Apr 2, 2016

Robert Walser: Tôi đọc ba cuốn sách

Trong cuốn sách này:


Robert Walser viết về đủ thứ trên đời, với tư cách một nhà báo. Bài đầu tiên là "Nhà văn", viết năm 1907 (xem ở kia). Cũng như Walter Benjamin, Walser có giai đoạn Berlin của mình (về Berlin của Benjamin, xem ở kia).

Dưới đây là bài mà Robert Walser viết năm 1926, về chuyện đọc sách:


Tôi đọc ba cuốn sách


Thêm lần nữa, tôi lại đọc sách kha khá, chẳng hạn ba cuốn sách trong đó cuốn đầu tiên khiến tôi thấy mình có thể tuyên bố nó là cuốn thú vị nhất và độc đáo nhất trong số ba cuốn ấy. Tôi đã ăn tươi nuốt sống cuốn này, như người ta vẫn hay nói, đến mức không kịp thở lấy hơi.

Về những gì liên quan đến cuốn thứ hai, nó có một lời tựa trong đó kích thước uy nghi của tác phẩm được chỉ ra. Tôi thấy lời chỉ dẫn hoàn toàn đúng đắn, vì đọc cuốn sách thì tôi khám phá được một trong những tác phẩm văn chương gây nhiều hào hứng nhất. Ý kiến của tôi, hay cứ cho là cảm giác của tôi làm tôi nghĩ rằng một kiệt tác không nhất thiết cần phải “thú vị” theo cách người ta vẫn gọi. Một củ cải cũng có thể thú vị; dẫu thế nào thì cũng ở trong chừng mực điều có thể. Đối với tôi một cuốn sách là kiệt tác chừng nào nó chứa đựng chủ yếu cái đặc tính cưỡng lại đà tiến của mốt, của thời gian, tức là từ đó nó bước ra trong tư cách người chiến thắng nhờ sự tuyệt diệu trong nội dung của nó, trong tinh thần của nó. Trước hết một kiệt tác gợi lên cảm xúc, cùng lúc, thứ hai, không giây phút nào nó gây ra cho quá trình thưởng thức dẫu chỉ chút ít khó khăn ở sự chú tâm. Lẽ dĩ nhiên, ta có thể đưa ra những định nghĩa khác nữa về sự thuần thành. Một cuốn sách như thế chứa đựng một điều gì đó giống như khả năng thôi miên; nó từng mê hoặc những người có tập quán cư xử, suy nghĩ khác với chúng ta, và ngày nay, nó lại mê hoặc đến chúng ta, những người đang sống, những người hiện đại.

Để chuyển sang cuốn sách thứ ba, cuốn khiến tôi quan tâm lâu dài nhất xét trong bài viết này, tôi nghĩ trước hết quan trọng là phải nhấn mạnh, hoặc chỉ đơn giản là nêu nhận xét rằng nó đã để lại cho tôi một ấn tượng tuyệt vời, nhưng tôi cũng thấy là phải thú nhận ngay lập tức rằng sự hoàn hảo của tác phẩm này đã thiếu điều làm tôi ngủ gật, ngáp, nó đã làm tôi thấy rất oải. Như bạn cũng thấy đấy, ở đây tôi đang nói một cách hết sức tự do, thẳng thắn.

Cuốn sách thứ ba này là một tiểu thuyết và cuốn tiểu thuyết này không có một nội dung đặc biệt thú vị. Dẫu vậy cái nội dung này hẳn có thể gây nhiều say mê cho một ai đó khác. Nội dung những cuốn sách là một vấn đề liên quan đến gu. Ta phản ứng trước nó theo đường lối cá nhân nhất mực. Tức là, nội dung, diễn tiến của cuốn sách này khiến tôi thấy hơi chán, bởi vì nó kể về một người nhạy cảm cực điểm, rất xuất sắc, người ấy lại không ngừng, theo lối nào đó là một cách cẩn thận, bồi đắp cho lòng ghen của mình. Rất rõ là người ấy thuộc về các tầng lớp thanh nhã nhất. Khi tác giả khiến tôi hiểu điều đó, theo một cách thức đặc biệt không thể bàn cãi, tôi xin chúc mừng ông ấy, và cả chúc mừng tôi nữa, một cách đầy chủ ý.

