Jan 14, 2017

Cuốn sách của năm

Không còn gì bất ngờ có thể xảy ra được nữa rồi: cuốn sách của năm 2016, xét trên mọi phương diện, nhất là cái khía cạnh nó mở ra cả một thời đại mới cho văn chương Việt Nam, là: tập truyện ngắn Đợi đến lượt của Đinh Phương.

Tôi đã viết về cuốn tiểu thuyết Nhụy khúc cũng của Đinh Phương (xem ở kia), lẽ ra Nhụy khúc mới là cuốn sách của năm, nhưng oái oăm thế nào, chính cuốn sách đen đủi Đợi đến lượt mới đóng vai trò ấy. Âu cũng là số trời, thêm một lần nữa.

Tôi đã sẵn sàng từ bỏ, không nhận về mình bất kỳ cái gì có thể gọi là "vinh dự" trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam nữa. Nhưng dường như chúng cứ đuổi theo tôi :p

Khi bản thảo tập truyện ngắn của Đinh Phương xuất hiện (chỉ là một sự tình cờ), ngay lập tức tôi đã muốn tôi là người làm nó. Trong đời làm editor, có những lúc một số cảm giác nổi lên rất mạnh, như thể trực giác bị khuấy động ghê gớm. Cái đó, có lẽ chính là "flair" của editor, là những gì Perkins cảm thấy khi bắt gặp bản thảo của Thomas Wolfe, hay Gordon Lish trước Raymond Carver.

Jérôme Lindon là editor danh tiếng của nhà xuất bản Minuit. Nếu không có Lindon, một loạt nhà văn như Jean Echenoz, Patrick Deville, Jean-Philippe Toussaint (các nhà xuất bản Việt Nam thật nhầm lẫn vì đã không để ý đến Toussaint) hay Marie NDiyae hẳn đã không trở thành các nhân vật như chúng ta biết hiện nay. Lindon sẵn sàng cầm sẵn bản hợp đồng đứng đợi ở cổng trường trung học chờ lúc NDiyae tan học đề nghị được in sách.

Molloy của Samuel Beckett (xem ở kia) khi ở dạng bản thảo đã bị một số nhà xuất bản từ chối. Nó đến tay Lindon. Trong vòng nhiều năm về sau, Lindon rất thích kể câu chuyện mình ngồi trên tàu điện ngầm đọc nó, nó làm Lindon cười khủng khiếp, cười đến rung người, thiếu điều vì rung người quá mà làm cho tập bản thảo rơi tung tóe xuống, nếu thế thật thì chắc là toi, rất có thể ta đã không có một Beckett En attendant Godot nào hết. Chuyện xảy ra ở quãng bến tàu điện ngầm La Motte-Picquet-Grenelle. Về Beckett, xem thêm ở kia.

Một editor đôi khi có ý nghĩa rất lớn. Ở riêng trường hợp Jérôme Lindon, ý nghĩa ấy có thể nằm ở chỗ: ta hãy lấy ví dụ Jean Echenoz, một nhà văn Pháp không mấy xa lạ với giới rành đọc sách (tiểu thuyết) ở Việt Nam. Lindon đã hết sức ưu ái Jean Echenoz, và Echenoz đã in ở chỗ Lindon không ít tiểu thuyết, nhận về đủ loại giải thưởng, trong đó không ít danh giá. Nhưng cuốn sách để đời, cuốn sách lớn nhất mà Jean Echenoz từng viết được, rất oái oăm, lại chính là tập sách rất mỏng viết để tưởng niệm Lindon sau khi Lindon mới qua đời, và nó tên là Jérôme Lindon. Echenoz chưa bao giờ viết được một cái gì hay đến như thế.

Trong những gì Echenoz kể về Lindon, có chuyện Lindon gườm gườm nhìn Echenoz rồi bất ngờ đề nghị, Echenoz đổi tên đi, "Jean Echenoz", tên với tuổi, không thể ăn thua được. Rốt cuộc, Echenoz đã không đổi tên, nhưng có cuốn sách, quả thật cuối cùng đã được đổi nhan đề, vì lúc trước nó có từ "occupation", Lindon bảo ông ấy đã sống qua thời Đức Chiếm đóng (Occupation) nên từ này làm ông ấy rợn lắm. Một editor, dẫu cho điều này có thể gây khó chịu đến đâu, có những khi bất thần đề nghị những thay đổi rất khó hiểu. Họ có đúng hay không? Rất khó nói, nhưng dường như một bản năng, một "flair" nào đó chi phối, làm cho họ nảy ra các ý tưởng như vậy.

