Mar 4, 2016

Rilke, Benjamin và Gide

Vừa đi qua một bộ ba, Pasternak-Tsvetaieva-Rilke (xem ở đây), ta sẽ "lấy" một người từ đó để đến với một bộ ba nữa: Rilke-Benjamin-Gide.

Cũng giống như ở bộ ba đầu tiên, Pasternak chỉ đóng vai trò làm nền, trong bộ ba mới này, André Gide chỉ là thứ yếu.

Rilke từng dịch hai tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng Đức, một của Paul Valéry và tác phẩm còn lại là của Gide. Mối quan hệ giữa nước Đức và nước Pháp sóng gió như thế nào thì những liên hệ giữa nhà văn của hai đất nước ấy cũng phong phú như thế. Ở chiều dịch từ tiếng Đức sang tiếng Pháp cũng là cả một lịch sử rất dài, mà ở đây có thể dẫn ra hai ví dụ: Gérard de Nerval thời tuổi trẻ dịch Faust của Goethe, và gần đây hơn, Julien Gracq, một nhà văn gần như không bao giờ dịch, cũng để lại bản dịch một tác phẩm của Kleist. Bản thân Gide cũng có dịch một tác phẩm của Goethe, tuy rằng trong mảng dịch thuật, Gide hướng sang Anh và Nga nhiều hơn, cộng thêm Tagore.

Rilke khi sắp qua đời (cụ thể là năm 1925) đọc được tập Anabase của một nhà thơ Pháp còn trẻ, mới xuất hiện chưa lâu, mang một cái tên (thật ra là bút danh) quái gở: Saint-John Perse (nếu Henri Michaux với tập thơ in năm 1948 của mình, Ailleurs, mang một yếu tố cốt tủy của thơ, thì tập thơ xuất bản năm 1942 của Saint-John Perse, Exil, chứa đựng thêm một yếu tố cốt tủy nữa. Thơ trước hết nghĩa là nơi khác và lưu đày.

Ban đầu, Rilke định dịch tập Anabase, nhưng sau đổi ý, và dự án được chuyển lại cho Walter Benjamin khi ấy còn rất trẻ (Benjamin sinh năm 1892). Theo những gì Adrienne Monnier (một trong hai bà chủ hiệu sách rất quan trọng của Paris một thời, người còn lại là Sylvia Beach, đồng thời là bạn của Benjamin giai đoạn Benjamin ở Paris) kể lại, tập Anabase này Benjamin nhận từ chính tay của Rilke và về sau sẽ tặng cho một người mà ông mang ơn, như một món quà (đặc biệt quý).

Rilke và Benjamin là hai khuôn mặt tiếp nối nhau, cũng xuất chúng hơn cả, của cả một phả hệ nhà văn Đức "francophile". Rilke và Benjamin đều có với Paris mối quan hệ vô cùng phức tạp. Rilke đến Paris lần đầu tiên năm 1902 (trước đó đã sang Nga và gặp Tolstoi), 27 tuổi, còn Benjamin đến Paris sớm hơn về độ tuổi: 21, vào năm 1913.

Một độc giả văn chương chân chính cần phải biết mấy điều, mấy điển tích kỳ diệu: "đêm Kafka", là một đêm tháng Chín năm 1912, khi Kafka viết được truyện "Das Urteil"; rồi "đêm Genoa" của Valéry, tháng Mười 1892 (chính là năm sinh của Benjamin), và "cú chạm Paris" của Benjamin vào năm 1913 ấy; từ lần tiếp xúc đầu tiên này, Benjamin nhận được một điều gì đó tương tự như "miracle". Khải ngộ trong văn chương ở một số nhà văn là như vậy.

Rilke có Paris để sống bên cạnh Rodin một thời gian, để viết nhiều điều, nhất là Malte Laurids Brigge, Benjamin có Paris để miêu tả thành phố như tấm gương, thành phố như một thư viện có dòng sông Seine chảy qua (xem thêm ở đây), và có cả những hắt hủi khủng khiếp, không lâu trước cú tự sát bi thảm. Giờ đây, ai cũng đã biết, những gì Benjamin từng viết về Paris thuộc vào những điều đẹp và kỳ diệu nhất mà thành phố ấy nhận được từ văn chương.

Đầu năm 1928, André Gide sang Đức, Benjamin đã gặp Gide và bàn về dịch thuật, nội dung cuộc nói chuyện ấy được đăng lên tờ Deutsche Allgemeine Zeitung.



Mười bài cửa sổ của Rilke
Marina Tsvetaieva
Walter Benjamin về Marcel Proust

No comments:

Post a Comment