Jul 18, 2016

màu mắt

ba quyển sách này:


là Gérard Genette ở dạng kết tinh nhất, nhắc rất nhiều đến Montaigne và bản thân những cuốn sách ấy cũng làm người ta nghĩ rất nhiều đến Montaigne

ba cuốn sách này là đề tài một bài viết đáng nhớ của Antoine Compagnon, xem ở kia

Genette là một lý thuyết gia văn học xuất chúng (thật ra, trông thì nhiều "lý thuyết gia văn học", ở khắp nơi, như vậy, nhưng đối với riêng tôi, mới chỉ có mỗi hai lý thuyết gia đích thực thôi: Paul de Man và Gérard Genette - câu chuyện này ta sẽ sớm nói, và nói rất kỹ)

Genette là một lý thuyết gia văn học, nhưng phần kết tinh đẹp nhất của Genette lại thể hiện trong ba cuốn sách không dính dáng chút nào (ít ra là ở bề ngoài) đến lý thuyết văn học: dường như từ đây những người thích rút ra bài học từ đủ mọi thứ có thể rút ra một bài học không nhỏ

ta mới nói đến "thể loại" nhật ký, xem ở kia (sẽ còn nói tiếp nhiều): nhật ký mới chỉ là một trong những gì văn chương dùng làm đối trọng trước vị trí nhiều khi như thể độc tôn, bạo chúa của tiểu thuyết; chính bộ sách này của Genette cũng đi theo con đường ấy, nó được tổ chức thành các "mục" xếp theo thứ tự bảng chữ cái: mỗi mục (dài ngắn rất khác nhau) gọi là một "entrée" (entry), vì đây chính là một thể loại có vô số "cửa vào"

tiếp tục câu chuyện về màu mắt của Emma Bovary (xem thêm ở kia): "entrée" mang tên "Mắt" trong Bardadrac (bản thân từ "bardadrac" không có nghĩa, là từ một người bạn của Genette nghĩ ra để chỉ những gì lộn xộn đựng bên trong một cái túi)


Mắt

Dường như một số tác giả gặp chút khó khăn trong việc xác định màu mắt các nhân vật nữ của họ. Hãy xem Emma Bovary: "Thứ ở nàng thật đẹp, là cặp mắt; mặc dù chúng có màu nâu, trông chúng như thể đen vì hàng mi"; nói cho đúng sắc thái khác biệt khá là yếu, và tôi ngờ rằng những đôi mắt được gọi là "đen" bao giờ cũng chỉ là nâu sẫm, nhưng có vẻ như là Flaubert coi trọng sự phân biệt này. Cũng hãy xem Gilberte Swann (nhưng, tất nhiên, chuyện ngay lập tức trở nên phức tạp hơn): "Cặp mắt đen của cô sáng bừng lên và vì khi ấy tôi không biết, về sau cũng không học được cách, thu gọn một cảm giác lớn lao về các yếu tố khách quan của nó, cũng như tôi đã không, như người ta vẫn nói, có đủ "óc quan sát" nhằm thấy cho rõ khái niệm màu, suốt một thời gian dài, mỗi khi nghĩ đến cô, kỷ niệm về lóe chớp của chúng lại ngay lập tức hiện ra trước tôi giống như một lóe chớp có màu thanh thiên chói, bởi vì tóc cô vàng: có lẽ bởi thế mà, nếu cô không có cặp mắt đen đến vậy - một điều gây ấn tượng thật mạnh khi người ta thấy cô lần đầu - hẳn là tôi đã không, như tôi từng, yêu đặc biệt đến thế, ở cô, cặp mắt xanh lơ ấy." Mắt nâu của Emma thì có vẻ đen, còn mắt đen của Gilberte biến thành xanh lơ trong một kỷ niệm nhiều lý trí về sau (người ta còn nhớ chúng là bởi chúng đen, nhưng lại thấy chúng xanh lơ bởi tóc cô vàng). Cặp mắt của Cécile, trong Những người cộng sản của Aragon thì đen trong phiên bản thứ nhất, xanh lơ trong phiên bản thứ hai. Mắt của Lotte, trong Werther, đen thuần không tạp sắc cũng không lẫn thêm gì: "Trong khi nàng nói, tôi chết chìm trong đôi mắt đen của nàng." Chỉ có điều, nếu tin lời các sử gia, hóa ra mắt của "nguyên mẫu", Charlotte Buff, lại xanh lơ (nghĩa là, tôi nghĩ, thích hợp hơn cho việc chết đuối). Như vậy Goethe đã có nhu cầu đổi màu, và Thomas Mann, trong Lotte ở Weimar, gợi ý rằng sự biến đổi này có thể liên quan đến một "cảm giác thơ ca" - nhưng tôi cho rằng điều đó không nhất thiết hàm ý rằng màu đen thì nhiều tính thơ ca hơn màu xanh lơ; cô gái có liên quan thì đảm bảo một cách khiêm nhường rằng "cặp mắt đen là từ nơi khác" - nhưng từ đâu (từ ai)? Về phần mắt của Chimène, Corneille đã chẳng mạo hiểm chút nào: người ta luôn luôn nhắc đến chúng (không phải ông), nhưng chẳng bao giờ thấy màu của chúng. Người ta hay nói phụ nữ mặc váy sao cho tiệp màu với cặp mắt, nhưng ta cũng biết rằng các lời chứng chưa bao giờ nhất trí về màu (mắt) của Napoléon, thế nhưng ông lại chẳng thể viện ra cái cớ ấy [tức là không có váy], cũng như bất kỳ cái cớ nào. Có lẽ Morand chính là người cung cấp chìa khóa để giải những điều huyền bí này: "Cặp mắt của Remedios đen, hoặc ghi, hoặc xanh lơ. Làm sao biết được đây? Mọi cặp mắt đều mang tất cả các màu."


