Cỡ trên dưới một tháng sau khi cuốn sách đã in, tôi không hề nhận được sách tặng - về cơ bản, gần như tôi không hề biết là nó đã được in. Tới khi biết rồi thì tôi quyết định đợi tiếp: tôi muốn xem cơ sở xuất bản in Rễ trời sẽ đối xử với tôi như thế nào; tôi muốn nói, đúng hơn là tôi muốn xem cơ sở xuất bản đối xử với một cuốn sách do chính họ in như thế nào: bởi vì, điều đó nói lên gần như toàn bộ một cơ sở xuất bản.
(thái độ là một trong những từ khóa rất then chốt; tôi sẽ sớm đến với nó, trong một kỳ "thời chúng ta": bởi vì trong thời của chúng ta, người ta không dựa vào cái gì nhiều hơn so với dựa vào "thái độ" để đánh giá và nhìn nhận; nhưng ngay cả đến nghĩa của từ "thái độ", người của thời chúng ta có hiểu thật hay không? theo tôi, người ta hay nói đến thái độ lại chính là vì mặc cảm: chính xác, lại là cái từ ấy, "mặc cảm" - mặc cảm vì đã có thái độ quá mức tồi tệ; điều này rất tương ứng với điều sau đây: các tờ báo và cơ sở xuất bản Việt Nam tỏ ra rất tích cực bảo vệ môi trường, nhưng đó là vì mặc cảm, bởi có ai khác đâu ngoài chính họ gây ra nạn phá rừng trầm trọng hơn cả?)
Cho tới lúc biết là không đợi được nữa, tôi mới nói là tôi chưa hề nhận được sách tặng. Tất nhiên là có sách ngay. Nhưng, tôi đã thấy gì? tôi thấy là trong cuốn sách đã in có những từ không đời nào tôi dùng: tôi không thuộc về thế giới của "những từ đẹp", cho nên những lần xuất hiện của từ "chiều kích" trong ấn bản Rễ trời không phải là từ tay tôi ("chiều kích" hay "nghiệm sinh" hay "tri kiến" là những từ thậm chí còn khiến tôi buồn nôn). Tôi cũng thấy rằng lỗi typo xuất hiện sau khi đã qua quá trình biên tập ("bút chì" bị viết thành "bút chị"), và sự biên tập còn để lại dấu vết lộ liễu đến mức có vài lần, mấy cụm từ được đặt trong ngoặc vuông: tức là, người biên tập định đánh dấu lại chỗ này chỗ kia rồi xem sau, nhưng khi in thì lại quên mất không bỏ đi.
Tôi mới chỉ thấy có như vậy. Vì còn chưa có thời gian.
Trong bài dưới đây, các trích dẫn được lấy từ file word cuối cùng từ tay tôi gửi đi; những trích dẫn đó không nhất thiết hoàn toàn giống với trong cuốn sách đã in.
(bắt đầu hoàn chỉnh post "Tờ báo, quyển tạp chí, cuốn sách" và cũng tiếp tục bản dịch Mai-nương Lệ-cốt của Nguyễn Văn Vĩnh)
NB. nếu tôi nhớ không nhầm, "Minna", tên của nhân vật nữ trong Rễ trời, cô gái người Đức, hay nói đúng hơn, "cô gái Berlin" ở bên cạnh Morel cho tới giây phút cuối cùng của cuộc phiêu lưu chính là tên người mẹ của Romain Gary tức Kacew
Và sự lạm phát của tính người
Nguyễn Chí Hoan
“… xin trích câu Leonardo da Vinci đã ghi trong sổ
tay của ông: ‘Sẽ đến lúc mọi người như tôi nghĩ đến việc giết súc vật như nghĩ
đến việc giết người’. Và George Bernard Shaw đã nói: ‘Động vật là bạn tôi, và
tôi không ăn thịt bạn tôi!’” (Ricard Matthieu, The Monk and the Philosopher, Shocken Books, New York, 1999)
Cái “lúc” mà da Vinci nói đã tới chưa?
Và Bernard Shaw muốn nói gì khi nói “động vật là
bạn tôi”?
Tiểu thuyết Rễ
trời của Romain Gary ra mắt năm 1956 và ắt hẳn là cuốn sách lớn duy nhất
báo động cái thời đại đang hiện hình vào lúc đó - như lời cảnh tỉnh: “rằng ‘thời
của lòng kiêu ngạo đã kết thúc’” - cái thời đại bây giờ vẫn đang trôi, cái thời
đại tới tận cách nay khoảng bốn mươi năm mới được ngập ngừng gọi tên là “the
making of a lonely planet”, và dường như được vạch cho con đường đến cứu rỗi
qua cái ẩn dụ “tình bạn”:
Con người đã đến một điểm, trên hành tinh này, nơi hắn thực sự cần toàn
bộ tình bạn mà hắn có thể tìm được, và trong nỗi cô đơn của mình hắn cần tất tật
voi, tất tật chó, tất tật chim…
Đấy là lời trong bản kiến nghị của nhân vật
Morel, gương mặt trung tâm của Rễ trời,
đến vùng châu Phi xích đạo thuộc Pháp (AEF) ngay sau Thế chiến thứ hai để thi
triển nỗ lực cá nhân bảo vệ loài voi ở đây, kiến nghị yêu cầu một lệnh cấm quốc
tế cấm săn voi trên toàn bộ châu Phi. Ý đồ của Morel minh bạch và đơn giản như
của một giáo chủ: “để đảm bảo cho voi được bảo vệ. … Tất tật những gì mà tôi
quan tâm là điều cốt yếu: bảo vệ tự nhiên…”
Thông điệp đó lặp lại nhiều lần qua suốt câu chuyện
anh hùng ca “đầy tinh thần Homère” này. Cái ẩn dụ về “tình bạn” cũng vậy, cũng
được nhắc lại qua miệng nhiều nhân vật ở những vai vế và thân phận rất khác
nhau, khi mà cái ý thức mang tên Morel mau chóng lan tỏa gây ra những tỉnh ngộ.
