Apr 5, 2011

Sách (XXVIII) Mùa của kiệt tác

Sau những ngày chán ốm người vì sách vở toàn thứ chán ốm người, Tết nhất cũng đã qua được một lúc lâu lâu rồi, giờ là lúc dạ dày còm cõi của ta chuẩn bị xơi tái những kiệt tác.

Calvino, Bolaño, Kapuściński, Le Carré, Carver, Roth, hòm hòm thế đã.

Còn đây là một đoạn trong Sự thống trị của nam giới, Pierre Bourdieu (La Domination masculine, Lê Hồng Sâm dịch, NXB Tri Thức, "Tủ sách tinh hoa"):

"Toàn bộ đạo đức học của chúng ta, không nói đến mỹ học của chúng ta, nằm trong hệ thống các tính từ chủ yếu, cao/thấp, thẳng/vẹo, cứng rắn/mềm mại, mở/đóng kín, v.v..., mà một bộ phận lớn cũng chỉ rõ các tư thế hoặc các ý hướng của thân thể, hoặc của bộ phận này bộ phận kia của thân thể - "ngẩng cao đầu", "cúi mặt"." (tr. 36)

Ở lĩnh vực này người Pháp chắc chắn là đi rất xa phía sau người Mỹ, French Theory đi sau Théorie Américaine, thành thử ngay từ đầu Pierre Bourdieu đã trích dẫn Judith Butler, cụ thể là khái niệm "performance" (Madame Sâm dịch là "thực hành", nhưng từ này giờ bắt đầu hay được gọi là "biểu hành").

Để biết thêm ngọn nguồn khái niệm habitus của Bourdieu: tham khảo Norbert Elias, cũng là người đặt ra khái niệm "processus de civilisation". Tạp chí Vingtième Siècle số 106, Avril-Juin 2010 đi hẳn một chuyên đề lớn về Elias.

---------------

Dạo đầu một chút cho Bolaño:

Những quyển sách tôi còn nhớ rõ nhất là những quyển tôi ăn cắp ở Mexico City, từ tuổi mười sáu đến tuổi mười chín, cùng những quyển tôi mua ở Chilê khi tôi hai mươi, trong những tháng đầu tiên của cuộc đảo chính. Tại Mexico hồi ấy có một hiệu sách choáng lắm. Nó tên là Hiệu Sách Kính, nằm trên phố Alameda. Tường, rồi cả trần nữa, đều bằng kính cả. Kính và rầm sắt. Nhìn từ ngoài, trông nó như là một nơi không thể ăn cắp được. Thế nhưng sự thận trọng chẳng là gì so với cám dỗ thử thách và sau một thời gian thì tôi bắt đầu thử xem sao.

Quyển sách đầu tiên rơi vào tay tôi là một tập sách mỏng của Pierre Louÿs [nhà thơ huê tình thế kỷ XIX] [giờ chẳng biết có còn ai đọc Pierre Louÿs nữa không nhỉ], có những trang giấy mỏng như giấy Kinh Thánh, giờ thì tôi không nhớ nổi là tập Aphrodite hay tập Les Chansons de Bilitis nữa. Tôi chỉ biết khi đó tôi mười sáu tuổi và trong một quãng thời gian Louÿs trở thành người hướng lối cho tôi. Rồi tôi trộm sách của Max Beerbohm (The Happy Hypocrite), Champfleury, Samuel Pepys, anh em Goncourt, Alphonse Daudet, của Rulfo và Arreola, các nhà văn Mexico hồi ấy vẫn còn viết ít nhiều, những người hẳn tôi từng gặp vào buổi sáng nào đó trên Avenida Niño Perdido, một phố đông chật người mà ngày nay tôi không sao tìm lại được trên các bản đồ Mexico City nữa, cứ như thể Niño Perdido chỉ có thể tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi, hoặc giả cái phố ấy, với những cửa hàng ngầm dưới đất và những người trình diễn trên đường đã thực sự lạc mất, giống y như tôi từng lạc lối ở tuổi mười sáu.

Từ sương mù của những năm tháng đó, từ những vụ đột kích trộm cắp đó, tôi còn nhớ nhiều tập thơ. Của Amado Nervo, Alfonso Reyes, Renato Leduc, Gilberto Owen, Heruta và Tablada, rồi các nhà thơ Mỹ, chẳng hạn General William Booth Enters Into Heaven, của Vachel Lindsay vĩ đại. Nhưng cứu tôi khỏi địa ngục và chỉnh đốn tôi trở lại nghiêm chỉnh lại là một tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết ấy là Sa đọa của Camus, và mọi thứ liên quan đến nó tôi còn nhớ như thể bị đông cứng lại trong một ánh sáng ma quái, ánh sáng tĩnh của buổi tối, mặc dù tôi đã đọc nó, ngốn ngấu nó trong ánh sáng của những buổi sáng đặc biệt của Mexico City, cái ánh sáng chiếu tỏa - hoặc từng chiếu tỏa - bằng sự huy hoàng đỏ và xanh lục trộn lẫn tiếng ồn, trên một cái ghế băng trên Alameda, không tiền tiêu và cả một ngày trước mặt, mà thật ra thì là cả cuộc đời trước mặt. Sau Camus, mọi thứ đã thay đổi.

Đọc tiếp ở đây.

11 comments:

  1. xời, có thế chứ, dạ dày xơi kiệt tác thì cho ra gì nhỉ?:)

    qua rồi những ngày ảm đạm, nắng lên zồi:))

    ReplyDelete
  2. sướng, sắp được đọc nhiều sách hay :) (Z)

    ReplyDelete
  3. nắng lên à? mặt trời ở Hà Nội không bao giờ có thực, nhá hehe

    ReplyDelete
  4. tôi tắt nốt
    những mặt trời rù
    trên
    rù rù
    những đám đông đen?

    ReplyDelete
  5. Mùa kiệt tác chưa tràn qua Đinh Lễ thì phải. Sáng nay mình vừa lượn qua bạn Hoa giảm giá hết cỡ nhưng phải tay trắng quay về. Buồn.

    ReplyDelete
  6. con cá rô ơi chớ có buồn :)

    vâng, đây là báo trước, nhưng bác có thể tin không phải là báo động giả

    ReplyDelete
  7. Nhị Linh an ủi khéo nhỉ ? Con cá rô đã hết buồn chưa ?

    ReplyDelete
  8. Thế còn phải chờ chừng bao lâu nữa?

    ReplyDelete
  9. Calvino, Roth, Le Carré thì rất là sắp, còn lại thì còn tùy nhiều yếu tố, lẽ ra đợt này còn tính luôn Niall Ferguson mà hehehe

    ReplyDelete
  10. Hehe, Ferguson thì đâu có phải là tuyệt tác.

    ReplyDelete
  11. muốn có kiệt tác thì trước hết phải có... kiệt tác, nhưng điều kiện không kém phần quan trọng là phải xếp su hào xà lách đệm bên dưới nữa

    bác hủy hoại bữa tiệc mấu giờ lại còn hehe, bớt hehe mà xà lách đê

    ReplyDelete