Oct 10, 2016

Ốm, yếu, bệnh, tật

Hai nhân vật Trung Quốc mà tôi thích nhất là Hoắc Khứ Bệnh và Tân Khí Tật :p Cũng chỉ vì cái tên mà tôi rất thích Đông Phương Sóc: sóc, chuột, ruồi, muỗi etc. nổi danh lừng lẫy là các tác nhân truyền bệnh đầy nguy hiểm xưa nay.

Nhân hôm trước có cuộc bàn luận về một nhà thơ Việt Nam ốm yếu (sau đó nghe nói nó đã bị bóp méo rất nhiều trong các tường thuật vớ vẩn), tôi được thúc đẩy thêm trong các suy nghĩ về cơ thể, bệnh tật, nhưng trước hết là một điều: đau.

Kafka có một cái truyện mà phàm ai đã đọc Kafka đều biết, một trong những truyện khủng khiếp nhất từng ra đời dưới ngòi bút của Kafka, cũng như dưới ngòi bút của bất kỳ ai khác: "In der Strafkolonie", trong đó miêu tả sự trừng phạt tại một cái "trại" (hình thức trừng phạt này do viên chỉ huy trước đó nghĩ ra). Sự trừng phạt ở đây nằm trên bề mặt da những kẻ phạm tội. Câu chuyện này sẽ được bổ sung theo một cách thức rất kafkaesque bằng hình ảnh, trong một truyện khác, một người sống với một thanh kiếm đâm xuyên qua người, suốt cuộc đời.

Với một cái gì đó gây đau đớn không ngừng lên cơ thể, đương nhiên người phải gánh chịu không thể quên được, dẫu chỉ là một giây phút. Và như vậy là bởi ý thức của họ không bao giờ được ngủ. Hình phạt chỉ thực sự là hình phạt khi nó không lúc nào nguôi nhức nhối: nó phải tác động liên tục vào ý thức.

Đau là hình phạt, nhưng cùng lúc, đau, nỗi đau, còn có nhiều ý nghĩa khác. Mới gần đây, ta đã nói đến ý thức bùng vỡ: đau cũng chính là một cơ hội để con người tác động vào ý thức của mình. Rất có khả năng, một khi tác động ấy đủ lớn, ý thức sẽ phải bùng vỡ. Và khi ý thức đã bùng vỡ, đó chỉ là một cách để nói rằng, con người có thể vượt qua ý thức. Vượt qua ý thức là đến gì? Ta cứ tạm coi là đến được mức tiềm thức.

Ốm, yếu, bệnh, tật không chỉ là những thứ mà chúng ta phải gánh chịu, chúng còn có thể là cơ hội.

Điều này, rất dễ dàng, có thể nhìn thấy ở Marcel Proust. Proust trước hết là một người bệnh.

Điều này, mở rộng thêm, cũng không nằm ngoài một điều mà Nietzsche từng nói, đại ý: con người là một con vật, nhưng như thế là chưa đủ, phải rõ ràng hơn: con người là một con vật ốm. Chỉ với tư cách một con vật ốm thì con người mới hoàn toàn ở trong thân phận của nó. Những con vật khác có thể biết đến trạng thái không ốm, nhưng con người thì không, rất tiếc.

Ốm, yếu, bệnh, tật liên quan chặt chẽ đến đau, như đã nói, nhưng còn liên quan đến một thứ nữa: trạng thái điên.

Nhà văn nói cho tôi nhiều điều nhất về những điều đã tóm tắt trên đây là Joë Bousquet:



Bousquet còn rất trẻ thì Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Đi lính, Bousquet luôn luôn tỏ ra rất liều lĩnh, người ta kể rằng vì sầu tình, Bousquet như thể muốn tự sát ở các trận đánh, và trong một lần thực sự mạo hiểm, Bousquet đã bị thương, không lâu trước khi chiến tranh kết thúc (chính xác là ngày 27 tháng Năm năm 1918). Vết thương ở ngay cột sống này buộc Bousquet nằm trên giường suốt quãng đời còn lại, tức là cho tới năm 1950. Trong vòng hơn ba mươi năm này, Bousquet viết văn, căn phòng ở miền Nam nước Pháp của Bousquet, không bao giờ mở cửa sổ, trở thành một dạng đền thiêng, nơi Simone Weil từng đến thăm rồi sau đó giữa Bousquet và Weil có một sự giao thiệp qua thư; bạn của Bousquet là những người như Jean Paulhan, Paul Valéry, Louis Aragon hay Max Ernst.