Vậy có phải cái ẩn dụ “tình bạn” chỉ làm nốt hoa mỹ hay dấu nhấn? hay nó thực sự
truyền tải một ý nghĩa khác, bên cạnh thông điệp đòi “bảo vệ tự nhiên”? Bởi ý về
“tình bạn” có một hiện diện rất thường xuyên rất quen thuộc đến độ, lắm lúc,
thành ra sáo ngữ, che khuất cái kích thước ẩn dụ sẵn có của nó. Song, ở trích dẫn
trên đây, và trong cả tiểu thuyết này, “tình bạn” được dùng với chính cái kích
thước ẩn dụ đó, vượt xa ngoài những nắm bắt thực chứng hay thực dụng về điều mà
“tình bạn” có thể là hoặc có thể được nhân danh. Mở rộng đến “tất tật voi tất tật
chó tất tật chim…” quanh “nỗi cô đơn” con người, cái ẩn dụ “tình bạn” ở đây
dùng đến âm hưởng cổ xưa của nó để kêu gọi tái thiết một thế giới theo lý tính:
thực tại cần phải là một thực tại lý tính. Chẳng phải “tình bạn” chính là một
trong những biểu hiện cổ xưa nhất và thuộc về nền tảng của con người lý tính
sao! Xem nhân vật cha Tassin, mà câu chuyện này được kể vì ông, một thầy tu
chân tín đồng thời là một nhà cổ sinh học, được coi là nhân vật hình bóng của
cha Teilhard de Chardin danh tiếng ngoài đời, nghĩ về các mối bạn bè của mình,
đủ thấy kích thước lý tính của “tình bạn”:
“thư từ đều đặn với chừng nửa chục người mang những
cái tên ghi dấu một thời đại và có suy tư, đôi khi rất khác với suy nghĩ của
ông, mang lại cho ông chỗ dựa quý giá của sự đối nghịch.”
Thế giới này, cái trần gian-người, tồn tại dựa
trên mối liên hệ căn bản với người-khác và nhờ vào sự đối nghịch, tức là nhờ những
cân bằng. Đó là cái thế giới mang tính người, đặt trên nền tảng cái sống cũng
là cái tồn tại nhờ các cân bằng đối nghịch. Trong cái nhìn thấu thị tựa như do
thiên khải, nhân vật Morel nhận ra quá trình phá vỡ cân bằng sự sống của loài
người đã gia tốc một cách khác thường cái bánh đà khổng lồ của nó. Ở Berlin những
ngày hậu chiến ngổn ngang, anh ta đã nhận cưu mang một con chó và tổ chức một vụ
tấn công vào một trại nhốt chó lang thang, giải thoát cho bọn chó này lại được
lang thang tiếp tục (tránh khỏi cảnh bị biến thành nguyên liệu công nghiệp!) Một
nỗ lực vô vọng. Vì tình bạn phổ quát. Rồi Morel nhắm đến loài có vú lớn nhất
trên cạn, là voi.
*
* *
Đây là câu chuyện mang tính truyền thuyết về một
người được dân Phi bản xứ AEF vinh danh là “Ubaba Giva”, “Tổ tiên của voi” - một
người Pháp với cái họ Morel gây ấn tượng liên đới đến châu Phi Ả-rập Hồi giáo
(Moors). Với “đầy tinh thần Homère”, trên hết thì câu chuyện này đưa ra tầm
nhìn thế giới-nhân loại một câu hỏi lớn về cái gọi là những “tiến bộ lịch sử”:
con người “tiến bộ” về đâu với duy vật luận đang chiến thắng của mình? Mối mâu
thuẫn lớn mà tiểu thuyết này phơi lộ là mối mâu thuẫn giữa tính người và Tinh
thần con người; Tinh thần, như Hegel đã bảo - “Con người, bởi là Tinh thần, có
thể và phải coi mình xứng với tất cả những gì cao cả nhất.” (theo Alexandre
Kojève, Introduction to the Reading of
Hegel). Giờ đây thay vì Tinh thần người ta chỉ còn phải thỏa mãn “nhân
tính”. Song, rõ ràng có gì đó không ổn trong cách dùng phổ biến của khái niệm
này, chẳng hạn buộc tội quân Nazi như là những thứ “mất hết nhân tính”, mà nếu
thật tin cả vào lẽ đó thì chính là phạm phải cái tội Nazi đã phạm: coi người-khác
không xứng là người, coi “nhân tính” của mình là thuần tốt đẹp và có thể nhân
danh nó làm mọi thứ mình cần mình khao khát. Lời cảnh báo của Morel về sự kết
thúc cái “thời của lòng kiêu ngạo” có thể hiểu như cảnh báo về một sự lạm phát
của tính người mà sau cuộc thất bại của chủ nghĩa phát-xít đã lại tiếp tục biến
tướng và lan tràn hơn nữa. Sự lan tràn đó chưa bao giờ là xa lạ, chỉ có điều hầu
như người ta không bao giờ đủ thời độ để nhận ra những bản fake “tính người” bị
nhân danh và tự nhân danh trong đó. Hãy xem một trong những phác họa về nhóm hoạt
động chống săn voi của Morel, từ lời kể của Saint-Denis, viên chức người Pháp
trông coi một khu bảo tồn động vật ở AEF - nhân vật kể chuyện ở hàng thứ nhất,
người kể toàn bộ câu chuyện trong Rễ trời
cho nhân vật cha Tassin. (Những đoạn in đậm là do người viết bài này muốn nhấn
mạnh.)