Trong văn chương Việt Nam, Phạm Thị Hoài là cái tên sản phẩm của Trần Dần. Trần Dần đã đúng như một editor siêu hạng, thấy ngay rằng "Phạm Thị Hoài Nam" là không thể chấp nhận được.

"Nguyễn Dương Quỳnh" cũng là một cái tên có được sau khi đã cắt bớt đi một chữ. Ngày ấy, tôi nói với tác giả Đỏ, nói mà chỉ sợ gặp một phản ứng quyết liệt - dẫu gì chuyện này cũng hết sức tế nhị - rằng cái tên bốn chữ kia không ổn đâu, tôi không hình dung được nó có thể xuất hiện với tư cách một tác giả, trên bìa những cuốn sách. Rất may mắn (cho tôi, ít nhất), đề nghị ấy đã được chấp nhận, và vậy là cho tới giờ ta vẫn có một nhà văn Nguyễn Dương Quỳnh oanh liệt. Tôi cũng rất hy vọng rồi một ngày sẽ in được một tác phẩm khác của Nguyễn Dương Quỳnh.

Bản thảo của Đinh Phương đến tay tôi dưới một nhan đề khác, không phải Đợi đến lượt. Nó cũng không gồm 13 truyện như bây giờ, mà 14 truyện. Tôi biết ngay cái truyện đầu tiên sẽ trở thành kinh điển của lịch sử văn chương Việt Nam, nếu có tên khác.

Tôi bảo với Đinh Phương, gọi nó là "Đợi đến lượt" nhé. Đợi đến lượt, đó chính là cái nháy mắt đến Samuel Beckett và En attendant Godot; thực sự trước khi đọc, tôi cũng không thể nghĩ rồi một ngày sẽ xuất hiện một nhà văn Việt Nam có nhiều tính chất Beckett như thế. Thêm vài sửa chữa chi tiết, thế là truyện "Đợi đến lượt" được hoàn chỉnh. Tôi nói thêm, bỏ bớt một truyện đi, thế là Đinh Phương tự chọn cái truyện cần phải bỏ. Tôi lại nghĩ, cái bìa sách phải có những viên sỏi (giống "Molloy mút đá"), trông như xếp hàng, nhưng lại không phải xếp hàng. Và thế là cái bìa bây giờ có những sỏi (tuy rằng, nói cho đúng, ý tưởng là vậy, nhưng họa sĩ thực hiện thế nào, giờ trông nó giống mấy quả trứng ốp la ốp lết hơn, nhưng thôi, kệ).

Và vậy là, giờ đây ta đã có tập truyện ngắn Đợi đến lượt. Thời gian (không dài) sẽ cho thấy tầm vóc của nó. Cả ý nghĩa văn chương, lẫn một thái độ (điều này chắc chắn chưa ai nhận ra): thái độ của cái câu đại ý những người ở giữa, đi trên lằn ranh, sẽ phải hứng đạn từ cả hai bên. Đó là thái độ, đó là tư thế, đó cũng là tuyên ngôn cho một thế hệ văn chương mới.

Năm 2016 là một khởi điểm, kể từ đó sách của tác giả Việt Nam bắt đầu, lần đầu tiên trong vòng ít nhất ba mươi năm, chiếm thế thượng phong, như tôi đã nói đầu năm ngoái. Nhưng tất nhiên không phải mọi cuốn sách in trong năm 2016 đều như vậy - rất nhiều người đã lợi dụng bối cảnh này để kiếm lợi ích cho bản thân, và tình hình chung là vài cuốn sách của tác giả Việt Nam được tung hô một cách ngớ ngẩn. Nhưng đó là mặt tiêu cực bắt buộc phải có, một khi ta muốn có một sự thay đổi, một sự bắt đầu. Không có gì phải ngại, không có gì phải ngại lũ không biết đọc mà lại nói lắm. Răng chúng rồi sẽ rụng, lưỡi chúng rồi sẽ khô thôi.

Điều cuối cùng: tôi đã quyết định từ lâu, rằng tôi không bình luận văn chương hiện tại nữa, nhưng cuốn Nhụy khúc khiến tôi buộc phải viết (như trên đã nói). Tại sao lại thế? Để tôi nói: đó là vì cuốn sách ấy bị giết chết chính bởi lời tựa in trong sách.