[màu là một chuyện rất phức tạp, và hết sức quan trọng: sau Newton với quang phổ ánh sáng, Goethe đã công kích mãnh liệt cái quan niệm quá mức dễ dãi này; tính từ Goethe, ta có thể dựng một bộ ba Goethe-Schopenhauer-Wittgenstein, những người đặc biệt quan tâm đến chuyện đi tìm bản chất của màu]


Genette viết về phố Ulm: đó là phố một chiều, khởi đầu từ trường Normale Sup và kết thúc ở điện Panthéon; về trường này, đây là ý kiến của François Mauriac: vào đó thì hẳn là khó rồi nhưng ra khỏi đó thì gần như là không thể, rồi Genette nhắc đến một từ trong vốn "biệt ngữ" của trường Normale Sup: "archicube", tức là học sinh cũ


còn đây là "entrée" rất hấp dẫn (nhưng rất dài) về thư viện:


[mở đầu là câu của Roland Barthes, đại ý tự nhận mình trở thành nhà cấu trúc luận để khỏi cần phải đến thư viện nữa - vì toàn là cấu trúc, đâu cần các dữ liệu lằng nhằng - nhưng rốt cuộc thế quái nào cấu trúc luận lại trở thành một thư viện lớn]

[mấy câu thơ rất buồn cười về "mắt":

"Mắt là mắt của người ta
Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi
Ôi thu thu đã thu rồi
Tôi chôn tôi dưới lá đồi Thiên An"

(tác giả: Hồng Nhu - nghe đâu mới được giải thưởng Nhà nước)]


về Gérard Genette, xem thêm ở kia, ở kia và nhất là ở kia và ở kia

4 comments:

  1. biết ơn Genette vì các lí thuyết tự sự. trong hầu khắp các cuốn sách về "mánh lới" kịch bản phim, không lé được ổng. Mong ngóng anh đưa ổng đến cho ra tấm ra món. thiết tha.

    ReplyDelete
  2. thôi, lé

    với lại càng ngày càng thấy rõ, dịch sách lý thuyết là việc gần như vô nghĩa

    à mà Genette nhìn thấy hết cả mớ hổ lốn đấy là nhờ đọc Borges, một buổi sáng cách đây đâu như sáu bảy chục năm gì đó, đọc cùng một lúc hai cuốn Borges

    ReplyDelete
  3. thế có có nghĩa rằng thì là, sẽ có Borges mới, lận hai cuốn một lúc vào một sáng nào ấy ạ???
    nhân tiện, " Ta nói khẽ đủ hai lòng nghe rõ", ông Lê Nguyên Cẩn dịch Genette thì thế nào ạ, cái tiểu luận "Các đường biên của truyện kể", Frontières du récit, í ạ

    ReplyDelete
  4. anh không biết (vì chưa đọc)

    trong đường link, ảnh thứ hai, là LNC:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2016/05/dao-duc-cua-cac-giac-mong-tinh-michel-foucault.html

    ReplyDelete