…
Và lúc ấy tôi thấy thật rõ những gì nằm đằng sau
câu chuyện lừng danh về lũ voi này và những gì phủ lên sự ngây thơ của Morel. Một
người như Peer Qvist đến đó là do bị thúc đẩy bởi niềm đam mê của nhà tự nhiên
học, bởi tính ghét người nổi tiếng của ông ta, trên thực tế chỉ là một cơn giận
đầy độ lượng bị khơi lên trong lòng ông ta bởi các hành động chống lại tự nhiên, các thí nghiệm nguyên tử,
những trại lao động cưỡng bức, các chế độ toàn trị, sự mọi rợ phân biệt chủng tộc
và tất tật những điều nhơ bẩn khác đe dọa những gì là đẹp trên trái đất và có
nguy cơ làm cạn kiệt đến cả cội nguồn cuộc sống. Đằng sau, có
Waïtari, kẻ tin vào sự bùng nổ sắp tới của Thế chiến thứ ba và có ý định xuất
hiện, sau khi châu Âu sụp đổ, như người hùng đầu tiên của chủ nghĩa quốc gia
toàn châu Phi. Đằng sau họ có, hệt như mọi khi, trong bóng mọi lý tưởng thực sự con người, những tên kẻ cướp hoặc sát
nhân thuần túy, như một món bảo chứng cho thắng lợi trần thế. Đằng sau nữa là đám đông im lìm các tộc người da đen, cặp mắt
chăm chú, những tộc người da đen ấy không ở trong vụ việc, nhưng kết cục của họ
sắp điểm rồi, dẫu có chuyện gì xảy ra đi nữa. Đằng sau nữa, rất xa phía sau, và
có lẽ chỉ ở trong trái tim của Morel, là lũ voi. Nói tóm lại đó là một đội du
kích, một đội du kích đích thực: những người đầy ý chí tốt đẹp và sự bất lương,
một sự phẫn nộ đầy độ lượng và các toan tính khéo léo, lũ voi ở đường chân trời,
nhưng chung với đó là kết quả biện minh cho các phương tiện nữa. Một đội du kích, tôi xin nói với
cha, một nhúm nhân loại, một giấc mơ bao dung và toàn bộ sự thuần khiết cần có
để gây ra những vụ thảm sát lớn lao…
…
Hành xử phi lý tính, phán xét bất công, gây đau
khổ, … - những thứ như thế đâu có ở ngoài “tính người”. Cuộc tranh đấu bất đối
xứng, mang tầm vóc một ngụ ngôn, của nhân vật Morel để bảo vệ voi châu Phi, bảo
vệ Tự nhiên, ngày nay ta thấy hoàn toàn hợp lẽ như trong những sinh thái luận
hay sự trở thành biểu tượng của từ “Xanh”. Sáu mươi ba năm qua đi từ lúc tiểu
thuyết này được ấn hành và ta thấy một ý-thức-morel đã định hình một lịch sử.
Nhân vật Morel có một cảm thức chắc chắn về điều ấy và điềm tĩnh chấp nhận cái
thực tế phần lớn trong số những bạn đồng hành của anh ta không thể thoát khỏi cảnh
mâu thuẫn giữa “nhân tính” và Tinh thần, “trong
bóng mọi lý tưởng thực sự con người...” Tất cả vừa khớp với
khẳng định của Hegel rằng các ý thức (cũng “tư tưởng”) là cái tạo nên lịch sử;
nói khác đi, Tinh thần quyết định thực tại.
*
* *
Phần nhiều những nhân vật của câu chuyện này, ít
nhất theo những ấn tượng ban đầu, đều cho rằng nhân vật Morel là một kẻ mắc chứng
“ghét người”, một thứ tâm thần bệnh hay cực đoan nhân cách, khi nghe kể hoặc trực
tiếp gặp Morel đi vận động xin chữ ký vào bản kiến nghị bảo vệ voi của anh ta
vào cái thời đang trên ngưỡng cửa “Cách mạng công nghiệp thứ ba”, khi ảo tưởng
về sự vô tận của các nguồn tài nguyên thiên nhiên vẫn đang có vẻ hứa hẹn sẽ vô
tận, trong đó gồm cả ảo tưởng những đàn thú lớn của châu Phi cứ trời sinh cỏ ắt
sinh voi.
