Sep 11, 2016

Trương Chính về Nguyên Hồng

Trương Chính đặt trong so sánh với Hoài Thanh, nhìn từ hiện tại, với tất tật kiên nhẫn trộn cùng chán ngán, cũng giống như mấy mối tương quan kỳ cục khác: cũng như Vũ Trọng Phụng được coi trọng trong khi Khái Hưng bị lãng quên, Xuân Diệu chứ không phải Đinh Hùng được coi là nhà thơ lớn (Xuân Diệu, kể cả ở giai đoạn trước 1945, có phải là nhà thơ lớn không? là một câu hỏi rất quan trọng cần sớm được trả lời cặn kẽ), nhưng bảng lược đồ văn chương tiền chiến Việt Nam theo Trương Chính kể cho ta một câu chuyện đúng cho một sự đọc mang tính chất phê phán hơn nhiều so với bảng lược đồ theo Hoài Thanh (xem thêm ở kia) - về cơ bản, Hoài Thanh hiểu nhầm hết, có lẽ vì nhìn từ một khoảng quá thấp

cách đây không lâu, chắc khoảng hai năm, tôi sơ ý mà nhận việc phục dựng văn bản (theo ấn bản đầu của nhà xuất bản Đời nay) và viết lời giới thiệu cho Bỉ vỏ

"sơ ý" là bởi, quá tự tin vào trí nhớ và khả năng đánh giá xưa kia, tôi vẫn đinh ninh Bỉ vỏ là một tác phẩm lớn; Bỉ vỏ được đương nhiên coi là một trong những điển phạm lớn nhất của văn chương Việt Nam, không chỉ tính riêng văn chương tiền chiến, tôi còn giữ những ấn tượng của việc đọc cuốn sách ấy khi còn nhỏ, rồi ấn tượng của bộ phim chuyển thể từ đó; nhưng lần đọc lại cách đây không lâu làm tôi nhận ra một cách không thể rõ ràng hơn: Bỉ vỏ không phải là một tác phẩm văn chương lớn, nó rất xoàng xĩnh, thực sự xoàng xĩnh, thậm chí còn phải nói cho đúng, nó rất kém; thêm một lần xảy ra cảnh tôn sùng sự trung bình nữa, và thêm một lần, chuyện đọc lại một tác phẩm văn chương là tuyệt đối cần thiết, và còn thêm nữa: chẳng có bất cứ thứ gì là tuyệt đối

nhưng tại sao chưa từng có ai nói cho tôi biết Bỉ vỏ là một tác phẩm không lớn? tại sao tất cả những gì tôi đọc về Bỉ vỏ đều là sự ca ngợi ở các mức độ khác nhau? tại sao chuyện như thế lại có thể xảy ra được? đến lúc này, tôi nhớ ra, dường như tôi đã đọc một ai đó, rất bất ngờ, phân tích Bỉ vỏ là một tác phẩm yếu kém

đó là Trương Chính; cho tới thời điểm ấy, Dưới mắt tôi của Trương Chính đối với tôi chủ yếu là các bài viết về Tự Lực văn đoàn, đặc biệt bài về Thạch Lam; nhưng tôi chưa thực sự quan tâm đến Dưới mắt tôi, chỉ khi phải đối mặt với Bỉ vỏ trong một công việc đã lỡ nhận và không thể không làm, tôi mới hiểu ra, Trương Chính đã đúng đến như thế nào, ngay từ năm 1939, nghĩa là ngay sau khi Bỉ vỏ mới xuất hiện

rất chính xác, Trương Chính, ở tuổi hai mươi ba, viết:

"Quyển Bỉ Vỏ là một quyển tiểu thuyết tầm-thường, không đặc-sắc. Tác giả còn thiếu nghệ-thuật, thiếu kinh-nghiệm. Ngòi bút ông còn non-nớt và vụng-về."

"Nhưng ông còn quá ngây-thơ. Ông chưa có con mắt tinh đời để lột-trần một tâm-lý; ông chưa ký-nhận được một cách chắn-chắn và nhanh-chóng một khuôn mặt kỳ-khôi; và ông cũng chưa có một giọng tinh-ranh và mai-mỉa để giới-thiệu những nhân-vật. Bởi vậy, nhiều khi ông bằng-phẳng và chán-nản quá. Đó không phải là một lỗi nhỏ."

