Jan 12, 2012

Mấy chuyện nhỏ quanh quyển sách

báo Tết nữa :p

Trước tiên là chuyện giấy.

Quyển sách gồm có hai mặt: mặt vật chất và mặt phi vật chất. Xưa nay người ta nhấn mạnh vào khía cạnh phi vật chất của sách vở, vào nội dung của sách, và dường như tập hợp nội dung những quyển sách tạo nên một thế giới có cái gì đó xa cách, âm u, nghiêm trọng, với những con người sống ở trong đó rất thường xuyên hiện lên như những bóng hình khắc kỷ, nhiều lúc không có gì chung với đời thực. Văn chương và cả cuộc đời đã có không biết bao nhiêu nhân vật gàn dở, cô độc bởi quá gắn liền với sách vở, đến mức không thoát ra ngoài được.

Tính chất lưu giữ tri thức, truyền đạt những điều thâm viễn của sách dĩ nhiên là hết sức quan trọng, nhưng quyển sách còn một sự tồn tại nữa với tư cách chính nó, ở mặt vật chất. Và ở đây phát sinh một dạng người dính dáng tới sách vở theo một cách khác: không hẳn là những con người chăm chú vào sách, miệt mài đọc, ghi chép, viết lách, vừa bảo tồn, lưu trữ quá khứ vừa mang lại đóng góp mới cho kho tàng chung, mà giờ đây là những người tiếp xúc với sách từ mặt vật chất của nó.

Vương Hồng Sển trong bài “Cuốn sách và tôi” in ở cuốn sách cùng tên (NXB Trẻ, 2010) sau khi nhân cách hóa quyển sách, nói rằng “sách có số mạng” (tr. 85) thì nói về giấy trong sách. Ông tuyên dương giấy dó: “Nước ta, ở Bắc có một thứ giấy chế bằng vỏ cây dó, giấy dó rất bền, mối mọt chê không xơi, - tôi có một bộ “Lều chõng” của Ngô Tất Tố, Mai Lĩnh xuất bản năm 1941, in trên giấy nầy, nay thành “cảo thơm”, tiếc thay ít người biết dùng giấy dó và cứ đòi hỏi giấy Japon, Holland, Alpha, Bible, làm giàu cho nước ngoài” (tr. 92).

Quả thực, ngày nay những quyển sách giấy dó in từ trước 1945 có thể gọi là các trân phẩm được những người ưa chơi sách (cụm từ “thú chơi sách” do Vương Hồng Sển đặt ra vào năm 1960) nâng niu, quý trọng, có thể mang ra khoe giữa những người cùng sở thích sách vở. Quyển sách khi không chỉ còn dùng để đọc mà còn để “chơi”, người chơi sách liền trở thành một dạng homo ludens (người chơi) đầy khác biệt.

Vẫn Vương Hồng Sển đầy hiểu biết về các thứ giấy: “Nào giấy Bạch Tuyết, nào Đại La, Trữ La, Lụa Tây Hồ, giấy dó thường, giấy thủy ấn, giấy có chữ triện riêng, giấy bạch, giấy tín chỉ, còn tìm đâu ra, giấy bouffant, arche, vélin, impérial, giấy Annam (đã thành danh như vậy đổi gọi giấy Việt Nam thì nhà chơi sách Tây chưa hiểu), những loại giấy quí ấy nay nào thấy mặt, thôi, nhắc nội mấy danh từ ấy nghe chơi cũng xong một ngày hoài vọng” (tr. 94).

Những người có quan hệ với sách theo cách ưa sờ, chạm vào quyển sách, bỗng chốc họ không còn dáng vẻ khắc kỷ nữa, mà thậm chí còn có thể nói rằng đó chính là những con người “khoái lạc chủ nghĩa”, tận hưởng cái hay cái đẹp của sách vở ở mọi trạng thái có thể. Trải qua và chứng kiến những cuộc trần ai của sách Việt Nam, Vương Hồng Sển đau lòng và xót xa trước các biến cố khiến sách vở rơi rụng, tiêu biến, nhưng ông cũng hưởng niềm sung sướng với những quyển sách (có số mạng) còn lại đến sau này.

Vẫn chuyện giấy. Giấy dó giờ đây đã trở thành một món đồ rất quý, và với những người ưa vuốt ve những quyển sách, giấy cũ nổi hột trấu, mảnh rơm cũng có thể gây bồi hồi lạ thường. Lịch sử sách Việt Nam ghi nhận những đợt khó khăn kinh khủng, kinh tế khủng hoảng, giấy khan hiếm, ngành in lụn bại. Các nhà kinh tế hoàn toàn có thể căn cứ vào chất lượng giấy in sách, in báo từng thời kỳ mà viết lại lịch sử kinh tế gắn liền với sách vở, báo chí. Hồi đầu những năm 1980, quãng 1981, 1982, sách thường in giấy đẹp, nhẵn, chữ sắc nét, nhưng chỉ vài năm sau đó đột nhiên giấy xấu hẳn đi, rồi kéo dài như vậy suốt vài năm từ quãng 1986, 1987. Cơn cùng cực của ngành xuất bản đồng thời cũng tạo điều kiện để mở ra một giai đoạn mới mẻ của những hình thức xuất bản khác, giờ đây đang phát triển mạnh mẽ. Thiếu giấy có những lúc đến trầm trọng, như tạp chí Tri tân số 46 tháng Năm 1942 có hẳn bài xã thuyết: “Lại thêm một lưỡi dao giết báo chí: nạn đầu cơ giấy nhật trình”. Một số Văn (Sài Gòn) năm 1970 cho biết tờ báo phải tăng giá vì kinh tế khó khăn, giá giấy tăng quá cao. Ngày nay cũng vậy thôi, những đợt giá giấy tăng, quyển sách cũng đắt hẳn lên. Chỉ trong khoảng mười năm, giá sách ở Việt Nam đã tăng khoảng gấp đôi - một “phong vũ biểu” khác nữa để đo mức độ lạm phát chung của ngành kinh tế.

