Jun 11, 2015

Kiều

Thật ra, biết nói gì về Kiều?

Thật ra, tôi từng viết về Kiều, khi so sánh với Mai Đình mộng ký hay khi so sánh với Cung oán. Nhưng tới khi thực sự phải suy nghĩ, thì tôi hiểu ra: đừng so sánh gì nữa, phải giũ bỏ cho hết tất cả những gì người ta từng nói về Kiều, suốt mấy thế kỷ lịch sử bàn luận Kiều không ngơi. Nếu tiếp cận một cách thật "hệ thống", tôi sẽ chẳng nói được gì khác bên ngoài pho khảo luận về Kiều của Phan Ngọc. Thật ra, hai người cùng quê, hàng xóm ấy, tôi rành Nguyễn Công Trứ hơn nhiều.

Nhưng điều đó vừa đúng xong lại trở nên không đúng.

Trong lịch sử ấn loát Kiều bằng tiếng quốc ngữ, có hai huyền thoại lớn: "Kiều Văn họa" và "Kiều Văn học", hai cái tên chỉ cần nhắc đến thôi là đủ sức làm nhớn nhác bất kỳ nhà sưu tầm sách tinh tế nào của Việt Nam. Hai ấn phẩm này danh chấn/trấn giang hồ là bởi có những phụ bản tuyệt tác.

Phải có một mối quan hệ cực kỳ sâu xa với thế giới sách mới hiểu: quả thật, kể từ khi kiếm được "Kiều Văn học" (với đầy đủ 6 phụ bản :p) tôi đâm ra rất chăm đọc Kiều. Đọc rồi mới biết hóa ra mình thuộc hết, cả những đoạn cực dài. Những lần đọc lỗ mỗ trước đây (vì phải đi học, vì muốn tán tỉnh một cô gái lả lướt, vì muốn chứng tỏ vân vân và vân vân) hóa ra đã khép đủ vòng tròn. Số phận một tác phẩm của dân tộc là như thế: nó buộc phải trở thành ký ức của bất kỳ ai. Kể cả ký ức của tôi :p Mà gần như không cần phải bỏ công học thuộc.

Lịch sử đọc Kiều đồ sộ như thế, thật ra nó đã làm gì? Làm người ta hiểu Kiều hay ngược lại, làm Kiều càng trở nên khó hiểu hơn? Chắc chắn là cả hai.

Xuyên suốt từ lịch sử đọc Kiều ấy, vẫn còn vang đến tôi hai điều: điều thứ nhất do một người nói ra, từ rất sớm, đó là Mộng Liên đường Chủ nhân: "nếu không phải là con mắt trông thấy cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời, thì tài nào có bút lực ấy".

Điều thứ hai là một người Nga, Nikulin, nói ra, đại ý hạnh phúc trong Kiều có thể đạt đến được là do phá hoại đi hết mọi ràng buộc của Khổng giáo.

Như vậy là, có hai người có thân thế kỳ lạ: một người ở thời xa lắc xa lơ mang một danh xưng như trong truyện chưởng, còn một người hoàn toàn xa lạ, từ nơi khác đến. Muốn tiếp cận Kiều thì phải cực kỳ quái dị. Ai là người từng đến gần tinh thần Kiều nhất? Theo tôi, đó là Bùi Giáng.

Muốn gạt bỏ hết để làm lại từ đầu, cần quay trở lại với những gì căn bản nhất. Căn bản nhất chính là bốn câu đầu tiên:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Cứ nhìn chăm chăm mãi vào bốn câu thơ mà không một người Việt Nam nào không thuộc này, tôi tự hỏi điều gì là quan trọng nhất ở đây?

"trăm năm"?
"tài", "mệnh"?
"cõi người ta"?
"ghét nhau"?
"bể dâu"?

