Oct 2, 2016

Hoàng Đạo Thúy

Đã nói đến Hoàng Đạo, thì cũng nên nói luôn đến Hoàng Đạo Thúy :p

Hoàng Đạo Thúy là một nhân vật trọng yếu của đoạn lịch sử thật ra giờ đây vẫn gần như chưa được biết một cách tường tận: 1940-1945, nhưng đây chính là thời điểm rất đặc biệt; từng có lần (xem ở kia), tôi đề nghị xem 1940-1945 giống như cánh cửa dẫn xuống vực thẳm.

Đặc điểm rất lớn của cái quãng năm năm này là sự chiêu hồi. Tôi muốn dùng từ này không theo nghĩa vẫn hay được hiểu, mà theo nghĩa tìm lại, kéo về. Hoặc giả là giống như sau khi một cơn bão vừa tan, người ta quay trở về nhặt nhạnh những gì còn có thể nhặt nhạnh được. Chuyển động của cơn sóng bao giờ cũng là một cú ào lên, nhưng tiếp sau sẽ là cú nước rút khỏi bờ, nó cuốn đi nhưng đồng thời cũng để lại.

Thập niên trước đó (và cần phải ghi nhớ, thập niên 30 của thế kỷ 20 tại Việt Nam mở đầu bằng Yên Bái 1930) chính là cơn sóng ào lên. Phan Khôi khiêu khích các nhà nho, Nho giáo ở Việt Nam thực sự chạm đáy, và Tự Lực văn đoàn, ở một phương diện nổi bật không thể bỏ qua, là hiện thân của một sự tàn phá khủng khiếp, ở đó, nhất là quãng thời gian đầu, các nhân vật được coi là biểu tượng của quá khứ Nho giáo như Hoàng Tăng Bí hay Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu trở thành đối tượng bài xích kịch liệt. Một cuộc phá phách mới nhìn qua thì như thể không hề có chút nhân nhượng nào.

Nhưng sau tàn phá là gì? Sau Révolution, hiển nhiên sẽ đến Terreur, nhưng vẫn còn có thể hiển nhiên hơn nữa: sau Révolution sẽ là Restauration.

Bắt đầu từ 1940, cả một cuộc chiêu hồi lớn lao đã diễn ra. Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân là biểu hiện triệu chứng không thể nghi ngờ. Tâm thức chung đang xoay chuyển, cảm thấy thảm họa của vực thẳm sắp xảy tới, nó tìm cách bám chặt vào những gì mà sự tàn phá chưa tiêu diệt nổi.

Tri tânThanh nghị là hai tờ tạp chí lớn nhất của quãng đầu thập niên 40. Cả hai đều không ít thì nhiều phục cổ, ít nhất thì cũng tỏ ra coi trọng các "giá trị cũ". Các nhân vật chủ chốt ở đó không chỉ toàn những người trẻ tuổi như thường thấy ở những tờ tạp chí đột phá, mà còn có những người bất thần trở nên có ý nghĩa lớn: Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố mặc dù tích cực liên tiếp phê phán bộ từ điển Khai Trí trên Đông Thanh tạp chí (chủ đề phê phán từ điển: chúng ta sẽ sớm quay trở lại) từ đầu thập niên 30, nhưng phải đến Tri tân, sát cánh cùng Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, mới thể hiện được hết bản lĩnh phi thường.

Chế độ mới ngay sau đó sẽ được hưởng ích lợi rất lớn từ "nhóm Thanh Nghị", như ta đã biết, nhưng cũng cả từ một số nhóm trí thức khác, đặc biệt có uy tín trong xã hội thời bấy giờ, thông qua các hoạt động liên quan đến đông đảo xã hội. Ngoài Thanh Nghị, Hướng đạo sinh hay Hội Tế sinh cực kỳ quan trọng. Hoàng Đạo Thúy là nhân vật trọng yếu của cả hai nhóm này.

Năm 1943, Trai nước Nam làm gì? của Hoàng Đạo Thúy xuất hiện. Nó thực sự là một quả bom, nó là lời tuyên ngôn của cả một thời, và nó đặt trọng tâm trở lại vào các giá trị Nho giáo.

Đây là ấn bản lần ba, năm 1945, và vẫn là nhà xuất bản Thời đại giống như lần đầu:


Hoàng Đạo Thúy tốt nghiệp trường Sư phạm Hà Nội năm 1920, làm giáo viên tiểu học. Nghề giáo viên được Hoàng Đạo Thúy vinh danh trong cuốn sách này, niên đại 1944 (và vẫn nhà xuất bản Thời đại):


Bìa sau của quyển sách quảng cáo:


Trong sách, Hoàng Đạo Thúy viết chẳng hạn: "chữ là một sáng-kiến tốt đẹp của loài người, nên kính không nên đem dùng mà viết xằng bậy ở trên tường".

