Cơ chế của mê hoặc
Ở một nhà văn, có cái gì đó luôn luôn bướng bỉnh, luôn luôn
cứng đầu, cuối cùng là luôn luôn bất khả quy giản - và cũng bởi vậy mà rất khó
nói về nó - và ta hãy nói rằng đó chính là cái người ta vẫn còn gọi là văn
chương… hoặc có thể là cái viết, nhưng ta đừng quá sa đà vào sự biện biệt. Thế
nhưng, việc Calvino là một giọng nói của văn chương có thể thấy ngay lập tức ở
điểm cái viết của ông chỉ thuộc về mình ông. Ông có một cái viết tuyệt đối đặc
thù: cũng như mọi nhà văn lớn. Ta nhận ra nó. Và đó là cái, trong biệt ngữ khoa
học, người ta gọi là một đặc ngữ [idiolecte], một lối viết riêng có. Đặc ngữ
của một nhà văn luôn luôn là một dạng định lượng, một sự pha trộn được lượng định
rất tinh tế của một số vẻ mê hoặc - dùng theo nghĩa mạnh mà từ này từng có hồi
thế kỷ mười bảy [Barthes dùng từ “charme” nhưng theo nghĩa “enchantement”;
“charme” ngày nay hay được hiểu theo nghĩa “duyên dáng”]; một sự định lượng
những vẻ mê hoặc, những nét quyến rũ, những nét thỏa mãn với bản thân ngôn ngữ
hay bản thân truyện kể - điều này rất khó nói. Và ta có thể thử xem lại vài vẻ
mê hoặc trong cái viết của Calvino.
Với tôi, trước hết tôi thấy rằng ông có một trí tưởng tượng
rất đặc biệt và ông rèn giũa nó: về thực chất hẳn nó chính là trí tưởng tượng
từng được Edgar Poe phô diễn, cái mà ta có thể gọi là trí tưởng tượng của một thứ
cơ học nào đó hoặc việc đặt ra tương quan giữa trí tưởng tượng và cơ học. Đó là
một mệnh đề có chút dáng vẻ nghịch lý vì, trái ngược hẳn, từ quan điểm lãng
mạn, ta có thể nghĩ trí tưởng tượng là một thứ lực hoàn toàn không có tính chất
cơ học mà vô cùng “bộc phát”. Thế nhưng, hoàn toàn không phải vậy. Trí tưởng
tượng, có thể là trí tưởng tượng lớn, luôn luôn là sự khai triển của một cơ chế
nào đó. Và ở trong đó, tuy có những khác biệt về phong cách rất lớn, có một
khía cạnh Edgar Poe ở trong Calvino, vì ông đặt ra một tình huống nhìn chung
là, ta hãy nói vậy, phi hiện thực nếu xét theo quan điểm giống như thật của thế
giới, nhưng chỉ là trong dữ liệu xuất phát mà thôi, và rồi tiếp theo đó, tình
huống phi hiện thực này được triển khai theo một cách thức hoàn toàn hiện thực
và theo một logic không thể bác bỏ. Ở Calvino, đó chính là vẻ mê hoặc thứ nhất,
một vẻ mê hoặc của sự khai triển; ta có thể nói điều này theo nghĩa toán học,
theo nghĩa logic của từ - như một phương trình cứ khai triển mãi không ngừng,
vô cùng thanh nhã - nhưng cũng có thể là theo một cách thức bất ngờ hơn và vụn
vặt hơn, theo nghĩa dùng trong bộ môn đua xe đạp, giống như khi ta nói về
khoảng khai triển của một chiếc xe đạp: có một chế độ làm việc của bánh xe, một
chế độ làm việc của bàn đạp, cảm giác vô cùng êm dịu, theo nghĩa tốt đẹp của từ
này.
