Cách đây không lâu, có một nghiên cứu đưa ra kết quả: người
sử dụng Facebook luôn luôn trưng ra trên “tường nhà” mình một hình ảnh về bản
thân vui tươi hơn, sung sướng hơn thực tế. Có nghĩa là con người ta (giờ đây
cách nói khái quát này tạm chấp nhận được vì lượng người dùng Facebook trên thế
giới đã lớn lắm rồi) thường xuyên bị thôi thúc bởi ham muốn tô điểm cuộc đời.
Để làm gì? Câu hỏi này đưa ta vào một lĩnh vực phức tạp và gay cấn của mối quan
hệ giữa mình và người khác.
Có vẻ như là ta nhìn người khác bằng một cái nhìn quá đà,
thậm chí là quá đáng, và nhất là cái nhìn trong suy nghĩ chẳng bao giờ chịu bẽn
lẽn, ngượng ngùng. Thoáng bóng một cô gái đẹp có khi ta chỉ dám liếc trộm, nhất
là khi cô lại đi cùng một anh chàng râu quai nón cao lớn dáng vẻ bặm trợn.
Nhưng trong đầu ta đã triển khai cả một đống ý nghĩ nhiều khi khá là bẽ bàng
nếu bị phơi bày. Cái suy nghĩ vơ vẩn và bí ẩn kia có bao giờ biết run sợ trước một
anh chàng râu quai nón, vì nó đã tưởng tượng ra tuy râu quai nón vậy thôi nhưng
biết đâu giọng anh lại the thé như gà mái, tột độ thiếu nam tính. Suy nghĩ
không đơn giản chấp nhận A là A, B là B mà cứ nhất quyết A phải là A’, B phải
là B’’. Người khác trong mắt ta không là bản thân người ấy, mà là một hình ảnh
nhiều khi chẳng mấy tương đồng. Điều này ta đã được tập luyện từ hồi còn nhỏ
xíu rồi: hãy quan sát hai chị em hoặc hai anh em, nếu được chia đồ ăn, đứa bé
thường xuyên tọng lấy tọng để cho hết phần của mình, rồi quay sang kỳ kèo, tru
tréo méo giật xin thêm một mẩu từ ông anh bà chị, được cái mẩu xíu xiu đấy rồi
nó mới ăn dè, nó mới nhấm nháp thật lâu. Của người khác mới là của ngon, của
mình chỉ là của vứt đi. Tập tính thơ trẻ này tồn tại rất dai dẳng, nên ta thấy
nhiều trung niên đi cùng cô bồ rõ xinh mà mắt cứ hấp háy sang bàn bên cạnh
trong quán dòm trộm một cô khác khách quan mà nói thì xấu hơn nhiều (lại được
thêm cái kích thích là cô ấy đi cùng một tay râu quai nón, mặt lại còn có sẹo),
hoặc anh doanh nhân thành đạt đi cái xe sang lắm nhưng vẫn tị với ông bạn vì xe
ông ấy đã lắp máy GPS.
Nhưng những thứ thuộc về người khác lại cũng có thể là thứ
ôi, thiu, những thứ không thể chấp nhận nổi. Mà thường xuyên nhất là như vậy.
Bạn tài giỏi ư? Thiên hạ sẽ bảo bạn gàn, với hâm, những phẩm
chất trong tâm lý cộng đồng đương nhiên phải gắn liền với đầu óc xuất sắc. Bạn
xinh đẹp ư? Làm gì có chuyện ngọc không tì vết, săm soi mãi không thấy gì trên
tay trên chân trên cổ, thế nào cũng có con mẹ thối mồm trên một diễn đàn phụ nữ
vu cho bạn bị hôi nách (“nghe nói thằng người yêu cũ của con đấy buổi đêm toàn phải lủi thủi ra sofa ngủ một mình vì
không chịu nổi cái mùi”). Bạn lại còn dám thành công à? “Ăn may chứ tài cán
gì”, hoặc nói chữ luôn: “Gặp thời một tốt cũng thành công”. A, nhất là nếu bạn
giàu thì khổ rồi. Đích xác bạn đã lừa đảo, bạn đã luồn lách móc ngoặc xấu xa,
bạn không thể đàng hoàng, bạn đã lừa thầy phản bạn, bạn đừng hòng là người tử
tế. Chắc bạn không dám thử hình dung ra thảm họa của tận thế: thử giả dụ là bạn
vừa tài, vừa giàu, vừa đẹp, thế thì chết chắc!
