đó biết bao người đi vào và chẳng bao giờ còn ra nữa.

- Một cuộc hẹn hụt, tôi tự nhủ, tại một nơi hơi có chút thảm đạm: và tôi rời khỏi nghĩa trang.

Sáng hôm sau, nàng ở đó, nhìn đại lộ. Ái ngại ghê! Nàng bước đi, dừng lại, lắng nghe, rình mò.

Sáng nào nàng cũng ở đó, trông còn nhợt nhạt hơn; nỗi đau đã làm khuôn mặt tầm thường của nàng trở nên cao quý. Nàng đợi kẻ khốn cùng!

Tôi đi một chuyến trong vòng năm tuần tới một đất nước xa xôi. Quay về, đã quên hết mọi sự, lúc bước vào nghĩa trang của tôi, tôi nhận thấy người phụ nữ bị bỏ mặc ở ngay giữa lối đi lớn. Công tua của cơ thể nàng đã gầy đi hiện ra trên nền một cây thập giá xa xa như thể nàng đã bị đóng đinh câu rút và phía bên trên là dòng chữ: O Crux, ave spes unica!

Tôi tiến lại gần và quan sát cuộc tàn phá mà quãng thời gian ngắn ngủi vừa xong đã gây ra trên khuôn mặt nàng. Dường như tôi nhìn thấy cái xác của lò hỏa táng bên dưới lần vải trắng như a mi ăng. Mọi thứ vẫn ở đó, giả dạng hình thức con người, nhưng đã bị thiêu cháy, không sự sống.

Nàng thật trác tuyệt, và hãy tin tôi, sự đau đớn, sao mà nó tầm thường được! Mặt trời, mưa đã làm bợt các màu trên chiếc áo choàng của nàng, những hoa cài trên mũ đã vàng lợt đi như những cây đoạn: thậm chí mái tóc cũng đã úa héo… Nàng chờ, vẫn vậy, mọi ngày! Một người điên chăng! Phải, bị nhiễm cơn điên tình lớn! Nàng sẽ chết trong lúc chờ cái hành động mang tới sự sống và kéo dài mãi những nỗi đau!


Mộ phần đất nhượng chung thân [đúng là thắc mắc của một người nước ngoài: chắc hẳn người nước ngoài nào cũng thấy kinh ngạc vì dòng chữ “concession à perpétuité” viết trên nhiều ngôi mộ ở Pháp, ý nói miếng đất đã được mua đứt]! Tại sao lại không phải vĩnh cửu! bởi vì vật chất thì vĩnh cửu?


Tôi những mong muốn quay trở lại là người có tôn giáo, nhưng không thể, bởi tôi đòi phép mầu. Thế nhưng, tôi từng ở rất gần, cách đây mấy hôm. Một cơn giông sắp nổ ra; những đám mây dồn đống lại; đám bách lòa xòa ngọn trông thật đe dọa, khăng khăng tỏ lòng ngưỡng phục với tôi. Napoléon vẫn tuyên bố Boulay là một con người can đảm và trung hậu; lũ bồ câu gù gù trên một thập giá bằng đá; những người chết bốc lên các mùi của lưu huỳnh, và chướng khí thì tỏa vị của đồng.

Mây, thoạt tiên ở chiều ngang, bắt chước con sư tử Belfort, đột nhiên dựng dậy như con thú trên hai chân sau của nó và trở nên thẳng đứng. Tôi chưa từng bao giờ thấy gì tương tự, ngoại trừ trên những bức tranh vẽ Phán xử cuối cùng. Giờ đây các hình thù màu đen làm nhòa đi những đường của chúng và bầu trời mang hình dáng tấm bảng của Moïse, to lớn, nhưng thật rõ nét. Và trên cái tấm màu ghi đó, chớp xé toang bầu trời vạch một chữ ký tắt, rõ ràng, rất dễ đọc: Jahvé, tức là: Chúa của sự trả thù!


Áp suất khí quyển làm tôi khuỵu gối xuống: nhưng vì không nghe thấy giọng nói trời cao nào khác ngoài ầm ì của sấm, tôi bèn lên đường đi về nhà.




2

Mùa thu đã đến thêm lần nữa. Đám cây đoạn gỉ úa và những cái lá hình trái tim rụng, chạm xuống đất nghe khô gọn, tạo ra tiếng sột soạt bên dưới đôi bốt của tôi trong lúc tôi tiếp tục cuộc hành quân chiến thắng trên những trái tim khô khẳng đang kêu răng rắc kia.

