Oct 3, 2016

Châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (19A)

Ký hiệu lưu trữ: B. 52367
Tác giả: Chưa rõ


Tờ 19A



+ Khi một vụ việc xảy ra với ba chứng nhân, và sau đó có ba lời chứng về cùng một câu chuyện (kịch bản này hao hao ở Akutagawa), chỉ có đúng một nguyên tắc: phải thấy rằng cả ba đều đáng tin, đáng tin giống hệt nhau. Chuyện về sau có những nghi ngờ nảy sinh chỉ bắt nguồn từ một lý do rất tầm phào, chủ yếu là những kẻ nói quá sớm sau khi mới có một hoặc hai lời chứng muốn giữ mặt khi đã có thêm một lời chứng mới. Không tồn tại một con người nào quan tâm đến sự thật hơn sự mất mặt của bản thân. Có thể tồn tại một con người như thế không? không bao giờ. Đối với con người, không bị mất mặt mới là lẽ sống đích thực, ngoài đó ra không có gì khác.




 + Không một ngôn ngữ nào có trách nhiệm lập miếu thờ các mảnh ngôn ngữ xuất xứ từ những nơi khác từng nhập vào với nó và làm nên nó, dẫu là mảnh nhập thêm có chiếm đến bảy mươi hay tám mươi phần trăm bản thân nó. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và những gì nó đã nhận vào bên trong giống mối quan hệ giữa con người và những gì con người đó đã nuốt vào trong bụng. Dạ dày thì không có đạo đức, ngôn ngữ cũng không. Một ngôn ngữ bộ lạc với tự vị gồm 40 từ không kém phong phú hơn so với bất kỳ ngôn ngữ nào khác, kể cả đó là ngôn ngữ của Shakespeare hay ngôn ngữ của Goethe. Ngôn ngữ thì không có đạo đức, chỉ người sử dụng nó thì (có thể) có: con người luôn luôn làm quá những việc cần làm. Sự ngu xuẩn của nó bắt đầu từ đó.


+ Về cơ bản, con người rất trong trắng, thậm chí còn vô nhiễm. Lẽ ra sự trong trắng này là tuyệt đối, nếu nó không luôn luôn thiếu kiên nhẫn.


+ Nhưng tại sao niềm đam mê lại quan trọng đến thế? Không phải có ít đam mê thì tốt hơn à? Tất nhiên (mặc dù điều này hơi khó) không có một chút đam mê nào vẫn là tốt nhất.


+ Hegel: bởi vì có thời gian nên con người nhất thiết tha hóa. Ở đây, sự tất yếu không nằm ở tha hóa mà nằm chính ở thời gian, ở định mệnh của con người chỉ có đường chân trời duy nhất là thời gian của con người.


+ Guy Debord: thế giới trượt từ sang , rồi lại trượt tiếp sang dường như. Chính với ham muốn không bị quá mỏng nó trở nên quá dày.


+ Khi đứng trước một số phụ nữ nhất định, câu hỏi duy nhất có thể (tự) đặt ra là: nhưng con rắn đâu mất rồi? Hay đúng hơn: nhưng cặp rắn đi đâu mất rồi, tại sao không thấy dấu vết nào cả?


+ Không có chiến thắng nào hết, chỉ có chiến thắng của sự thất bại mà thôi.


+ Ở ngưỡng của khoảnh khắc: ngã này, ngã này, và vào thời điểm ấy, không ngã cũng có nghĩa là đã ngã rồi.


+ Phải tưởng tượng cú bay tới đập thẳng vào một bề mặt phản chiếu, cứ cho là một tấm gương: nếu gương không vỡ, cần phải biết rằng trong trường hợp tốc độ, góc va chạm là thích hợp, không phải mọi thứ đều còn nằm lại ở bên này tấm gương (cũng có thể tùy thuộc vào bản chất của vật thể bay). Nếu đó là một mặt nước, thì không phải mọi thứ đều không còn nằm lại ở phía bên này.


+ “Và sau khi đọc kinh Lạy Cha thì tôi hét lên: Impius haec tam culta novalia miles habebit? (Tức là những mảnh đất mà tôi đã bao công cày xới, chúng sẽ thuộc về tay một tên lính nhơ nhớp?) (Virgile).”
(Montaigne)


+ “mọi tên nghệ sĩ thoát được đoạn đầu đài (hoặc cũng có thể là giá treo cổ) khi đã quá bốn mươi tuổi đều có thể được coi là một thằng hề không hơn…”
(Céline)


+ “Nỗi ám ảnh độ sâu ngu xuẩn.”
(Beckett)



