Jun 20, 2015

ngừng

nào, đã đến lúc ta nói thêm một số chuyện

và nói nốt một số chuyện

cách đây mấy hôm, tôi đã nộp bài kỳ cuối cho mục điểm sách cuối cùng mà tôi giữ, từ hơn hai năm nay, trước đó đã thông báo là nốt kỳ này tôi sẽ ngừng; thật ra, cách đây hơn hai năm, tôi đã không còn muốn giữ mục điểm sách nữa rồi, nhưng một người bạn bên tờ tạp chí Đẹp muốn nhờ tôi lo mục điểm sách hằng tháng, cả nể và cũng vì kiểu viết này không tốn mấy thời gian nên tôi lại tiếp tục cho đến vừa rồi

tổng cộng, trong vòng chín năm vừa qua, lúc nào tôi cũng viết điểm sách trên báo, có những lúc là chạy nhiều kỳ cùng một lúc, thậm chí có những mục hằng tuần

chắc chắn đến giờ tôi cũng không thể nhớ hết mọi bài viết của tôi, trên đủ mọi loại báo: Sài Gòn tiếp thị, Thể thao & Văn hóa, Người đô thị, Văn nghệ trẻ, Tia sángThể thao & Văn hóa Đàn ông (tờ có mục "Đọc" hằng tháng mà tôi duy trì suốt 5 năm), Thời nay (mục hằng tuần chạy được vài số thì bị ngừng), Đẹp, Elle, Esquire, CF (mà tôi lo một phần nội dung ở mấy số đầu), Tinh hoa, Saigon City Life, chắc chắc còn nhiều nữa mà tôi không liệt kê nổi; thậm chí tôi còn từng viết bài mở đầu cho một tờ tạp chí chỉ tồn tại được đúng một số :p cũng như dự định về một tờ tạp chí riêng của tôi, "can ke" theo tờ Critique, một dự án tất nhiên chết từ trong trứng nước, mới chỉ có nội dung khung của số 1 cùng maquette bìa chưa hoàn chỉnh, cùng nỗi xấu hổ của tôi với mấy người bạn sẵn sàng dành thời gian để làm một tờ báo với tôi

tôi viết điểm sách ban đầu vì sở thích, nhưng một công việc dẫu tưởng là "ngẫu nhiên" thì cứ làm mãi, cuối cùng tôi cũng hiểu ra tại sao tôi phải làm (viết báo không phải là việc của tôi, tôi đã rời khỏi nghề báo từ cách đây khoảng mười lăm năm, với ý nghĩ sẽ không bao giờ còn trở lại)

đến một lúc, tôi hiểu ra, tôi phải viết, ở đủ mọi tờ báo khác nhau, là bởi lúc nào cũng cần một đối trọng trước tờ Tuổi trẻ, tờ báo lớn nhất, theo tôi là đại diện cho cả một tư duy khủng khiếp về sách vở và nghệ thuật

trong cái nhìn của tôi, sự tồn tại của các sự vật không quan trọng bằng những kết hợp giữa chúng, trong đó có các xung đột, đối đầu; một độc quyền lấn lướt lúc nào cũng là tệ hại hết

độc quyền của Tuổi trẻ, dưới trào một người đứng đầu (một thời) thật ra rất dã man: tôi đã nhận ra, ở một xã hội nhập nhoạng và nhập nhèm như xã hội Việt Nam, khủng khiếp nhất là những con người thực sự nghĩ mình là một người văn minh, một người chính trực, nhưng lại chính là những kẻ thiển cận và man rợ nhất, tấm mề đay lộn trái, thứ sáng sủa vờ vịt thực chất đầy bẩn thỉu của một gu thẩm mỹ cứng nhắc, đầy thấp kém và cách hành xử nhiều khi cực gần với lũ côn đồ