"Tôi chưa hy-vọng gì ở ông Nguyên-Hồng. Nhà văn ấy kiên-tâm và thành-thực, nhưng ông chỉ thành-công lúc ông giản-dị và sâu-sắc hơn."

khó có thể đúng hơn được nữa; và tôi càng thấy, sự thiếu vắng Dưới mắt tôi, tức là cái ánh mắt xuyên suốt khủng khiếp ấy, khiến về sau này, phê bình văn học xung quanh Nguyên Hồng hết sức khập khiễng

Trương Chính, vẫn trong bài viết (rất ngắn) về Bỉ vỏ, còn rất xuất sắc khi nói đến cái kết hỏng của cuốn sách: "Cảnh ấy là một cảnh tuồng đặc-biệt"; tôi muốn nói thêm nữa: cái kết của Bỉ vỏ sặc mùi kịch, nhưng điều bi đát là, trong khi muốn nó là bi kịch, thì sự non tay đã khiến Nguyên Hồng viết ra một đoạn kết đặc trưng (về mặt hình thức) của hài kịch

những điều như vậy, chỉ một nhà phê bình văn học đích thực mới có thể nhìn ra được

quay trở lại với công việc hồi đó của tôi: tôi xử lý văn bản, nói rõ rằng văn bản Bỉ vỏ về sau đã bị thay đổi rất nhiều (thực sự là rất nhiều)

và bởi lúc đó rồi mới phát hiện đó không phải là một tác phẩm như mình vẫn nghĩ, tôi cố viết cho xong một bài giới thiệu chừng mực, có trích dẫn Trương Chính; tuy nhiên tôi cũng nói thêm, Nguyên Hồng chịu thiệt thòi vì Trương Chính bình luận Nguyên Hồng khi Nguyên Hồng mới chỉ có Bỉ vỏ; chỉ một thời gian ngắn sau đó, Nguyên Hồng cho in kiệt tác của cuộc đời mình, Những ngày thơ ấu; Nguyên Hồng chính là nhân vật chịu thiệt nhiều nhất trong Dưới mắt tôi, vì ngay Thạch Lam, một người cũng chỉ được Trương Chính nhìn nhận dựa trên độc một tác phẩm, về cơ bản mọi sự cũng đã đúng, vì về sau Thạch Lam cũng không khá hơn là mấy, trong khi Những ngày thơ ấu là cả một bùng nổ; Nguyên Hồng trở thành hiện tượng vừa đúng nhất vừa sai nhất trong số các nhà văn xuất hiện trong Dưới mắt tôi, vì các lý do trên đây

Nguyên Hồng càng ngày càng trở thành một nhà văn mà tôi thấy là không thể bỏ qua, đó là một nhà văn đặc biệt của một số phương diện rất khác so với những gì mà tôi vẫn hay bàn trong mấy năm trở lại đây, xung quanh Tự Lực văn đoàn; ngay trong bài của Dưới mắt tôi, Trương Chính cũng đã nói rất đúng về một đặc điểm ở Nguyên Hồng - tôi sẽ đi sâu vào đó khi nào viết kỹ hơn về Nguyên Hồng

chính vì coi Nguyên Hồng như vậy, tôi buộc lòng phải để ý đến những gì người khác nói về văn chương Nguyên Hồng; gần đây, có một bài về Những ngày thơ ấu

tôi từng nói, khi cả xã hội nhao nhao lên chê trách các tiến sĩ (khoa học xã hội) đào tạo trong nước (tất nhiên chê trách thì cũng đúng thôi, cái gì mà chẳng chê trách được), là chính các tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài mới đáng ngại, về trình độ, về khả năng, về cả những gì sâu hơn kiến thức và năng lực chuyên môn; thôi, giờ không nói đến những thể loại lấy bằng tiến sĩ bên nồi phở về ba thứ lăng nhăng âm dương ngũ hành ở một nước anh em xưa kia nào đó, và giờ đây vẫn ông ổng hằng tuần trên ti vi, mà ta nói đến thể loại trông cao cấp hơn hẳn, mà ở đây liên quan đến bài viết về Những ngày thơ ấu

nhân vật nhà nghiên cứu này, trước hết, cố nhét cho vừa Nguyên Hồng vào bộ khung lý thuyết của Philippe Lejeune: về cơ bản, chuyện ấy dường như rất đúng đắn, nhưng không, đó chính là cách nhìn lý thuyết văn học méo mó nhất, ngu xuẩn nhất, là một quan niệm cực kỳ thô thiển về lý thuyết và thực tế, và câu chuyện áp dụng lý thuyết; lý thuyết văn học chỉ có thể bị nghèo nàn đi vì những cái giường của Procuste này, nó sẽ mất đi hết ý nghĩa, lẽ sống của nó với một đám sử dụng lý thuyết để làm cảnh; về điều cụ thể này, tôi sẽ nói rõ khi bàn tới lý thuyết văn học tại Việt Nam, sắp tới đây