[…]

Vả lại tại sao tất tật những hoa kia trên các nấm mộ? Những bông hoa, những thứ sống-và-chết kia, chúng có một tồn tại chỉ ở yên một chỗ, chẳng hề kháng cự lại một tấn công nào, chịu đau đớn chứ không gây khó nhọc, trông như là các tình yêu xác thịt, nhân lên mà không tranh đấu, và chết đi mà không than thở. Những sinh vật vượt trội, những thứ đã hiện thực hóa giấc mơ của Phật, chẳng muốn gì, chịu đựng mọi điều, tự hấp thụ vào chính mình cho đến tận sự không ý thức được mong muốn.

Có phải vì lẽ đó mà các nhà thông thái Hindu bắt chước tồn tại thụ động của cây, tránh bước vào mối quan hệ với thế giới bên ngoài hoặc bằng một ánh mắt, hoặc bằng một dấu hiệu, hay một lời?

Từng có lần một đứa bé hỏi tôi: “Tại sao những bông hoa, đẹp đến vậy, lại không hát như chim?

- Chúng có hát đấy, tôi đáp, nhưng chúng ta không biết cách nghe.”

Tôi dừng lại trước tấm huy chương của de Banville.

Có dấu vết của hoa hồng và hoa nhài trên khuôn mặt kẻ sống bằng lợi tức kia không, với cặp má dày, đôi môi phồng to lên như sau một bữa thịnh soạn, hai mắt kẻ hà tiện? Không, đó đâu phải nhà thơ của Gringoire! Đó là một kẻ khác. Ai?

Tôi nhớ đến bức tượng bán thân Boulay. Đó không phải con người can đảm và trung hậu với cái mũi của gnome, với cái miệng độc ác của phù thủy, với những đường nét nông dân điêu trá.

Và Dumont d’Urville, nhà bác học chuyên về tự nhiên, nhà ngôn ngữ học, nhà thám hiểm quả cảm và thận trọng! Cái mà nghệ sĩ mang tới cho tôi là một nhân viên hối đoái thô lậu. Gì cơ? Có phải là một dấu hiệu mà con người ấy mang, cái màn hình bằng thịt và da, thủng năm lỗ, năm con đường thông giao với ống cống vĩ đại… Tôi nhớ tới hình ảnh những người cùng thời vĩ đại: Darwin, một con đười ươi; Dostoïvski, típ tù khổ sai dễ nhận thấy; Tolstoï, cướp đường; Taine, tay buôn chứng khoán; … và còn biết bao nhiêu người nữa.

Thế nhưng, có hai khuôn mặt, ít nhất hai, bên dưới lớp da ít nhiều lông lá. Một truyền thuyết La Mã dạy cho chúng ta rằng vẻ đẹp bên ngoài của Jesus Christ không có tương tự, nhưng vào các thời điểm giận dữ, sự xấu xí của ông ta gớm ghiếc, như thú vật.

Socrate người hình con dã thú, với một khuôn mặt nơi mọi tật thói, mọi tội lỗi được phản chiếu, thì lại sống như một vị thánh và chết như một anh hùng.

Saint Vincent de Paul, người cho đi cả tính mạng, khoác lên mình một típ kẻ cắp ranh ma và thậm chí độc ác.

Từ đâu mà có những mặt nạ ấy? Di truyền từ một tồn tại hạ giới hay ngoại trần thế trước đó.

Có lẽ Socrate đã mang đến lời giải với câu trả lời lừng danh của ông cho đám người truy vấn ông, trách cứ ông vì cái mặt nạ tên tội phạm của ông:

- Vậy thì hãy đánh giá phẩm hạnh lớn của tôi, vì đã phải tranh đấu với ngần ấy bố trí xấu xa.

Dịch thoáng: trái đất là một trại trừng giới nơi chúng ta phải gánh chịu cái án cho các tội ác đã phạm trong một tồn tại từ trước, mà chúng ta còn giữ kỷ niệm mơ hồ trong ý thức, nó thúc đẩy chúng ta về phía sự hoàn thiện dần. Do đó, tất tật chúng ta đều là những kẻ tội phạm và ông, con người bi quan, đã không nhầm, ông luôn luôn nghĩ và nói xấu về đồng loại.