Một lời tựa sẽ giết một cuốn sách, thậm chí một nhà văn, khi mà tác giả lời tựa ấy đọc không đúng. Một nhà phê bình đọc sai là một nhà phê bình đê tiện. Có những sự đê tiện nhìn qua không có vẻ gì là đê tiện, thậm chí còn long lanh lóng lánh, nhưng chính bởi vậy, nó lại càng đê tiện hơn. Cụ thể hơn, trong riêng trường hợp cái lời tựa viết cho cuốn tiểu thuyết Nhụy khúc: sự đê tiện này bắt nguồn từ một thứ rất đáng ngại, đó là sự hèn nhát, nhân vật viết lời tựa ấy đã quá hèn nhát, sự hèn nhát ấy hoàn toàn có thể giết chết một văn chương, nếu không chỉnh ngay lại. Chuyện tương tự từng xảy ra cách đây vài chục năm: đó là trường hợp Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huy Thiệp.

20 comments:

  1. chưa đọc gì cả nhưng anh cũng thích bạn này

    ReplyDelete
  2. Hơn Lê Minh Khuê và Chu Like rồi :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Lê Minh Khuê thì chưa được đọc nhiều.
      Nhưng Chu Lai thì có gì đáng nói.

      Delete
    2. chưa được đọc Đinh Phương.
      sẽ tìm đọc.
      nhưng chủ trang nghĩ gì về Mộ phần tuổi trẻ?
      chưa đọc xong nhưng đã có thể thấy đây là một cuốn sách đáng đọc.

      Delete
    3. mộ phần thì thường lắm bác ơi, thấy đinh phương giống giống nguyễn bình phương, có cái để đọc

      Delete
  3. uây, đây có phải tiệc luận anh hùng sét đánh đùng rơi cả đũa đâu hê hê

    ReplyDelete
    Replies
    1. Luận thì có làm sao đâu nhở? Bác làm suốt còn gì :)

      Delete
  4. đứt cáp mà bác đi bài siêng nhỉ

    ReplyDelete
  5. nói giống Nguyễn Bình Phương là biết lung tung rồi, đừng so sánh dễ dãi thế đi

    ReplyDelete
  6. Haizz, mình nghĩ ở đây không thể dùng chữ đê tiện đc. một nhà phê bình đọc sai không thể hàm hồ gọi người ta là nhà phê bình đê tiện được, ở đây cần có sự tranh biện về mặt học thuật thì mới đúng. Dùng chữ nghĩa để mạt sát nhau mà làm gì.

    ReplyDelete
  7. nhầm rồi: người tốt và người đê tiện ở rất sát nhau (Nietzsche)

    ReplyDelete
  8. đối diện với đoạn này, anh cho rằng "Một lời tựa sẽ giết một cuốn sách, thậm chí một nhà văn, khi mà tác giả lời tựa ấy đọc không đúng. Một nhà phê bình đọc sai là một nhà phê bình đê tiện. ", em muốn nghĩ các câu hỏi: 1. cho nhà văn, tác giả cuốn sách(ở đây là Đinh Phương): nhà văn dễ bị giết quá không? 2. cho những người đọc hay đọc lời giới thiệu: một nhà phê bình có thể nào không đọc sai? 3. cho người viết phê bình: với cá nhân em, sự thành thực/không hèn nhát là một quá trình dài gắn với sự hiểu và đối diện, một người đọc phê bình có thể nhìn sâu ra những điều thiếu hụt đằng sau câu chữ, nhưng không có nghĩa luôn luôn đó là một quá trình phải bị phủ định sạch trơn. ở đây, nó liên quan tới sự thấu hiểu hơn là quan hệ kề cạnh của cái tốt-sự đê tiện/người tốt - người đê tiện. đưa ra ví dụ Hoàng Ngọc Hiến - Nguyễn Huy Thiệp không xác đáng, vì quan niệm cho rằng phê bình có thể đưa đường hay giết chết một văn chương không đáng tin, với một người đọc như em.

    những trường hợp một người viết cần được đọc kĩ và đọc đúng, như quan điểm của anh với Đinh Phương, có thể là dịp để chất vấn lẫn nhau và vì thế càng đòi hỏi có nhiều cách nhìn vào nó.

    một điều nữa, nhà xuất bản có vai trò gì trong việc tạo một dư luận với tác giả?

