Feb 21, 2012

Gặp sự tưởng tượng

Lịch sử văn chương khối Anh-Ailen có điều này (ngoài một truyền thống hài hước rất đặc trưng) khiến cho nó rất khác lịch sử các nền văn chương khác: rất nhiều trong số các bậc thầy là phụ nữ. Một Jane Austen ở đoạn khởi nguyên của văn học hiện đại ngày càng có vị thế lớn hơn trong cái nhìn của chúng ta ngày nay. Một nhà văn tuyệt diệu đồng thời là tư tưởng gia được hậu thế học hỏi nhiều: Virginia Woolf. Đến cả trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử các nhà văn nữ cũng có sự hiện diện quan trọng, mà một minh chứng gần đây là Hilary Mantel của tác phẩm giành giải Booker năm 2009: “Wolf Hall”. Anne Enright, người đoạt giải Booker năm 2007 với “Họp mặt” (Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh dịch, Nhã Nam & NXB Văn học), lại cho thấy một khía cạnh khác nữa của văn chương nữ giới Anh-Ailen.

Khía cạnh ấy là trí tưởng tượng, trí tưởng tượng được khai thác ở phương diện phóng túng khó kiểm soát (nhưng rất xa với trí tưởng tượng kiểu gô tích của các lâu đài ma quái), cùng phương diện đen tối của nó (chứ không thần tiên kiểu “Alice ở xứ sở diệu kỳ”).

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng một câu văn báo hiệu trước sự trộn lẫn giữa hiện thực và ký ức được xây dựng từ tưởng tượng: “Tôi muốn ghi lại những gì đã xảy ra tại nhà bà ngoại tôi hồi mùa hè năm tôi tám chín tuổi gì đó, nhưng tôi không chắc liệu nó có thực sự xảy ra không” (tr. 5). Sự thực khách quan đi song hành với nỗi hoài nghi với trí nhớ được Anne Enright, nhà văn Ailen sinh năm 1962, tận dụng tối đa để biểu đạt một điều: cuộc sống trong gia đình là một cuộc sống không dễ dàng. Điều này không có gì lạ, những người trưởng thành đều biết đời sống gia đình chính là một cuộc chiến thường trực, nhưng Anne Enright thì khẳng định nhiều hơn thế: cuộc sống gia đình thậm chí còn có thể rất khốc liệt.

Sự khốc liệt ấy, không che giấu, hiện ra ngay ở cảnh mở đầu, khi cô con gái Veronica về nhà gặp mẹ thông báo tin người anh trai Liam mới qua đời. “Dĩ nhiên bà biết tôi là ai, chỉ có điều bà quên mất tên tôi” (tr. 8): ý nghĩ này ở trong đầu cô con gái là một điều dị thường, hàm chứa sẵn một chỉ dẫn về sự thiếu thông hiểu, sự thiếu thông hiểu đi cùng cả căm hận giữa những người ruột thịt (“tôi không bao giờ tha thứ cho bà” - tr. 13) bùng nổ ngay lập tức thành hành động bà mẹ đánh cô con gái (chi tiết tr. 14). Hành động này còn được nhấn mạnh bằng một hành động bạo lực khác trong quá khứ, tuy rằng trong ký ức sự bạo lực mang nhiều tính chất đùa cợt: đó là khi Liam lấy dao phóng vào người mẹ (chi tiết tr. 11).

Nhưng, và điều này mới làm nên sự đặc biệt của “Họp mặt”, bạo lực và căm ghét trong hành động bên ngoài chưa là gì nếu phải so với tính chất đen tối trong ý nghĩ.

Đối mặt với mẹ, Veronica nghĩ: “tôi không tha thứ cho bà chuyện tình dục. Sự ngốc nghếch của việc làm tình quá nhiều” (tr. 14) (gia đình họ có mười hai người con, chưa kể bảy lần sảy thai của bà mẹ), rồi khi nhớ lại hồi nhỏ còn đi học: “những đứa đáng tội như tôi, những đứa có ba mẹ chẳng tự coi sóc được gì trong việc này, mà cứ sinh đẻ tự nhiên như ỉa đái” (tr. 36). Tất cả những điều ấy, cộng thêm với cuộc sống bất hạnh bị nhấn chìm trong rượu với người chồng tên Tom, Veronica thực sự trở thành một khối suy nghĩ u ám, buồn thảm, trong suốt quá trình lo tang lễ cho người anh trai mới mất (một cách bi kịch).

Một ngả rẽ bất ngờ, mà ta có thể coi là lối thoát mà Veronica chọn cho mình ở tình trạng không thể xuống thấp hơn được đến thế (tình trạng được miêu tả là: “Tôi đã rơi vào cuộc đời của chính mình, nhiều tháng nay. Và tôi bây giờ sắp đụng vào nó” - tr. 345), chính là trí tưởng tượng. Veronica tưởng tượng ra ông bà ngoại của mình (Ada và Charlie), cuộc sống của họ, dục vọng của họ ngay từ khi họ còn trẻ, nghĩa là rất lâu trước khi Veronica được sinh ra đời, trong khung cảnh thành phố Dublin hồi đầu thế kỷ XX (những miêu tả, không thể khác, khiến ta nhớ đến James Joyce của “Ulysses”). Các chương nơi Veronica hình dung ra cuộc sống của ông bà mình là những quãng thoát khỏi hiện tại, những “intervalle” của một vở bi kịch luẩn quẩn. Trong quãng thời gian khó khăn mà đời người ai rồi cũng phải rơi vào ấy, ta luôn luôn gặp hai điều: gặp cuộc đời chính chúng ta, và gặp trí tưởng tượng của ta.

Nhị Linh


còn đây là bài Mr. Nguyễn Chí Hoan viết về Bản đồ và vùng đất

3 comments:

  1. Em xin phép dẫn link bài này cho fb NN ạ

    ReplyDelete
  2. Đây là cuốn tiểu thuyết mà tớ đọc một lèo giữa hai cơn sốt cao chói ngời ở độ cao 39 độ. Đọc xong ám ảnh đến khủng hoảng. Mọi thứ ở cuốn tiểu thuyết này đều ngon lành,

    Chỉ trừ vài đoạn sau đây:

    "Bộ anh lộn xộn với cô ta hả?" Tôi hỏi
    Và anh đáp, "Đừng có óc bùn như thế!" (tr.226)

    "Hai đứa bay lúc nào cũng là bạn tốt" bà nói
    "Dạ, mẹ"
    "Bay luôn tốt với nhau. phải không? Bay lúc nào cũng là bạn tốt" (tr.261)

    Gần như ngay lập tức, đọc những đoạn hội thoại dịch kiểu này, tớ lại cứ tưởng mình đang đọc Harry Potter bản dịch của Lý Lan. Thề đấy.

    ReplyDelete
  3. Bài viết hay. Mình thích ;)

    ReplyDelete