Sep 18, 2019

[tiện bút] Les Feuillantines (tiếp)

(đã tiếp tục Kyra Kyralina; còn đây - tất nhiên - là tiếp tục của ởkia)


... niềm vui không thể tính từ hóa của cơ thể...

(Alejandra Pizarnik)



Từ Les Feuillantines (ven sườn đồi Sainte-Geneviève) muốn xuống đến place d'Italie (cái nơi rất không được lòng Léon-Paul Fargue), sau đoạn dốc Claude Bernard còn phải đi theo avenue des Gobelins (đây là một trong những đường lớn tỏa ra từ quảng trường place d'Italie; một trục chính khác, chạy về hướng sông Seine, kết thúc ở đoạn ga và cầu Austerlitz, là boulevard de l'Hôpital).

Trên đại lộ Gobelins có một số nhà nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, vì từng là chỗ ở của mấy nhà cách mạng (et pas n'importe qui). Một lần nọ, tôi ở trong một căn hộ nằm bên kia đường so với địa chỉ danh tiếng - tất nhiên, lúc đó tôi cũng thoáng nghĩ, bên kia đường, xưa kia, từng có mes illustres compatriotes; tôi cũng tự biết - với rất nhiều đau đớn - rằng tôi chẳng bao giờ có thể là một nhà cách mạng - tại một bàn ăn. Ngay từ miếng đầu tiên cho vào miệng, còn chưa kịp nhai tôi đã hiểu rằng suốt đời sẽ không bao giờ tôi lấy một phụ nữ Anh làm vợ: cô gái người Anh hôm ấy đã không hề rửa rau. Tất nhiên là không thể nhổ ra được, mà nhất định phải nuốt vào, với tất tật đất bám trên mấy cái lá. Vả lại, làm gì có tình yêu nếu không có những hiểu lầm: "Love Hope and Misery".

Người Anh ăn uống đạm bạc đến đau lòng (thật ra, tôi muốn nói "đau bụng"; khi được người Anh nào đó vì quý mến mà mời đến nhà ăn, gần như có thể chắc chắn kiểu gì xong rồi ta cũng sẽ vẫn đói meo): Max Weber đặc biệt đúng, có những khi; nhưng Weber nói chung gì cũng đúng cả, khó mà khác được, vì đó là một con người của chuyển động: người nhìn thấy chuyển động thì đúng hơn, người chiêm ngưỡng chuyển động, người không để cho chuyển động thất thoát mất, trong mọi thể động cũng như - nhất là - ở toàn thể. Cách mạng là dạng chuyển động của sự gây đảo lộn. Cũng như tình yêu (a splendous trouble, như một ai đó nói - hết sức chuẩn xác).