    ReplyDelete
  9. em chính là người được hưởng cái gọi là cách đọc giết chết một ai đó còn gì, mà lại còn phải hỏi lại, lạ nhỉ

    ReplyDelete
    Replies
    1. nhưng em không/chưa chấp nhận việc đó, và đó là điều em muốn thử thách mình, vì thế, không thể không đặt dưới dạng câu hỏi (hơn là khẳng định.)

      Delete
  10. Với mình ở đây không có tốt hay xấu, mà mình đang nói về việc kết luận tư cách một nhà phê bình ở chốn công cộng. nhà phê bình có thể yếu kém về chuyên môn, có thể hèn nhát không dám nói nhiều thứ, có thể chưa nhìn ra được abc, xyz, có thể không hyperlink được các chi tiết lại với nhau, nhưng không có nghĩa là đê tiện.
    Đâu phải nhà phê bình nào đọc được 1 tập mà đã cảm được tác giả như du bos, đâu phải nhà phê bình nào cũng biến tác phẩm của mình thành được contre Saint Beuve? đâu phải cứ hoa là bị cấm không được mang vào công viên?
    Mình luôn nghĩ nhà văn nếu có thực tài thì chả nhà phê bình nào giết được. Balzac, baudelairre, Lautreamont, rimbaud… đều là nạn nhân của các phê bình gia đấy mà vẫn sống phây phây ra đấy thôi 
    Dĩ nhiên Đinh phương là trường hợp khác. Với cá nhân mình, đinh phương hợp với tạng của người viết lời tựa. bình bình, ko nổi loạn, có sự mẫu mực. ko nổi loạn như ai kia hi hi… và văn chương của Đinh Phương chưa đến lúc cần link đến nhiều thứ, một lời tựa như thế là chấp nhận được. vừa đủ để tung hô, vừa đủ để làm thành cuốn sách mẫu mực, ko cần thành sách của năm cũng đc hẹ hẹ.
    Emile Ciorăng từng nói rồi đám nghệ sĩ văn sĩ (tôi xin thêm nhà phê bình vào) tuyền là bọn hèn nhát, nhưng đám í cũng là nạn nhân của thời đại. sắp tới chúng nó sẽ tự sát tập thể hết cho xem. 
    Nhiều lúc tôi thấy Nhị Linh "too sane to understand the modern world" (ha ha bắt chiếc tí) đâu nhất thiết cái gì cũng phải trắng phớ ra, đâu nhất thiết cái gì cũng phải rõ ràng như 1+1 là 2. đâu nhất thiết cái gì cũng nói đến tận cùng.

    ReplyDelete
  11. lại nhầm tiếp rồi

    điều mỉa mai nhất là ở đây ai cũng đương nhiên thấy Kundera đúng khi bảo tiểu thuyết gia không nói được gì mới là con người vô đạo

    hehe

    ReplyDelete
  12. xiiiì. Không có gì nhầm nhọt ở đây hết. Mình nghĩ mình đồng ý với cách nhận định của Proust. ko nên dẫn chứng bằng tư liệu cuộc đời tác giả/nhà phê bình. Một sáng tác văn chương là sản phẩm của một bản ngã hoàn toàn khác biệt với cái con người mà tác giả vẫn phô bày qua những thói quen trong đời sống xh hằng ngày. Nên tư cách hay nhân cách của người viết có thể hoàn toàn ko liên quan gì đến sản phẩm của họ hết.

    ReplyDelete
  13. cú này mới gọi là nhầm khủng khiếp nhất, hehe

    ở đây không đánh giá gì về con người hết, đạo đức con người thật ra là cái quái gì, ai đọc Nietzsche hay Cioran biết thừa từ lâu rồi, mà là chuyện nguyên tắc, và do đó, đạo đức của văn chương, mà phê bình là một phân mảnh

    ReplyDelete
  14. Bạn Nhị Linh đã quá lời ở đoạn cuối. Một lời giới thiệu không nhất thiết cần đến sự đọc đúng. Đấy là chưa kể hàm nghĩa của "đọc sai" và "đọc đúng" còn cần phải xem xét lại. Cậu có đảm bảo là bản thân chưa từng bao giờ đọc sai?

    ReplyDelete
  15. tất nhiên là không, ở những lúc không được phép sai

    các bạn cứ tự cho phép mình sai và nói người khác quá lời khi động đến điều đó đi, dẫu sao thế giới vẫn tiếp tục những gì nó phải tiếp tục thôi

    ReplyDelete