Nov 27, 2024

Vòng lại

Chính trong lúc Roth (thậm chí rất Roth), nhưng là những Roth khác, thì việc quay lại - vòng lại - Philip Roth trở nên rất cám dỗ.

Đó là - nhìn chung - thời điểm Philip Roth cuối cùng của tôi. Giờ đây tôi mới nhận ra (ít nhất là) hai điều; thứ nhất, chính đấy là lúc Philip Roth ngừng viết (lúc đó, tôi không hoàn toàn ý thức được điều này): Philip Roth đã quyết định thôi không viết nữa, tổng cộng quãng thời gian ngừng, thôi, bỏ ấy kéo dài sáu, bảy năm. Philip Roth không phải là một trong những nhà văn chết mà vẫn đang viết (với cây bút ở trên tay, etc.: một hình ảnh tất nhiên hết sức tầm thường).

Bỏ đi khỏi: biểu tượng của cái đó là Rimbaud; dĩ nhiên không thể so sánh Roth đã rất già với một Rimbaud trẻ măng được, nhưng dẫu thế nào thì làm vậy cũng là một việc rất khó. Nhìn chung, viết là một việc khó nhưng thôi viết có lẽ còn khó hơn nhiều. Một khi mà đã bắt đầu, và kể cả khi việc đó chẳng mang lại sung sướng nào: thậm chí, chính vì vậy. Vô cùng hiếm người làm như thế.

Và thứ hai,


tôi ngừng đọc Philip Roth (sự ngừng đọc này trùng hợp, mà tôi cũng không biết tại sao, với sự ngừng viết vừa nói ở trên) chắc hẳn - điều này tôi không biết rõ được, rất có thể tôi đang lý trí hóa một số điều - vì tôi nhận ra là mình cần phải thực sự biết về văn chương Do Thái. Làm thế nào để có thể có Philip Roth, một nhân vật như thế (nhân vật đó từng có ý nghĩa rất lớn với tôi, cho đến lúc tôi không đọc nữa: một trong những nhân vật nói với tôi nhiều điều)? Nếu không nhìn vào văn chương Do Thái ở mức độ trên mức bề mặt thì khó mà hiểu được.


Trước đây, còn có một điều mà tôi không hoàn toàn ý thức được: mối liên hệ giữa Roth và Kafka. Không phải Roth trẻ tuổi tìm cách viết giống Kafka (quả thật, văn chương của Roth rất ít gợi nhớ văn chương của Kafka), nhưng từng luôn luôn có một cái nhìn về phía ấy.

Ít nhất thì, Franz Kafka và Philip Roth có các ông bố cùng tên (Herman/Hermann).

Nhưng, trong một cuốn tiểu thuyết của Philip Roth, lại có một đoạn (lớn) Dostoievski: đó là khi một nhân vật nhắc đến Karamazov và tự so sánh mình với ông bố của nhà ấy. Điều này rất không thông thường, vì chẳng hạn đối với Tội và Phạt người ta thường tự đồng hóa mình (nếu có điều đó thật) với Raskolnikov chứ chẳng ai thấy có gì liên quan với nạn nhân của Raskolnikov, một bà già xét cho cùng rất đáng thương; về những gì liên quan đến Karamazov, những gì có thể gọi là affinity thường phát sinh từ phía những đứa con, chứ không phải ông bố. Hoặc giả, father Karamazov có thể xuất hiện ở các so sánh (trong óc) của ai đó, nhưng đấy sẽ là đối với người khác.

(ở trường hợp Kafka, Felice Bauer chính là người tặng Karamazov cho Kafka)


Cuốn sách thực sự viết về ông bố của Roth là Patrimony.

Ông nội của Philip Roth tên là Sender. Từ người ông còn lại duy nhất một thứ, một cái cốc đựng đồ vệ sinh (bàn chải đánh răng, etc.), hay một cái gì đó tương tự. Vật dụng nhỏ nhoi để trong phòng tắm ấy là di sản duy nhất, món thừa kế mà người con trai (Herman, bố của Philip) giữ. Bố của Philip Roth làm nghề bảo hiểm (nhân thọ), còn người ông từng được nuôi dạy để trở thành rabbi, sang đến Mỹ làm công nhân tại một nhà máy sản xuất mũ. Đấy là một người ông từ vùng Galicia, đâu đó không xa thành phố Lemberg - địa danh gắn bó với một quãng đời của Joseph Roth. Philip Roth tả, trong những gì gần với autobiography hơn cả, rằng càng già ông bố của mình càng giống bà nội (của Roth), nhất là với cái đầu rất nhỏ; đây cũng chính là hình ảnh Philip Roth về già: với một cái đầu đặc biệt nhỏ. Hình ảnh của một con chim. Ông bố được Roth tả là một người quyết định rất nhanh: bà mẹ của Roth vừa chết, trong nhà vẫn đầy người đến chia buồn thì ông đã vào phòng lôi hết đồ của người vợ quá cố ra dọn dẹp, sắp xếp - với mục đích vứt đi hoặc đem cho. Phải khó nhọc lắm Roth mới làm được cho ông ngừng việc đó lại. Roth cũng nói thêm, trong số những gì đã suýt bị vứt có cả các bài báo về Philip Roth được bà mẹ cắt để riêng ra.


Những người Do Thái: trước dân tộc được lựa chọn ấy, người ta thấy rất tò mò, muốn biết về các hoạn nạn to lớn mang rất nhiều ý nghĩa trong lịch sử, cũng như những gì liên quan đến trí tuệ, nghệ thuật, tức là học vấn và văn hóa nói chung; tất nhiên, tổ quốc (có thật hay tưởng tượng) cũng là điều rất thu hút - chắc chắn, Philip Roth có vị trí rất quan trọng trong câu chuyện người Do Thái ở Mỹ vào nửa sau thế kỷ 20; và cả tiền nữa. Nhưng, ngược lại, chính vì thế, liên quan đến người Do Thái, bạo lực - chẳng hạn - là một chủ đề không nhỏ: hẳn không ít người thấy khó tin, chuyện người Do Thái cũng biết đánh nhau, nhất là trong quãng thời gian đầu tiên của Israel. Ở riêng điều này, Philip Roth là một nguồn không nhỏ, với sự để ý thường trực vào một đặc tính không mấy vượt trội: tài năng thể thao (hoặc sức mạnh nói chung); ở đoạn đầu của American Pastoral có đoạn về nhân vật Seymour Irving Levov, một dạng anh hùng ở sân vận động. Trong The Facts cũng có những gì ở khía cạnh này, mà cặp mắt của một đứa trẻ con có thể nắm bắt được.

Tất nhiên, "người Do Thái" sẽ gây ra cảm giác về một sự khái quát hóa. Vả lại, những cụm từ như vậy thường xuyên chỉ xuất hiện ở các cái nhìn nếu không phải có màu sắc racist thì ít nhất cũng hời hợt.


Câu hỏi trở đi trở lại, vào thời của chúng ta: Shakespeare có phân biệt chủng tộc, thậm chí bài Do Thái hay không? Tất nhiên là với Shylock (hay, Dickens, với Fagin). Dạng câu hỏi rất đặc trưng của thời đại - tương đối xếp cùng hạng với câu hỏi, nhân vật nào đó có misogyne hay không.

Thời của chúng ta là thời của thoải mái có ý kiến? Rất dễ đồng ý với điều đó - nhưng với điều kiện, cần phải thấy ngay là cùng lúc, đây cũng là thời cực kỳ nguy hiểm nếu có ý kiến. Thậm chí còn đến mức chết dở.

Chẳng hạn như, đã tới lúc không thể phát ra bất kỳ ý kiến nào có chút ít negative (hoặc bị coi là như vậy) về phía những người đồng tính. (trong một cuốn tiểu thuyết, Philip Roth cho biết vào một party giữa các sinh viên văn khoa Mỹ điển hình, đa số sẽ là nữ, thỉnh thoảng có một hoặc hai hetero, còn lại là gay)

Thế nhưng, điều này mới oái oăm: khi tôi nghĩ rằng tôi nhìn thấy một điều nào đó liên quan đến người đồng tính (nam), nếu chiểu theo tinh thần chung (nói thẳng luôn, đấy là sự sợ hãi) không được nêu nhận xét gì về người đồng tính, thì tôi sẽ cảm thấy mình đã không đóng góp cho hiểu biết chung của loài người. Dilemma trở thành: chấp nhận không nói để theo đúng thời đại, hay nói, để trở thành một tấm gương xấu và có thể trở thành ví dụ về kỳ thị (chuyện đã trở nên ngược hẳn lại so với những thời trước đây, khi ai đó thể hiện cảm tình với người đồng tính, hay da đen, etc. thì rất dễ gặp nguy hiểm, ít nhất là sự nhạo báng). Nhưng tôi tự thấy là dẫu thế nào đi nữa, phát hiện của tôi quá quan trọng, không thể nào im đi được - nếu thế thì hiểu biết (chung) sẽ bị nghèo nàn đi một phần nào đó, cho nên tôi vẫn phải nói (dẫu nói chung, tôi chẳng có ý kiến cá nhân nào về người đồng tính: ngày hôm nay, không có ý kiến cũng là một dạng vị thế không thể chấp nhận được, chẳng ai còn được làm người quan sát không can dự nữa): phát hiện của tôi, ấy là mép của những người đàn ông đồng tính, đến một độ tuổi nào đó (theo tôi là quanh quãng bốn mươi tuổi) sẽ trở nên rất giống cái mà người ta hay gọi là đít vịt. Hoặc cũng có thể là đít gà.