+ Nghiên cứu tập tính con người: vấn đề tự do. Hiển nhiên chỉ những kẻ không bao giờ biết tự do nghĩa là gì mới liên tục há mồm đòi nó, giống những con chim non trong tổ khi mẹ chúng về đến nơi, tha theo mồi - rồi sẽ đến lúc lũ chim bị chính mẹ chúng đẩy ra khỏi tổ cho rơi vào khoảng không. Khi cơn đau bụng đến, chẳng suy tư siêu hình nào là khả dĩ nữa, và khi nhà tù không tồn tại con người sẽ hiểu thêm một chút về tự do. Nhưng đến như Vĩnh cửu còn có thể là một thứ đồ mỹ ký với các công đoạn sản xuất chính thực hiện ở Bỉ, tự do cũng lại là một món mỹ ký khác được đám khách du lịch ngu ngốc chụp ảnh bất cứ thứ gì nhìn thấy mua về làm quà tặng và ở trên ghi rõ tên xưởng sản xuất: Saint-Germain-des-Prés. Có nhiều lập luận để chứng minh cho sự tồn tại của tự do mỹ ký này, nhưng lập luận sau đây là tối cao: chỉ cần nhìn những kẻ đòi tự do tìm mua cặp kính giống hệt kính của Jean-Paul Sartre hút tẩu nhất là cố sao để mình cũng có dáng điệu của con cóc xấu xí ấy.




Châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (18B)

10 comments:

  1. Không liên quan nhưng có một câu hỏi về Kafka em muốn hỏi được không?
    Quyển Vụ án và quyển Lâu đài thì cuốn nào là tuyệt đỉnh hơn của Kafka. Bởi em đang đọc Lâu đài và thấy nhiều đoạn văn ý nghĩa dày đặc hơn so với Vụ án. Em đã đọc toàn bộ Vụ án trên 5 lần còn Lâu đài mới đọc tới chương 3, hay tại lần này chuẩn bị tốt hơn nên vô tình tự lừa chính mình rằng thấy được nhiều hơn bởi kinh ngạc nhiều hơn. Hay là vì Kafka sáng tác Lâu đài ở độ tuổi chín muồi hơn. Câu hỏi quan trọng vì em muốn biết liệu có phải một nhà văn viết càng nhiều thì càng khá về văn chương không; hay điều đó không đúng? Nếu nó không đúng thì có phải cảm hứng quan trọng hơn? Đối với Kafka cảm hứng có quan trọng không?
    Sr tự nhiên em hỏi nhiều quá, nếu được anh cho biết một cái gì đó liên quan cũng được. Tự nhiên quyển Lâu đài bắt đầu ám ảnh nên phải hỏi gấp, hỏi gấp hehe

    ReplyDelete
  2. đã đọc đến mức í rồi thì đẩy hẳn độ quái lên đi: thử coi hai quyển chỉ là một, đừng phân biệt nữa

    chìa khoá lớn nhất chính là câu cuối cùng của quyển thứ nhất (chính ra quyển này nên gọi là "Vụ việc" chứ không phải "Vụ án"), nhưng trong tiếng Việt thì câu này phải đọc bản Phùng Văn Tửu (quyển kia thì nên đọc bản Trương Đăng Dung, đừng quá tin cái vụ dịch từ nguyên bản tiếng Đức)

    trong khi đọc cả hai quyển í, cố lúc nào cũng nghĩ đến hai từ này xem: "ở trong"

    ngoài "Die Verwandlung", hay được gọi (sai) trong tiếng Việt là "Hoá thân", bất kỳ cái gì khác của Kafka đều không lệch khỏi nhau, không phân chia cao thấp, hay dở

    có chuyện nhà văn càng viết nhiều càng "lên tay" không? về cơ bản là không có, nhưng có chuyện sau đây:

    chín mươi chín phần trăm người viết văn không phải là nhà văn, mà chỉ giả vờ là nhà văn, bản thân họ cũng không biết được đâu

    cũng có trường hợp đột nhiên ai đó bỗng viết rất xuất sắc, điều này nên hiểu là mãi tới lúc đó họ mới nhận ra đường đi của mình, trước toàn đâm ngang ngửa lung tung, và khi đã làm được thế rồi, quay trở lại điều trên kia về Kafka: không còn phân biệt gì nữa

    cá biệt, có người "xong việc" quá nhanh: Juan Rulfo hết sức trung thực nên thôi viết ngay, sau chỉ đi chụp ảnh, nhiều người thì vẫn viết tiếp, ví dụ Salman Rushdie

    cảm hứng không bao giờ là quan trọng, Raymond Queneau từng nói, không phải quan trọng là nhận được cảm hứng, vì một nhà văn đích thực lúc nào cũng ở bên trong của cảm hứng