Hoàng Đạo Thúy có một cách viết đặc biệt giản dị, dễ được nghe theo, và Trai nước Nam làm gì? thực sự cần được coi là cả một hiện tượng, nhất là ở khía cạnh nó đạt tới dáng vẻ răn dạy của các bậc thầy nho học trước kia. Nó gây ra lời bình luận của Lương Đức Thiệp: Trai nước Nam làm gì với ông Hoàng Đạo Thúy, và nó cũng là nguồn cảm hứng cho Hồ Hữu Tường viết loạt Gái nước Nam làm gì? (Chị Tập, Thu Hương...), và nó từng được đọc rất nhiều. Cho đến lúc mất hút gần như hoàn toàn, chỉ mới trở lại gần đây.

Có tiếng nói được nhiều người nghe như vậy tất nhiên không chỉ bởi Hoàng Đạo Thúy là một ông thầy giáo (dạy tiểu học): Hoàng Đạo Thúy từng là Hội trưởng Hội thể dục Bắc Kỳ, nhất là Hoàng Đạo Thúy còn là Tổng ủy viên hướng đạo Đông Dương từ 1929 đến 1945, và là Tổng thư ký Hội Tế sinh từ 1932 đến 1945 (ở Hội Tế sinh, Hoàng Đạo Thúy sát cánh với Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, nhân vật mà ta sẽ sớm quay trở lại). Hoàng Đạo Thúy sẽ trở thành giám đốc trường Võ bị Việt Nam Trần Quốc Tuấn hai lần, trở thành Cục trưởng Cục Công binh Bộ Quốc phòng và là Cục trưởng Cục thông tin liên lạc, có lán mang tên mình ở Điện Biên Phủ. Hoàng Đạo Thúy sẽ lên đến cấp bậc đại tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhưng sẽ là không đầy đủ nếu chỉ nhìn nhận trọng lượng lời nói của Hoàng Đạo Thúy dựa trên các công việc thực tế. Một điều không nhỏ nằm ở chỗ tư duy của Hoàng Đạo Thúy thực sự tương ứng với tâm thức chung của một thời, mà ta có thể gọi là giai đoạn của Nho giáo được phục hưng lần thứ nhất.

Một cuốn sách về hoạt động Hướng đạo sinh của Hoàng Đạo Thúy:


Đây cũng là một sự trớ trêu: quyển sách được in tại Hà Nội, tức là "trong thành", trong khi tác giả thì đã trở thành sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đội của tôi và một tác phẩm khác nữa của Hoàng Đạo Thúy (những cuốn sách về Hà Nội của Hoàng Đạo Thúy thì đã quá quen thuộc, nên không nhắc tới ở đây):


Thủ bút, chữ ký của Hoàng Đạo Thúy trong hồi ký Lên đường hạnh phúc:



Và, bởi ở trên ta đã nhắc nhiều đến nhà xuất bản Thời đại, ta xem thêm một ấn bản nữa của cùng nhà xuất bản ấy:




Tập thơ rất quan trọng Gửi hương cho gió của Xuân Diệu được in chính tại nhà xuất bản Thời đại. Đây cũng là nơi in một ấn bản không thể thiếu của Vang bóng một thời. Ngành nghiên cứu lịch sử và nghiên cứu văn học hiện nay còn gần như chưa làm được gì ở trong mảng lịch sử các nhà xuất bản, về Thời đại, gần như ta chỉ có thể đọc được vài thông tin lẻ tẻ trong hồi ký của Huy Cận. Nhưng Thời đại là một trong những cơ sở xuất bản trọng yếu của quãng ngay trước 1945 ở Việt Nam.

6 comments:

  1. Mới đọc câu mở bài mà mắc cười quá nên comment liền, haha:D:D

    ReplyDelete
  2. ừ, cũng hơi hơi buồn cười :p

    ReplyDelete
  3. Nhìn sách thèm quá, quyển sách sống lâu thế kia mà lại yếu đuối như trẻ con. Chỉ nhìn mà nghĩ về thời gian thôi cũng đủ thèm rồi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhà mình có cuốn trai nước nam làm gì in lần thứ 2 năm 1944. Đúng là nhìn sach cũ rất ghiền.

      Delete
  4. Trai nước nam làm gì in lần 3 chắc cũng bằng giấy dó luôn phải không ạ

    ReplyDelete
  5. Chào bác, em đang tìm đọc mấy tư liệu mà cụ Hoàng Đạo Thúy viết về hướng đạo sinh. Không biết mấy quyển trên bác có không ạ?

    ReplyDelete