Jul 6, 2016

Nhượng Tống về Hồ Văn Mịch

Cũng như bài báo về Phó Đức Chính (xem ở kia), Nhượng Tống viết và đăng báo về Hồ Văn Mịch vào năm 1946. Đọc đoạn cuối bài, có thể thấy rằng Nhượng Tống được thả khỏi Côn Đảo vào năm 1933, nghĩa là chi tiết Nhượng Tống được tha năm 1936 trong tất cả tiểu sử Nhượng Tống cho đến năm 2015 là sai.

Hồ Văn Mịch


Trong các anh em "Quốc Dân Đảng" bỏ mình ở Côn-Lôn, Hồ-văn-Mịch là người đứng đầu sổ. Anh lại cũng là người trong số các sáng lập đảng viên.

Quê Hải-dương, anh vốn con một nhà nho. Chẳng những thông minh, anh còn có tài liệu việc, có mắt xét người. Cho nên anh rất được lòng tin cậy của anh Học. Bất cứ việc gì lớn hay nhỏ, đôi bạn ấy cũng cho nhau biết, và bàn tính cùng nhau.

Tình thân ấy, có lẽ bắt đầu từ buổi đồng song, khi cả hai cùng học trường Nam-sư-phạm, và cùng trọ nhà một người đàn bà nghèo: Bà Cót. Bà này, đáng tôi nhắc đến tên, vì là một người hào hiệp. Người ăn cơm nhà bà, dù hai ba tháng không tiền, bà cũng không nỡ đuổi và tiếp bằng bộ mặt vui vẻ. Bà nói: "Thế nào cũng được! Miễn là tôi xoay quanh đủ cơm cho các cậu ăn là được rồi." Và bà lại có nhã ý tự mua lấy xà phòng để giặt hộ quần áo lót cho các cậu. Lại khâu vá giúp cho các cậu. Không nề khó nhọc nữa. Cho nên trong cái gia đình quẫn bách ấy, lúc nào cũng giữ được không khí đầm ấm. Cái không khí ấy không ngờ cũng giúp cho sự rèn đúc nhân tài: Các cậu ấy sau này đều trở nên nhân tài của Xã hội... Nguyễn Thái Học, Phó đức Chính, Hồ văn Mịch, Vũ Hồng Khanh... đều là những đảng viên sáng lập của "Quốc Dân Đảng". Còn những người khác chẳng hạn như Y-sĩ Mão, tuy không làm Cách mạng cũng giúp đỡ cho Cách [sic] rất nhiều.

