Jan 13, 2010

Sách (V): Huế

Đọc bài "Bức ảnh quý về khí phách sinh viên Huế 1975" thấy ngay là đặt tên bài báo thế là không ổn. Bức ảnh chụp Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải có niên đại 1975. Tất nhiên cũng có thể hiểu được rằng ý bài báo nói về sinh viên Huế trước 1975. Nhưng điều này thì còn dở hơn: xem tên bài và đọc bài, rồi xem bức ảnh, rất dễ tưởng bức ảnh này mới được tìm thấy lại từ thư khố gia đình Hoàng Phủ Ngọc Tường, chưa bao giờ được công bố.

Trong sách vở thời gian gần đây, bức ảnh trên đã xuất hiện ít nhất trong một quyển sách mang tên Viết trên đường tranh đấu, tập hợp văn thơ của nhóm sinh viên Huế hồi đó, theo Trần Hữu Lục ở bài viết vừa dẫn link thì bản thảo đã được chuẩn bị ngót nghét 20 năm trước năm xuất bản (cuốn sách in năm 2005). Bìa sách là tranh của Bửu Chỉ, còn bức ảnh Hoàng Phủ Ngọc Tường là bức thứ nhất trong 50 bức in vào cuối sách, và được chú thích như sau: "Chúng tôi thách đố mọi sự đàn áp (Tổng thư ký Tổng hội SV Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyên bố trước cổng trường Quốc học Huế, 1966)".

Loạt ảnh còn có nhiều hình về sự tranh đấu khác, một số khẩu hiệu thời đó có thể đọc được từ ảnh: "Nỗi diệt chủng vừa thương vừa sợ/Nòi giống ta chắc có còn không?", "Đập tan âm mưu Mỹ duy trì Thiệu kéo dài chiến tranh", "Thiệu còn chiến tranh còn/Thiệu nhào hòa bình đến", "Hai triệu người Việt Nam ngã gục/Nói sao hết được lời", "Sống trên vai xiềng xích", "Căm hờn lại giục căm hờn/Máu van trả máu, đầu kêu trả đầu"...

Ngoài quyển Viết trên đường tranh đấu, cùng dòng này còn có Phác họa chân dung một thế hệ của anh em Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật, NXB Đà Nẵng 2007. Cùng Phương Nam còn có mấy quyển in riêng tác phẩm một số nhân vật thời ấy, như là Ngô Kha hay Trần Quang Long. Ngô Kha và Trần Quang Long lập ra tập san Tự Quyết. Đặc biệt nhiều tác phẩm của nhóm in trên tạp chí Đối Diện, một tờ tạp chí phải nói là hết sức đáng chú ý.

Trong Viết trên đường tranh đấu có thể đọc được một số tác phẩm vô cùng nổi tiếng, như "Con thú tật nguyền" của Ngụy Ngữ, "Tự do hay là chết" của Tiêu Dao Bảo Cự, các bài thơ đi vào huyền thoại như "Thưa mẹ trái tim" (Trần Quang Long), "Cho những người nằm xuống" (Ngô Kha) hay "Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa" (Võ Quê).

Không ít tác phẩm này, nếu muốn truy tìm lịch sử :) đã xuất hiện ở dạng sách từ khá sớm, trước hẳn (ví như tập Vực thẳm và hy vọng của NXB Trình Bầy, 1966) hoặc sau này một chút, với sự hiện diện của NXB Văn Nghệ Giải Phóng, đặc biệt là tập Bút máu - truyện ngắn đô thị, 1973, tất nhiên là có "Bút máu" của Vũ Hạnh, rồi Tiêu Dao Bảo Cự và Ngụy Ngữ (ở trong tập này lại thấy viết là Nguyễn Văn Ngữ).

Và, nếu muốn đi xuôi chiều lịch sử :)) nhòm vào bộ Văn miền Nam, Thư ấn quán mới phát hành năm 2009 tại California, thì ta sẽ thấy trong bộ sách rất dày không hề có những người như Vũ Hạnh. Bạn hiểu ra vấn đề rồi chứ? (bắt chước mấy bác viết blog lúc nào cũng tưởng tưởng ra cái sự tương tác nó khổng lồ lắm cứ đến cuối là lại hỏi "bạn có nghĩ thế không", "thế bạn thì nghĩ gì", "điều này có gợi lên ở bạn cái tâm tư gì hông" hehehe).

3 comments:

  1. @ Văn học miền nam của THT: Đâu phải chỉ không có Vũ Hạnh? Rất nhiều người không có, vì THT là như thế! Ông ta quê NQT là người đã chê tác phẩm đầu tay của ông, nên ông ta gạt tên NQT ra! Nên nhớ khi Vũ Hạnh nằm tù VHNCH, NQT vẫn viết bài về ông, như là nhà văn, chứ không phải là VC nằm vùng!
    Chán thế!

    ReplyDelete
  2. Chính là tập Bút Máu, NQT đã giới thiệu trên tờ Tiền Tuyến, nhật báo của quân đội VNCH.
    Ở đây, đừng nghĩ NQT khoe cái tôi. Nó là những chứng liệu để so sánh hai chế độ. NQT

    ReplyDelete
  3. À còn vấn đề này nữa: trên một số sách in vào khoảng 74, 75, chẳng hạn quyển "Chủ đích Nam Phong" của Nguyễn Văn Trung (Trí Đăng, tủ sách "Tìm về dân tộc", đầu 1975), trên bìa sách có ghi rõ mục đích là "hòa giải dân tộc": quãng thời gian đó có phải là tình hình quân sự và chính trị đã khiến cho kiểm duyệt của chế độ Sài Gòn buông lỏng hết mức? Có vẻ như ở giai đoạn cuối này nhóm trí thức khuynh tả đã thoải mái nói mọi điều họ muốn nói?

    ReplyDelete