Ở Việt Nam, tuần tự nhi tiến, nhiều hình thái đã xuất hiện
rồi tiêu vong, nhưng có một thứ không thay đổi, chỉ chuyển từ hình thức biểu
hiện cũ sang hình thức biểu hiện mới, từ
cơ sở này sang cơ sở khác mà thôi: đó là thói quen đàm tiếu, xúc xiểm,
những định kiến đám đông suy nghĩ cho kỹ thì thật là buồn cười, thậm chí ngớ
ngẩn, nhưng đám đông có đặc điểm là làm theo xung động tức thời, chứ đừng nói
gì đến chuyện lý lẽ ở đây. Lý lẽ là thứ xa xỉ. Khi phân tích về sự khác nhau
giữa “cãi nhau” và “chửi”, tác giả Tràng Thiên cho biết “cãi nhau” thì phân hơn
thua ở lý lẽ, làm sao cho đối phương bị bí, không nói lại được nữa thì là
thắng, nhưng đã là chửi thì bất cần lý lẽ, giản tiện nhất thì chẳng cần nghe gì
ở đối phương hết, cứ làm sao mà lấn lướt, mà to mồm, giáng vào kẻ kia thật
nhiều lời lẽ nặng nề là được. Ông đi đến lời khẳng định: “chửi là một đặc điểm
của dân tộc” (Xem Tràng Thiên, tập tùy bút Quê
hương tôi, Nhã Nam & NXB Thời đại, 2012, bài “Chửi”, từ tr. 95 đến tr.
108). Giáo sư Nguyễn Văn Trung cũng từng nhận định: “Có lẽ không có dân tộc nào
trên thế giới văng tục, chửi tục nhiều và hay như dân tộc Việt Nam”.
Cái sự đánh giá, nhận xét về người khác, đối với người Việt Nam,
thường rất gần với sự chửi, và sự chửi đổng. Xưa kia, địa bàn chủ yếu cho hoạt
động đặc thù này là những đầu ngõ ở làng, nơi dân tình bình luận xấu miệng về
bà Én ông Lực cô Thơm, những bình luận ấy thường tạo ra những tiếng cười ré lên
tập thể rất khả nghi. Sau này, cái sân khu tập thể tiếp sức, vì tuy đã chuyển
sang một kiểu sống mới nhưng nhu cầu xưa cũ không thể một sớm một chiều mà tan
biến đi được. Cái thời luộc được con gà không dám chặt mà phải lấy kéo mà cắt để
hàng xóm khỏi nghe thấy ấy, lẽ dĩ nhiên người ta sống bằng tinh thần nhiều hơn
bằng vật chất, trong đó tinh thần bài bác người khác là thứ rất quan trọng, giúp
giảm cơn đói, nó thường xuyên dâng lên cao ngùn ngụt, và thế là rơi ngay vào
tầm ngắm mấy đối tượng chính sau đây: anh nhà giàu, chị ăn diện, bà lẳng lơ;
chắc chắn là những người hơi lệch khỏi đám đông thì phải có cuộc sống rất khốn
khổ.
Còn bây giờ? Vật chất không còn thiếu thốn nữa, hàng xóm
sống cạnh nhau có khi cả năm chẳng thấy mặt, nói gì đến chào hỏi thưa gửi.
Nhưng bớt tụm năm tụm ba bên bể nước không có nghĩa là những trận pháo kích lời
lẽ vào một số đối tượng được lựa chọn đã hết hẳn.
Không hết, mà còn tràn lan hơn. Và forum, blog, Facebook đã
xuất hiện như một lẽ đương nhiên, đương nhiên cho nhu cầu tìm hiểu thế giới,
nhu cầu trao đổi thông tin, và cả một số nhu cầu xưa cũ nữa. Những cuộc “ném đá
tập thể” giờ nhiều hơn bao giờ hết, và không phải là ở phạm vi làng trên xóm
dưới, khu tập thể B2 nhà E5. Giờ đây đừng nói đến chuyện đường biên giới, đơn
giản là đường biên giới, giới hạn, chừng mực, những khái niệm ấy xa xưa rồi. Cô
đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ ngồi vào màn hình máy vi tính của từng người mà trình
bày kim cương với dép đi ăn ốc, giới thiệu ông anh nuôi khôi vĩ với từng người
Việt Nam
một. Và nhận về không biết cơ man nào là “đá”. Đấy chỉ là một ví dụ.