Anh Mịch trở nên tri kỷ của anh Học từ bấy giờ. Ít lâu sau khi tốt nghiệp, anh Học theo lớp Cao-Đẳng Thương Mại, anh Mịch theo lớp Cao đẳng sư phạm, hai người lại gặp nhau và cùng ở với anh em "Nam đồng thư xã". Sau khi Đảng đã thành lập trong Trung Ương Đảng bộ anh Học được bầu làm chủ tịch và anh Mịch làm trưởng ban Ngoại giao. Ngày theo học, ban đêm và các ngày nghỉ, anh lại theo đuổi các công việc Đảng với anh em. Vậy mà ở trường vẫn là một sinh viên xuất sắc, ở đảng lại cũng vẫn là một đảng viên xuất sắc... Các bạn đừng tưởng khi đảng mới phôi thai, việc ngoại giao không có gì là bận rộn... Nên nhớ rằng: Việc ngoại giao của một đảng, ngoài việc giao thiệp với nước ngoài, còn gồm cả việc giao thiệp với các đảng khác. Vậy mà trong nước ta lúc ấy, đã thành lập rất nhiều đoàn thể cách mạng. Trong đó thì có ba đoàn thể thế lực cũng xấp xỉ với "Quốc Dân Đảng", ở Nam, có "Nam-kỳ công hội", ở Trung có "Tân Việt cách mạng đảng", ở Bắc có "Việt-Nam Thanh-Niên Cách-Mạng Đồng-chí hội". Công việc ngoại giao lúc ban đầu, chú trọng cả vào việc giao-thiệp với các đoàn thể ấy. Chủ trương của Đảng nguyên là "Toàn dân cách mạng". Muốn đánh đổ thế lực Đế quốc Pháp tất phải thống nhất được hết thảy lực lượng cách-mạng ở nước nhà, không phân biệt trai gái, tôn giáo, giai cấp, mới đủ sức nổi một cuộc cách mạng. Vì thế, trong một thời gian rất ngắn, Đảng đã cả hợp được hết thảy các đoàn thể lặt vặt ở Trung, Bắc. Tuy vậy, tài ngoại giao của anh Mịch đã chạm phải trở lực khi điều đình với anh em hai đảng Tân-Việt và Thanh niên. Tự-phụ đoàn thể mình gồm toàn những trí-thức và lão thành các đại-biểu "Tân Việt" có ý khinh thường "Quốc Dân đảng" là trống trải và nông nổi. Vả lại các anh ấy đã đương khổ sở về việc liên lạc với anh em "Thanh Niên", nay hợp, mai tan, chung quy chỉ làm cho "Tân-Việt" mất dần đảng viên và sút dần thanh thế. Vì vậy đối với "Quốc Dân Đảng", họ càng phải dè dặt, họ tìm cách xa nhau hơn là gần nhau. Với cái thái độ hờ hững và bí mật ấy, việc hợp nhất còn có hy vọng gì! Đến như việc điều đình với anh em "Thanh-Niên", thì tranh điểm duy nhất là Thanh Niên thì đòi đặt tổng bộ ở ngoài nước; "Quốc Dân Đảng" thì đòi đặt tổng bộ ở trong nước. Vì thế, mùa Hè năm 1928, anh Mịch được phái sang Xiêm, để gặp đại biểu của tổng bộ "Thanh niên" ở Quảng đông về đây, sẽ cùng nhau họp bàn cho xong cái điều kiện hợp nhất của hai bên. Tuy thày thuốc đã bảo cho anh biết là anh mắc bệnh lao, khuyên anh nên tĩnh dưỡng, anh cũng coi thường sức khỏe, gượng ốm mà vượt sông Cửu Long... Thế nhưng sang đến U-Đôn, anh cùng hai đồng chí nữa, ở lại 10 ngày chỉ được dự lễ kỷ niệm Phạm-Hồng-Thái ở đấy mà thôi, không gặp phái-viên của tổng bộ Thanh-Niên đâu cả. Trở về, anh xét ra anh em Thanh-niên không có thành ý về việc hợp nhất, từ đó đứt hẳn việc điều đình. Hai bên đành chỉ liên lạc cảm tình để cho tránh khỏi sự xung đột nhau, không lợi cho bên nào cả, chỉ có lợi cho kẻ thù chung mà thôi. Cũng nhờ cái cảm tình ấy mà qua những cuộc thất bại trong mấy năm đầu, hai bên nhiều khi còn giúp đỡ lẫn được nhau, không đến nỗi làm hại lẫn nhau thi [như?] các đồng chí bên "Thanh Niên" với bên "Tân-Việt".

Sau khi ở Xiêm về, nhân kỳ nghỉ hè còn dài ngày, anh lại cùng vài đồng chí nữa vào Nam. Một là để tìm cách liên-lạc với "Nam kỳ Công-hội". Hai là để tuyên truyền cho đảng ở đấy. Việc trên không có kết quả gì. Việc dưới may mắn hơn, chỉ ít lâu mà các đồng chí miền Nam đã thành lập được kỳ-bộ và nhiều tỉnh bộ. Nhờ có những cơ sở ấy, các đảng viên đã kế-tục phấn đấu cho mãi tới ngày nay.

Sau hai cuộc công cán vất vả ấy, sức khỏe một người mang bệnh lao bị tổn thương đến mực nào! Cho nên sau nghỉ hè vài tháng, anh đã phải bỏ học. Và đầu năm 1929, khi bị bắt thì bệnh anh đã vào một tình trạng thất vọng. Gặp anh trong Hỏa Lò, khuôn mặt hốc hác, nước da tái xanh, vóc người chỉ còn "tay xách nặng!" Cái làm cho tôi nhận ra anh, chỉ là cặp mắt bình tĩnh, coi thường nhất thiết mà thôi.

Ra Côn-lôn, vì sợ lây bệnh ra các bạn, anh đòi ở một nhà riêng. Tuy vậy anh đã yếu lắm, nằm, ngồi, đi, lại, nhất thiết phải nhờ người. Trước, chúng tôi cắt phiên nhau mà nâng rấc anh. Sau, một người thường phạm là ông Đồ Tâm tình nguyện làm khán hộ cho anh. Đối lại, chúng tôi cung cấp cho ông các món cần dùng khác. Người bác sĩ coi bệnh viện Côn lôn khi ấy là một người đồng bào, cũng tận tâm với anh lắm. Tuy vậy, ngoài việc cho sữa và cho các thuốc bổ, cũng không còn có cách gì giúp đỡ được bệnh anh nữa.

