Jun 13, 2011

Semprun

Mới hôm trước lần mần lọ mọ lôi lại quyển Le grand voyage, một trong những tác phẩm đầu tiên của Jorge Semprun (Semprún), in năm 1963, thì vài hôm sau biết tin ông ấy qua đời. Semprun vẫn hay được gọi là một người "rất châu Âu", như ở bài phỏng vấn dài này.

Semprun châu Âu ở chỗ ông đã trải qua những gì châu Âu nhất của thế kỷ XX: trại tập trung phát xít Đức, kháng chiến Pháp, chống chủ nghĩa độc tài Franco ở Tây Ban Nha. Semprun là người Tây Ban Nha, cháu ngoại một chính trị gia từng đứng đầu một chính phủ Tây Ban Nha thiên về tự do hồi cuối thế kỷ XIX, cũng có thời gian ngắn (sau thời Franco) làm đến Bộ trưởng Văn hóa Tây Ban Nha. Nhưng tác phẩm của Semprun đều viết bằng tiếng Pháp (gia đình sang Pháp tránh các sự kiện chính trị ở Tây Ban Nha từ khi Semprun còn nhỏ, và Semprun đã qua trường Henri-IV, rồi Sorbonne).

Trại tập trung mà Semprun kinh qua là Buchenwald. Đó là nơi Semprun gặp và thường xuyên chuyện trò với hai trí thức lớn của châu Âu là Maurice Halbwachs, một nhân vật trọng yếu của trường phái xã hội học Durkheim, từng nghiên cứu về nguyên nhân của tự tử (mà Durkheim là người khai mở) và nổi tiếng nhất với đề tài "ký ức tập thể"; người kia là Henri Maspero, có rất nhiều liên quan đến Việt Nam. Cả Halbwachs và Maspero đều chết trong trại Buchenwald.

Lần mần tìm thêm, moi được quyển L'Écriture ou la vie, tác phẩm vẫn được coi là quan trọng hơn cả của Semprun. Thì ra tôi tích trữ cũng nhiều thứ.

Semprun khi qua đời đang là thành viên của Viện Hàn lâm Goncourt và còn tham gia rất nhiều dự án điện ảnh. Thôi cố gắng viết một bài nghiêm túc về Semprun và Le grand voyage cùng L'Écriture ou la vie vậy.

2 comments:

  1. Tôi đang cần tìm mua cuốn Cuộc sống không ở đây. Bác biết chỗ nào còn bán cuốn này không?

    ReplyDelete
  2. sorry tôi không biết, cũng lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy

    ReplyDelete