(trong địa hạt Philip Roth, cũng có thể đặt ra các câu hỏi để test: chẳng hạn, 1) trong cuốn tiểu thuyết nào có cảnh bàn luận tại một lớp học trong đó ý của E. M. Forster trong Các khía cạnh của tiểu thuyết, cụ thể là dạng nhân vật "round", được dùng làm lập luận?* 2) trong cuốn tiểu thuyết nào nhân vật chính đọc lại toàn bộ Joseph Conrad, sau nhiều chục năm không đọc JC, với cuốn cuối cùng là The Shadow Line?**)


Văn chương (hay, cái giọng ấy) của Philip Roth là irony, nhưng ngả sang indignation: không hề ngẫu nhiên khi một cuốn tiểu thuyết của Roth có nhan đề chính là Indignation. Irony trộn lẫn với anger - tôi thấy bị cám dỗ rất mạnh (nhân vật tiểu thuyết của Roth thì rất già vẫn thường xuyên bị phụ nữ cám dỗ rất mạnh) tạo ra một néologisme: ironanger. Hoặc cũng có thể, angerirony.


Et Cetera là tên tờ tạp chí mà Philip Roth cùng hai người khác, Pete Tasch và Dick Minton, lập ra và điều hành; một tờ tạp chí sinh viên, tại trường Bucknell. Etc. (tôi nhớ đến một cuốn tiểu thuyết của Raymond Queneau, trong đó nhân vật chính là một bồi bàn quán cà phê - Alfred, nếu tôi nhớ không nhầm - tại Quartier Latin, rất cố gắng trong một quãng thời gian dài tìm ra một cách thức (một combinaison) nhằm có thể chắc thắng khi cá ngựa; nhân vật ấy, những khi thấy các lứa sinh viên mới, lại tự hỏi những người kia có mở tạp chí không, các tờ tạp chí sinh viên thường chết ngỏm sau một, hai số). Năm 18 tuổi, Roth rời khỏi Newark đến học ở Bucknell. Newark, địa điểm mà độc giả của Philip Roth liên tục gặp. Newark, New Jersey, đối với Philip Roth thì cũng tương tự Jefferson đối với William Faulkner.

Ba nhân vật mà Roth khi còn rất trẻ, chưa thực sự viết những gì sẽ khiến xuất hiện một nhà văn được yêu quý và gây căm ghét khủng khiếp tên là Philip Roth, hay bắt chước, theo lối bản năng, là Salinger, Capote và Thomas Wolfe. Roth cũng hay nhắc đến indignation của mình khi Eisenhower được bầu làm Tổng thống Mỹ, đánh bại candidate mà Roth ủng hộ, Stevenson. Nhưng tổng thống Mỹ thực sự đi vào văn chương Philip Roth phải là Nixon (nếu không kể tổng thống giả tưởng Lindbergh, trong cuốn tiểu thuyết Một âm mưu chống lại nước Mỹ). Thêm một câu hỏi: trong cuốn tiểu thuyết nào của PR có bối cảnh Bush (con) thêm một lần trở thành tổng thống? Thật ra, câu này nhằm làm giảm bớt độ khó cho hai câu hỏi phía trên, vì nó cũng là một trong hai cuốn tiểu thuyết nằm trong hai câu hỏi - người ta dễ nhớ đến một cuốn tiểu thuyết do có vụ 11 tháng Chín và Bush Etc. hơn so với một cuốn tiểu thuyết trong đó có chi tiết liên quan tới một cuốn sách của Forster hay trong đó một nhân vật đọc lại toàn bộ JC.