Rồi tôi nhận ra: quan trọng chính là câu thứ tư, và không phải vế sau nặng tình cảm, mà chính là bốn chữ đầu tiên của câu thứ tư:

"những điều trông thấy"

Mộng Liên đường Chủ nhân đã hiểu ngay từ đầu, chính là đấy: "những điều trông thấy". Nguyễn Du là một người nhìn. "Sở kiến hành" là nhìn, thơ chữ Hán là nhìn, Văn tế thập loại chúng sinh lại càng là nhìn. Và nhìn, tức là hiểu, chỉ có nhìn mới hiểu: cốt lõi của đạo Phật nằm ở đây. Tới đây thì là Nikulin: phá bỏ khuôn khổ Khổng giáo. Nguyễn Du là người tạo ra một cái nhìn khác hẳn.

Tất nhiên, đấy mới chỉ là một ý nghĩ sơ khởi, chưa nói lên nhiều điều.

Và tất nhiên, nói thì nói vậy thôi, lịch sử đọc Kiều đồ sộ cũng có những điểm mốc không thể bỏ qua.

Với tôi, trước hết là Đào Duy Anh. Là quyển này:


Lại là sách mất bìa mới đau :(

Được cái là có chữ ký. (À mà thật ra câu chuyện là vì thấy mất bìa, cái trang lót quạnh quẽ quá, nên tôi ký béng tên vào cho sinh động đấy :)

Đào Duy Anh có một cái tài rất đặc biệt, là làm cho cái tưởng cũ bỗng mới toanh. Đọc Đào Duy Anh miêu tả vùng đất quê hương của Nguyễn Du, chợt tôi bừng tỉnh ngay tức khắc: ông ấy miêu tả đấy là một tam giác, xét từ khía cạnh địa lý. Tôi thấy sáng bừng, hiểu được ra tại sao hai con người của miền đất ấy, nhà cách nhau vài chục bước chân, là Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ, lại có thể nhạy cảm với hình tam giác đến thế, hình tam giác của phụ nữ ấy (về hình tam giác, xem thêm ở đây và ở đây). Địa lý đã quy định hết ngay từ đầu rồi còn gì.

Với tôi, Đào Duy Anh trước hết và trên hết, là quyển sách trên đây, cùng quyển sách này (có bìa hẳn hoi hehe):


Ngay hồi ấy, Đào Duy Anh đã biết sản xuất ra những quyển sách khổ nhỏ, thật là tân tiến. Và hiếm có quyển sách nào của giai đoạn thập niên 30, 40 đó có phần hậu tuyệt mỹ như quyển này:


Nhưng xem sách thì phải xem cho kỹ: xem kỹ một tí là bao nhiêu vấn đề lộ ra ngay. Nhìn nhé:


Như thế này, tức là niên đại quyển sách này phải tính là năm nào? Hơi bị khó giải quyết đấy (tất nhiên câu hỏi này chỉ có ý nghĩa với những ai hiểu được cái dòng số La Mã loằng ngoằng ghi trên bìa; theo tôi rất ít người đạt đến trình độ ấy :p)

Đang nói về Kiều thì lại lan man sang Đào Duy Anh và chuyện niên đại sách. Thôi, nghỉ :p

4 comments:

  1. Toàn một công đôi việc. Hic.

    ReplyDelete
    Replies
    1. niên đại quyển Khảo luận Khổng giáo của Đào Duy Anh trong giới chính thống được tính là năm nào? ^^

      Delete
  2. Nguyễn Du đa đoan, sinh ra Kiều đa đoan...

    ReplyDelete
  3. Hồi lớp 9, em được học với cô giáo dạy Văn (kiêm hiệu trưởng) có kiến văn rất rộng, đặc biệt về văn chương, những giờ nghe cô giảng về văn chương Lý Bạch, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan và Kiều là những giờ học em cảm thấy hạnh phúc nhất, muốn đến trường nhất. Phải rất lâu rồi, tuổi niên thiếu mất mấy chục năm rồi, giờ mới tìm lại được cảm giác đó.

    ReplyDelete