Trong bức ảnh thứ nhất là hai cuốn sách: Un amour couleur de thé (Một mối tình màu nước trà) là những bức thư được coi như là gửi người yêu, còn Le Meneur de lune (Người dẫn trăng) là cả một dạng kinh thánh của một người nằm yên không nhúc nhích nhưng điều đó không hề ngăn cản người ấy dịch chuyển rất nhiều. Đọc Bousquet là có thể thấy rất rõ, chính việc bị thương nặng lại giúp con người hiểu rất nhiều điều, nhất là chính mình. Có lẽ không gì còn có thể quan trọng hơn sự bất động được nữa.

Cuốn sách trong bức ảnh thứ hai, Traduit du silence (Dịch từ sự im lặng) còn đáng nói hơn: Bousquet gửi cho Jean Paulhan ở nhà xuất bản Gallimard những quyển sổ ghi chép của mình và để Paulhan tự ý lựa chọn trong đó. Không gì quan trọng với người bất động bằng sự im lặng: "Sau nhiều năm, rốt cuộc tôi hiểu ra rằng bản chất mọi sự khiến tôi phải khao khát cái chết. Không phải bởi tôi là tôi, mà bởi tôi là một con người."

Sự thể "tôi là tôi" hoàn toàn không trùng khớp một chút nào với sự thể "tôi là một con người". Điều này độc giả của Gabriel Marcel hoặc Martin Heidegger có thể hiểu được một phần nào.

Người ta toàn tưởng nhầm là với văn chương, bởi nó sử dụng ngôn ngữ, quan trọng hơn cả là âm thanh của lời lẽ. Nhưng không phải vậy: quan trọng chính là sự im lặng, hay ít nhất sự im lặng quan trọng hơn nhiều, âm thanh của im lặng. Joë Bousquet thuộc vào số các nhà văn nói cho ta biết điều này, cùng với, chẳng hạn, Maurice Blanchot hoặc Samuel Beckett.

Đây là một điều Beckett từng viết: "từ ngữ rơi, ta không biết là đi đâu, ta không biết là từ đâu, những giọt im lặng xuyên qua sự im lặng, tôi không cảm thấy nó, tôi không cảm thấy một cái miệng".

Một người thiên về im lặng, ít nhất anh ta sẽ không chạy bổ đến những cuộc gặp gỡ giữa văn nhân với nhau. Nhưng một cuộc gặp gỡ giữa các văn nhân có một điều đặc biệt: giả dụ có bốn văn nhân gặp nhau, thì ta luôn luôn phải tính đó là năm, vì ngoài bốn nhân vật kia, còn có sự kết tinh của nỗi khinh bỉ từ những ai không thèm nhập bọn.

4 comments:


  1. Hai, ba, bốn, năm hay sáu, bảy, tám, chín người thì tình bạn chỉ có một, đúng không?

    ReplyDelete
  2. Ở phương Trung Quốc, có 2 nhân vật tiêu biểu cho sự "đau" mà tác động đến ý thức đó là Tư Mã Thiên và Vương Dương Minh. Cứ "hội tụ" ắt có ngày "quán thông", đó cũng là một cách diễn đạt khác của cái mà bạn Nhị Linh gọi là "ý thức bùng vỡ".

    ReplyDelete
  3. hì, nỗi đau của Tư Mã Thiên:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2016/01/cham-ngon-viet-o-ria-mot-khu-rung-1b.html

    ReplyDelete
  4. chúc sức khoẻ và hy vọng anh không bị nhận quà snvv hpbd trong tháng này:))

    ReplyDelete