Thấm thoắt đã sang năm 1930. Chúng tôi ăn cái tết thứ nhất ở trong tù, mà thực từ thủa bé tôi chưa được dự cái tết nào vui vẻ như thế! Nào cỗ bàn! nào âm nhạc! nào diễn kịch! nào hát tuồng! âm nhạc của người Mên, và phường tuồng của anh em trong Nam! Trong lúc mọi người vui đùa náo-nhiệt ấy, sợ anh buồn, lúc nào chúng tôi cũng phải có một người ngồi bên nói truyện với anh. Ngoài cửa phòng anh Phạm-Tuấn-Tài lại đùa làm một câu đối, mà ông ba Liệu viết vào hai mảnh giấy đỏ. Câu đối rằng:

"Khách có yêu xuân đừng dẫm cỏ!
Ma không đến cửa, lọ trồng nêu!"

Trong những ngày ấy, anh vẫn bình tĩnh như thường. Cho đến khi các báo có đăng tin về việc khởi nghĩa Yên-bái, gửi ra đến đảo, tôi bồn chồn đem đọc cho anh nghe, nét mặt anh cũng không tỏ vẻ gì khác cả. Mãi cuối cùng, anh mới vịn tay tôi ngồi dậy, mỉm cười mà nói:

- Ồ! ông Học! Ông Học! Công chi thủ! Tội chi khôi!

Tôi có ý không bằng lòng hỏi vặn:

- Thế nào là "tội chi khôi"? Anh vẫn giữ nguyên nụ cười:

- Việc tất hỏng! Làm việc mà để hỏng việc thế là có tội với đảng.

Còn điều này nữa, sau việc này, "Nó" sẽ dùng thủ đoạn cao-áp, thế lực Đảng tất nhiên tàn bại đi nhiều lắm. Lại bao nhiêu năm nữa mới gây dựng lại được như cũ... Tuy vậy, đổ máu ra để ghi lấy năm chữ tên đảng vào lịch sử, dù kẻ xấu bụng đến đâu cũng không xóa nổi, chỗ đó, chúng ta phải nhớ đấy là công của Học!

Dừng một chút để thở, anh lại nói tiếp:

- Dù sao nữa, nó là người rất nhiều trí mưu. Làm việc gì cũng nhìn rất xa, tính rất kỹ. Việc dù hỏng đấy, nó không phải là đứa chịu hy sinh anh em bằng giá rẻ đâu... Phải thế! Phải thế! Rồi mới rèn đúc ra người lãnh đạo... Rồi mới có ngày gây được thành công... Chúng ta mới chỉ là những kẻ bước đầu...

Tôi đỡ anh nằm xuống và dục ông Đồ Tâm pha sữa cho anh. Anh nhắm mắt lại, hơi thở nhỏ nhỏ và bồ hôi râm rấp ra. Tôi nhìn anh bất giác rùng mình. Giữa tấm đệm trắng trên chiếc gối trắng, trong bộ quần áo trắng, nước da vàng mầu sáp của anh, pha thêm một mầu xanh-xám như bên trong không còn một giọt máu... Anh chợt mở mắt ra, mỉm cười nhìn tôi, nụ cười trông khô héo rất ái ngại. Tôi ứa nước mắt hỏi anh:

- Trong người có đau đớn gì không? Nghĩ gì mà cười vậy?

Anh đáp:

- Trẻ con! Làm sao mà khóc? Mấy hôm nay không đau đớn gì cả! Cũng không nghĩ được nữa! Cũng không biết lúc nào là ngủ lúc nào là thức! Mở mắt ra thì thấy là có mình! Nhắm mắt lại, lại như là không...

Tôi ngoảnh mặt đi chỗ khác, biết rằng anh sắp bỏ chúng tôi. Ông Đồ-Tâm đem sữa vào. Chúng tôi lấy thìa đổ cho anh, sợ vực dậy làm anh mệt... Ăn xong, anh lại nhắm mắt nằm. Tôi thầm thào nói chuyện với ông Đồ rồi rón rén bước ra. Một tiếng đồng hồ sau, nghe tiếng gọi giật giã của ông Đồ, chúng tôi xúm đến thì không còn gì nữa... Xin được cho anh cỗ quan tài, chúng tôi lại xin được phép khiêng tay cỗ quan ấy ra "đất thánh tội". Và xây cho anh một cái mả đá, trên đặt một tấm bia bằng xi măng, khắc mấy chữ "Hồ-Văn-Mịch, 1930..."