Bên ngoài văn bản, cho đến nhiều bình luận gần
đây, cái “chứng ghét người” đó vẫn được lặp lại như một giải thích khả dĩ về động
cơ của nhân vật chính. Có vẻ chẳng ai muốn hay đủ sức tin rằng có một người, dẫu
là hư cấu hay không hư cấu, sẵn sàng trả giá bằng sinh mạng mình để bảo vệ những
con voi và những đàn voi châu Phi. Nhưng Morel, cắp khẩu cạc bin và chiếc cặp
da cũ căng phồng văn bản với các chứng từ về việc bảo vệ voi, biết rõ cái thành
kiến kia và cười nhạt.
…
Điều mà anh bảo vệ là một khoảng lề con người, một
thế giới, bất kỳ thế giới nào, nhưng ở đó phải có chỗ cho một tự do vụng về đến
thế, cồng kềnh đến thế. Sự tiến triển của đất đai canh tác, điện khí hóa, làm
đường và xây dựng thành phố, sự biến mất của các quang cảnh xưa cũ trước một
công trình kỳ vĩ và gấp gáp, nhưng tuy nhiên vẫn phải có tính chất con người để
người ta có thể đòi những kẻ lao về phía trước như vậy dẫu sao vẫn phải bận trí
về tất tật những con thú khổng lồ hậu đậu kia, dường như chẳng hề còn chỗ cho
chúng trong cái thế giới đang ló dạng… / … Anh bảo vệ một phần lề nơi những thứ
chẳng hề có lợi ích hữu dụng lẫn sự hiệu quả hữu hình, nhưng tồn tại trong tâm
hồn con người như một nhu cầu bất khả diệt trừ, có thể trú ngụ. …/… việc bảo vệ
cho một khoảng lề con người đủ rộng và đủ độ lượng để có thể chứa được cả những
con thú da dày khổng lồ có thể là lý tưởng duy nhất xứng đáng với một nền văn
minh dẫu cho các hệ thống, học thuyết hay ý luận mà người ta tự tuyên xưng có
là gì đi nữa.
…
Morel vừa trải qua mấy trại tập trung của chế độ Quốc xã, trải qua cảnh
điêu tàn của cả một nền văn minh - có thể nói vậy - anh ta đã kinh qua những xù
xì tăm tối của cái gọi là “tính người” và song không nuôi lòng thù hận - như
anh ta nói với Minna, cô gái dân Berlin ở quán Người Tchad rằng “tôi chẳng có
gì chống lại người Đức nói riêng”. Tức là anh ta chẳng thù ghét gì tính người
nói chung. Vậy nên cái đòi hỏi của anh ta về “một khoảng lề con người” nên được
nhìn nhận theo một viễn tượng khác một kích thước khác, khác một cách gây sửng
sốt như chính ý niệm về “một khoảng lề con người”. Đó là một cái nhìn tiên tri.
Cái “khoảng lề” đó thật sự là một ý siêu hình. Nhưng “tính người” cũng sẵn sàng ở chỗ siêu hình, mà
người ta chẳng mấy ngại ngần khi đưa nó vào các nguồn cơn cụ thể của cả thiện lẫn
ác, tựa như nó là một thứ hiển nhiên đong đếm được. Vậy nên “một khoảng lề con
người” hoàn toàn không phải một ẩn dụ; cũng không chỉ đơn thuần gồm một hai ba
khu vực bảo tồn sẽ có thể mau chóng biến thành các “safari”.
Morel nhận ra, trong những năm bị đày đọa qua các
trại lao động khổ sai và trại tập trung Quốc xã, thứ ham muốn ở mọi thế lực
chuyên chế-toàn trị: ham muốn thực hành việc diệt chủng đối với Tinh thần. Kỷ
niệm của anh ta về “lũ bọ da” ghi khắc điều đó vào tương lai.
…
Đột nhiên, Morel cảm thấy có cái gì đó va vào má
và rơi xuống chân anh; anh thận trọng nhìn xuống, cố không mất thăng bằng: đó
là một con bọ da.
Nó bị ngã ngửa ra và huơ huơ mấy cái cẳng: nó cố
xoay người lại nhưng vô vọng. Morel dừng lại, nhìn chăm chăm con côn trùng dưới
chân. Vào thời điểm ấy, anh đã ở trại được một năm và, từ ba tuần, anh phải bụng
đói vác các bao xi măng tám tiếng mỗi ngày.
Nhưng ở đây có một điều gì đó mà anh không thể để
cho thoát đi mất. Anh khuỵu gối xuống, mấy cái bao chông chênh trên vai, và
dùng ngón tay trỏ hất con côn trùng lộn ngược lại.
Anh còn làm việc đó thêm hai lần trong chuyến đi.
Người bước trước anh, nhà xuất bản Revel, là người đầu tiên hiểu ra. Ông gầm gừ
tỏ vẻ tán thánh và ngay lập tức giúp một con bọ da bị ngã ngửa. Rồi đến lượt
Rotstein, dương cầm thủ, gầy guộc đến mức người ta có thể nói rằng cơ thể anh
tìm cách bắt chước vẻ thanh mảnh của những ngón tay anh. Kể từ giây phút ấy, gần
như tất cả “tù chính trị” đều giúp lũ bọ da, trong khi cánh “tù thường phạm” chửi
rủa đi qua bên cạnh. Trong khoảng hai mươi phút nghỉ mà họ có được, không có lấy
một tù chính trị chịu khuất phục cơn kiệt sức. Thế nhưng đó là thời điểm theo lệ
thường họ gieo mình xuống đất và nằm im đó, không động đậy, cho đến khi tiếng
còi khác vang lên. Nhưng lần này, như thể họ đã tìm được những nguồn sức lực mới.
