Jul 14, 2013

đi tìm sự không hoàn hảo

để chào mừng tập 3 1Q84 vẫn chưa thấy đâu :p



Có lẽ không có từ nào tốt hơn sự tinh tươm nếu muốn tóm tắt ấn tượng do các tác phẩm của Haruki Murakami mang lại. Nhân vật Kafka Tamura của Kafka bên bờ biển (Dương Tường dịch, Nhã Nam và NXB Văn học, 2007), điều này cũng không có gì lạ, cũng là một nhân vật gọn ghẽ từ trong các hành vi cho đến suy nghĩ. Chưa có một nhân vật nào của Haruki Murakami bừa bãi, kể cả trong nỗi buồn chán, trong sự hoảng loạn, cô đơn cùng cực, và kể cả trong những cơn say sưa dục tình mà tất cả đều rơi vào.

Điều đó cũng mới chỉ là một phần. Cái quan trọng hơn nữa là giọng văn của Haruki Murakami tương ứng một cách hài hòa với sự tinh tươm đó. Những người nghĩ văn của Murakami dễ dãi, đi vào những điều luẩn quẩn loanh quanh và không thoát ra ngoài được nữa, dường như đã mắc phải cả một sai lầm lớn. Murakami thuộc dạng nhà văn rất hiểu công việc của mình, và đã chấp nhận đi theo một con đường rất khó, thể hiện lớn nhất của phép cộng giữa tài năng và lao động: chỉ có một sự luyện tập về viết phi thường mới khiến một con người nhận ra được rằng mình có thể đi theo một con đường nhìn qua thì na ná như những người khác, thậm chí còn sẵn sàng để bị coi là văn chương tầm tầm, ít nhất thì cũng không phải là cao cấp, nhưng thật ra nó lại biết cách giẫm chân thật chuẩn xác vào chính giữa con đường mảnh như sợi chỉ giữa một nơi chốn kỳ lạ, vừa là một cánh rừng phong phú nhưng cũng lại vừa là một sa mạc khô cằn, nơi được tạo nên bằng toàn bộ các cliché (sáo mòn) văn chương và chữ nghĩa mà ngôn từ từng tạo ra trên đời.

Tôi nghĩ là có một định nghĩa khác về nhà văn: đó là người vẫn sử dụng tất cả những gì người khác hay dùng nhưng không thể tìm ra được sự sáo mòn và rỗng tuếch trong đó (sự rỗng tuếch: một điều ám ảnh Murakami, thể hiện trong cả Kafka bên bờ biển, khi nhân vật Kafka và nhân vật Oshima nhắc đến bài thơ “Hollow Men” của T.S. Eliot - tr. 207). Một nỗ lực để tránh ra khỏi cliché thể hiện một dấu hiệu của tài năng, và rất nhiều nỗ lực để tránh khỏi cái đó thể hiện dấu vết của một công việc nặng nề, lâu dài và không ngừng nghỉ. Đoạn mở đầu vừa rất chính thống lại vừa rất không chính thống trong Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời (“Tôi sinh ngày bốn tháng Giêng năm 1951. Tuần đầu tiên của tháng đầu tiên của năm đầu tiên của nửa sau thế kỷ hai mươi”) là một ví dụ tốt: sau một mở đầu không thể cổ điển hơn người đọc chờ đợi một cuốn tiểu thuyết theo dạng cổ điển, nhưng hoàn toàn không có. Và dấu vết của sự vượt thoát đó một vài lúc cũng xuất hiện ở những nơi khác: hãy để ý đến từ Bildungsroman (loại tiểu thuyết truyền thống miêu tả một nhân vật từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, với đầy đủ những giai đoạn cuộc đời, cùng với các quan hệ xã hội) mà các nhân vật nhắc đến trong Kafka bên bờ biển. Điều đó giống như là một tiếng cười nhẹ nhàng của nhà văn, vẳng lại phía sau lưng mình: tôi đã vượt qua lằn ranh rồi đấy, nhưng bằng cách nào thì… không thể nói được. Bằng cách nào quả đúng là không mấy quan trọng, và quả đúng là Murakami không quay nhìn lại đằng sau. Không thể quay lại đằng sau, giống như Kafka Tamura không được phép ngoái lại nhìn cái thế giới ở lưng chừng giữa hai thế giới, chỉ thỉnh thoảng mới được mở ra, nằm sau cái được gọi là “phiến đá cửa vào”. Tất cả những cái đó cần đến một sự thấu hiểu. Nếu không, văn chương của Murakami sẽ chỉ nằm lại bên này ranh giới phân chia giữa tầm thường và vượt quá tầm thường. Điều này không phải là ai cũng hiểu, vì tiểu thuyết của Murakami (có lẽ là chỉ tiểu thuyết, truyện ngắn thì khác, chúng giống với những bản nháp, và bản nháp thì không cần để ý đến những ranh giới cần vượt qua) có thể được đọc một cách đại chúng. Đây là một điều kỳ lạ, chỉ một số ít nhà văn mới làm được. Kafka không làm được điều này, Proust lại càng không, nhưng Romain Gary hay Paul Auster lại làm được.