(đừng nghĩ là tôi còn nuôi hận thù, tôi thuộc loại người nói xong là xong, chẳng bao giờ còn nhắc tới, thậm chí còn nghĩ tới, tôi cũng là loại người một khi thấy xung quanh toàn thù địch thì sẵn sàng giơ lưng ra cho đâm chém thoải mái, lúc nào hết sức rồi thì thôi; à mà nghĩ thế nào, xét cho cùng, là quyền tối thượng của con người, con người ta có thể nghĩ bất kỳ cái gì trong đầu, ai cấm, kể cả (và nhất là) những ý nghĩ sai; tuy nhiên, tôi vẫn phải nói thêm một số điều nữa)

tôi cũng chẳng hiểu vì sao mình lại trở thành đối tượng trong một câu nói kinh điển của nhân vật đứng đầu mảng văn hóa của tờ báo lớn nhất nước kia; thậm chí đã có lúc một phóng viên của tờ báo ấy đã tìm cách nhìn thấy tôi để biết mặt cái kẻ làm cho nhân vật kia phải thốt ra những lời như thế :p

rồi có một chuyện, sau này tôi mới hiểu toàn bộ: năm 2010, tôi đi Nhật, tôi gặp ở Tokyo biên tập viên chuyên phụ trách tác phẩm của Haruki Murakami, ngồi nói chuyện với ông ấy; sau đó không lâu, trên Tuổi trẻ xuất hiện một bài phỏng vấn ông biên tập viên ấy, nội dung bài về cơ bản là cuộc nói chuyện giữa chúng tôi; không một lời nhắc đến tôi, tôi cũng không thấy làm sao, và thực sự đã cho qua chuyện ấy; cho đến lúc, tôi được biết thêm rằng, bức ảnh dùng cho bài báo ấy đã được chỉnh sửa để cắt đi mặt tôi, để tôi thực sự biến mất; tôi không có chút ham muốn có hình ảnh xuất hiện trên báo, nhưng với tôi, đây là cả một cách hành xử đáng ghê tởm

nhân vật ấy cũng truyền nghề lại cho một vài đệ tử nặc nô môi thâm, và vẫn là trò sử dụng ảnh đó: cách đây không lâu, trong một bài báo, có ảnh ông Bùi Văn Nam Sơn, nội dung bài về một chuyện khác hẳn, nhưng trên tay ông Nam Sơn cầm bản dịch Lolita: phóng viên tờ Tuổi trẻ đã lợi dụng ông Nam Sơn cho những ý đồ rất là khó hiểu (thật ra tôi muốn nói "rất là dễ hiểu"); ông Nam Sơn thì bị học trò lợi dụng, báo Tuổi trẻ thì chắc đang mải đấu đá nội bộ nên cũng chẳng quản lý nổi công việc chuyên môn nữa

đấy, môi trường sách vở và những gì liên quan chặt chẽ đến sách vở ở Việt Nam nó có thể là như thế đấy, tất nhiên đấy chỉ là một phần cực nhỏ, rất nhỏ, vô cùng nhỏ, nhưng có vẻ cũng là "nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình"

(tôi còn một điều nữa cần nói: tôi ghê tởm cái sự đội tên giả để công kích, phỉ nhổ người khác; trong một vụ việc rất liên quan đến tôi, tôi chính là người đầu tiên, ngay lập tức nhận ra ai là ai trong một cuộc bài binh bố trận; tôi đã tự đào tạo mình quá đầy đủ để có thể dễ dàng nhận ra identity của bất kỳ ai thông qua một cái dấu phẩy đặt ở một vị trí đặc biệt - không phải ngẫu nhiên mà tôi là môn đệ của Cioran, người từng viết một câu rất đáng nhớ, đại ý cả vũ trụ có thể đổ sụp vì một dấu phẩy; tôi ghê tởm đến mức chưa bao giờ thèm nói đến, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là món nợ ấy tôi sẽ không đòi, càng nén được lâu, thời gian càng dài, thì tất nhiên số lãi sẽ càng lớn, có thể nó sẽ lớn khủng khiếp đấy; tôi viết những dòng trong cái ngoặc đơn này nhằm đến đích xác hai người, hai kẻ ấy chắc chắn sẽ phải đọc)

nói tóm lại, chín năm vừa qua là "chín năm kháng chiến trường kỳ", nhưng bây giờ tôi thấy không cần thiết phải viết điểm sách nữa; những gì làm được đã tương đối vững chắc, nhiều tiếng nói khác đã tìm được không gian cho mình, tôi đã có thể thực sự quay đi, để làm những việc mà tôi thấy là thực sự hay ho (tất nhiên không phải là để nguyền rủa một lũ mặt giặc, làm thế chẳng có gì hay ho cả)

dẫu sao thì những chuyện từng xảy ra cũng giúp tôi có được một thái độ, trước hết là tôi thực sự hiểu được tại sao khi nói về Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền lại dùng cụm từ "rỡn đầy thảm họa"; đúng thế, có những khi cần phải rỡn, rỡn chơi đến lộn ngược cả ruột gan; còn có một câu này nữa cũng vô cùng hay: "Hài hước là sự lịch duyệt của niềm tuyệt vọng", hình như của Boris Vian (à tôi vẫn chưa có Bọt tháng ngày, có bác nào nhã ý tặng tôi không? :p)