Tôi cũng không thấy có vấn đề gì lắm (về cơ bản, gần như chẳng bao giờ tôi thấy bất kỳ cái gì có bất cứ vấn đề nào), chuyện phải nuốt rau xà lách dính đất - đằng nào thì cũng chỉ một lần, vì sau đó dại gì mà lặp lại, và đằng nào thì khu vực của avenue des Gobelins, dẫu tràn trề tinh thần cách mạng, lại khó thích hợp cho tình yêu. Ngày nay trông nó (quãng địa dư kẹp vào giữa quận 5 và quận 13) tươm tất, thậm chí trên cả mức tươm tất (nhiều người châu Á, nhất là Việt Nam và Trung Quốc sau khi kiếm được tài sản - nói ngắn gọn, bước vào hàng ngũ nouveau riche) - không còn ở khu Tàu Chinatown nữa mà vượt biên giới (ở đây, place d'Italie chính là biên giới) để rẽ sang phía có thư viện Mitterand, nhưng nhất là để sang boulevard de l'Hôpital (đại lộ Nhà thương, như một số thanh niên Việt kiều sinh ra tại Pháp hay gọi), nhưng trong quá khứ không phải lúc nào cũng vậy: khu Saint-Marcel (hay Saint-Marceau như thông dụng trong nhiều tiểu thuyết của Balzac, nhất là Mặt bên kia của lịch sử hiện thời) (vốn dĩ nó được đặt tên theo một trong mấy giám mục Paris đầu tiên, tôi không còn nhớ chính xác là thứ mấy, nhưng chắc chắn thuộc số mười vị đầu tiên: Saint-Marcel, người ta kể, có thể biến nước lã thành rượu, giống Jesus Christ) suốt rất nhiều đời là một vùng faubourg tệ hại, có lẽ là tồi tệ nhất của toàn Paris. Phố Mouffetard từ trên một trăm năm nay hot như vậy nhưng nhiều dấu tích của xập xệ và tồi tàn xưa kia vẫn còn, chẳng hạn như chỗ Saint-Médard - nhà thờ Trung cổ duy nhất còn tồn tại, trên toàn khu; chính ngoại lệ lại nói lên quy luật, như ai cũng đều đã biết. Ăn xa lát dính đất, không những thế, còn nói lên tinh thần bất khuất rất cần thiết cho các nhà cách mạng; và dẫu biết đinh ninh rằng không khi nào tôi có chút cơ hội sánh được với các nhà cách mạng An Nam từng ngụ trên avenue de Gobelins, tôi vẫn có một niềm tự hào nho nhỏ, ấy là đã làm đúng được lời hứa năm xưa, khoảnh khắc của miếng rau đã ai oán nằm gọn trong miệng: tôi đã giữ vững lập trường, kiên định không rời, tôi đã không lấy người phụ nữ Anh nào làm vợ. Nếu đó là một lý tưởng - nhưng tôi chẳng thấy có lý do gì để nó không là lý tưởng, dẫu chỉ một lý tưởng khiêm nhường, nhưng làm gì có gì quang vinh hơn so với những điều khiêm nhường đây: ít nhất thì, chẳng phải humility chính là cánh cửa dẫn vào con đường đưa con người tôn giáo bên trong chúng ta đến được với sự tựu thành (người ta hay dùng từ gì ấy nhỉ? "toàn mãn" có phải không?) à?

Một đêm nọ, rất muộn, tại căn hộ của một cô gái; cô gái tổ chức ăn mừng nhà mới. Đây thì lại là một phụ nữ hoàn toàn Pháp (bố mẹ sống ở đâu đó gần Paris, tôi không còn nhớ chính xác được tên địa danh, nhưng chắc chắn có liên quan tới "Oise"). Quá nửa đêm, cô gái nấu mì mời khách. Một cái nồi to tướng để luộc pasta. Nhìn cô gái ấy quấy núi sợi mì khổng lồ, trong nỗi mệt sau phấn khích bắt đầu tàn khuya khoắt đắng miệng, thiếu điều tôi đã có một ý nghĩ tương tự như cái lần ăn phải rau dính đất. May mà tôi kịp phanh lại: nếu cứ tiếp tục như thế, tôi sẽ loại trừ hết phụ nữ mọi quốc tịch, tôi sẽ macho quá mức (hơn cả mức abc), tôi sẽ tự đặt tôi vào hoàn cảnh không còn lựa chọn (tất nhiên đó chỉ là trên phương diện quốc tịch, mà quốc tịch xét cho cùng thì có đáng gì đâu: Grillparzer nói rằng con người đi từ nhân tính tới thú tính, ghé ngang quốc tính, tức quốc tịch), tương lai sẽ quá đen tối. Tôi không sợ tương lai đen tối lắm (vì thế nào thì nó cũng đen tối thôi) nhưng dẫu sao tôi cũng đã kịp tự ngăn mình không có ý nghĩ đó. Dẫu thế này thì quả thật quá khó làm cách mạng.