Trong toàn bộ các tiểu thuyết của Murakami, Biên niên ký chim vặn dây cót có độ dày tương đương với Kafka bên bờ biển. Nhưng Kafka bên bờ biển là một phiên bản mới hay hơn rất nhiều so với cuốn tiểu thuyết trước. Gọi là “phiên bản” tuy rằng có một phần khiên cưỡng, nhưng giữa hai tác phẩm có những điểm chung: cũng đều sử dụng một cấu trúc song hành, gần như giữa hai phần không có giao điểm, và đều tận dụng lịch sử, đều có một phần liên quan đến chiến tranh. Tuy nhiên, Kafka bên bờ biển đã đạt đến trình độ thực sự để cho tuyến truyện thứ hai chạy song song, không có điểm cắt thực tế nào với tuyến truyện chính về Kafka Tamura. Cần rất nhiều dụng công mới có thể làm được như vậy, và cũng cần đến một cảm hứng dài hơi, điều quyết định để buộc người đọc đọc liền một hơi hết một tiểu thuyết hay là chật vật từng đoạn vài chục trang một.

Kafka Tamura, “trang thiếu niên mười lăm tuổi kiên cường nhất thế giới”, bỏ đi khỏi ngôi nhà ở Tokyo và tình cờ (có phải thực sự là tình cờ?) đến Takamatsu, gặp Sakura trên đường và đến nơi thì ở trong Thư viện Tưởng niệm Komura cùng với hai con người vì các lý do khác nhau mà xa lánh cuộc đời: Miss Saeki xinh đẹp và Oshima, anh chàng đồng tính ngập tràn những suy nghĩ sâu sắc. Với Miss Saeki, Kafka nói: “Đi đâu không thành vấn đề. Cháu cần phải ra khỏi đó, bằng không cháu sẽ xong đời, cháu biết thế” (tr. 330). Và để trả lời cho điều này, Miss Saeki nói: “Trong cuộc đời, có lúc xảy ra những điều không thể tin được” (tr. 331). Quả thật là sẽ có nhiều điều không thể tin được đã xảy ra với Kafka cũng như cho các nhân vật ở tuyến truyện thứ hai, mà trung tâm là ông già Nakata. Tất cả đều dẫn đến với tính chất không toàn vẹn của thế giới, về độ cong vênh của thời gian, về tất cả những gì thực chất con người phải sống ở trong, nhưng không mấy ai để ý đến. Cũng chỉ có một nhóm rất nhỏ những con người tham gia giải quyết sự cong vênh đó, tất cả những người khác trên thế giới này đều không hay biết, đều được đặt nằm ở ngoài. Có điều gì đó không ổn với thế giới này. Kafka lần lượt rơi vào đủ các tiền định số phận của mình, kể cả khi đã lờ mờ đoán trước được chúng thì điều đó cũng không ích gì. Sự xuất hiện của Jonhnie Walker và lão đại tá Sanders của hãng gà rán KFC ở tuyến truyện thứ hai cũng giống như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đến một nguồn gốc khác, lần này hoàn toàn mang tính vật chất, của tình trạng không ổn của thế giới.

Cái bất ngờ lớn nhất chờ đợi Kafka có lẽ là sự cô đơn, được Oshima diễn giải một cách ngắn gọn trước khi đưa cậu bé lên tránh ở trên núi: “Nhưng cô đơn cũng có ba bảy loại. Cái thứ cô đơn đang chờ đợi cậu có thể là hơi bất ngờ đấy” (tr. 130). Rồi đến những bất ngờ dựa trên một thứ không được chờ đợi: vẫn là lời Oshima: “Những gì em đang trải qua đều là môtíp của nhiều bi kịch Hy Lạp. Con người ta không chọn số phận, mà số phận chọn con người” (tr. 227). Thế giới bị sự mỉa mai điều khiển, nơi “chất bi kịch - mỉa mai thay, lại không bắt nguồn từ những nhược điểm của các nhân vật chính, mà từ những phẩm chất tốt của họ [...] Người ta bị kéo sâu vào bi kịch không phải bởi những khuyết điểm mà bởi những đức tính của mình. Vở Oedipus làm vua của Sophocles là một thí dụ lớn. Oedipus ngụp vào bi kịch không phải vì chàng lười biếng hay ngu ngốc, mà chính vì lòng dũng cảm và trung thực của chàng” (tr. 227). “Trách nhiệm bắt đầu từ giấc mơ”, những vụ gặp gỡ tình ái trong mơ của Kafka, và ngay cả vụ giết ông bố cậu cũng có một ràng buộc theo cách nào đó, cũng tạo ra trách nhiệm, và đóng góp thêm một chút vào cho tính chất không ổn chung của toàn thể.

