Nov 21, 2011

Từ trên cao nhìn xuống

(tên bài máu không :p)

“Từ trên cao nhìn xuống, châu Mỹ có màu be”, đó là một câu văn ở trang 21 trong cuốn tiểu thuyết “Cửa sổ trên tháp đôi” của Frédéric Beigbeder (Thanh Phương dịch, NXB Văn hóa-Văn nghệ). Đây là tác phẩm thứ tư của Beigbeder trong tiếng Việt, sau “99 francs”, “Tình yêu kéo dài ba năm” và “Một tiểu thuyết Pháp”.

Frédéric Beigbeder luôn luôn tuyên bố mình muốn làm một “nhà văn hiện thực”, cả ở những cuốn sách khác, cả trong các tuyên bố trên báo chí, và ở đầu “Cửa sổ trên tháp đôi” ông cũng trích dẫn làm đề từ một câu của Tom Wolfe, nhà văn lừng danh của trường phái tiểu thuyết dưới hình thức phóng sự có tham vọng ghi lại thực tại chân xác hơn so với hư cấu thông thường. Tom Wolfe hay một người nữa cùng “dòng”, Hunter S. Thompson đã viết lại những mảng lịch sử văn hóa nước Mỹ bằng cách tham dự thực tế, thậm chí cả lăn lộn với đối tượng trong thời gian dài. Lối viết này có thể nói là thoát thai từ Truman Capote của “In Cool Blood” (Máu lạnh) về hai kẻ sát nhân ở một vùng heo hút nước Mỹ. Beigbeder, cũng như nhiều nhà văn trẻ tuổi của Pháp khác, bị hấp dẫn bởi văn chương Mỹ hơn rất nhiều so với văn chương châu Âu.

Nhưng “tiểu thuyết hiện thực” kiểu Beigbeder không giống với tiểu thuyết của “chủ nghĩa hiện thực” truyền thống. Đây cũng là một trò chơi (chơi với khái niệm chuẩn mực) xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm của Beigbeder. “Một tiểu thuyết Pháp” là cái nhan đề không thể “hiện thực chủ nghĩa” hơn, giống như “Lối sống Mỹ” trước đây chúng ta từng biết, nhưng thật ra văn chương của Beigbeder lúc nào cũng đi lệch khỏi các chuẩn mực. Là nhà văn hay nói đùa, Beigbeder làm người đọc lúc nào cũng phải thường trực tập trung để tránh rơi vào những cái bẫy ý tưởng và ngôn từ của ông.

Một đề tài cụ thể và nóng hổi như vụ 11/9 ở Mỹ đã được Beigbeder xử lý đúng bằng “chủ nghĩa hiện thực” riêng có của mình. Trước hết cần kể đến những câu văn, cách nhìn đượm mùi hiện thực cổ điển, như câu khái quát “Từ trên cao nhìn xuống, châu Mỹ có màu be” như đã nói ở trên, rồi rất nhiều câu khác (chẳng hạn ông nói taxi ở New York giống những con kiến vàng), nhưng hiệu ứng và dụng ý của cách viết đó không nhằm đến một bối cảnh cho tâm trạng, hay mở màn cho một phân tích kiệt cùng về chi tiết (kiểu Balzac), mà cứ đứng sững đó, bất ngờ lộ diện, rồi không thấy tiếp nối ở đâu nữa. Cách viết này làm tác phẩm cứ treo lại mãi lơ lửng đâu đó. Và cũng bởi vậy mà có sự hợp lý của  “ở trên cao nhìn xuống”: nhà văn sở hữu nhu cầu được ở trên cao, tách biệt nhưng vẫn đủ sức quan sát, nhu cầu đó đi kèm với nhu cầu nối kết với thế giới.

Sự nối kết này, ở trong “Cửa sổ trên tháp đôi”, được Beigbeder xử lý bằng một hình ảnh (Beigbeder luôn luôn đầy ắp hình ảnh, văn chương của ông vì vậy mà nhiều lúc tạo cảm giác lỏng lẻo vì tác giả chỉ chăm chăm nhảy sang một ý tưởng mới hấp dẫn hơn mà lờ tịt đi những gì đã có): nhân vật Carthew Yorston kể cho hai con trai “rằng vào năm 1974, một người Pháp tên là Philippe Petit đã làm xiếc trên dây cáp, đi từ tháp bên này qua tháp bên kia” (tr. 19). Câu chuyện này được kể vào đúng buổi sáng định mệnh 11/9 năm ấy, không lâu trước khi thảm họa xảy ra, cái thảm họa được báo ngay từ mở đầu: “chúng ta đều biết, kết cục cuối cùng là tất cả mọi người đều sẽ chết” (tr. 7) - cái chết đó được cay đắng nhắc lại ở cuối: “Chúng tôi chết chẳng vì cái gì” (tr. 295).

Hình ảnh đi dây này, đầy tinh tế và khéo léo (những phẩm chất này khiến Beigbeder trở thành một nhà văn đặc biệt duyên dáng, mặc dù văn chương của ông không thuộc dạng được giới phê bình văn học nước Pháp ca ngợi), được “buộc” vào với sự kiện nhà văn viết ra câu chuyện về quán “Cửa sổ trên tháp đôi” (Windows on the World) cũng ngồi tại một cái quán ngất ngưởng trên trời: quán “Le Ciel de Paris” (Bầu trời Paris) ngự ở tầng cao nhất tòa tháp Montparnasse. Câu chuyện của Beigbeder nhiều lần triển khai xoay quanh mối quan hệ giữa nước Mỹ và nước Pháp, và câu chuyện ấy cũng đi, theo lối rất nguy hiểm, trên sợi dây cáp nối điểm cao nhất của Paris với điểm cao nhất của New York. Để chống trả sự kinh hoàng mà các sự kiện bạo lực tạo ra, nhà văn đã chọn phương án lên cao, tuy biết rằng như thế cũng không giảm bớt nguy cơ. Vì ở trên cao, ông hiểu rõ hơn mọi chuyện, từ đó mà có phát biểu đầy cay đắng:

“Bất lực thôi. Cuốn sách này cũng là đồ vô dụng thôi, giống như mọi quyển sách trên đời này. Nhà văn cũng giống như kị binh, cảnh sát: luôn đến khi mọi việc đã quá muộn” (tr. 30).