Sáng hôm ấy trên lối đi Lenoir có một chuyện nho nhỏ gây thốn cho mắt tôi. Những đường thẳng tắp các cây bách bị cắt ngang bởi ngọn một cái cây, gãy gập và lòa xòa xuống con đường. Bị gió thốc cho lay động, nó ra dấu bảo tôi dừng lại, và tôi bước chậm nhịp, rồi dừng. Một con chim hét màu đen, giấu mình trong những cành lá, lao xao hiện ra, đậu trên một thập giá bằng đá, trên đường ngang. Nó nhìn tôi; tôi nhìn nó. Nó mổ lên cây thập giá nhằm thu hút sự chú ý của tôi, và tôi đọc dòng bi ký: “Kẻ nào theo ta sẽ không bước chân vào bóng tối.”

Con chim đen bay vọt lên, náu mình vào giữa đám mộ, và tôi đi theo nó, chẳng nghĩ gì sâu xa. Nó đậu lên nóc một nhà nguyện nhỏ, với dòng chữ sau đây viết trên cửa: “Nỗi buồn của ngươi sẽ được chuyển thành niềm vui.”

Kẻ dẫn đường của tôi dang cánh và đưa tôi đi xa hơn vào mê cung mộ phần, vừa bay vừa phát ra, rất lạ kỳ, những tiếng kêu mà tôi rất muốn hiểu nói gì.

Rốt cuộc, và khi hoa tiêu của tôi biến mất dưới chân một bụi cơm cháy, tôi thấy mình đang đứng trước một lăng mộ mà tôi chưa bao giờ quan sát. Một giấc mơ của nghệ sĩ, một viễn kiến của nhà thơ, hay nói đúng hơn một kỷ niệm đã bị quên đi một phần, thắm lại nhờ những khóc lóc sầu tủi. Đó là một đứa bé sáu tuổi, đắp phù điêu nổi hẳn lên trên nền bằng vàng, được dẫn lối bởi một thiên thần phía bên trên những đám mây về phía bầu trời.

Không hề có lấy một phản chiếu của típ con người tội phạm nơi khuôn mặt kia của đứa bé, tuyệt đối thanh thản, cặp mắt lớn, hẳn được tạo ra nhằm tỏa rạng cái đẹp, lòng tốt, chứ không phải để nhìn thế giới chấp chới này; cái mũi thon nhỏ, ở đầu hơi giập do thói quen rúc vào vú mẹ; được đặt như một nét trang trí tinh tế với hai lỗ mũi tạo thành hình conchoid, phía bên trên cái miệng hình trái tim, không phải để đánh hơi con mồi, cũng chẳng phải nhằm ngửi những mùi thơm hay thối, hẵng còn chưa phải một cơ phận: cái đẹp vì cái đẹp.

Đó là đứa trẻ trước khi bị rụng răng, những viên ngọc trai ấy, chẳng có công dụng hiển hiện nào khác ngoài làm cho sáng bừng một nụ cười.

Và cứ nghĩ rằng đó là hậu duệ của một con khỉ! […]


Con chim hét, đã quay trở lại sau cuộc dạo chơi, cất tiếng kêu chói gắt của nó gọi tôi. Nó đã đậu lên một rào sắt, ngậm trong mỏ một thứ đồ vật mà tôi không nhìn rõ được cả hình dáng lẫn màu sắc. Ngay khi tôi tiến lại gần, con chim bay vọt lên, để lại chiến lợi phẩm của nó trên thanh vịn lan can. Đó là một kén nhộng của bướm, có cấu hình duy nhất chẳng giống với bất kỳ hình thức nào khác của giới động vật. Một bù nhìn, một quái vật, một mũ trùm đầu của lutin, vốn dĩ không phải một con thú, hay một cái cây, hay một viên đá. Một vải liệm, một nấm mồ, một xác ướp, chưa trở thànhbởi vì nó không có tổ tiên nơi trần thế này, mà được làm, được tạo ra bởi ai đó.

Nghệ sĩ-nhà sáng tạo vĩ đại đã thích thú, với tư cách thợ cả, trong việc tạo thành, chẳng vì mục đích thực tiễn nào, nghệ thuật vì nghệ thuật, có lẽ là một biểu tượng. Xác ướp đó, tôi biết rõ, chỉ chứa một chất nhầy động vật vô định hình, không cấu trúc nào và bốc mùi xác chết mới.