Nhân vật chính của Kafka bên bờ biển là Kafka, nhưng người giải thích có tính hiệu quả cao nhất là Oshima, người cho đến một lúc đã dự đoán và diễn giải cuộc đi ra khỏi thế giới của Kafka: “Có một thế giới song hành với thế giới chúng ta và trong chừng mực nào đó, ta có thể bước vào thế giới ấy và trở về an toàn, nếu ta thận trọng. Nhưng quá một điểm nào đó, ta sẽ lạc vào một mê cung và không tìm thấy đường ra” (tr. 401). Đến đây chúng ta lạc vào các mê cung, mê cung bên trong và mê cung bên ngoài.

Cái “thế giới song hành” đó còn nằm trong những cuốn sách và, nói chung, trong nghệ thuật. Một điều đáng nói của Kafka bên bờ biển là sự đưa vào hết sức khéo léo và hợp lý những yếu tố nghệ thuật giống như chất nuôi sống nội tâm cậu bé Kafka. Ở mức độ đậm đặc hơn cả là bài hát của Miss Saeki, nhưng ngoài ra đó còn là thư viện tưởng niệm Komura (Italo Calvino cũng từng nói, viết văn chính là một thử thách đối với mê cung), và ở những cuốn sách mà Kafka đọc: Lâu ĐàiVụ ÁnHóa Thân của Kafka (lần này là nhà văn chứ không phải cậu bé), cuốn sách về tên đồ tể của người Do Thái dưới thời Đức Quốc xã Adolf Eichmann và về những trận đánh của Napoléon. Rồi Nghìn lẻ một đêm và Cassandra, câu chuyện thuộc hệ thống thần thoại Hy Lạp kể về nàng Cassandra bất hạnh, được phú cho khả năng tiên đoán, nhưng lại chỉ có thể tiên đoán những điều bất hạnh, và không được ai nghe lời. Cuối cùng là cuốn sách cổ Nhật Bản Truyện Genji và các tiểu thuyết của Natsume Soseki, nhà văn lớn Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Sự xuất hiện của Truyện Genji (của tác giả Murasaki Shikibu, nơi những linh hồn sống vừa là một hiện tượng siêu nhiên vừa là một hình thái tự nhiên của tinh thần con người ở ngay trong họ) và Natsume Soseki giống như một sự hòa giải nho nhỏ của Murakami với văn hóa Nhật Bản, vì các nhân vật của những cuốn tiểu thuyết trước gần gũi với Scott Fitzgerald hơn nhiều.

Nhưng cũng cần phải đề phòng: câu chuyện nhiều khi không đúng như nó đã được kể đi kể lại nhiều lần: chương 12 là một minh chứng, khi cô giáo ở trường tiểu học ở tỉnh Yamanashi viết thư thú nhận câu chuyện vẫn được kể lại về chuyện các học sinh đồng loạt lăn ra bất tỉnh không nguyên cớ hồi chiến tranh (trong đó có Nakata) là sai. Thế giới của chúng ta có thể có những yếu tố không ổn, nhưng không có gì chắc chắn là thế giới song hành vô hình kia là hoàn hảo. Đến một mức độ nào đó, cái chết cũng chỉ là một hiện thân của sự không hoàn hảo. Chấp nhận sự không hoàn hảo có lẽ là phương cách duy nhất khả dĩ, đúng như Oshima từng nói với Kafka trên đường đi lên núi, khi nhắc đến bản xô-nát cung Rê trưởng của Schubert: “Sự thiếu hoàn hảo, nếu đậm đặc chất nghệ thuật, sẽ kích thích ý thức và giữ cho ta tỉnh táo. Nếu mình nghe một nhạc phẩm cực kỳ hoàn hảo được diễn tấu một cách cực kỳ hoàn hảo trong khi lái xe, mình sẽ có thể muốn nhắm lại và chết luôn. Nhưng nghe bản Rê trưởng, mình có thể cảm nhận được giới hạn của khả năng con người - rằng một dạng hoàn hảo nào đó chỉ có thể thực hiện được qua một sự tích lũy vô hạn của cái không hoàn hảo. Và riêng mình, mình thấy điều đó đầy khích lệ” (tr. 128).



3 comments:

  1. Sự chỉn chu của bề ngoài nhân vật được Murakami thể hiện qua một loạt thương hiệu. Sau khi đọc "Nếu một đêm đông.." thì cháu nghĩ không biết liệu lão này có nhận hợp đồng quảng cáo của cty nào ko :D

    ReplyDelete
  2. Tu me rapelles "L'oreille absolue" de Daniel Del Judice : Un jour, un homme entend sur la radio un morceau de musique qui le rend fou puisque ce morceau est parfait, et il sait que celui qui l'a composé est un homme qui a l'oreille absolue. Il a tout fait pour trouver cet homme et l'a tué, car lui (le premier) il a une oreille relative.

    ReplyDelete
  3. Qu'est-ce que j'ai écrit ? Daniele Del Giudice.

    ReplyDelete