Họ đi quanh quẩn, ánh mắt găm xuống đất, để tìm bọ da mà cứu. Chuyện không kéo
dài. Chỉ cần viên trung sĩ Grüber tới nơi. Đó không phải là một kẻ thô lậu giản
đơn, hắn ta. Hắn có học. Trước chiến tranh, hắn từng là thầy giáo ở
Schleswig-Holstein. Chỉ cần đúng một giây, hắn đã hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Hắn đã nhận ra kẻ thù. Đang có một biểu hiện thật bê bối, một tuyên xưng lòng
tin, một lời tuyên bố về phẩm giá, không thể chấp nhận được nơi những kẻ đã bị
thu nhỏ thành con số không. Đúng, hắn đã chỉ cần đúng một giây để nhận định là
đã nắm được toàn bộ sự nghiêm trọng của lời thách thức tung vào mặt những người
xây dựng thế giới mới.
…
Chuyện như thế, sẽ không thể nói viên trung sĩ
“có học”, tay cai ngục nguyên là thầy giáo kia không có “tính người”; vì nếu
không có cái đồng bản tính người, y sẽ không thể hiểu được các đồng loại đang
chịu khổ sai dưới trướng kia, nữa là còn hiểu ngay lập tức ý nghĩa tinh tế
trong cái việc họ làm mà nhìn qua tưởng như một trò giải khuây kiểu trẻ con. Những
kẻ đắm mình vào một ideology như viên trung sĩ này huân tập và nuôi dưỡng một
lòng thù đối với Tinh thần nơi bất kỳ một đồng loại nào do đối nghịch với tập
đoàn ideology của y mà “đã bị thu nhỏ thành con số không”. Chẳng khác gì một
nhà kiểm duyệt tinh thông và sắt đá, tay nhà giáo-cai ngục này nhìn ra lập tức
cái ẩn dụ văn chương của thể động tái lập vị thế cân bằng của các tù nhân khi họ
giúp những con bọ da đứng dậy; mà văn chương tức là một trong các bộ mặt hiển
nhiên của Tinh thần.
Những kẻ đắm mình vào một thực thể toàn trị luôn
bị thôi thúc đi tiêu diệt sự đối nghịch, bởi cái khao khát quyền lực thượng
vàng hạ cám chính là một ảo tưởng về một thứ cân bằng “nhất biên đảo” chỉ
nghiêng hết về mình. Thật không may, độc tài hay chuyên chế hay toàn trị chỉ là
những biểu hiện cực đoan của cái khuynh hướng muốn loại trừ các đối nghịch, các
trở ngại đối với dục vọng được làm chủ tuyệt đối mọi nguồn lợi ích. Khuynh hướng
này, khởi đi từ ý thức, định hình cho các thực tại người, đưa đến sự lạm phát của
“tính người” - cái tình trạng mà nhân vật Saint-Denis đã nói rõ khi nói về dự đồ
của nhân vật Waïtari, một cựu nghị sĩ Pháp, đại biểu thuộc Châu Phi Xích đạo
(AEF), tham gia nhóm của Morel nhằm lợi dụng mở con đường đến quyền lực cho
mình:
…
Tôi muốn thoát khỏi tất tật những gì mà anh đã học
được rất xuất sắc từ chúng tôi và rồi một ngày nào đó anh sẽ dùng sức để in thật
sâu vào tâm hồn châu Phi - để làm được điều đó, sẽ cần đến một sự áp bức và một
sự tàn nhẫn mà nếu đặt bên cạnh chủ nghĩa thực dân sẽ chỉ là một thứ nước thơm
hoa hồng và chỉ một mình Stalin mới biết cách thiết lập, nhưng tôi tin tưởng
anh ở phương diện này: anh sẽ cố hết sức để làm. Bằng cách ấy anh sẽ giúp
phương Tây hoàn thành cuộc chinh phục châu Phi sau rốt. Chính các tư tưởng của
chúng tôi, những điều mê tín của chúng tôi, các cấm kỵ của chúng tôi, những tín
ngưỡng, định kiến của chúng tôi, con virus quốc gia chủ nghĩa của chúng tôi, những
thứ chất độc của chúng tôi là những gì anh muốn tiêm vào dòng máu châu Phi…
Chúng tôi từng luôn luôn lùi bước trước việc thực hiện - nhưng anh sẽ làm việc
này hộ chúng tôi.
…
Và sự lạm phát đó, qua hình dung đầy hùng biện của
Waïtari thì với đa số chúng ta ngày nay không cần phải cước chú nữa.
…
- Vấn đề là phải giật
châu Phi ra khỏi tình trạng cổ lỗ của nó, Waïtari nói, và chỉ bản thân người
châu Phi mới
có quyền đòi dân
mình một nỗ lực như thế cùng hàng triệu mạng người trả cho nó. Giật châu Phi khỏi đêm trường bộ lạc, điều đó đòi hỏi sự cương quyết
mà năng lượng nguyên tử sẽ không mang lại được - và sự cương quyết ấy, các cậu
không thể có nó trong danh dự đâu… Thế nên, với các cậu, sẽ là sự trì trệ. Lấy
cái cớ là tôn trọng tập quán, thói quen, mạng người… Nhưng đó là sự trì trệ.
