Feb 29, 2012

(Brand New Ones) Beigbeder người đọc sách

Các vị quý tộc không chỉ quẩn quanh với điền địa, gia huy và tước hiệu, mà còn dấn sâu vào vòng chữ nghĩa và sở hữu đầu óc đầy tinh quái, thích bỡn cợt, hiện tượng ấy lịch sử nước Pháp không còn lạ gì. Ở thời hiện tại, Frédéric Beigbeder là một “di chứng” của truyền thống đó. Beigbeder dòng dõi quý tộc, một ông cụ tổ từng được nhà thơ vĩ đại Ronsard làm thơ tặng, chi tiết được nói tới trong Một tiểu thuyết Pháp (giành giải Renaudot danh giá năm 2009) mới xuất bản tại Việt Nam gần đây.

Ở Việt Nam đã có một số tác phẩm của nhà văn sinh năm 1965 này, trong đó đáng kể nhất là 99 francsTình yêu kéo dài ba năm (cuốn tiểu thuyết vừa được làm thành phim). Nhưng sự nghiệp văn chương của Frédéric Beigbeder, sau sự nghiệp một chuyên gia quảng cáo và song hành cùng sự nghiệp một khách quen của những bữa tiệc thượng lưu, còn bao gồm một mảng quan trọng nữa: viết về sách.




Là một nhà phê bình văn học nổi tiếng, Frédéric Beigbeder viết vô số bài điểm sách, ông giữ chuyên mục điểm sách trên tạp chí và có giọng viết hài hước, cay độc có thể so sánh với Angelo Rinaldi và khả năng đọc nhiều, bao quát như Pierre Assouline. Ở khía cạnh này, Frédéric Beigbeder rất đặc trưng cho nhiều thế hệ nhà văn Pháp vừa thành công về tác phẩm hư cấu vừa là nhà phê bình cự phách, sở hữu vốn hiểu biết sách vở lớn đến đáng kinh ngạc.

Trong tiểu thuyết Beigbeder bỡn cợt thế nào (bỡn người khác và cười cợt mình, một “tôi” lúc thì mang chính tên Frédéric Beigbeder như trong Một tiểu thuyết Pháp, lúc lại là Marc Marronnier như trong Tình yêu kéo dài ba năm, hay Oscar Dufresne trong Kẻ ích kỷ lãng mạn) thì trong phê bình ông cũng hài hước tương đương. Nhưng các “thế thân” của Beigbeder trong hư cấu thật ra buồn thảm và hoang mang thường trực, và sự hài hước của Beigbeder trong phê bình lại là kết quả của một sự đồng cảm sâu xa với các tác giả khác.

Năm 2001, Frédéric Beigbeder đã cho in tập sách phê bình mang tên Dernier inventaire avant liquidation (Bản kiểm kê cuối cùng trước khi thanh lý), viết về 50 tác phẩm văn học được người Pháp thích nhất theo điều tra của báo Le Monde và hãng Fnac. Vừa rồi, vì “muốn dựng lên [một bản danh sách] nhiều tính chất chủ quan hơn, bất công hơn, rối loạn hơn, thiết thân hơn”, ông cho in tập sách mang tên Premier bilan après l’apocalypse (Bản tổng kết đầu tiên sau tận thế) gồm 100 cuốn sách theo ông là hay nhất.

Danh sách này quả thực hết sức cá nhân: trong đó có những nhà văn rất nổi tiếng như Scott Fitzgerald, Truman Capote, Salinger, Primo Levi, Colette, Boris Vian… nhưng cũng nhiều nhà văn trẻ hiện nay như Nick Hornby, Jonathan Littell, Amélie Nothomb… Và trong bản danh sách của Beigbeder, cuốn tiểu thuyết hay nhất là American Psycho của Bret Easton Ellis (mà tại Việt Nam cách đây vài năm tác phẩm đầu tay đã được dịch và xuất bản, mang tên Như không hề có). American Psycho, theo Beigbeder, “là cuốn tiểu thuyết hay nhất thế kỷ XX là bởi nó đã tiêu hóa mọi cuốn tiểu thuyết khác” (như Hành trình đến tận cùng đêm tối của Céline, tác phẩm của Marcel Proust, Ulysses của James Joyce…), đó là “kiệt tác của chủ nghĩa hư vô […], cuốn tiểu thuyết tối hậu của sự phi nhân hóa”.

