Jul 13, 2013

Lịch sử của một cảm tình

Lỡ 19, 20 tuổi ở Việt Nam vào cuối thập niên 1990 mà lại thêm lỡ dính chân vào vòng văn chương thì sẽ không chỉ ở vào cái trạng thái mà Paul Nizan từng nói một cách rất đầu gấu, "Hồi ấy tôi hai mươi tuổi. Tôi sẽ không để ai nói đó là tuổi đẹp nhất của đời người", mà còn đồng nghĩa với chuyện thuộc về một "thế hệ không có đàn anh". Người ta có thể đặt tên cho thế hệ ấy là đặc biệt, vứt đi, hoang mang gì gì đi nữa, thì tôi vẫn nghĩ nó rất giản dị, nó là một thế hệ không trông chờ được vào đâu, không có điểm tựa mà bấu víu, không có những Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương ở bên cạnh để mà tôn sùng rồi tìm cách lật đổ.

Quãng thời gian ấy, Đại hội nhà văn rôm rả đã qua đi và mọi sự đã lắng, ai có chút đầu óc đều hiểu ngay rằng không thể học được gì từ những Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc. Nói gì đến Ma Văn Kháng, Bằng Việt, Hồ Anh Thái. Mọi thứ đều hoang vu, phẳng lặng, xập xí xập ngầu trong sự chán phè và lãng đãng tầm thường. Những người có chút đầu óc sẽ hướng ngoại và hướng hải ngoại. Tôi cũng có một giai đoạn hướng hải ngoại nhưng nó nhanh chóng kết thúc trong vòng khoảng hai năm, khi tôi nhận ra cả ở họ cũng chẳng có nhiều điều để học, hoặc giả họ có một cuộc chiến khác, hoặc giả họ chẳng có cuộc chiến nào, vì với tôi, nỗ lực vươn lên để có được một vị trí trong "giới phê bình biên khảo" chẳng có lấy một tiêu chí rõ rệt hay một vị trí giảng dạy tại một cơ sở giáo dục phương Tây đơn giản không phải một cuộc chiến.

Nhóm Mở Miệng đã ra đời như vậy, một sự bùng phát mà tôi hiểu là kết quả của không thể chịu nổi nỗi bí bách của tầm thường. Mọi phong trào văn nghệ tiền phong đều ra đời từ nỗi kinh tởm sự tầm thường. Tôi nhận ra bản thân mình trong tâm trạng ấy, tôi cũng nhận ra rằng dù khác nhau đến mấy thì những người cùng thế hệ cũng vẫn có sự đồng cảm đặc biệt. Nhiều người từng viết về Mở Miệng, ở các thế hệ khác tôi thấy có vài giải thích, vài tuyên dương, nhưng chỉ ở những người cùng thế hệ với các thành viên Mở Miệng, tôi mới đọc thấy sự đồng cảm. Vì đây là một câu chuyện giữa các thế hệ nhưng cũng lại là một câu chuyện trong nội bộ một thế hệ: những gì lật đổ, phản kháng thế hệ đi trước liên quan đến rất nhiều thứ bên ngoài, nhưng tâm trạng chủ đạo của chúng cần đến một sự đồng cảm sâu sắc.

Gặp nhau, chúng tôi chỉ nói những câu chuyện phiếm, mặc dù đều hiểu tất cả đều đang phải vật lộn trong cuộc mưu sinh chóng mặt, mắc kẹt trong bao sự vụ ở đời, chúng tôi kể chuyện và nghe kể chuyện. Ngoài chuyện không có đàn anh, cái thế hệ này dường như còn là thế hệ đầu tiên thực sự cự tuyệt thói bầy đàn văn nghệ, mỗi người là mỗi cá nhân độc lập, cô độc một cách thoải mái và chỉ thực sự thoải mái trong cô độc. Vài lần ngồi cà phê với nhau, dăm bữa nhậu, mỗi người lại quay về với cuộc sống riêng và cuộc chiến riêng. Trong thâm tâm, tôi nghĩ chỉ có hình thức cô độc mới làm cho con người ta biết tôn trọng và ngưỡng mộ những gì người khác làm được, và biết khinh bỉ đời sống văn nghệ, cái chốn thực chất chỉ là nơi người ta chăm chăm tìm cách nhét cứt vào miệng nhau, cái chốn bao năng lượng và adrenaline dâng trào chỉ dành để hạ nhục người khác, còn lại gì để mà làm gì. Các thành viên Mở Miệng và tôi và vài người nữa cùng thế hệ đều cắm đầu vào làm những gì mình cho là đúng, nhiều người chẳng bao giờ cần gặp nhau, vì quan trọng hơn hết là một mối cảm tình. Tôi rất ngạc nhiên vì nhận ra sự thể rất khác ở các thế hệ khác, và tôi cũng rất ngạc nhiên vì rất nhiều người không nhận ra một điều đương nhiên, rằng Bùi Chát là một thi sĩ tầm cỡ.