Trong khi nếu mà để cho tôi tự làm…
Hắn chìa đôi bàn
tay hùng mạnh của mình ra…
- Thì các cậu sẽ thấy
tất tật quay tít, phong tục tập quán, thầy phù thủy, trống tam-tam và phụ nữ da
đen với cặp môi to tướng… Tôi sẽ bắt họ phải làm đường, đào hầm mỏ, xây nhà máy
và đập nước. Tôi có thể. Bởi vì bản thân tôi là một người châu Phi, tôi biết cần
phải làm gì, và tôi biết cái giá của việc đó. Cái giá này, tôi sẵn sàng trả. Họ
đã trả nó ở bên Nga. Và thử nhìn họ ngày hôm nay đi…
…
Sự lạm phát đó, với
trò mị dân kinh điển, có những lối lập luận không thể coi thường.
…
… nhu cầu về thịt -
cái nhu cầu thịt cổ xưa của người châu Phi và của con người nói chung. Đó là một
nhu cầu sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn nhu cầu đối với một cấu trúc quốc gia. Hồi còn
trẻ, hắn vẫn hay nhìn thấy một con thú bị hạ và bị ngốn ngấu tại chỗ bởi dân
làng, những người háu ăn nhất xơi đến mười livre thịt mỗi lần. Từ Tchad đến
Cap, sự háu đói của người châu Phi đối với thịt, vĩnh viễn được nuôi dưỡng bởi
các nạn đói, là thứ mà châu lục này có ở mức độ chung mạnh nhất và đoàn kết nhất.
Đó là một giấc mơ, một niềm hoài nhớ, một khát khao vào mọi lúc - một tiếng kêu
sinh lý của nội tạng mạnh hơn bản năng tình dục. Thịt! Đó là khát khao xưa nhất,
có thực nhất, và phổ biến nhất của nhân loại. …/ … Với người da trắng, trong suốt
một thời gian dài voi chỉ là ngà, còn với người da đen, nó chỉ duy nhất là thịt,
lượng thịt dồi dào nhất mà một cú phóng lao tẩm độc may mắn có thể mang lại cho
anh ta. Ý tưởng về “vẻ đẹp” của voi, về “sự cao quý” của voi, đó là một khái niệm
của người đầy đủ, của con người hay lai vãng quán ăn, của hai bữa mỗi ngày và
các bảo tàng trưng bày nghệ thuật trừu tượng - một viễn tượng của tinh thần sặc
mùi tinh hoa, nó ẩn trốn, trước các thực tại xã hội xấu xa mà nó không có khả
năng đối mặt, vào trong những đám mây cao vợi của cái đẹp, và ngây ngất với những
khái niệm hoàng hôn và mơ hồ của “đẹp”, của “cao quý”, của “huynh đệ”, chỉ đơn
giản là vì thái độ thuần túy thi ca là thứ duy nhất mà lịch sử cho phép anh ta
có được. Đám trí thức tư sản đòi hỏi xã hội suy đồi của họ phải gánh thêm cả lũ
voi nữa, chỉ với nguyên do duy nhất là bọn họ hy vọng bằng cách đó bản thân bọn
họ thoát được khỏi sự hủy diệt. …/ … Đúng, thật là quá tiện: nhân danh tiến bộ,
người ta đòi cấm săn voi và sau đó người ta dịu dàng chiêm ngưỡng chúng nơi đường
chân trời, lương tâm nhẹ nhõm vì bằng cách ấy đã trả lại cho mỗi con người phẩm
giá của anh ta. Người ta chạy trốn hành động nhưng lại lẩn vào trong cử chỉ. Đó
là thái độ cổ điển của người lý tưởng chủ nghĩa phương Tây và Morel là một ví dụ
hoàn hảo cho điều đó. Nhưng với người châu Phi, voi chẳng có vẻ đẹp nào khác
ngoài trọng lượng thịt của nó và, về phần phẩm giá con người, trước hết đó là
phẩm giá của một cái bụng no. Dẫu có thế nào thì chính là từ đó mà nó bắt đầu.
Khi người châu Phi đã được no bụng, có lẽ anh ta cũng sẽ quan tâm đến phương diện
thẩm mỹ của voi, và lao vào một cuộc trầm tư dễ chịu về các vẻ đẹp của tự nhiên
nói chung. Còn lúc này, tự nhiên khuyên anh ta phanh bụng voi ra, cắn ngập răng
mình vào đó, và ăn, ăn cho đến ọe ra, bởi vì anh ta không biết miếng tiếp theo
sẽ từ đâu đến. Nhưng ở đó vấn đề nằm nơi những gì không thể nói công khai ra được.
Lúc này, bản thân chủ nghĩa Marx cũng là một trò xa xỉ khó nhọc.
…
Lối ngụy biện như thế, dùng miếng ăn và cái đói/nạn
đói làm thứ đánh tráo cho “phẩm giá”, dùng giả định “một cái bụng no” để quyết
“hy sinh” hàng triệu mạng người và, cũng Waïtari nói, sẵn sàng hy sinh tất cả
voi châu Phi vì một “nền độc lập châu Phi”, là một lối ngụy biện điên đảo về
nhân quả: dùng sinh mạng để làm no “cái bụng”. Hẳn nên thấy là kỳ lạ khi Morel
nhận ra mối nguy của những đợt lạm-phát-tính-người sánh ngang vụ lạm phát
1922-1923 của đồng Mark, những đợt lạm phát đúng nghĩa khiến cho “tính người” mất
giá còn nhanh hơn tiền giấy, sẽ dẫn chắc chắn đến sự diệt chủng về Tinh thần,
tiêu diệt sự đối nghịch cân bằng.