    ReplyDelete
  3. Như thế Kafka là một Nhà văn ở phía 1%, và vì thế ở bên trong của cảm hứng, nghĩa là cảm hứng vây xung quanh nên quay đi đâu cũng đụng cảm hứng. Nếu nhà văn ở bên trong cảm hứng thì nói về nó vô ích, còn sự kích thích thì không tính là cảm hứng đúng không, vì cảm hứng thì luôn có tính tích cực còn sự kích thích thì có thể tích cực hoặc không. Ví dụ người ta nói Lời tuyên án là bộc lộ về sự tiêu cực với người cha (mâu thuẫn, cấm đoán), vì sự kích thích đó nên Kafka mới viết được. Như thế những sự kích thích quan trọng đến mức nào đối với nhà văn?
    Em đang nghĩ đến điều này: Nhà văn đứng trên ba cái giá đỡ là cảm hứng, sự kích thích và nỗ lực đào sâu để làm bộc lộ ý nghĩa. Nếu chấp nhận như thế thì cái nào quan trọng hơn cái nào? Đối với Kafka thì cái gì quan trọng nhất, nhì?
    Đúng là không phân chia hay dở cao thấp với các tác phẩm Kafka được. Tất cả truyện ngắn đều như nhau, chỉ khác ở độ dài thôi. Còn quyển Lâu đài thì đang đọc chưa biết hehe, một lúc nào đó em sẽ chỉ ra chỗ nào cao thấp hơn so với Vụ án cho xem.
    Đọc hai quyển ấy cố nghĩ đến "ở trong" là ở trong cái gì? Nếu ở trong Kafka thì cái gì mà chẳng từ Kafka ra.
    Thanks anh đã, còn nhiều thứ nên phải lựa lúc người ta "ở bên trong cảm hứng" để hỏi mới đc hehe. Muốn thành 1% mà cứ đứng ở 101% nhìn vào chẳng hiểu gì cả.

    ReplyDelete
  4. mối quan hệ giữa Kafka và ông bố có đáng quan tâm bằng mối quan hệ giữa Kierkegaard và ông bố đâu, đừng để bị hút theo hướng đi (giả) đó

    ReplyDelete
  5. Ok. Đúng là đầu óc nhỏ quá nên chưa biết Søren Kierkegaard. Cảm ơn anh đã gợi ý một triết gia nữa.

    ReplyDelete
  6. còn chuyện "ở trong" thì nhân vật cần đọc nhất lại chính là Nietzsche đấy, 4 "Nhìn nhận không hợp thời" (trong đó quyển về Schopenhauer là quyển thứ ba), Vượt qua thiện ác, Phả hệ đạo đức, Bình minh - để tới đây viết rõ thêm về vụ này

    ReplyDelete
  7. Nietzsche thì chủ yếu đọc được nhiều những gì người ta viết về ông ấy chứ không đọc hết được những gì ông ấy đã viết. Chỉ đọc đc tiếng Việt nên mới đọc Zarathustra đã nói như thế, Schopenhauer nhà giáo dục, hoàng hôn của những thần tượng, kẻ chống Chúa. Những cuốn anh nói không tìm thấy ở đâu cả. Nhưng "ở trong" là gì? Nó có phải hình dung như một thị giác không gian ko? Hay nó giống cái "năng lượng tâm thần" của Jung, đồng thời thuộc về tinh thần đồng thời thuộc về thể chất, nó linh hoạt vừa ở trong vừa bao bọc, không thể biểu diễn bằng thị giác.
    "Bên trong" là pháp luật hay sao mà khó thâm nhập thế. Hix

    ReplyDelete
  8. "Bên kia thiện ác" hình như có bản tiếng Việt rồi đấy

    nói đến "cánh cửa Pháp Luật" là đã rất gần

    nếu thực sự muốn tìm cái gì đó, thì điều quan trọng nhất là phải xoá bỏ cái "muốn" càng nhiều càng tốt; là, có, biết, muốn, có mỗi bốn thứ í thôi, dùng sao thì dùng, về "muốn" thì quan trọng nhất lại chính là Schopenhauer, "biết" thì là Kant

    ReplyDelete
  9. Ok. Nói chung phải dừng lại chứ bắt đầu rối rồi. Phải nghĩ lại từ đầu, từ Kafka mà tới Kant là thấy "căng" rồi. Có mỗi cuốn Phê phán lý tính thực hành mà đọc mãi ko xong thôi quay về Lâu đài với Kafka đã.

    ReplyDelete
  10. chừng í là đủ để 10 năm tới khỏi đâm quàng bụi rậm rồi đấy hehe

    ReplyDelete