Tác phẩm của Mở Miệng phải phá phách như một lẽ đương nhiên ở những con người có đầu óc mà quá bí bách. Họ đều là những người hiểu biết và thâm trầm, vì sự phá phách đích thực không bao giờ nằm ở những con người mồm miệng lóe xóe ba phút lại có một nỗi trăn trở ưu thời mẫn thế. Phá phách tự thân nó không là một giá trị, nhưng phá phách thể hiện cách đánh giá giá trị ở người phá phách. Giờ đây người ta nói đến Mở Miệng thành công hay thất bại, tôi thấy thật nực cười. Mọi phong trào tiền phong đều là thất bại, vì thất bại nằm ở nền tảng của văn chương, đặc biệt rõ ở những phần cực đoan nhất của nó. Một thất bại tuyệt đẹp là điều đóng góp lớn nhất mà một nhà văn có thể mang tới cho lịch sử.

Nói một cách cụ thể, ví dụ Cái lồn bỏ đi của Bùi Chát về thực chất là một thất bại, ở chỗ như sau: khi Trịnh Công Sơn viết "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ", ông đang làm một phép so sánh đơn giản. Rồi khi ta nói "Dòng sông bỏ đi" thì tức là đã rơi vào địa hạt của ẩn dụ: ẩn dụ là một phép so sánh không có "như": người tình được ví với dòng sông. Khi Bùi Chát muốn nhại để giễu hình ảnh này, anh nói "Cái lồn bỏ đi". Nó rất sốc về mặt ngữ nghĩa, nhưng Bùi Chát đâu có vượt thoát được gì: Trịnh Công Sơn thì ẩn dụ, còn Bùi Chát thì hoán dụ (dùng bộ phận để chỉ toàn thể), tất cả đều loanh quanh trong những sự trượt nghĩa cơ bản, vì đi đâu mà thoát khỏi tu từ học đây, phá phách đến chừng nào cũng đâu có thoát khỏi lòng bàn tay và năm cột chống trời, cùng lắm thì vạch chim đái vào mà thôi. Cái hành động vạch chim đái là một thái độ, dường như là điều quan yếu hơn cả, dẫu rằng sau đó mùi khai khẳm sẽ vương vất lại mãi.

Vì số phần của văn chương là phải thất bại, thất bại cũng là một câu trả lời đanh thép nhất, quyết liệt nhất, bởi nếu "thành công", con đường sẽ còn rất ít lựa chọn, nó rất dễ đi đến mấy điểm đỗ mang tên "Tố Hữu" hay "Chế Lan Viên".

15 comments:

  1. "...mà còn đồng nghĩa với chuyện thuộc về một "thế hệ không có đàn anh"... Ác nhưng chính xác.
    Hehe, tham luận hay nhất của Hội thảo (nếu có) về nhóm Mở Miệng, chắc chắc là hay hơn nhóm Ngậm Miệng. Bài này gửi thẳng cho Lưỡng quốc TSKH ĐVK :p

    ReplyDelete
  2. hay, nhưng có lẽ cũng có thể nhìn theo thế này: trước khi học thiền thì núi là núi sông là sông, học thiền xong lại thấy núi là núi sông là sông. Như vậy: tầm thường => ghê tởm tầm thường => tầm thường.
    Từ đó, phải chăng có thể nói nhóm Mở Miệng và những người hay tỏ ra rằng ta đây chán ghét sự tầm thường cũng chỉ đang ở khúc giữa????