Cho nên anh ta dứt khoát yêu cầu “một khoảng lề
con người” nơi dành cho những thứ “tồn tại trong tâm hồn con người”. Cái “khoảng
lề” đó, nơi Morel nói dành chỗ cho cái tự do nguyên ủy của Tự nhiên, chính là
Tinh thần vậy!
*
* *
Giọng điệu lý tưởng tính của nhân vật Morel bao
quát toàn bộ câu chuyện này, làm thành đối lập và phủ định đối với cái gọi là
tiến bộ lịch sử của các trào lưu duy vật luận khi ấy. Và bản thân sự đối lập đã
xác định tầm vóc cuộc phiêu lưu “đầy tinh thần Homère”.
Nhắc đến “tinh thần Homère”, nó dự phóng một nền
giáo dục khác mang tính toàn cầu mà tương lai sẽ thức nhận.
Một nền giáo dục theo ý nghĩa cội rễ của khái niệm
đó, tức một nền văn minh do Tinh thần kiến tạo. Đó là cái nền tảng mà nhân vật
Morel gọi là “trải qua giáo dục con người”. Nhưng con đường ấy, hết lần này lần
khác, là “Con đường sấm sét” mà Morel tiếp tục tiên tri:
…
Ba cái thằng tay mơ đó chưa đạt đến mức muốn hy
sinh mạng sống nếu cần để bảo vệ tự nhiên là vì chúng còn chưa chịu đủ đau đớn.
Rồi ra, tôi sẽ tin rằng chủ nghĩa thực dân đối với chúng còn chưa phải là một
trường học đủ khắc nghiệt, rằng nó còn chưa dạy được gì cho chúng về phương diện
này, rằng chủ nghĩa thực dân Pháp xét cho cùng đã đối xử với tự nhiên với không
ít lòng tôn trọng. Chúng còn phải học thêm nhiều lắm và dân tộc Pháp không dạy
loại bài học này. Những người thuộc dòng giống của chúng sẽ lo việc đó thôi. Rồi
một ngày chúng sẽ có Stalin của chúng, Hitler của chúng và Napoléon của chúng,
các Führer và Duce của chúng, và đến ngày ấy, chính máu của chúng sẽ hét lên
trong các đường mạch đòi phải tôn trọng cuộc sống - cái ngày ấy, chúng sẽ hiểu.
…
*
* *
Trong tiểu thuyết này có rất nhiều những ý thức
khác nhau được trình hiện, giúp biểu đạt tích cực cái tư tưởng về “tình bạn” phổ
quát, với đầy đủ những thiếu sót và lầm lạc trần tục của cái “tình” ấy. Nhưng
tham chiếu quan trọng cho ý-thức-morel là các nhân vật Công giáo xuất sắc và sự
hiện diện ở mức nền tảng-dân chúng của Hồi giáo - tạm không nhắc đến phương diện
chính trị thời buổi của cái tôn giáo hùng mạnh miền sa mạc này. Tham chiếu nổi
bật nhất về Hồi giáo lại đến từ miệng nhân vật Peer Qvist nhà tự nhiên học người
Đan Mạch.
…
Và Peer Qvist, ngoảnh đầu về phía cửa sổ mở, kêu
lên, với một lóe sáng đột nhiên trong ánh mắt ảm đạm:
- Đạo Hồi gọi đó là “rễ trời”, với người Anh
điêng bên Mexico, đó là “cây đời”, khiến họ quỳ gối xuống, ngước mắt lên, tay đấm
ngực trong nỗi dằn vặt. Một nhu cầu về sự bảo vệ mà những người bướng bỉnh như
Morel tìm cách thoát ra bằng các bản kiến nghị, các hội đồng đấu tranh và các
công đoàn bảo vệ - họ tìm cách xoay xở với nhau, tự hồi đáp nhu cầu công lý, tự
do, tình yêu của họ - rễ trời ấy cắm rất sâu vào trong ngực họ…/ … Và Peer
Qvist, ngồi đó, lưng thật thẳng, trước tách trà bốc khói nghi ngút, sau khi bị
bắt, với khuôn mặt trên đó bản thân các nếp nhăn, vì vẻ cứng rắn của chúng, gợi
lên sức mạnh nhiều hơn là tuổi tác:
- Tôi là một nhà tự nhiên học già nua. Tôi bảo vệ
mọi thứ rễ mà Chúa đã cắm xuống mặt đất và cả những rễ mà Người đã gieo vĩnh viễn
vào tâm hồn con người… /
… ông nhìn thấy lại Biển Bắc với những con cá voi
được cứu thoát có lẽ bởi vì một hôm ông đã phá tan trụ sở nghiệp đoàn thợ săn
cá voi, cái nhăn mặt của con gấu nhỏ Koala đến tựa vào tay ông để ngủ như tựa
vào một cành cây, và khuôn mặt của Fridtjof Nansen, không chỉ là một nhà thám
hiểm Cực Bắc vĩ đại, mà còn là một người mang một tình yêu sâu đậm với mọi loại
rễ sống mà một sức mạnh có quyền năng tột đỉnh từng cấy xuống đất và một số đã
