Naoko không có bí mật
Với những ai đã đọc “Phía sau nghi can X”, cuốn tiểu thuyết của Higashino Keigo mới được xuất bản tại Việt Nam (“Bí mật của Naoko”, Uyên Thiểm-Trương Thùy Lan dịch, Nhã Nam & NXB Thời đại) giữ người đọc trong một sự chờ đợi đầy lo âu từ đầu tới cuối rằng nhất định sẽ có một biến nào đó vô cùng bi thảm xảy đến ở trang tiếp theo. Nhưng sự bi thảm mà câu chuyện về Naoko mang lại còn lớn hơn những chi tiết bi thảm cụ thể, vì toàn bộ “Bí mật của Naoko” là hiện thân của sự bi thảm.
Không phải vì cuốn tiểu thuyết mở ra bằng một sự kiện bi thảm: Hirasuke, một công nhân học vấn bình thường thích xem vật sumo và bóng chày trên tivi một hôm về nhà mở tivi lên và thấy vợ con mình thuộc danh sách nạn nhân của một vụ tai nạn xe buýt đường dài. Một trong hai người đã chết trong vòng tay Hirasuke, nhưng người còn lại thì Hirasuke không bao giờ biết chắc được rằng đó là Naoko vợ anh hay Monami đứa con gái chừng mười tuổi sắp học hết cấp I.
Sự bi thảm cũng không bắt nguồn từ chấn thương hậu thảm họa, những khó khăn về tâm lý phải vượt qua. Lại càng không phải những hành động thái quá, tội phạm xuất phát từ một tình trạng chông chênh về căn cước cá nhân và các chứng bệnh tâm thần như thủ pháp thường thấy của những nhà văn dám dấn thân vào con đường trinh thám và kinh dị.
Hirasuke sẽ vẫn đi làm, được thăng chức lên quản đốc, nói chuyện với bạn đồng nghiệp, tham gia cuộc đấu tranh đòi bồi thường từ hãng vận tải, đôi khi thèm muốn tình dục, từng mua tạp chí tươi mát về xem, đặt chân tới nhà thổ và rất để ý tới Hishamoto cô giáo chủ nhiệm lớp học của con gái. Cô con gái thì vẫn lớn lên bình thường. Nhưng cũng chính vì vậy mà Higashino Keigo làm đảo lộn mọi trông chờ của người đọc - một độc giả chân chính của tiểu thuyết trinh thám không bao giờ thụ động để cho tác giả dẫn dắt mà thường trực đoán trước, nhiệt tình tham gia một cuộc đua trí óc, để thoải mái mà sung sướng khi đoán trước được kết cục.
Nhưng, cũng như “Phía sau nghi can X”, “Bí mật của Naoko” lại một lần nữa thể hiện tài nghệ bậc thầy của Higashino Keigo: ông cho thấy là ngay từ đầu đã biết người ta chờ đợi và đoán định những gì để mà từng chút một làm phá sản những toan tính được vượt trội từ phía độc giả. Trong trận đấu sumo mang tên “Bí mật của Naoko”, thêm một lần nữa, người bước ra khỏi vòng tròn trong tư thế chiến thắng vẫn là tác giả.
Thế nhưng Higashino Keigo lại làm được điều này với một thủ pháp hết sức kỳ cục mà không mấy ai nghĩ là thích hợp với thể loại trinh thám, kinh dị: ở “Phía sau nghi can X” ta đã thấy rất rõ khả năng giữ chất “đạm” xuyên suốt cuốn truyện, từ những cuốc dạo bộ nhàm chán của thiên tài toán học cho tới những cuộc trò chuyện loanh quanh giữa các nhân vật, cùng vô số chào hỏi, cúi đầu chậm rãi. Tính chất Nhật Bản này càng hiện rõ hơn ở “Bí mật của Naoko”, nhất là khi nó đi sâu vào cuộc sống của những người công nhân nghèo và của những học sinh nhỏ tuổi. Không cần thay đổi nhịp điệu một chút nào từ đầu đến cuối, “Bí mật của Naoko” vẫn cứ làm người đọc thấy ngộp thở. Sự bi thảm của cuốn tiểu thuyết, một cách thật nghịch lý, xuất phát chính từ chỗ tác giả kiên quyết từ chối rơi vào cuộc chơi của sự bi thảm. Còn trong cuộc chơi của ngôn từ và ý tưởng, rõ ràng Higashino Keigo đã giành phần thắng, khi mà chỉ cần dùng tới rất ít chiêu thức mà vẫn đạt tới được một kết quả khó ngờ. Điều quan trọng có lẽ nằm ở “nội công Nhật Bản”, giống như những bộ phim không thể đơn giản hơn của Ozu trước đây.
Không che giấu một điều gì kể từ đầu truyện, không tạo ra bí mật nào, có cảm giác như nhiều khi Higashino Keigo còn để mặc cho tiến trình các sự kiện cứ thế xảy ra, không dụng công sắp xếp, thậm chí một số nhân vật đầy tiềm năng gây bùng nổ lại biến mất hoàn toàn, không một dấu vết, thế nhưng chắc chắn “Bí mật của Naoko”, bằng toàn bộ sự thanh đạm của nó, sẽ làm người đọc cảm thấy bất ổn lâu hơn rất nhiều những tiểu thuyết trinh thám bắn đến cả tấn thuốc nổ hay có một tên giết người hàng loạt sẵn sàng phanh thây đến cả một con mèo lỡ rơi vào tay hắn.
Nhị Linh
Em hi vọng là nhờ anh mà cuốn này bán tốt hơn chút ít. Bởi vì cái bìa thậm xấu, thậm xấu tới mức chính em cũng chả buồn nhấc nó lên mà đọc nữa. :(
ReplyDeletethế à, anh còn chưa kịp nhìn cái bìa nữa í
ReplyDelete"người đọc cảm thấy bất ổn lâu hơn rất nhiều" vì không hiểu gì chăng? :D
ReplyDeleteNghe cậu kể mà đã háo hức muốn xem phim, vì mình không biết đọc.
Em thấy có tới 2 bộ phim dựa trên truyện này. Mỗi phim lại có cái kết khác nhau và khác truyện. Em thì em vẫn ưng kết thúc trong truyện nhiều hơn. :)
ReplyDelete