Năm 1933, trước khi xuống tầu rời đảo, tôi còn đến đấy một lần cuối cùng. Trên vùng cát nóng bỏng chân, mấy bụi dừa cạn mọc quanh tấm bia đương tríu trít đầy hoa. Ngoài khơi tiếng sóng biển uể oải đập vào bờ... Tôi tưởng mình như trong cảnh mộng...

-----------

Đã có đường Hồ Văn Mịch ở Côn Đảo.

Không chỉ là người viết sử của Việt Nam Quốc dân đảng, cùng trong năm 1945 như cuốn sách Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống còn cho xuất bản cuốn sử quan trọng nhất về đảng Tân Việt (đó là lúc Nhượng Tống tình cờ tìm được bộ sách của chánh mật thám Marty, dựa vào đó và đối chiếu với hiểu biết riêng của mình để viết). Có lẽ đây chính là nguyên nhân dẫn đến cảm tình sâu xa của Đào Duy Anh dành cho Nhượng Tống, nên bản dịch Ly tao của Nhượng Tống đã nhờ Đào Duy Anh mà trở lại một cách kín đáo ngay từ năm 1974 (xem ở kia).

Dưới đây là một mẩu về Phạm Tuấn Tài, một yếu nhân khác của Việt Nam Quốc dân đảng, đăng trên cùng số báo có bài về Hồ Văn Mịch. Hiện nay, tại Hà Nội đã có phố Phạm Tuấn Tài, song song với phố Đặng Thùy Trâm trên trục Hoàng Quốc Việt.

-----------

Thơ Mộng Tiên

Mộng Tiên là tự của Phạm Tuấn Tài, một trong những đồng chí sáng lập ra Quốc Dân Đảng. Trừ anh Học, anh Tài thực đã giúp được Đảng nhiều nhất trong buổi mới phôi thai. Vì vậy, năm 1929, anh đã bị kết án 15 năm cầm cố, chiếm giải quán quân giữa các người có mặt trước kỳ hội đồng Đề hình năm ấy. Ra Côn-lôn được ít lâu, vì sự anh quá săn sóc cho anh Hồ-văn-Mịch mà bị lây bệnh ho lao. Trùng lao ăn cả lên óc anh, nên sau khi được ân xá về nhà thì thần kinh anh biến loạn hẳn: Nói những câu vô nghĩa, viết những lời cuồng vọng. Anh điên dại ít lâu như thế rồi mất. Các bạn quen, ai cũng phải thương cảm vì lòng hy sinh tận tụy của anh. Để kỷ niệm một bạn chết trước, tôi chép lại đây mấy bài thơ của anh mà tôi nhớ được.

MẶC ÁO SỐ

I. Còn nhớ ngày nào ngọng líu-lo,
Mẹ xin áo dấu ở chùa cho,
Bây giờ khôn sõi ra người lớn,
Áo dấu Tây ban khước Hỏa lò!

II. Phong phanh ra phết mặt ăn chơi:
Mình trắng hoa đen gấm tứ thời...
Ai có quở quang: Xa xỉ thế?
Thưa rằng cho bõ kiếp làm trai!

ĂN CÁ MẮM

Ăn mãi sơn-hào ngán biết bao! (1)
Thử xem hải vị cá khô nào!
À! ngon đáo để! anh em ạ!
Mới biết phong trần lắm thú cao!

CẠO ĐẦU

Hăm mấy năm nay mới cạo đầu!
Chẳng hờn! chẳng khóc! chẳng kêu đau!
Nực cười nhớ lại ngày còn bé:
Mẹ dỗ cho tiền đã cạo đâu!

KHÔNG NGỦ
(Làm khi chưa lập Đảng)

Hắt-hiu án sách, dầu vơi đĩa!
Lác đác sân hoa, lá rụng cành!
Người đã mong hoài! Đêm vẫn tối!
Trời còn ghẹo mãi sáng chưa tinh!
Bực mình suốt cả ba canh vắng:
Ngủ chẳng yên cho! Dậy chửa đành!

(V. sao lục)

(1) Anh bị bắt ở Tuyên quang



Nhượng Tống dịch Ngọc lê hồn
Tiếp tục tác phẩm hiếm của Nhượng Tống
Meaulnes và Lương Ngọc
Liêu Trai chí dị
Lan Hữu trở lại

1 comment:

  1. Rất cám ơn về những chi tiết lịch sử này.

    ReplyDelete