Những xưa cũ thì hay lặp lại, nhưng thường có cải tiến,
không còn y chang. Điều kỳ diệu của cuộc sống có lẽ nằm ở chỗ đó (“Không ai tắm
hai lần trên cùng một dòng sông”, một triết gia không thích sạch sẽ từng nói). Câu
chuyện “ném đá” xưa kia còn có chi tiết, khi Chúa Jesus thấy có đám người định
ném đá một người phụ nữ bị cho là có tội, ông bèn lớn tiếng hỏi họ, đại ý kẻ
nào tự cảm thấy mình không có tội lỗi thì hãy ném đi. Và cuối cùng đã không có
hòn đá nào được ném. Bài học rút ra từ câu chuyện (đã bị quần chúng lãng quên
rất nhiều): trong những cuộc ném đá, hãy nhìn những kẻ hăng say nhất, điên
cuồng nhất, khả năng lớn là chính họ mới mắc rất nhiều tội lỗi, có thể lại
chính là tội lỗi mà họ đang say sưa lên án kia. Có vô thức tập thể (như lý
thuyết của nhà phân tâm học nổi tiếng Jung), và ta cũng có thể nói đến một thứ
nữa, là mặc cảm tập thể.
Các nhà trí thức cũng không mấy khi nhớ chuyện cũ. Thậm chí
nhiều lúc họ còn đi đầu trong một công cuộc quần chúng đông đảo, phát động một
phong trào nhằm vào những gì “của người khác”. Và cũng không chịu kém cạnh ai
trong khoản phô bày mặc cảm. Đã có thời, trí thức bị yêu cầu phải sao cho hòa
đồng với quần chúng, gần gũi, thân mật, nói tóm lại là thật giống, thì lại
nhiều người tìm những phương cách nhỏ nhoi để vẫn được khác biệt (trong hồi ký
của mình, nhà văn Nguyễn Khải ngao ngán nhận ra rằng chính vì muốn bỗ bã,
“giống mọi người”, mà trong nhà ông cuối cùng gia phong chẳng ra sao, mọi thứ
cứ rối loạn hết cả lên), nay thì chẳng bị thúc bách hay yêu cầu gì, rất nhiều
trí thức tự nguyện hòa ngay vào với quần chúng. Âu thì cũng vì điều kiện sống:
ai hay ai thì cũng chỉ là một cái account
trong thế giới ảo.
Hehe, sao bác rành mấy chuyện này dữ dzậy bác?
ReplyDeleteĂn gà bằng kéo thời bao cấp hình như là một thứ “huyền thoại phố phường” chứ chưa chắc có thật. Tôi nhớ gặp chi tiết này một lần duy nhất trong truyện “Anh trinh sát bị mất tích” in trong cuốn Vụ án đêm cuối năm thì phải.
ReplyDeleteSự khác biệt giữa nhãn "CONSAU+" và "CONSAU" là gì vậy anh? :)
ReplyDeletetôi nhớ không nhầm thì trong "Những thiên đường mù" và vài truyện ngắn cũng có chi tiết ấy
ReplyDelete"ăn gà bằng kéo" nó điển hình quá nên thành huyền thoại ạ :)đúng là thời bao cấp tiếng động nhà hàng xóm quả thực rất đáng kể, một cách hồn nhiên hay không ... tuy thế nó cũng chả có gì vô lý hay hữu lý quá đáng hơn so với sự tọc mạch của face book bây giờ, nhất là sự tọc mạch vào cái gọi là niềm tin, hic
ReplyDeleteTrong "Những thiên đường mù" không rõ có chi tiết "cắt thịt gà bằng kéo" không, nhưng có chi tiết bà mợ mặt rỗ hoa, trong nhà có giá sách xếp đủ bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, lấm la lấm lét như trộm ngày, cất vội cái giò vào trong chạn, mỗi bữa cắt ra một tị cho các con ăn...
ReplyDeleteĐọc bài của chị tự nhiên em nghĩ đến nhóm HKT. Ngày xưa bị ném đá cho xây lâu đài ko hết, chả hiểu sao ra dc 1,2 cái bài hát đỡ dở hơn, cắt cái tóc đỡ giống Sôn Goku hơn là lập tức bao nhiêu antifan ngày xưa h đổi ngoắt thành fan hết. Thậm chí còn đòi "làm thịt" những đứa nào chửi HKT của bọn tao. Chẳng hiểu chính kiến của các bạn trẻ h ở đâu nữa???
ReplyDeleteem nói đúng đấy, chị cũng không biết chính kiến của các bạn trẻ ở đâu cả
Deletemà HKT là ai í nhờ?
Chị ơi, "account" của chị typo, thiếu mất chữ nờ chị ạ :D
Deletechị cám ơn bé, chị thêm nờ rồi
Deleteở chỗ mình có một ca y xì như này: hàng xóm cả năm chả chào câu nào nhưng lên FB thì đon đả ầm ĩ với hàng trăm người dưng :-P
ReplyDeleteBài của bác rất đáo để!