chui vĩnh viễn vào trái tim con người; cả ông nữa, cũng như Morel, từng bảo vệ
khoảng lề của con người ấy, mà cả đời mình ông đã tranh đoạt với các chính phủ,
các hệ thống chính trị, các chế độ toàn trị; …/
… ông ấy đã đến thăm ông ở trong tù, và buồn bã
nói: “Peer thân mến, người ta cứ bảo là anh ghét người, nhưng anh trẻ hơn tôi,
và anh sẽ sống đủ lâu, rồi đến một ngày anh sẽ phải đứng lên bảo vệ một loài khác mỗi lúc một thêm bị đe dọa -
loài chúng ta…
…
*
* *
Sinh nhật của một người
Romain Gary: một lần nữa
Trăm năm là ngắn
Trăm năm
Sắp xếp cuộc đời
Tự đặt tên cho mình
Đến là phải nghĩ rằng NN giờ chỉ còn in được sách dở (và xấu)
ReplyDeletehinh nhu ba me RG la Nina
ReplyDeletehình như có hai nguồn thông tin: theo một đằng là "Nina", còn theo đằng kia là "Mina"
ReplyDeletevừa thấy trên INA hình như có video RG nói đến mẹ, để lúc nào rảnh nghe thử xem chính RG nói thì sẽ là N hay M
https://books.google.com.vn/books?id=ARuZ1-tsZr8C&pg=PA51&lpg=PA51&dq=romain+gary%27s+mother+mina+nina&source=bl&ots=IUU21e7vjM&sig=ACfU3U21efOTjJkIm8JWUhqAxJwyNELmqQ&hl=vi&sa=X&ved=2ahUKEwiUkrnpqo_kAhXQfXAKHbKEDccQ6AEwDnoECAkQAQ#v=onepage&q=romain%20gary's%20mother%20mina%20nina&f=false
Deletethanks a lot :)
Deletea hinh nhu :) ong bo RG la ong dien vien nguoi Nga co xuat hien trong Loi hua..., khong nho ro ten, chi nho ong y co doi mat giong RG y het
ReplyDeletevậy là Mina thật
ReplyDeletegiờ mới nhớ, trước tôi được hứa tặng quyển tiểu sử RM của Myriam Anissimov nhưng mãi không thấy đâu, giá kể có nó thì mấy chi tiết kiểu này kiểm tra được trong vòng vài giây
nhân vừa nhớ ra INA: đây là phim quay Linda Lê cách đây vài chục năm, cụ thể là 1992:
https://www.ina.fr/video/LXD09006069
Your post is great! I checked out your blog quite regularly,
ReplyDeleteand you're always coming up with some decent staff. I shared this blog post on my Facebook, and my followers liked it.
Have a nice day. Cheers.
Trong buổi nói chuyện trước đông người về cuốn sách, những người ngồi trên nhắc mãi về Chiến tranh thế giới lần thứ nhứt.
ReplyDeleteChắc là đọc text bìa với thông cáo báo chí rồi đi làm diễn giả
ReplyDeleteNhững người khác thế nào tôi không biết, nhưng diễn giả chính hôm ấy không phải là người như vậy, đừng tiện miệng nói bừa.
DeleteVậy nhờ nữ sĩ biết diễn giả chính thì hỏi giúp xem như thế nào. Ở đây chắc có nhiều người tò mò chuyện này, tôi là một ví dụ.
Deletehôm đó, tại buổi toạ đàm về Rễ trời tổ chức tại thư viện của L'Espace (ngày 20 tháng Tám nếu tôi không nhầm) người ta nói đã mời tôi nhưng tôi từ chối
ReplyDeleteđó là nói dối: tôi không nhận được tin tức từ bất cứ phía nào, thậm chí tôi còn chẳng biết có một cuộc toạ đàm như vậy
Chứng tỏ vẫn nhiều hấp dẫn, không mấy ai cưỡng lại cái cám dỗ muốn nói đến (dù đúng dù sai).
ReplyDeleteVậy theo bạn P, hiện nay cơ sở xuất bản nào in nhiều sách tốt và đẹp nhất? Vì có vẻ bạn có khả năng đánh giá trong lĩnh vực này, và chắc bạn cũng ko bán sách của Nhã Nam nhỉ.
ReplyDeletebạn có đồng ý ghi tên không? M. hoặc O. đều ok
ReplyDeleteLẽ ra bạn phải hỏi là sách hay và đẹp, chứ tốt và đẹp chắc không ai đáp ứng được sự tò mò thuần túy của bạn cả
ReplyDeleteCơ bản thì NN pre-2012 rất là oách, hay như loạt sách của Simenon in ngày trước cũng hot, mới đây người ta còn mua cả lô đem biếu con trai Simenon
về chuyện các diễn giả hôm 20 tháng Tám vừa rồi tại Institut fr 24 Tràng Tiền HN tức là trên đất trước đây cơ sở in của Schneider, Đặng Thái Hà đã đọc Rễ trời từ trước đó lâu, và không chỉ một lần
ReplyDeletetại sao lại có vụ Thế chiến thứ nhất thì chịu
Thế càng nên hỏi giúp.
Delete