NB. cách đây mấy hôm, blog của tôi hân hạnh được facebook của Huy Đức dẫn link, thực sự là hân hạnh

vì blogger có các công cụ thống kê rất hiệu quả nên tôi nhân cơ hội này để xem một số điều: hóa ra Huy Đức có hiệu quả truyền thông quá kém, kém hơn rất nhiều nhân vật; ví dụ như nếu được bạn Đoan Trang dẫn link một phát thì thôi đấy, tôi có thể đi chơi cả tháng chẳng cần viết gì mà view vẫn tăng dữ dội

thêm nốt một điều: có vẻ khái niệm "sự thật" của tôi làm nhiều người không ưa; tôi không nghĩ là có thể giải thích thấu đáo hơn, sorry, nhưng ví dụ thì tôi có thể đưa ra: chỉ cần nhớ rằng tờ báo cực lớn của một nước "Liên bang" trước đây tên là "Sự thật" và một nhà xuất bản cũng cực lớn của một nước "Dân chủ cộng hòa" từng tên là "Sự thật", thì đã bắt đầu có thể thấy một ít rồi

-----------

Phụ lục hehe: Kỳ điểm sách cuối cùng của tôi trên tạp chí Đẹp

- Ian Stewart, 17 phương trình thay đổi thế giới, NXB Trẻ, tủ sách “Cánh cửa mở rộng”, Phạm Văn Thiều và Nguyễn Duy Khánh dịch

Nhà toán học sinh năm 1945 đã viết một cuốn sách hấp dẫn cả đến những ai không hiểu gì về toán học. 17 chương sách là 17 phương trình danh tiếng trong lịch sử toán học, và không chỉ của lịch sử toán học. Khởi đầu là “định lý Pythagor” hết sức cơ bản nhưng được trình bày đầy quyến rũ dưới cái tên chương “Người đàn bà trên tấm da hà mã”; đọc chương này ta hiểu được tại sao từ chuyện mấy cái góc của hình tam giác mà sau này lại nảy sinh bộ môn lượng giác huyền bí. Trong sách cũng có những phương trình nổi tiếng nữa, như phương trình trung tâm trong thuyết tương đối của Einstein, hoặc tác giả giải thích phép tính vi tích phân gãy gọn đến đáng kinh ngạc: “Nó cung cấp một cơ sở chặt chẽ cho giải tích, phương pháp chính mà các nhà khoa học dùng để mô tả thế giới tự nhiên” (ở chương “Bóng ma của các đại lượng biến mất”). Nhưng cuốn sách cũng dẫn ta đến với một số phương trình ít được biết đến hơn, như chương “Phương trình Midas” thật ra dành để nói tới phương trình Black-Scholes hết sức quan trọng trong chứng khoán. Đọc cuốn sách, ta hiểu thêm rằng toán học có thể lợi hại trong cuộc sống đến mức nào.


- Goh Poh Seng, Khi ta mơ quá lâu, tiểu thuyết, Nguyễn Dương Quỳnh dịch, Nhã Nam & NXB Lao động

Kwang Meng, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết mỏng này, mới học xong và bắt đầu đi làm. Vị trí công chức nhỏ bé khiến anh thấy ngột ngạt khủng khiếp, anh rất hay mong muốn bỏ làm một buổi để ra biển tắm; bơi ngoài biển là niềm yêu thích của cuộc đời anh. Kwang Meng có một cuộc sống bề ngoài hết sức ngăn nắp, ngăn nắp cả đến những chuyện chơi bời (đi quán bar uống bia và ngủ với gái làm tiền chuyên nghiệp), nhưng lúc nào anh cũng khó ở, vì những giấc mơ ngày xưa đã tan biến, vì vị trí nhỏ nhoi của mình, và có thể cả vì sự ngăn nắp quá mức của một đất nước Singapore vừa mới được thành lập. Viết tác phẩm kinh điển này vào cuối thập niên 60 của thế kỷ 20, Goh Poh Seng (mới qua đời cách đây chưa lâu) dường như đã dự cảm được toàn bộ đường nét chính và cả số phận của một đất nước, đất nước Singapore nhỏ bé nhưng vô cùng đặc biệt.