    ReplyDelete
  3. Trong "Paris, Ngày Hội.." Hem có nói (viết văn là) cố gắng mỗi ngày viết được một câu văn sự thật. Lâu lâu bác NL lại viết được những dòng rất quý giá. (lv)

    ReplyDelete
  4. quote phát:)) "Nhiều người từng viết về Mở Miệng, ở các thế hệ khác tôi thấy có vài giải thích, vài tuyên dương, nhưng chỉ ở những người cùng thế hệ với các thành viên Mở Miệng, tôi mới đọc thấy sự đồng cảm. Vì đây là một câu chuyện giữa các thế hệ nhưng cũng lại là một câu chuyện trong nội bộ một thế hệ: những gì lật đổ, phản kháng thế hệ đi trước liên quan đến rất nhiều thứ bên ngoài, nhưng tâm trạng chủ đạo của chúng cần đến một sự đồng cảm sâu sắc."
    thực ra sau giai đoạn cự tuyệt thói bầy đàn có lẽ là đến lúc cái gì đó khác nữa. "cự tuyệt" vẫn là một thái độ nhị nguyên luận há há.

    Trong mọi cái dại, cái dại-vì-tình là cái dại chẳng bao giờ đáng hối hận, dù đôi khi cũng có kẻ làm mình tiếc-tình phết ^^

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhất là lụy vì tình đến... tam đại - đời Ông, đời Bác rồi đến đời các cháu lắt nhắt vẫn lụy thì "tiếc tình" không cũng chưa đủ, mà phải dùng chữ... hận-tình :D

      Delete
  5. ui xời, chúc mừng Lý Đợi :p

    ReplyDelete
  6. Ở Việt Nam sẽ thấy thế này: Nhã như Thuyên. Chát như Bùi. Đời như Lý Đợi. Còn Nhị Linh?
    "không có đàn anh" thì cũng đâu có sao. Nếu tài hoa, sáng tạo thì nhóm lại thành "đàn anh" càng hay nưã, làm gì mà hãi sợ sẽ trở thành Tố với Chế hử?
    Ngoại vi luôn có khắp nơi, như mây bụi bay quanh các trung tâm, các thứ được xem là "trục" là trung tâm, hay tản mác trong không gian vô chung vô thủy, lạc loài, cô độc. Nó có thể làm phiền, có thể gai mắt, nhưng trong cõi trần gian chung chạ này, luôn có một khoảng không gian cho nó, còn ở những xã hội lý tưởng như Việt Nam, nó phải... "Ngậm Miệng"? :-p

    -- GC

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trước kia, các ông Tự Lực Văn Đoàn, rồi Sáng Tạo, Văn Chương... đâu có đàn anh nào hay bầu tuyển gì đâu nhỉ? Các ông "tót" lên làm "đàn anh" trên văn đàn một cách tự nhiên "như người Hà Nội". Rồi sao? Độc giả choáng ngợp, hoan nghênh, hay quá mà... :-p Làm một "cú nhảy tót" lên đi Nhị Linh. Hay đấy. Chúng em đã phát ngấy lên với các "Hội", "Độc Lập", mới lại "Dân Sự", blah blah...
      - GC.

      Delete
  7. Hình như lâu rồi ko thấy ai trong nhóm mở miệng mở gì nữa?

    ReplyDelete
  8. ơ mở hẳn nhà xuất bản, giấy không vụn, hình như chuyên in thơ me tây

    ReplyDelete
    Replies
    1. ha ha ha mở to kinh phết, kinh doanh khá không? Hay thôi cho hỏi, mặt bằng dân trí khá lên không, đã hiểu “cái lồn bỏ đi” là cái lồn nào chưa? Thơ của các me tây có ký gửi cho các nhà sách bán trên toàn quốc không hay gửi lại cho các me tự bán tự phơi ;v

      Delete
  9. Đến giờ ngủ, Zzz

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ngủ ngon không cần cái qué gì trợ giúp nhé, iu nhìu;))

      Delete
  10. Trí thức các loại, nghệ sĩ các kiểu, tất tần tật đều mắc lưới Kinh tế thị trường
    Công tác ở mảng báo chí, truyền hình, giáo dục càng ngày càng được “béo bở bục mỡ”
    Thi nhân và văn nhân thì lấp lánh buồn/ rực rỡ trăn trở/ tâm hồn sâu sắc bao la vời vợi cỡ Phong Việt trở lên
    Thật đáng mừng cho xã hội chúng ta.

    ReplyDelete