Và vinh quang ấy được phú cho sự sống, bản năng sinh tồn, bởi nó gãy răng rắc trên sắt lạnh và sẽ có thể tự cố định bằng những sợi dây chừng cảm thấy bị xóc quá.

Một xác chết sống, chắc chắn rồi sẽ hồi sinh!

Và những kẻ khác, đằng kia, đang chuyển hóa trong các kén nhộng của mình, cũng phải gánh chịu cùng sự cộng tử, bọn họ sẽ không còn tỉnh lại nữa, theo khoa học của các viện hàn lâm, những kẻ bội giáo chống lại chính thầy của mình. Đấy là vì người ta đã quên mất lời thú nhận của Voltaire, liên quan tới những điều sau cuối. Còn tôi, môn đệ của Voltaire, tôi sẽ hết sức khoái trá được dựng tảng đá của xì căng đan ấy bằng cách trích dẫn con người hoài nghi đó, người chấp nhận mọi thứ bằng cách phủ nhận mọi thứ.

“Sự phục sinh là một điều hoàn toàn tự nhiên; sinh ra hai lần thì không đáng kinh ngạc bằng sinh ra chỉ một lần.”






VIII

Sa đọa và thiên đường mất


Được đưa vào thế giới mới này nơi chẳng ai có thể đi theo tôi, tôi cảm thấy kinh tởm những người khác, với một ham muốn khôn cưỡng được tách hẳn khỏi xung quanh. Vậy nên tôi báo với các bạn là tôi sẽ đến sống ở Meudon để viết một cuốn sách đòi hỏi cô đơn và sự im lặng. Cùng lúc, những mối bất hòa nhỏ nhặt đã dẫn tới đoạn tuyệt với nhóm ở hiệu kem, thành thử một ngày đẹp trời tôi thấy mình trở nên cô lẻ một cách tàn nhẫn. Trước hết từ đó nảy sinh một mở rộng khủng khiếp của những giác quan sâu kín nơi tôi; một lực của tâm hồn đòi được biểu lộ. Tôi tự gán cho mình các năng lượng không bờ bến, và nỗi cao ngạo gợi cho tôi ý tưởng thử làm ra những phép mầu.

Vào một giai đoạn trước và trong cơn khủng hoảng lớn của cuộc đời, tôi đã quan sát thấy là mình có thể thực thi một ảnh hưởng từ xa lên những người bạn vắng mặt. Trong các truyền thuyết bình dân người ta hay quan tâm đến vấn đề viễn khiển và phù phép. Tôi không muốn tự bôi nhọ cũng chẳng muốn gột rửa cho sạch khỏi một hành động đồi bại, nhưng giờ đây tôi nghĩ tôi biết rằng ý chí biến thái của tôi không biến thái bằng cú đòn dội ngược từ đó nảy sinh đối với tôi. Một sự hiếu kỳ thiếu lành mạnh, một phun trào tình yêu đảo trật tự, được xác định bởi nỗi cô đơn khủng khiếp, truyền cho tôi ham muốn vô độ được nối lại quan hệ với vợ con tôi, vì tôi yêu cả hai. Nhưng làm thế nào đây, trong khi vụ xử ly hôn đang được tiến hành? Một trường hợp kỳ dị, một mối bất hạnh chung, một tiếng sấm, một vụ cháy, một vụ lụt… nói tóm lại một thảm họa tập hợp hai trái tim, giống như trong các tiểu thuyết những bàn tay thù địch lần hồi gặp nhau nơi đầu giường một người bệnh. Kìa! đấy chính là sự vụ! Một người bệnh! Lũ trẻ con lúc nào cũng hơi ốm; sự nhạy cảm của người mẹ làm quá mối nguy lên: một bức điện và thế là mọi điều được nói ra.

Vốn chẳng biết tới những ý niệm đầu tiên về ma thuật, một bản năng tai hại thì thầm vào tai tôi những gì cần phải làm với bức ảnh chân dung đứa con gái nhỏ yêu quý của tôi, đứa con gái nhỏ yêu quý về sau trở nên niềm an ủi duy nhất của tôi trong một cuộc tồn tại bị nguyền rủa.

Giờ đây tôi sẽ kể những kết quả của một ma nớp nơi ý đồ xấu xa dường hành động qua trung gian là thao tác biểu tượng.

Tuy nhiên, các hệ quả cứ đợi, và tôi vẫn tiếp tục công việc, cảm thấy một nỗi khó ở không sao giải thích, đi kèm với tiên cảm về những thảm họa mới.