ReplyDeleteThưa “chị” Linh: tôi tin là trong “Những thiên đường mù” không có tình tiết ăn gà luộc bằng kéo đâu ạ (để cuối tuần lục lại sách xem cho chắc cú).
ReplyDeleteTuồng như chúng ta chỉ nghe nói hoặc loáng thoáng đọc ở đâu đó cái tình tiết li kỳ này và rồi theo thời gian nó cứ bám chặt vào tâm trí ta đến mức ai cũng tin tưởng rằng đó là sự thực hoàn toàn.
Một trong những “huyền thoại phố phường” kiểu này còn có tiết mục gấu liếm chân suốt mùa đông thay vì ăn được in cẩn thận trong sách Tập đọc lớp 1 (tất nhiên là version trước cải cách, tức là hệ 11 năm: từ vỡ lòng đến lớp 10).
dạ thưa bác, chị ấy vừa tranh thủ search trên mạng thì thấy một số người khẳng định điều đó như kinh nghiệm thực tế chứ không phải trong sách truyện, và chị ấy cũng có "Những thiên đường mù", chị ấy sẽ xem lại ạ
Deletethế tức là gấu chỉ liếm chân vài phát rồi lăn ra ngủ lịm thôi hả bác?
Hihi, "đàn gấu béo núc ních, bước đi cứ lặc lè lặc lè".
DeleteEm chả biết đúng sai thế nào nhưng hơn 15 năm rồi vẫn còn nhớ bài đó, hay mà :D
Chết cười với câu trả lời của chị, chốt bằng câu "HKT là ai í nhở " =))
ReplyDeleteThú thật là em cũng chả biết :D
Cứ nói đến nhạc nhẽo và ca sỹ với người mẫu, hoa hậu bây giờ là em chịu chết.
Không thể nào tiêu hóa nổi :|
Thành chị cái là ăn nói dễ thương hẳn, bình thường có được thế đâu
ReplyDeleteBài này sắc sảo và chua ngoa nên người ta gọi là chị cũng đúng. Bài hay!
ReplyDeleteViết thế này chứng tỏ còn biết ít về Facebook lắm :)
ReplyDeleteHình như là đang nói hộ một ai đấy, hình như hơi có tí "ẩn ức" tranh thủ kèm vào thì phải :D
Facebook thực ra là một tấm gương phản chiếu đúng tính cách, đặc điểm của từng người đấy. Có cố show, cố thể hiện, "tốt khoe xấu che" nhưng bản chất thật vẫn thể hiện rất đầy đủ, về lâu dài. Nó tốt với những ai dùng nó vào mục đích tốt, "tính thiện", hiểu biết, biết cách dùng nó để nó không là con dao hai lưỡi gây họa cho mình. Ngược lại, ít khi ai tự nhiên rước họa vì Facebook lắm. Cái "vô thức tập thể" ấy luôn có những "lực lượng đối kháng" tự điều chỉnh lẫn nhau. Bên nào mạnh hơn sẽ thắng. Mà bên mạnh thường là bên sở hữu chân lý. Trước sau gì cũng vậy.
hộ hộ giờ vẫn còn có cháo thiếu nhi nghĩ là có chân lý cơ í à, thật là toẹt vời
Deletebiết tính thể tích của chân lý chưa? qua đây coi đi cho máo:
http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/09/sach-lvi-sach-nho.html
đời này cũng buồn cười nhỉ, sao bao bạn cứ cố tỏ ra cool với cả fair thế, mà chả giống mấy :p thôi cool air đi cho lành hehe
Nghiên cứu về Facebook (và các dạng thức tâm lý/ẩn ức của con người) là nghề của mình mà lị :)) Bạn Nhị Linh mới lên Facebook đúng không ? Đọc qua là biết liền :) Trình review sách văn học thì mình có thể thua bạn Nhị Linh tí chút, chứ trình công nghệ và trình tâm lý học thì dứt khoát là bạn Nhị còn phải học hỏi nhiều ;-)
ReplyDeleteDù bạn có tin có "chân lý" hay không thì nó vẫn tồn tại, dưới dạng này hay dạng khác :D Chả cần phải đo đếm thể tích của nó, cũng không cần viện dẫn cả đến PCT đâu :))
(P/S : Vẫn đang rất cool đấy)
dạ thôi ạ, nghề của tôi là ngửi phát biết nhiền nhiều cái í à, khỏi rào đón đê :pp
Delete