Jul 19, 2016

Tôn sùng sự trung bình

Dẫu sự yêu mến đối với thơ của Xuân Quỳnh (sự yêu mến mà rất có thể tôi cũng có góp phần) có lớn đến đâu, thì vẫn cần phải thấy rằng Xuân Quỳnh không viết ra được một thứ thơ lớn.

Yêu quý người nào đến đâu thì cũng không thể vì thế mà đánh giá sai, ghét ai đó đến đâu cũng không thể vì thế mà đánh giá sai người ấy. Giá trị, trong đó có giá trị văn chương, là một thứ khách quan không tùy thuộc yêu ghét. Cái gì đã ở đó thì vẫn cứ ở đó.

Và dẫu có là như thế nào đi nữa, cũng phải nhận thấy rằng, các giá trị trung bình luôn luôn mang dáng vẻ trông rất giống trường tồn. Vì chúng ít gây hấn, vì chúng không đe dọa, vì chúng thật hợp lòng quần chúng, sức sống của chúng đơn giản là vô cùng mãnh liệt: một khi không nhe răng nanh, đến một con chó sói cũng trở nên đáng yêu như một chú cún bông.

Nhưng Amiel đã nói rất ngắn gọn: tài năng là những ai làm được những gì người bình thường không làm được, còn thiên tài là những ai làm được những gì mà tài năng không thể làm.

Chỉ có điều, cuộc sống xã hội có một vận động (nên coi nó là vô tình như quán tính) rất điển hình, là chăm chăm tìm cách đặt quy chuẩn trên những thứ trung bình. Bộ môn xác suất đã chứng minh từ lâu về một hiện tượng đáng mừng: là trung bình thì có nhiều đất sống nhất, nhiều cơ hội để tồn tại hơn cả.

Ta hãy quay trở lại với quãng thời gian cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Đó là thời điểm sau nhiều năm vắng bóng, một số tác giả văn chương quá khứ "trở lại". Thử nhìn kỹ hơn, từ cuộc trở lại ấy, đâu là các khuôn mặt sẽ tồn tại nổi bật chói lọi nhất? Theo tôi là bộ ba Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam và Vũ Bằng.

Chỉ có điều, văn chương của Vũ Trọng Phụng, văn chương của Thạch Lam, văn chương của Vũ Bằng đều là văn chương trung bình. Một sự chọn lọc theo quán tính rất mạnh đã được củng cố thêm bởi dòng thác lũ của những Đa-ghét-xtan của tôi, của những Pautovski vân vân và vân vân, tất tật đã dẫn đến những chọn lựa ấy.

Những tác nhân chủ chốt nhất của quá trình "đưa trở lại" đó (thật hài hước, trong số ấy không ít lại từng là các đao phủ khét tiếng với chính những con người ngày hôm đó "được" quay trở lại) lại rất gần với hoạt động giảng dạy, thế nên công cuộc "điển phạm hóa" những văn chương trung bình đã được tiến hành một cách tấp nập và nhộn nhịp. Đương nhiên, làm như vậy, người ta cũng đồng thời phải lờ đi những khuôn mặt khác "không thích hợp" cho một cú trở lại phần nhiều có mục đích xoa dịu một số mặc cảm sâu xa nào đó.

Người ta viết trên báo hàng loạt bài chứng minh Vũ Bằng là "điệp viên đơn tuyến", ví dụ thế. Vũ Trọng Phụng thì trở thành món hàng xuất khẩu qua trung gian các nhà nghiên cứu Việt Nam học người nước ngoài và theo "phản ứng dội ngược" càng cắm sâu rễ ở mảnh đất đặt biển hiệu "thiên tài văn chương".

Nhưng văn chương Việt Nam có phải là như vậy đâu.

Đừng tưởng chỉ quần chúng nhân dân mới say mê những gì trung bình: chính giới nghiên cứu văn học có nghề (cộng luôn các nhà nghiên cứu nước ngoài và hải ngoại) còn ưa thích môn thể thao đẩy những gì trung bình lên đỉnh cao này ghê gớm hơn. Một ví dụ nho nhỏ: tôi từng nói đến chuyện rất nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam rất thích Jean-Yves Tadié (vì ông ấy quá dễ hiểu), gần đây tôi liên tục nín thở trước những màn biểu diễn cố nhét cho vừa một hiện tượng văn chương Việt Nam này hay một hiện tượng văn chương Việt Nam kia, dẫu có phải chặt chỗ này bẻ chỗ kia, vào trong bộ khung của Philippe Lejeune trong những gì liên quan đến "hồi ký" và "tự truyện".

Vũ Trọng Phụng thì liên tục được "rửa mặt", Thạch Lam thì trở thành đối tượng cho cả một hoạt động đầy thâm trầm nhằm tạo dựng một tượng đài của lòng nhân ái, một nhà nhân văn chủ nghĩa đặc biệt khổng lồ, mà mỗi hành động cử chỉ (do ai đó kể lại) đều bỗng thấm đẫm một ý nghĩa sâu xa của lòng nhân đạo vượt bậc. Quá trình tô hồng các nhân vật thuộc các địa hạt khác ngoài văn chương cũng diễn ra theo cách thức có khác mấy đâu? Đây có phải là một thói hư tật xấu của người Việt Nam không nhỉ? Thật ra, tôi rất ngán mấy trò tổng quát hóa lảm nhảm này. Lịch sử chẳng dạy gì cho chúng ta hết: không phải nhờ có quá khứ mà ta hiểu hiện tại, chính xác phải là ngược lại: chính nhờ hiện tại mà may ra ta hiểu được quá khứ.

Đương nhiên, những Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam hay Vũ Bằng đều là tài năng văn chương. Nhưng đặt họ vào các đỉnh cao đơn giản là không đúng.

Ta cũng nên nhớ rằng, cùng thời điểm các khuôn mặt ấy "quay trở lại" rồi nhanh chóng được "điển phạm hóa" theo nhiều cách, cũng diễn ra một cuộc thanh trừng trên quy mô lớn văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Và không chỉ có vậy.

Chẳng có gì là lạ, cái việc đồng thời đưa các giá trị trung bình lên và vùi dập những gì khổng lồ. Nhân văn-Giai phẩm về bản chất cũng chỉ là câu chuyện rất hao hao mà thôi.

4 comments:

  1. liên tục nín thở trước những màn biểu diễn cố nhét cho vừa một hiện tượng văn chương Việt Nam này hay một hiện tượng văn chương Việt Nam kia, dẫu có phải chặt chỗ này bẻ chỗ kia, vào trong bộ khung của Philippe Lejeune trong những gì liên quan đến "hồi ký" và "tự truyện": Đọc tôi bên bến lạ

    ReplyDelete
  2. Đánh giá, xếp loại lúc nào cũng ở mức độ tương đối. Quan trọng nhất là nó có làm lay động ai hay không, mức độ nhiều hay ít, số đông hay số ít...Một nhúm người, lấy gì làm cơ sở mà nâng hay hạ, rồi khen chê, rồi bắt mọi người không được thế này, thế kia...

    ReplyDelete
  3. Mao Trạch Đông có lẽ lay động được nhiều người nhất

    ReplyDelete
  4. Đùa chứ gái comment lúc nào cũng rưng rưng

    ReplyDelete