đây


(ở phương diện bắt chước, Philip Roth để cho Nathan Zuckerman, alter ego của mình - Nathan, như Nathan của Lessing: một cái tên rất Do Thái - ở khởi đầu, tức là khi còn rất trẻ, bắt chước "Tiệc vườn"; và cùng lúc, sung sướng khi mua được ở hiệu sách cũ Seven Types of Ambiguity của William Empson)


Cái nhìn của chính Roth vào văn chương Do Thái đặt Isaac Babel vào một vị trí đặc biệt (về một nhân vật khác, Saul Bellow, có câu chuyện mà Roth kể như sau: đang tán tỉnh một cô gái trẻ xinh đẹp, Roth rủ cô gái đi cùng mình đến một buổi conference của Bellow; sau buổi nói, cô gái - do có người quen giới thiệu - lại gần nói chuyện với diễn giả, và một thời gian ngắn sau đó trở thành người vợ thứ ba của Bellow; cùng lúc đó thì Roth gặp tại chính buổi nói ấy người tình đang hục hặc, khỏi phải nói sự gặp có thể gượng gạo đến mức nào, đó sẽ là người vợ đầu tiên của Philip Roth, nhân vật mang lại cho Roth kinh nghiệm (vô giá, as always) về địa ngục cuộc sống vợ chồng.


Sự hình thành (hoàn toàn có thể nói: sự sinh ra) của Nathan Zuckerman không hề dễ dàng (và đơn giản). Đó là thời điểm giữa thập niên 70 của thế kỷ 20. Sau những gì đầu tiên kèm không ít hào hứng, đến lượt My Life as a Man. Cuốn sách ấy, Roth dùng để nhìn vào cuộc hôn nhân của mình (cần phải đọc thêm cả The Facts, về sau này: có thể đối chiếu rất nhiều chi tiết; cuốn sách ấy, The Facts, được gọi là "autobiography" nhưng nó không kể tuốt luốt về cuộc đời Philip Roth mà chỉ có vài episode, thêm nữa trong nhan đề còn có thêm phần đuôi "của một tiểu thuyết gia"): Nathan Zuckerman là tên nhân vật mà Peter Tarnopol đặt ra để kể câu chuyện của mình (trong câu chuyện không thật, tức là của Zuckerman - phần sau cuốn sách sẽ có câu chuyện thật, tức là Tarnopol kể).

Nhưng, tuy đúng là có cái tên (Nathan Zuckerman) song series Zuckerman của Philip Roth còn chưa thực sự bắt đầu. Roth còn chưa thực sự biết phải làm gì với đó.


Đọc văn chương Philip Roth có một cảm giác rất lạ: cứ nghĩ rằng những người Do Thái ấy, mà họ hàng, ông bà mới chỉ mấy chục năm về trước vẫn sinh sống tại các shtetl hẻo lánh ở Đông và Trung Âu, nói tiếng Yiddish, thứ ngôn ngữ mà các goyim không thể nào hiểu nổi, giờ đây lại rất thoải mái (ít nhất ở vẻ bề ngoài) tại một đất nước rộng lớn, nơi có các địa danh nhiều màu sắc Anh điêng (hoặc tạo ra ảo tưởng về điều đó), như chẳng hạn mấy cái tên rất hay xuất hiện dưới ngòi bút của một người như Philip Roth: Weequahic, hoặc Quahsay.


Phải khi quay trở lại với Philip Roth, lần này, tôi mới thực sự thấy tầm quan trọng của The Ghost Writer. Đó là thời điểm khởi đầu của Zuckerman, for real. Ở gần cuối của series ấy (áp chót) là The Human Stain. Do lỡ xem bộ phim làm từ cuốn tiểu thuyết đó từ trước (khi nó mới ra), tôi thấy không thể nào đọc quyển sách được nữa.

The Ghost Writer: đó là lúc Nathan Zuckerman còn rất trẻ, cụ thể là 23 tuổi. Trong cuộc đời của chính Roth, năm 1956 là mốc đặc biệt quan trọng, khi ấy Roth vừa xong quân dịch, quay trở về cuộc sống dân sự, và như vậy thoát khỏi viễn cảnh bị gửi sang Triều Tiên đánh nhau. Đấy là tuổi hăm ba của Roth.


4 comments:

  1. anh ngừng, em mới bắt đầu :)

    ReplyDelete
  2. Tội và Phạt nghe hay hơn hẳn

    ReplyDelete
  3. Reading Myself and Others?

    ReplyDelete
  4. không

    thêm nữa: trong các cuốn tiểu thuyết (nói rất rõ)

    ReplyDelete