Buổi tối, một mình trước kính hiển vi, đã xảy đến với tôi một sự cố mà lúc đó tôi không hiểu nổi, nhưng đã gây ấn tượng rất mạnh lên tôi.

Trồng cho nảy mầm một hạt óc chó từ bốn ngày nay, tôi tách ra phôi hình trái tim không to hơn một hạt lê, kẹp vào giữa hai lá mầm mà dáng vẻ gợi nhớ bộ não con người. Người ta có thể đánh giá nỗi xúc động của tôi, khi trên tấm mặt của kính hiển vi, tôi nhìn thấy hai bàn tay bé nhỏ, trắng toát, giơ lên, nắm lấy nhau như thể đang cầu nguyện. Đó có phải một thị kiến? một ảo tượng? Ồ không hề! Một thực tại như sét đánh khiến tôi khiếp hãi. Bất động, chìa về phía tôi như thể đang cầu xin, tôi có thể đếm được năm cái ngón, với ngón cái ngắn hơn, những bàn tay đúng nghĩa của phụ nữ hoặc trẻ con!

Một người bạn bắt chợt tôi trước cảnh tượng ngơ ngẩn ấy được mời tới để kiểm tra hiện tượng, và anh đã chẳng cần phải quá sáng suốt thì cũng thấy hai bàn tay nắm lại, van vỉ người quan sát.

Là gì vậy? hai lá sơ khai đầu tiên của một cây óc chó, juglans regia, la hạch Jupiter. Chỉ mỗi thế thôi! Và dẫu vậy, không thể chối bỏ chuyện mười ngón tay như tay người nắm lại trong một động tác cầu xin: De profundis clamavi ad te!

Vẫn còn quá mức nghi hoặc, và vốn dĩ mụ mị người vì một sự giáo dục kinh nghiệm chủ nghĩa, tôi bỏ qua.


Cuộc đọa đã xong xuôi! Tôi cảm thấy sự ruồng rẫy của các quyền năng đè nặng lên tôi, bàn tay của vô hình đã giơ lên, và những cú đòn giáng thẳng xuống đầu tôi.

Thoạt tiên, người bạn vô danh tính của tôi, từng trợ cấp nuôi tôi cho đến giờ, rút lui, vì bị tổn thương sau một bức thư xấc xược, thành thử tôi bị trơ ra ở đó chẳng có chút nguồn sống.

[…]

Về lại khách sạn, tôi được đón tiếp bởi hóa đơn kèm một bức thư.

Bực bội trước cú đòn bất ngờ đối với tôi, vốn là khách trọ ở đây từ một năm nay, tôi bắt đầu quan sát những điều vặt vãnh cho đến lúc đó đã bị lơ là. Trong các phòng kế bên, ba cây đàn piano đang chơi cùng một lúc.

Tôi tự nhủ rằng đó là một âm mưu được dàn dựng bởi tay các nương tử Scandinavia mà tôi đã từ chối không giao du.

Ba cây đàn piano, và tôi không có khả năng đổi khách sạn vì chẳng có tiền.

Tôi ngủ thiếp đi, lòng đầy cuồng nộ với những nương tử kia và với số phận, nguyền rủa trời cao. Hôm sau, tôi bị đánh thức bởi một tiếng ồn bất ngờ. Người ta đập búa đóng đinh trong phòng bên cạnh, đúng chỗ giường tôi. Rồi người ta lại đập ở phía bên kia.

Một cuộc quây hội đồng, cũng ngu như những nữ nghệ sĩ kia, mà tôi coi chẳng đáng gì và bỏ qua.

Nhưng vào lúc, sau bữa trưa, như thường lệ tôi vào giường nằm, một tiếng động lớn vang lên ngay trên hốc giường, làm cho thạch cao trên trần rơi xuống đầu tôi.

Tôi xuống nhà gặp bà chủ để phàn nàn về thói hỗn láo của những người khách trọ. Bà cho biết, vẻ rất dễ thương, là mình đã không nghe thấy gì, và hứa với tôi là sẽ đuổi bất kỳ ai dám gây phiền nhiễu cho tôi, bởi bà rất muốn giữ tôi lại khách sạn của bà, nó không thịnh vượng cho lắm.

Chẳng hề đặt lòng tin vào những lời nói của một phụ nữ, nhưng tôi dựa vào lợi ích của bà ta trong việc đối xử tốt với tôi.