Joseph Roth rất thích nhắc đến câu (về quốc tịch) của Grillparzer - nhà văn lớn ngày nay chủ yếu chỉ còn được biết (và cũng không nhiều) trong số những ai rành câu chuyện văn chương Áo (Habsburg etc.). Nhiều nhân vật trong các tác phẩm của Roth nhận ra thế giới đã bước vào một đoạn mới với việc muốn đi từ đây sang kia thì phải có visa - tức là hết sức phiền phức; hộ chiếu trở thành thứ giấy tờ quan trọng nhất của thế kỷ 20, rất nhiều khi nắm giữ sinh mạng của nhiều con người - và từ đó, vai trò của bộ phận phụ trách cấp thị thực của những tòa đại sứ quán; một nhân vật như thế xuất hiện rất đáng nhớ trong Fuck America của Edgar Hilsenrath. Quốc tịch - biểu hiện quan trọng của tinh thần quốc gia, và của quốc gia chủ nghĩa - là thứ trước hết dùng để phân biệt.

Sinh ra trước Roth chừng hai mươi năm có một nhân vật sẽ chết trận trong Thế chiến thứ nhất (cuộc chiến tranh ấy với Roth lại chính là bước đầu tiên vào cuộc đời): Charles Péguy.




(còn nữa)

18 comments:

  1. sao không mỗi người cười một kiểu đi, cười cũng giống nhau thế này chẳng phân biệt được; anw nhớ rửa rau

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vợ Việt thì rau còn được ngâm muối nữa.
      Hình như dặn còn thiếu: nhớ rửa tay trước khi rửa rau.
      Ch.

      Delete
  2. but you can surely define who is who this time, I think, and from now on too, because the first one would not keep visibly smiling anymore

    ReplyDelete
  3. Anh có chủ nghĩa dân tộc quá khg, vấn đề đâu nằm ở chỗ national identity;)

    ReplyDelete
  4. câu «niềm vui không thể tính từ hóa của cơ thể» của Alejandra hiểu thế nào, có liên quan gì đến «lực kháng từ» của cơ thể chăng?

    ReplyDelete
  5. Pizarnik, not "Alejandra"

    body thì chỉ làm mỗi một việc: to be here hoặc not here, chứ chẳng nói lên điều gì cả, nhất là bằng ngôn ngữ, đặc biệt các tính từ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Your body is not a word,
      it does not lie or
      speak truth either.

      It is only
      here or not here.

      (Atwood)

      Delete
  6. ồ ôi, Atwood làm thơ kinh thế cơ à, trước mới thấy giỏi quote Jonathan Swift, sai lầm quá vì có tận mấy tập thơ Atwood mà chưa giở ra xem (nhân tiện, Yehuda Amichai chẳng khác thơ XD mấy)

    ReplyDelete
  7. : )
    cười khác rồi, với hẳn một cú đập spacebar rồi nhé

    ReplyDelete
  8. Tập thơ XD rẻ rề. Tập thơ YA đắt thốn con mắt bên phải đỏ con mắt bên trái

    ReplyDelete
  9. tập Thơ thơ ấn bản Đời nay đắt gấp tập tiếng Anh YA gần 30 lần

    ReplyDelete
  10. Muốn có bản Hebrew kia

    ReplyDelete
  11. no, Yehuda Amichai thì không, nhưng đúng là muốn có các ấn bản Hebrew mấy quyển của Isaac Bashevis Singer, người dịch Israel Zamir (đây cũng chính là nhân vật trong một truyện ngắn rất nổi tiếng của Singer)

    ReplyDelete
  12. «con người đi từ nhân tính tới thú tính, ghé ngang quốc tính» sao Grillparzer lại nói câu hoàn toàn tàn nhẫn đúng thế.

    ReplyDelete
  13. đọc Sagan un certain sourire một nụ cười nào đó, nhoé :)

    game này thật sự bắt đầu chán rồi

    ReplyDelete
  14. "un certain sourire" mà là "một nụ cười nào đó"

    thế mà cũng đọc

    ReplyDelete
  15. biết làm thế nào, đời xb cho ta thế

    ReplyDelete