- François Place, Những người khổng lồ cuối cùng, sách tranh, Hoàng Nhụy dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn

Đợt mồng 1 tháng Sáu vừa rồi, các cơ sở xuất bản Việt Nam đã tung ra thị trường rất nhiều ấn phẩm thuộc dòng “sách tranh” (picture book), một dòng sách tương đối mới mẻ nhưng đã có nhiều tác phẩm đáng nhớ, trong đó có Những người khổng lồ cuối cùng của François Place. Archibald Leopold Ruthmore sống ở nước Anh, rất ham mê nghiên cứu khoa học, nhất là về những miền đất xa xôi kỳ dị trên thế giới. Theo tuyến đường biển của hãng Đông Ấn danh tiếng, anh lên đường lần theo dấu vết tìm thấy trong thư tịch cổ, và dần dà, sau rất nhiều phiêu lưu đầy nguy hiểm, anh đến được thượng nguồn Hắc Long Giang và gặp “những người khổng lồ cuối cùng”. Họ chỉ có vài người, họ cao lớn đến mức cả một quả núi hay một khu rừng có thể mọc trên lưng họ, họ thức vài năm rồi lại ngủ mấy thế kỷ liền, và họ có một cuộc sống tuyệt đối hòa hợp với thiên nhiên, với vũ trụ. Ruthmore không dự đoán được rằng phát hiện tuyệt vời của mình sẽ gây tai họa khủng khiếp như thế nào cho những sinh vật thật đẹp ấy: một ẩn dụ lớn về mối hiểm họa của khoa học đối với thiên nhiên.

11 comments:

  1. hehe ban đầu cứ tưởng anh định làm tờ Combat ;) nhưng nghĩ kĩ lại, thì phải là Critique, có cả bataille và Bataille, toàn thờ phụng những đấng rạch giời rơi xuống :v

    ReplyDelete
  2. "tôi đã tự đào tạo mình quá đầy đủ để có thể dễ dàng nhận ra identity của bất kỳ ai thông qua một cái dấu phẩy đặt ở một vị trí đặc biệt"
    huhu quá nham hiểm may mà mình chưa làm trò comment as anonymous bao giờ -_-

    ReplyDelete
  3. Cái gì thích, mãi cũng đến lúc chán thôi. Vấn đề là mình chán nó hay nó chán mình? Mà lại bỏ đúng dịp 21.6 nhỉ.

    ReplyDelete
  4. Báo Sinh Viên Việt Nam nữa:D

    ReplyDelete
  5. Chua chát, buồn nhưng hài lòng

    ReplyDelete
  6. Viết điểm sách không hay, qua loa thì dù có nghỉ thiên hạ cũng chẳng ảnh hưởng gì. Sao phải cứ trầm trọng lên.

    ReplyDelete
  7. NL rất tự tin. Mình không phải phe nào, chỉ muốn nhắc rằng đôi khi người ta cũng tự thay đổi đấy. Không nhất thiết phải là hai :)

    ReplyDelete
  8. cẩn thận nhé, không chỉ dấu phẩy đâu, emoticon cũng có thể tiết lộ về identity đấy

    con số 2 này tôi nêu lên đích xác là vì nó có chút đặc biệt hơn số 2 thông thường

    hehe, từng comment ở đây, từng viết mail cho tôi, mà lại nghĩ lúc đội tên giả mà tôi không nhận ra ngay lập tức, đúng là tự tin đến lố bịch

    ReplyDelete
  9. Lại hehe rồi :(

    ReplyDelete
  10. lại nhớ nỗi khôn nguôi của anh trong Tiện bút, nỗi nhớ được vô danh trở lại; có lẽ sẽ đỡ phải đụng chạm nhiều với những kẻ tha hoá tởm lợm

    ReplyDelete