Nói chuyện lang bang sách vở, còn phải kể đến trang đầu tiên khi mở mỗi quyển sách ra, cái trang thường có những chữ viết tay, có khi chữ viết tay của nhiều đời chủ sách. Tinh thần người chủ sách ăn lấn vào vật chất của cuốn sách, tinh thần ấy có thể thanh nhã, nhưng cũng có thể cục mịch thô thiển; dầu sao kỷ niệm cũng có thể mang nhiều tính chất.

Đã không ít lần tôi mua những quyển sách mà tôi đã có, chỉ vì bên trong có chữ ký và lời đề tặng. Không phải tôi ham sưu tầm sách có chữ ký và thủ bút tác giả, mặc dù đây cũng là một “ngạch chơi” vô cùng phổ biến và tao nhã; một quyển sách có thủ bút tác giả nổi tiếng, nhất là tác giả thuộc một thời xưa cũ, có giá trị rất lớn trong mắt nhà sưu tầm. Tôi mua lại những quyển sách mà tác giả là bạn tôi, nhiều khi người được đề tặng cũng là bạn tôi. Cũng có lúc rồi mang sách ra trêu đùa tếu táo với những người có liên quan, nhưng thường thì tôi mua về cất đi. Không có gì mà cũng cảm thấy như thể mình đang phi tang cho một điều gì đó tốt xấu thật không rõ ràng, bởi ai hay những lý do khiến một quyển sách lọt ra từ nhà ai đó. Tôi từng nhận qua đường bưu điện một quyển sách ngày xưa mình mang ký tặng, sau đó lôi thôi thế nào lại nằm trên vỉa hè ở một thành phố xa. Một người bạn xót xa cho số phận quyển sách, mua về và gửi lại cho tôi.

Sống trong thế giới sách vở, cận kề với những quyển sách, rồi sẽ đến lúc chúng ta quả thực nhận ra, như nhà học giả Vương Hồng Sển, rằng “sách có số mạng”.

-----------
sẽ có ảnh minh họa cho đoạn cuối :d

10 comments:

  1. cái đoạn trích trang 94 ấy có hai lỗi bác NL ạ :d

    ReplyDelete
    Replies
    1. ouf sorry, đã sửa rồi ạ

      Delete
    2. bác ơi: nhắc nội mấy danh từ ấy nghe chơi cũng xong một ngày hoài vọng

      Delete
    3. hic, cám ơn bác, tôi take note từ quyển sách từ trước, khi chọn đưa vào đây không check kỹ

      Delete
  2. Dear NhiLinh,

    “Lại thêm một lưỡi dao giết báo chí: nạn đầu cơ giấy nhật trình”.
    -- Another killer is eBook, eMagazine, etc. if you want to mention.

    eTextbook is good for student in as an option, not a requirement, isn't? Textbook is endlessly upgraded, updated, epublishing will help to save the cost and will offer student the lower price.

    However, “ngạch chơi” vô cùng phổ biến và tao nhã" with all kinds of beautiful paper and with high tech publishing today won't stop your ConSau (BookWorm, BookLover
    ) to enjoy its dream. Sometimes I saw some American, Japanese or Chinese books with very strange, or special yet beautiful paper and layout. I don't have desire to own them, but if you really love them I can order them for you ;-)

    "Tôi từng nhận qua đường bưu điện một quyển sách ngày xưa mình mang ký tặng, sau đó lôi thôi thế nào lại nằm trên vỉa hè ở một thành phố xa. Một người bạn xót xa cho số phận quyển sách, mua về và gửi lại cho tôi."
    -- Let your books travel the world, don't hold them back! You never know the joy when readers suddenly find "a lost book" like that somewhere on the street, in library, even on the beach or over the... rainbow :-)
    "To love is to free somebody else"

    ReplyDelete
    Replies
    1. hì, bác đề nghị tặng sách ạ? ok ok :p

      "con sâu" này là con sâu cái kiến, là con sâu làm rầu nồi canh (hỏng) đấy chứ hehe, bookworm gì đâu :d

      đợi tôi post lên đây một cái ca tụng sách nhé hì hì

      Delete
  3. Á á, sao bài viết bằng tiếng Việt mà cứ comment bằng tiếng Tây tung tóe thế ạ?? Xong lại giả nhời bằng tiếng Việt mà bác Tây kia vẫn hiểu ạ???

    ReplyDelete
  4. ơ bác nói tôi mới để ý, đọc lại mới thấy đúng là bác ấy viết tiếng Anh, thế mà tôi cứ tưởng bác ấy viết tiếng Việt đấy :)

    ReplyDelete
  5. It's because I wrote English with Vietnamese style and grammar and hybrid mixup language hehe... But nobody really cares ;-)
    GC

    ReplyDelete
  6. Chào bác, đúng là sách báo có số mạng thật, em cũng vô tình nhận được một số sách cũ, qua tay nhiều người rồi đến với mình, cái tình của tác giả ký tặng ai đó, bị người ta ruồng rẫy nên đến được với mình thành ra lại thành hữu tình.

    ReplyDelete