Tuy nhiên những tiếng ồn vẫn tiếp tục, và tôi nghĩ mình hiểu được rằng các nương tử kia muốn làm cho tôi nghĩ các linh hồn đang gây ồn ào. Bọn đàn bà xuẩn ngốc!

Thế nhưng, đồng thời các bạn ở quán kem thay đổi thái độ đối với tôi, và một sự thù địch câm lặng biểu lộ ra bằng các ánh mắt liếc xéo và những lời xảo trá.

Nản quá, tôi rời khách sạn cùng quán kem, vứt tất tật mọi thứ, để lại sách vở và các thứ đồ vặt, trần trụi như một con nhộng. Rồi tôi vào ở khách sạn Orfila, ngày 21 tháng Hai năm 1896.






IX

Cõi nhân gian


Khách sạn Orfila, với dáng dấp nhà tu kín của nó, là một nhà trọ cho sinh viên Thiên chúa giáo. Một vị trưởng tu thảm hại và dịu dàng trông coi chốn này. Sự im lặng, trật tự và phong hóa tốt đẹp ngự trị nơi đây. Và, điều khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm sau ngần ấy náo loạn, người ta không nhận phụ nữ.

Ngôi nhà thậm cũ kỹ; các phòng thấp, hành lang thì tối, và những cầu thang gỗ chạy ngoằn ngoèo như trong một mê cung. Trong tòa nhà ấy có một bầu không khí của thần bí cuốn hút tôi từ lâu.




(còn nữa; đã tiếp tục "Khái Hưng mặc cảm")




Bắc (2) Mộ bò (Ivar Lo-Johansson)
Bắc (1) Halldór Laxness
(một người) August Strindberg
Mùa thu Đức (Stig Dagerman)


12 comments:

  1. Lâu nay mình cứ thắc mắc là sao NL hay viết bài bỏ dở, lâu lâu lại xón thêm một tí và dẫn link báo cho bạn đọc biết một post cũ dang dở đã có bổ sung (tất nhiên sẽ còn bổ sung tiếp).

    ReplyDelete
  2. đang cố tỏ ra là cũng có gì đó để hỏi à?

    tiếp tục

    ReplyDelete
  3. Thắc mắc thì hỏi thôi không cần cố

    ReplyDelete
  4. thế thì tốt, không cố thật thì tốt

    tiếp tục

    ReplyDelete
  5. Bên Phanbook có ra tiếp Nguyễn Ngọc Tư không anh?

    ReplyDelete
  6. khao khát về "các nguyên tố" đã đắp con đường đến "hạt cơ bản" các quarks. thú vị là một dân xứ viking trưng bày tâm hồn nhà giả-kim. văn này original nhỉ. và ở những vĩ độ cao nhất vẫn có hòn đá triết học nhỉ?

    ReplyDelete
  7. đoạn sau sẽ còn thẳng tiến đến chuyện làm ra vàng

    tiếp tục - cuộc lội qua địa ngục nào cũng ngoạn mục (nếu đúng là địa ngục)

    ReplyDelete
  8. "Chứng minh được hiện diện của các bon trong lưu huỳnh rồi, tôi còn cần tìm ra hydrô và ôxy ở đó nữa, chúng được giả định là có hiện diện thông qua tương đồng."

    Đọc đến đây cháu thấy hơi nghi, hay ý ông ấy muốn nói tới đồng vị?

    VVD

    ReplyDelete
  9. chắc không phải đồng vị, Strindberg không định nói đến isotope, dường như "tương đồng" ở đây là cách chứng minh chứ không phải các thuộc tính của chất (hợp chất)

    ReplyDelete
  10. nghĩ lại thì có vẻ như không thể là đồng vị được :v
    Chú nhanh lục ra sách rồi dịch tiếp thôi. Đọc cái này cháu thấy có ít nhiều liên hệ bản thân :v nên mong là được đọc càng nhiều càng tốt

    VVD

    ReplyDelete
  11. giỏi đấy, vừa thấy quyển sách biến mất rơi ra rồi, lại rơi trúng vào chân

    ok, sẽ sớm làm thêm một vòng August Strindberg, cũng đến lúc rồi

    ReplyDelete
  12. em đọc lại 2 lần rồi đấy, thật ra nếu đọc đúng (như anh) thì cuộc đời này không có chi là không hiểu được ❤️

    ReplyDelete