Cuốn sách đầu tiên, như tôi đã nói, tôi đọc nó một mạch, tôi đã uống nó, nghiền nó, nhai nó, theo đúng nghĩa đen, vì nó hấp dẫn tôi quá. Về phần cuốn sách thứ hai, tức là kiệt tác, tôi được buông mình nghỉ ngơi trong đó như nằm lên võng, vì nó được viết giỏi quá, rất dễ hiểu, đầy sức khơi gợi, tôi thấy như thể nó được viết bằng một cái giọng thuyết phục một cách giản dị. Trong tôi, một cái gì đó ngân lên, hát lên, trong khi tôi đẫm mình vào cuốn sách về cuộc đời ấy, nó miêu tả toàn bộ bản tính con người. Có những cuốn sách, hết sức cụ thể, bởi vì dường như chúng được tựu thành bằng lối chơi đùa, nên ta có thể nếm náp chúng, “làm chủ” chúng như là trong lúc chơi, không bao giờ đánh mất đi giá trị của chúng, và có lẽ tôi đã thông qua nhận xét trên đây mà phát biểu điều gì là đặc trưng ở kiệt tác.

Cuốn sách thứ ba, tôi mất nhiều thời gian hơn để đọc, có thể nói rằng việc đọc nó đòi hỏi nhiều cần cù hơn, và sau khi đã đọc xong, tôi đã không thể tự ngăn bản thân vinh danh chính mình, một sự vinh danh đầy xứng đáng, cho ý kiến của tôi, về công việc đọc này. Về phần mình tôi thấy thật đẹp khi đã vượt qua được một khối lượng lớn những hẹp hòi lòng dạ. Tôi đã chứng tỏ một sự kiên nhẫn to lớn và vậy nên tôi có quyền tự chúc mừng mình. “Con người cao quý” có một cô con gái. Lúc nào mà con người ấy vẫn còn được người tình sủng ái, thì cô chẳng mấy để ý đến cô con gái kia. Chỉ vào lúc đã có thể đem cô so sánh với con gái thì cô mới bắt đầu nhận ra sự hiện diện của con mình, và lẽ dĩ nhiên, cô khởi sự trận chiến ác liệt nhất, và trận chiến này, trong cuốn sách thứ ba, được miêu tả vô cùng tỉ mỉ. Để tránh bị hiểu nhầm, tôi xin tuyên bố rằng cuốn sách này, trong đó một phụ nữ xuất chúng thường xuyên hỏi bạn mình: “Anh bị làm sao thế?” đối với tôi là thượng thặng, được viết rất giỏi, rất hay. Đoạn kết của cuốn sách, gần như có thể đoán được từ trước, thật bi kịch, thật trầm trọng, khi mà cô con gái, được sủng ái hơn mẹ mình, chính thức lấy chồng, với ở giữa họ cái người tự cho phép mình so sánh hai mẹ con với nhau. Khi mà anh ta thích người trẻ tuổi hơn người đã già, ở bản thân anh ta xuất hiện một điều gì đó hạ thấp giá trị của anh ta, xét trong tình hình chung của anh ta.

Ở những dòng trên đây, tôi thẳng thắn trình bày bằng cách nào một cuốn sách đầy thu hút đã không để cho tôi được ngơi nghỉ trước khi đọc xong, nguyên do là tại cái chủ nghĩa lãng mạn đặc biệt ở trong đó, thứ mà tự bản thân nó có thể là một điều dễ dãi, nhưng dẫu sao nó cũng đã để lại trong tôi một dấu ấn sâu đậm.

