Làm nhà văn ở Pháp không dễ. Nhất là nhà văn trẻ lớn lên trong sự thống trị của Tiểu thuyết mới và trong bầu không khí xã hội tiêu dùng cùng ảnh hưởng rõ rệt của “lối sống Mỹ”. Thế nhưng một thế hệ mới của những người sinh trong những năm 1960 và 1970 đang đưa văn chương Pháp khỏi cái vòng nhỏ hẹp hay được gọi là “quẩn quanh lỗ rốn” của những tự thuật tràn ngập bản thân, dù là cái bản thân bị yêu thái quá hay được hưởng sự phân tích đầy căm ghét cũng thái quá.
Năm nay, Claro (sinh năm 1962) xuất bản cuốn tiểu thuyết CosmoZ được tờ Le Matricule des anges đánh giá là “một trong những cuốn sách gây choáng váng nhất trong những năm gần đây, sản phẩm của cả một cuộc đời cống hiến cho văn chương”. Claro đã viết rất nhiều sách, dịch còn nhiều hơn. Người ta chưa thể quên Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell (sinh năm 1967) in năm 2006 đã lôi cả thế giới vào một cuộc tranh luận lớn về lịch sử Đức Quốc xã. Một nhân vật trẻ tuổi hơn Claro và Littell cũng đã góp phần to lớn đưa văn chương Pháp trở lại quỹ đạo của những tác phẩm tầm vóc là Mathias Enard (sinh năm 1972).
2008 là năm xuất hiện cuốn tiểu thuyết kỳ lạ của Enard được giới phê bình Pháp đón chào nồng nhiệt: Zone, chỉ gồm một câu văn duy nhất dài hơn 500 trang, với đề tài chiến tranh (giải thưởng Tháng Chạp 2008 và giải thưởng Inter 2009). Những kẻ thiện tâm và Zone thể hiện tham vọng rất lớn của các nhà văn trẻ có một tiểu sử khá gần nhau như Littell và Enard: Littell từng có chín năm đi các điểm nóng trên thế giới trong các chương trình nhân đạo, còn Enard là chuyên gia tiếng Arập, nhiều năm sống ở Trung Đông. Tiểu thuyết của Littell thì học theo cấu trúc âm nhạc của Bach, còn tác phẩm của Enard lại là các “khúc ca” mô phỏng Iliade của Homère.
Giống như Jonathan Littell, Mathias Enard hiện sống ở Barcelona. Sau trường giang tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm, Littell trình làng toàn tác phẩm rất ngắn, trong đó có Le Sec et l’Humide (Khô và ẩm) về nhân vật Léon Degrelle từng xuất hiện trong Những kẻ thiện tâm, En pièces (Thành nhiều mảnh) và sắp cho in một cuốn tiểu luận về tác phẩm hội họa của Francis Bacon. Gần như đi theo bước Littell, tác phẩm mới nhất của Enard cũng ngắn hơn hẳn tiểu thuyết đầu tay: Parle-leur de batailles, de rois et d’éléphants (Hãy nói cho họ về những trận đánh, các ông vua và lũ voi, Actes Sud, 2010) chỉ dày quãng 150 trang khổ nhỏ. Sau khi có những câu và đoạn rất dài trong Những kẻ thiện tâm, câu văn của Littell ngắn hẳn lại, còn ở trường hợp Enard, đã bỏ lại sau lưng “câu văn bất hủ” dài 500 trang, Hãy nói… chủ yếu gồm những câu văn ngắn và thường xuyên giản dị hết mức (mặc dù nhan đề đặc biệt dài). Có vẻ như đã thoải mái hơn hẳn sau khi cho ra đời được những biệt lệ về hình thức, sau những cơn sáng tạo có phần cuồng loạn và vô cùng tập trung, các nhà văn trẻ mặc sức thử nghiệm những gì mới mẻ với chính họ, trong khi chuẩn bị cho những cuộc sáng tạo lớn mới.
Hãy nói… cũng có một đề tài không ít tham vọng: lịch sử thời Phục hưng nhìn từ một góc độ khác, qua một con người cụ thể. Nhưng con người ấy không phải là bất kỳ ai, bởi đó chính là Michelangelo thiên tài ở thời điểm vừa ngoài ba mươi tuổi (và đã có bức tượng David lừng danh), bất bình với sự keo kiệt của Giáo hoàng Jules II. Vừa đúng thời điểm nhận được lời mời của vị sultan Thổ Nhĩ Kỳ Bajazet II, Michelangelo quyết định bỏ sang phương Đông. Sultan muốn mời Michelangelo sang để vẽ và tổ chức xây dựng một cây cầu; trước đó vị chúa này đã từ chối các bản vẽ của Leonardo da Vinci. Ở Constantinople (tháng Năm 1506), Michelangelo chỉ lo vẽ ngựa và vẽ voi, cũng như ngập ngừng tham gia cuộc sống nơi đây, những thú vui xác thịt cũng như phong cảnh lạ lùng.
Hãy nói… là một điều bất ngờ trong mùa tiểu thuyết năm vừa rồi tại Pháp. Nó đã nhận được giải Goncourt hạng mục do học sinh trung học bầu chọn. Cuốn tiểu thuyết được khen ngợi vì một câu chuyện lịch sử nuột nà, hấp dẫn và cái nhìn tinh tế. Nó cũng không ngần ngại đưa ra một phiên bản tâm hồn không mấy tốt đẹp về những con người bất tử: Michelangelo không chỉ chất chứa thù hận vì cách đối xử của Jules II mà còn nuôi dưỡng cái nhìn không đẹp đẽ về những người bất tử khác cùng thời, với Michelangelo của Mathias Enard, da Vinci là một lão già không hiểu giá trị của điêu khắc, “Bramante tay kiến trúc sư chỉ là một thằng đần và Raphaël tay họa sĩ là một kẻ cao ngạo”. Những góc khuất của nội tâm này, chỉ văn chương mới đủ khả năng soi rọi được.
No comments:
Post a Comment