“Bản tổng kết” này dính dáng tới “tận thế”, bởi nó ra đời vào lúc những quyển sách (mà Beigbeder gọi là “những con hổ giấy răng làm bằng bìa các tông”) sắp sửa biến mất. Beigbeder viết trong phần giới thiệu: “Bạn đang cầm trên tay một con hổ giấy không bị “phi vật chất hóa” và thậm chí còn định cắn thêm một chút nữa. Nó muốn bảo vệ đồng nghiệp, bà con và những người đối xử tốt đẹp với nó”. Quả thực, cuốn sách của Frédéric Beigbeder là một bản tụng ca sách giấy hiện như thể đang bị dồn vào chân tường bởi những thứ máy móc điện tử ngày càng giống sách hơn, thậm chí còn tạo ra cả tiếng xột xoạt giả của giấy khi giở trang, bởi, ở đây Beigbeder nhắc lại lời Umberto Eco, cuốn sách chính là một phát minh hoàn hảo. Lời biện hộ cho sách này thật thông minh, sự thông minh của các nhà quý tộc luôn luôn ưa mọi thứ ở yên trật tự của chúng.
-----------


Thời còn làm quảng cáo (bắt đầu sau khi in cuốn sách đầu tiên) cho hãng Young & Ribicam (tức là hãng Rosserys & Witchraft trong 99 francs), Beigbeder có mấy câu slogan nổi tiếng: cho hãng Wonderbra: "Hãy nhìn vào mắt tôi, tôi nói: nhìn vào mắt tôi!) và cho tàu Eurostar: "Tại sao lại phải đi từ Orly tới Heathrow khi người ta có thể đi từ Paris tới London?".


Hình như đúng như 99 francs đã nói, nhân vật chính viết sách để được đuổi việc khỏi hãng quảng cáo, sau khi in cuốn tiểu thuyết này, Beigbeder đã bị đuổi việc :p

+ Tin mới nhận: tiểu thuyết những ngã tư và những cột đèn đoạt giải thưởng năm 2011 của Hội Nhà văn Hà Nội :p các bác chúc mừng người biên tập đi hí hí.

9 comments:

  1. Phạm Xuân Nguyên chót bốc "Ngã tư..." lên mây xanh (không biết có phải vì phong bì của Nhã Nam không) nên cố sống cố chết trao giải cho một cuốn tiểu thuyết vừa dở vừa nịnh ..."công an " vừa bôi xấu người "quốc gia" . Một cuốn sách không lấy gì làm vinh quang cho ông Trần Dần

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu Nhật Tuấn là Trần Dần thì bạn sẽ viết thế nào và định in ở đâu?

      Theo tôi, khi đọc cuốn này phải cắt ra làm 2 nội dung. Ai chưa biết cắt là chưa biết cách đọc.

      Delete
  2. Bài viết tốt. Về Beigbeder cũng hay, mục tin vắn về "Những ngã tư và những cột đèn" cũng khá. ;)

    Thỏ và Rùa

    ReplyDelete
  3. "và sự hài hước của Beigbeder trong phê bình lại là kết quả của một sự đồng cảm sâu xa với các tác giả khác" nhà phê bình lý tưởng!

    ReplyDelete
  4. Bác CVD Nhị Linh khi nào bắt đầu viết tiểu thuyết đi ạ. Biết đâu cũng thành công như Frederic. Em và những người quý, hâm mộ Bác đợi (:

    ReplyDelete
    Replies
    1. tiểu thuyết á? ngày nào tôi chả viết :p

      nhân tiện, chả liên quan lắm, Vũ Hoàng Chương có mấy câu thơ này rất là ngất ngơ:

      Đêm nào xanh bóng nguyệt
      Kề vai tay cầm tay
      Bước vào trang tiểu thuyết
      Đôi ta liều lắm thay

      Delete
  5. Đề nghị sửa lại câu cuối "Beigbeder đã bị đuổi việc" mà là "được đuổi việc" :D

    ReplyDelete