Sau đó tôi đã nói về chuyện một kiệt tác chẳng bao giờ tàn úa, và về sự bí ẩn gắn liền với sự kiên trì nở hoa của nó.

Thứ ba, tôi đã cố gắng tìm một cuốn sách hiện thực chủ nghĩa nhiều hương vị nhờ vào chủ nghĩa hiện thực được thể hiện hết sức đáng nói của nó, và giờ đây, tôi muốn nghĩ mình đủ thần hứng để khiến người ta biết rằng chính những gì đòi hỏi ở ta một sự cố gắng mới có sức làm dịu chúng ta nhiều nhất, nó đóng góp nhiều nhất cho việc chúng ta được hòa giải với chính chúng ta.

Tôi tin sẽ là tốt nếu lúc này tôi khuyến nghị một cuốn sách mà tôi đã phải chật vật mới đọc được, trong khi đọc nó tôi thấy hụt cả hơi, theo một cách nào đó. Một cuốn sách không nhiều tính chất giải trí cho lắm, có lẽ nó đã, qua sự chính xác của nó, tức là qua tinh thần thời đại của nó, tạo cho tôi lạc thú lâu dài nhất, và nếu được phép, tôi xin nói thêm một điều nữa, tôi sẽ kêu gọi độc giả nên có lòng khoan dung nhất định đối với những gì họ đọc, và tôi khuyến khích họ… nên học đọc sách.


15/10/1926


[từ bản tiếng Pháp của Marion Graf]


Kertész Imre mới qua đời (xem thêm về Kertész ở kia)

Trong số tác phẩm của Kertész mà tôi từng đọc, có một cuốn tiểu thuyết khiến tôi nhớ nhất: trong tiếng Pháp, nó tên là Roman policier; đó là một cuốn sách rất mỏng, mặc dù với các chuyển dịch về bối cảnh, ta hiểu được ngay rằng với nó, Kertész miêu tả cuộc sống ở Hungary, nhất là cái đặc điểm lúc nào ta cũng bị theo dõi. Đối với tôi, đây là một trong những lời chứng kiệt xuất nhất về chuyện như thế nào là cuộc sống dưới một chế độ toàn trị, những lời chứng kiểu như vậy cho thấy đủ thứ hay ho và kỳ vĩ của những Hannah Arendt chẳng có gì là đúng hết cả. Cũng tương tự như cuốn sách mỏng của Kertész, một lời chứng nữa rất đặc biệt: cuốn tiểu thuyết Giấy triệu tập của Herta Müller.

4 comments:

  1. Chào Nhi Linh, bạn ơi, cho mình hỏi chút xíu được không? Bạn làm sao để hiện chữ read more trên trang chủ vậy ạ

    ReplyDelete
  2. vào layout rồi chỉnh phần ghi chữ Main

    ReplyDelete
  3. "[T]he wondrous characteristics of beautiful books [...]: that for the author they may be called Conclusions, but for the reader, Provocations. We can feel that our wisdom be- gins where the author’s ends, and we want him to give us answers when all he can do is give us desires. [...] But by a strange and, it must be said, providential law of spiritual optics (a law which signifies, perhaps, that we cannot receive the truth from anyone else, that we must create it ourselves), the end of a book’s wisdom appears to us as merely the start of our own, so that at the moment when the book has told us everything it can, it gives rise to the feeling that it has told us nothing. Moreover, when we ask it questions it cannot answer, we are also asking for answers that would not tell us anything, because one effect of the love which poets awaken in us is to make us attach a literal importance to the things which for them are meaningful due to merely personal emotions. [...] This semblance with which the places charm us and deceive us, beyond which we want so much to go, is the very essence of that which, lacking a third dimension so to speak - a mirage frozen on a canvas - constitutes a vision."

    ReplyDelete
  4. một cuốn sách lớn không trả lời câu hỏi nào, mà nó đặt câu hỏi - cuốn sách lớn là cuốn sách đặt câu hỏi đúng

    ReplyDelete