Nhị Linh

-----------

về Cửa sổ trên tháp đôi Trần Nhã Thụy đã viết một bài ở đây (vẫn không thể vào được trang Tuổi trẻ nên phải dùng bản cache)

bác TNT nhiễm ngôn ngữ báo mạng quá rồi: có mấy trăm chữ mà nào "ngơ ngác", "nuối tiếc" với chả "hụt hẫng"

Đoạn này: "Chẳng hạn, ở trang 42 có đoạn: “Bạn có biết từ đâu có tiêu đề Kẻ đi săn trong cánh đồng lúa mạch (The catcher in the rye)?”. Những ai yêu thích văn chương đều biết The catcher in the rye của nhà văn Mỹ J. D. Salinger từng được chuyển ngữ tiếng Việt với nhan đề Bắt trẻ đồng xanh (Phùng Khánh dịch, NXB Lá Bối, 1965). Năm 2008, Nhã Nam và NXB Văn Học tái bản với nhiều chỉnh lý, bổ sung nhưng vẫn giữ lại tựa sách này. Bắt trẻ đồng xanh là một tựa sách quá hay (chuyển tải đúng tinh thần tiểu thuyết) và quá nổi tiếng (với nhiều thế hệ độc giả) nay được dịch thành Kẻ đi săn trong cánh đồng lúa mạch khiến người đọc không khỏi bị hụt hẫng."

Lôi ra như thế này thì không được ổn lắm, cả đoạn có liên quan ở trang 42 là: "Năm 1951, tại Manhattan, nhà văn Salinger đã viết tác phẩm "Kẻ đánh cắp trái tim" rồi trước đó cả cuốn "Grand Meaunles [sic]" nữa. "Grand Meaulnes" được dựng thành phim năm 1949. Bạn có biết từ đâu mà có tiêu đề "Kẻ đi săn trong cánh đồng lúa mạch" (The Catcher in the Rye)?"

Đoạn tối mù này đáng nói, nó có vài lỗi cơ bản nữa. Viết như thế kia thì người ta sẽ nghĩ Salinger là tác giả "Le Grand Meaules" (tức Anh Môn bản dịch Mặc Đỗ hay Anh Meaulnes cao kều bản dịch Nguyễn Văn Quảng - bản dịch Nguyễn Văn Quảng này còn in một lần khác lấy tên gì rất buồn cười, "Bí mật lâu đài" gì gì đó") và tác giả là Alain-Fournier (vẫn được coi là một tương ứng của Salinger bên Pháp). Nhưng "Kẻ đánh cắp trái tim" là gì? Hehe cái này mới hay, và cho thấy Trần Nhã Thụy chưa nhìn thấy hết vấn đề. "Kẻ đánh cắp trái tim" là dịch từ "L'attrape-coeur" (Túm tim, Tóm tim), tức tên tiếng Pháp của The Catcher in the Rye.

Đoạn tiếp trong bài của Trần Nhã Thụy thú thật tôi không hiểu:

"Cũng trong cuốn sách nói trên, ở trang 149 có đoạn: “Tôi lảo đảo đi về phía quầy bar được Hemingway liệt kê trong cuốn Paris là một ngày hội”... Paris là một ngày hội là cuốn sách nào của Hemingway? Ðọc kỹ lại thì thấy tác giả muốn nói đến cuốn A moveable feast (chứ không phải bản tiếng Pháp là Paris est une fête) mà Phan Triều Hải đã dịch là Hội hè miên man (Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2009)."

Tức là thế nào nhỉ? Paris est une fête là tên bản dịch tiếng Pháp của A Moveable Feast mà nhỉ.

Bản dịch Cửa sổ trên tháp đôi này tôi thấy cũng bình thường, mắc một số lỗi tôi hay gọi là "lỗi độc giả văn học". 99 francs trước đây thì người dịch không hiểu rất nhiều chỗ. Văn Beigbeder không hề khó, nhưng để dịch đúng cái chất ấy thì không dễ. Bản dịch Tình yêu kéo dài ba nămMột tiểu thuyết Pháp có vài đoạn thấy được rõ phong cách đó.

3 comments:

  1. Tên kia là Lâu đài huyền bí

    ReplyDelete
  2. Từ trên cao nhìn xuống
    (tên bài máu không :p)

    Yes, it is. How about "looking up from the bottom"? :-)

    ReplyDelete
  3. đoạn về Paris est une fête và A moveable feast đó, em nghĩ ý của tác giả bài báo là những mong dịch giả nên dịch tên tác phẩm của Hemmingway sang một cái tên Việt được nhiều độc giả biết đến hơn là cái tên "Paris là một ngày hội". Chẳng hạn như em không đọc nhiều sách, đọc đến đoạn đó cũng thắc mắc không biết tác phẩm "Paris là một ngày hội" là tác phẩm nào của Hemmingway, nhưng dịch là Hội hè miên man thì biết ngay.
    Giá Thanh Phương dịch từ bản tiếng Anh sang thay vì dịch từ bản gốc có khi độc giả lại đỡ thắc mắc đi :P

    ReplyDelete