Vẻ mê hoặc thứ hai mà tôi nhìn thấy ở Calvino nằm ở chỗ trên
thực tế, ông là một nhà tư tưởng hay thực hành truyện kể - điều rốt cuộc không
còn hay thấy lắm ngày hôm nay. Và ở đây ông mang tới một dạng tinh tế ngoạn
mục. Những truyện kể của ông, cách thức ông dựng chúng lên, triển khai chúng,
hẳn khá gần với cấu trúc của trò cưỡi ngựa đấu thương, của trò chơi chiến trận,
của chiến lược. Vả lại, điều này cũng gần gũi với sở thích thời Trung cổ nơi
ông. Thực chất, những gì ông bày ra là những cuộc đấu vô cùng phức tạp, chắc
hẳn là ít đơn giản hơn nhiều so với những cuộc đấu từng thực sự diễn ra vào
thời ấy. Ở ông có một dạng khai triển và lóe sáng của chiến lược, một dạng tổ
hợp không giới hạn các khả năng, các thao tác, các thao túng, khiến cho tôi sẵn
sàng nhìn thấy trong tác phẩm của ông, với tư cách tác phẩm tự sự, sức mạnh của
một thứ chủ nghĩa Machiavel nào đó. Và, mặc dù nội dung những cuốn sách của ông
không có tính chất chính trị một cách trực tiếp, chúng vẫn khiến tôi nghĩ đến
một kiểu truyện kể chính trị, chính trị-hình thức. Tôi không biết rõ phải giải
thích điều đó như thế nào. Truyện kể được dẫn dắt theo một dạng kết cấu hình
ngôi sao. Có rất nhiều đợt tấn công, có rất nhiều lối vào. Và tất cả những đợt
tấn công ấy, tôi sẽ nói chúng không được sắp xếp theo cách một truyện kể truyền
thống vẫn được xây dựng. (Nhờ tự sự học, ngày nay ta bắt đầu đoán biết được một
truyện kể truyền thống được xây dựng như thế nào.) Ở ông, điều này đi xa hơn
rất nhiều. Đó không phải một truyện kể được sắp xếp, mà là - để chơi chữ một
chút - được phối kết: một kiểu truyện kể đã thay thế khái niệm sự phối kết này
vào chỗ khái niệm trật tự. Ông xây dựng các hệ thống có rất nhiều lối vào. Điều
đó thật là đẹp. Và nó cũng khiến cho ta có thể xếp tác phẩm của ông ở gần với
một dòng picaresque [một dạng truyện hài] trong chừng mực picaresque một cách
cụ thể là câu chuyện kể một câu chuyện kể một câu chuyện khác; những câu chuyện
trong các ngăn kéo, kiểu như vậy. Vẻ mê hoặc thứ hai mà tôi nhìn thấy ở tác
phẩm ấy, chính là vậy: kết cấu dạng mạng của logic tự sự.
Còn có một vẻ mê hoặc khác nữa, và cũng rất gần mấy vẻ mê
hoặc trên đây, mà ta có thể chỉ cần gọi một cách giản dị là sự mê hoặc. Độc giả
thích thú vì những lý do đơn giản: cái nghịch lý tiếp diễn này khiến ta luôn
luôn có một tình huống phi hiện thực hay mang tính chất hình thức, sự trống
rỗng của một bộ áo giáp hay loạt tên riêng, chẳng hạn tên các thành phố, nhưng
trên cái dữ kiện phi hiện thực này lại phát triển một dạng chủ nghĩa hiện thực
hoặc sự giả tạo hiện thực của cách bài trí, của bức tranh, của cái cụ thể. Và
chính đó là cái tôi thấy là vô cùng ý vị nơi ông, vả lại điều đó cũng khiến ta
nghĩ đến những nhà kể chuyện huyền ảo vĩ đại: một tình huống phi hiện thực ở
điểm xuất phát hoàn toàn được siêu vượt và cứ liên tục bị chống đối bởi một thứ
chủ nghĩa hiện thực của sự đi tới.
(Trích từ cuộc phỏng vấn với France Culture, 1978, được đặt làm lời tựa cho tiểu thuyết Hiệp sĩ không hiện hữu thuộc bộ Tổ tiên của chúng ta, ấn bản folio, NXB Gallimard)
Chào Nhị Linh !
ReplyDeleteXin được làm quen , bạn nhé .