cùng trong bài viết, sự giả mạo kiến thức càng trở nên lì lợm hơn nữa với màn trưng bày tâm phân học: thêm một lần nữa, Schopenhauer giúp ta thấy rất rõ những ai hiểu và những ai không hiểu, nhất là những kẻ giả vờ hiểu, lấy triết học làm đồ trang sức mỹ ký (nhưng, tại sao triết học lại quan trọng đến thế?); bài viết ấy nói đến "vô thức" và buộc Schopenhauer vào đó; thật là đáng sợ, một người có học vấn sẽ có ý nghĩa ở chính những điểm như thế này: "inconscient" của Schopenhauer cũng giống như "inconscient" của Freud à? đây, "inconscient" còn xuất hiện ở cả Nietzsche, rồi cả ở Hartmann nữa, thế tức là sao? tất cả đều là "vô thức" theo kiểu của Freud à? một người có học vấn chính là người không hoa mắt vì những gì giống nhau, không vội tin cùng một từ này ở miệng một người cũng vẫn là từ ấy lúc ở miệng một người khác: khi Marc-Aurèle nói đến "nguyên tử", cần phải hiểu nó giống gì và khác gì so với khái niệm cùng tên ở các thời khác, hoặc giả, problema trong thế giới Hy Lạp liên quan như thế nào đến "vấn đề" của thời ngày nay

tôi biết chứ, nhân vật này có một khởi đầu không tệ, cũng từng làm được vài việc vặt vãnh, nhưng rồi, cũng chính nhân vật đó tự biến mình thành một kẻ giẻ rách, trong một ham muốn giải cứu thế giới, mắt không ngừng long sòng sọc lên với những mưu mô mà tôi thấy là quá bẩn thỉu đến mức không muốn nhắc đến; sự tha hóa của những kẻ lẽ ra đã rất khá mới là sự tha hóa ghê gớm nhất; giữa chúng ta cũng có món nợ riêng, cứ để đấy, sẽ có ngày tôi đòi sau

hoạt động nghiên cứu thật ra không chấp nhận những thái độ kiểu như vậy; nhân vật kia, trong bài về Nguyên Hồng, chứng tỏ một trình độ của học sinh kém khi sử dụng văn bản Những ngày thơ ấu do nhà xuất bản Văn học ấn hành hồi năm hai nghìn lẻ mấy

có một điều bí mật: ở Việt Nam, văn bản các tác phẩm văn chương (không chỉ mảng Hán-Nôm) về cơ bản không thể tin được, và cần được xử lý lại hết; cuộc trở lại của Tự Lực văn đoàn hồi cuối thập niên tám mươi dẫn tới điều gì? dẫn tới một mớ văn bản, dẫu là ở sách in rời hay trong các tuyển tập, không thể tin được, tuyệt đối không thể tin được

có những giai đoạn, xuất bản ở Việt Nam giống như trò hề; chẳng hạn, những sách xuất bản dưới thời Chu Giang Nguyễn Văn Lưu rất giống những trò đùa, và là những trò đùa cực kỳ mô ve gu

nếu làm nghiên cứu văn học mà không hiểu những điều như thế, thì còn hiểu cái gì nữa đây?

hồi làm xong văn bản Bỉ vỏ, tôi đã chuyển sang làm văn bản Những ngày thơ ấu, cả ở đó cũng có nhiều điều hay lắm đấy

nhà nghiên cứu kia, bởi từ lâu về thực chất đã xa rời công việc nghiên cứu đúng nghĩa để đi giải cứu thế giới, đã hoàn toàn không biết gì về nghiên cứu văn học hiện nay ở Việt Nam nữa; vấn đề lớn nhất của nghiên cứu văn học Việt Nam là văn học sử, và những năm gần đây, vấn đề ấy đã hiện lên một cách cụ thể hơn nhiều: nghiên cứu văn học ở Việt Nam hiện nay là công việc văn bản

làm sao mà biết những điều cơ bản như vậy được, khi mà mục đích sống chỉ là háo hức đợi nhà báo mời trả lời phỏng vấn, về đến Việt Nam thì chạy đôn chạy đáo tìm nơi mời thuyết trình (ba lăng nhăng), rồi mấy thứ giao dịch lợi ích bé mọn, tôi làm điều này cho anh, sau này anh phải trả nợ tôi (trong cuộc trả ơn nhau rối mù vừa rồi, tôi cũng không ngờ vài người mà tôi không nghĩ tệ đến thế lại tham gia, mặc dù đủ sức đánh giá, như thế là giả dối, mà văn chương thì không được giả dối); lại còn tổ chức ra mắt sách nữa nhỉ, có phải lại còn giao hẹn trước anh đến dự buổi của em, anh nói thế này thế này nhé, rồi anh hỏi câu như thế này để em trả lời cho hay nhé

có phải là thế không? tôi còn lạ gì



Tabucchi về Pessoa
Vargas Llosa về Flaubert
Cioran về Beckett
Cioran về Borges

2 comments: