Mar 10, 2016

Thơ: tiểu sử

Tiểu sử, dẫu cho lý thuyết văn học có bài xích đến như thế nào (cũng như lịch sử) thì vẫn cứ là thể loại bùng nổ liên tục, và chẳng bao giờ ta thiếu sách tiểu sử để đọc, như là được sản xuất hàng loạt theo dây chuyền.

Nghịch lý của tiểu sử không nằm ở chỗ nó có đáng tồn tại hay không, mà là: làm thế quái nào mà có thể viết được tiểu sử một ai đó?

Rất hiếm sách tiểu sử, cực kỳ hiếm, đến được mức độ như cuốn sách này:


Tôi nhận ra một quy luật: cứ khoảng 1000 tiểu sử được viết ra thì sẽ có một tiểu sử tạm gọi là ngon lành (cũng có thể tôi thiếu mất một số 0, thậm chí là hai số 0 :p), nhưng đến được mức như Jean-Pierre Martin viết về Henri Michaux (trong sách gọi là HM) thì kỳ khu tìm kiếm may mắn lắm mới đôi khi gặp. Giờ đây, tôi đang lưỡng lự, nghĩ xem cuốn sách của Martin có ngang ngửa được với một kiệt tác tiểu sử khác hay không: đó là Paul Valéry của Michel Jarrety (xem ở đây).

Jarrety là một trong những giáo sư cũ của tôi ở Paris IV, một ông thầy đặc biệt đáng sợ mà hình như tôi đã kể qua loa ở đâu đó. Nhưng Jarrety mới thuộc vào hàng giáo sư đỉnh cao. Jean-Yves Tadié hay Pierre Brunel cũng là giáo sư của tôi, và tôi thấy rất kỳ cục khi mà hai ông ấy, đặc biệt Tadié, lại có thể nổi tiếng ở Việt Nam đến vậy trong giới giảng dạy văn học phương Tây tại mấy trường đại học. Tadié giảng cực dở và viết còn dở hơn nhiều. Những sách của Tadié, về phê bình Pháp thế kỷ XX (cực kỳ được hâm mộ ở Việt Nam), chẳng hạn, không thể tệ hơn. Liên quan hơn đến thể loại tiểu sử: bộ Proust hai tập dày cộp của Tadié thực sự là một bó rơm, rất nhiều chi tiết hay nhưng kết hợp lại thì kém khủng khiếp, phải nhá nó thì không khác gì bị ném xuống đầm lầy mà hì hụp.

Thật ra, tôi biết tỏng, sở dĩ Tadié phổ biến như thế trong giới nghiên cứu ở Việt Nam là vì ông ấy viết quá mức dễ hiểu.

Antoine Compagnon khi mới bắt đầu nghiên cứu Marcel Proust được Tadié (là giáo sư lớp trước) rủ làm cùng édition của À la recherche du temps perdu cho tủ La Pléiade của nhà Gallimard, phụ trách tập khó nhất Sodome et Gomorrhe. Compagnon rất nhanh chóng vượt rất xa Tadié trong lĩnh vực này, và về sau, tôi để ý thấy, Compagnon cực tránh nhắc đến Tadié.

Cuốn sách của Jean-Pierre Martin, tôi nhìn thấy lần đầu trong một hoàn cảnh rất kỳ cục. Tôi có một tuteur, rất không ưa tôi và tôi cũng chẳng ưa ông ấy (tôi chỉ đi nghe séminaire của ông ấy đâu như có một lần; gần đây, qua một giáo sư khác, tôi biết ông ấy đã về hưu từ mấy năm và mắc bệnh nặng, tôi nghe tin rất ngậm ngùi; ông ấy chính là người đẩy tôi sang cho Compagnon hướng dẫn, chắc là vì muốn đẩy hai người mà ông ấy không ưa đến với nhau cho khuất mắt). Hôm ấy, tôi đến phòng làm việc của tuteur theo hẹn (tuy ông ấy là tuteur chính thức của tôi nhưng đâu như chúng tôi chỉ gặp nhau hai, ba lần, những cuộc gặp nhất thiết, tối thiểu), nội dung nói chuyện bữa đó tôi chẳng còn nhớ tí tẹo nào, nhưng tôi nhớ hình ảnh cuốn sách về Henri Michaux đang đặt trên bàn của ông ấy, mở ra đến khoảng một phần ba. Sau này, khi đã đọc nó, tôi mới thấy hối tiếc, một tuteur có gu đọc tốt như thế, mà hồi ấy tôi lại đi ngấm ngầm coi thường. Cuộc đời nói chung là nản lắm.

Lúc đầu tôi định nói việc gì đó liên quan đến thơ, liên quan đến Michaux, nhưng giờ thì quên biến mất rồi hic.

À, có một điều nho nhỏ: hôm trước tôi mới nói đến "đêm của Valéry" là một đêm năm 1892, "đêm của Kafka" là một đêm năm 1912. Thật kỳ lạ là Michaux cũng liên quan đến một năm kết thúc bằng số 2: khải thị văn chương của Henri Michaux là một ngày nào đó trong năm 1922.

Michaux, một người Bỉ, tới Paris cuối 1923, đầu 1924. Thời điểm này, Paris đông đặc nhà văn trẻ tuổi nước ngoài, những người mang những cái tên rất giời ơi đất hỡi như Scott Fitzgerald, John Dos Passos etc. Trước khi Michaux tới nơi này, một người Mỹ trẻ tuổi tên là Ernest Hemingway cũng đã đến. Người ta cứ tưởng nhà văn sinh năm 1899 ấy là một nhân vật vĩ đại, nhưng nhân vật vĩ đại hóa ra lại là một người sinh cùng năm 1899 khác: Henri Michaux.

Và, làm sao mà viết nổi một tiểu sử cho một nhà văn như Michaux? Nhà văn mà ta cứ tưởng là lớn khi về già thường tô hô cuộc đời của mình ra cho những cặp mắt thiên hạ trầm trồ. Nhà văn lớn đích thực thì xóa bỏ mình đi. Mà trong cuộc xóa bỏ ấy, Michaux thuộc hàng khủng khiếp nhất, thậm chí có thể nói là tàn bạo nhất. Có đến như Pessoa không? Không giống, nhưng về bản chất và mức độ thì không hề kém.

Lại có những nhà văn rất hiểu điều mà tôi vừa nói xong. Và rất biết lợi dụng. Đó chính là Roberto Bolaño, một nhân vật thần sầu quỷ khốc về làm ra vẻ.

À, cũng phải có ví dụ về tiểu sử dở chứ nhỉ: vụ này thì dễ. Nói đến luôn một cái mới xuất hiện gần đây ở Việt Nam: Camille và Paul (xem ở đây). Với bất kỳ ai từng thực sự đọc văn chương của Paul Claudel và biết về cuộc đời sáng tạo của Camille Claudel, cuốn tiểu sử đó là cả một sự lăng mạ. Nó chỉ đánh lừa được những người chẳng biết gì về chị em Claudel mà thôi. Nó chính xác là một sản phẩm sản xuất hàng loạt, giống như áo sơ mi Nhà Bè.


Hôm nay là một ngày đặc biệt may mắn về thơ: tôi tìm được hai tập thơ này:


Tập Neruda song ngữ. Thơ Neruda chưa bao giờ tôi thích (cbm), nhưng có ti đẹp nên vẫn bóp :p

Tập còn lại mới là đỉnh cao. Carlos Drummond de Andrade, nhà thơ Braxin kinh dị, một trong những bông hoa đẹp nhất của thơ ca Mỹ Latinh, một người hẳn là so được với Nicanor Parra.

Tập thơ in năm 2015, tỉa từ 15 tập thơ của Andrade, và người dịch mang cái tên không thể thích hợp hơn cho thơ ca: Richard Zenith. Thật ra, ai rành thơ ca tiếng Bồ Đào Nha thì cũng đã biết Zenith từ lâu rồi: đó chính là người dịch thơ Pessoa sang tiếng Anh.

Và, vì chúng ta đang nói đến "elegy" (xem ở đây), dưới đây là một "bi ca" của Andrade (may quá, cuối cùng có vẻ như tôi cũng đã tìm ra được một chủ đề cho cái post rất lung tung này :p)


Rất siêu đẳng:

"Literature has ruined your best hours of love.
You've wasted time for sowing, too much time, on the phone."

Sự may mắn không chỉ rực rỡ có vậy:


Và vẫn chưa hết :p

Dưới đây là hai nhà thơ tôi còn chưa từng biết, ai đã đọc rồi cho xin tí ý kiến:





Thơ: bi ca và trí tuệ
Phạm Công Thiện và Rilke
Rilke, Benjamin và Gide
Mười bài cửa sổ của Rilke
Marina Tsvetaieva
Walter Benjamin về Marcel Proust

8 comments:

  1. @@ thơ mà như báo cáo khoa học, hay hay là

    ReplyDelete
  2. thơ là chất liệu chính của khoa học, à mà là một loại khoa học khác với cái thứ người ta hay đương nhiên nghĩ đến

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhưng ý e chính là loại khoa học đương nhiên đấy ạ. Thế mới hay.
      Cám ơn a, biết đc nhiều điều từ a.

      Delete
  3. nhiều lần em cũng ấy vậy đấy, có mỗi cái ti cái etc mà phải ôm về cả quyển :(

    ReplyDelete
  4. làm ano sướng thế đấy, cứ nói to nếu muốn, sợ dek gì ai (trừ chủ blog, dĩ nhiên)

    ReplyDelete
  5. because u cant, by urself, blow up the island of Manhattan

    ReplyDelete
  6. “you carry the world on your shoulders”

    ReplyDelete