Jan 11, 2017

Hà Nội từ 1947 đến 1954 (1)

Vừa mới xong đây, ngoài nhiều điều khác, ta đã thấy rất rõ rằng giai đoạn Hà Nội 1945-1946 là một "vùng trắng" - về nó xưa nay gần như ta không biết gì. Một đoạn khác còn là "vùng trắng" khủng khiếp hơn: Hà Nội từ đầu năm 1947 cho đến năm 1954.

Tất nhiên, tính chất "trắng" là không đồng nhất. Sự "trắng" này có thể được biểu hiện theo nhiều cách, ở nhiều mức độ. Nhưng phải nói rất rõ rằng, về đoạn 47-54 mà ta đang quan tâm, từ trước đến nay đã có không ít thứ được nói hoặc kể lại. Chỉ có điều, cũng như ở nhiều chỗ khác, cả ở đây, cũng có một câu chuyện khác.

Sau ngày 19 tháng Chạp năm 1946, ta có thể dễ dàng hình dung thành phố Hà Nội một mặt trở nên hoang vắng với rất nhiều người đi khỏi, một mặt trở nên hết sức hỗn loạn, khi mà ta không thể nói đến một chính quyền dân sự đúng nghĩa. Những chuyện gì đã xảy ra ở đây?

Bảo Đại là một nhân vật kỳ lạ, có số phận dường như chỉ dành để "trám" vào những đoạn ngày tháng chờ đợi, mọi quyền lực mà Bảo Đại từng nắm đều là quyền lực nửa vời, phải chịu chi phối, và là chi phối từ rất nhiều phía, phía nào cũng có thực lực mạnh hơn Bảo Đại. "Đế quốc Việt Nam" hồi 1945 và "Quốc gia Việt Nam" hồi 1949 đều có vai trò trung tâm là Bảo Đại, nhưng sự tồn tại của các chính thể này mang đủ hết các yếu tố của chập chờn, lảo đảo. Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn lặp lại các tổ tiên mình ở một bản hiệp ước ký với người Pháp cũng ngày 5 tháng Sáu, nhưng là năm 1948 (đây là cuộc gặp Vịnh Hạ Long với Cao ủy Bollaert), so với bản hiệp ước ký cùng ngày cùng tháng năm 1862 (Hòa ước Nhâm Tuất, dưới triều Tự Đức, dẫn đến việc nhà Nguyễn chính thức mất ba tỉnh miền Đông, rồi sau đó là các hoạt động tuyệt vọng của những người như Phan Thanh Giản). "Giải pháp Bảo Đại" đi qua rất nhiều dùng dằng phức tạp, cuối cùng rồi cũng được hiện thực hóa - ta ở vào thời điểm 1949, và người ta đã bắt đầu gọi Bảo Đại là "cựu hoàng", sau một hiệp định nữa ký với người Pháp, ngày 8 tháng Ba năm 1949. Các nhân vật con thoi kiểu Sainteny hoạt động tất bật: sau Bollaert còn có thêm Cao ủy Pignon, trước khi một số chuyện quan trọng được thỏa thuận và dàn xếp xong xuôi.

Các nhân vật đã xuất hiện sau đó thường xuất hiện trở lại. Phan Huy Đán, người thế chỗ Khái Hưng Trần Khánh Giư làm chủ bút tờ Bình minh (tháng Năm 1945) ở quãng 1948 có thời điểm làm bí thư cho Bảo Đại, làm công việc giống như đại diện của Bảo Đại (còn ở Pháp, chưa về Việt Nam) đi thương thuyết với các phe phái ở Việt Nam. Trần Trung Dung của Đại Việt Quốc dân đảng thì đi gặp các nhóm Bình Xuyên hay Hòa Hảo. Các nhân vật đôi khi đột nhiên biến mất, không thấy dấu vết nữa, nhưng đó chủ yếu là vì ta chưa tìm kỹ mà thôi. Có những người biến mất hoàn toàn, như Khái Hưng từ sau 19 tháng Chạp năm 1946, nhưng dư âm vẫn còn lại. Tôi từng bỏ không biết bao nhiêu thời gian để tìm dấu vết của Ngô Thúc Địch: năm 1949 hiển nhiên Ngô Thúc Địch còn sống, lại viết điếu văn cho Nhượng Tống (xem ở kia), nhưng sau đó bỗng mất hút. Tôi từng hỏi rất nhiều người, không ai biết cả, cho đến ngày tình cờ đọc trong một cuốn sách rất bí hiểm, trong đó Ngô Thúc Địch được nhắc đến cặn kẽ ở thời điểm qua đời, năm 1952 tại Hà Nội, vì câu chuyện liên quan đến "đảng kỳ" (một lúc nào đó, tôi sẽ quay trở lại câu chuyện này).

Việt Nam từ đầu 1947 đến khi "Giải pháp Bảo Đại" được hiện thực hóa là một Việt Nam vô cùng phức tạp. Nam Kỳ có tự trị hay không nổi lên thành vấn đề rất lớn. Người Pháp luôn luôn nắm lấy Nam Kỳ đầu tiên (Trung Bắc bao giờ cũng tiêu thổ kháng chiến rất nhanh chóng và lợi hại); cho đến tận đầu năm 1949, một "Hội đồng Lãnh thổ" vẫn còn được tổ chức (số đại biểu người Việt Nam lớn gấp đôi số đại biểu người Pháp) để bỏ phiếu xem Nam Kỳ tự trị hay Nam Kỳ sẽ thuộc Việt Nam. Kết quả là người ta quyết định Nam Kỳ thuộc Việt Nam, và Bảo Đại, trên danh nghĩa, cầm quyền trên cả đất nước, về cơ bản giống như Gia Long. Nhưng nhân vật quan trọng của Nam Kỳ giai đoạn này là Nguyễn Văn Xuân (Nguyễn Văn Xuân mới là người đặt bút ký bản hiệp định 5/6/1948 với Bollaert, như đã nói ở trên).

Tạm bỏ qua Nam Kỳ. Trung Bắc thì như thế nào?

Trước hết, là đổ nát. Đến tận năm 1949, báo ở Hà Nội còn làm kiểm kê, cho biết cụ thể Hà Nội và Hải Phòng có bao nhiêu ngôi nhà bị tàn phá do cuộc đụng độ bắt đầu từ 19 tháng Chạp 1946. Hải Phòng thiệt hại vài trăm nhà, còn Hà Nội có chừng 13.000 nhà đổ, bị phá theo đủ mọi mức độ. Ta đã biết rõ cách chiến đấu trong thành phố của đoạn lịch sử ấy, nên không lạ với con số khủng khiếp kia. Thời điểm 49 đó, trên 13.000 nhà hỏng, người ta mới làm lại được chưa đầy 1.000 nhà. Vai trò dựng lại nhà tập trung một phần lớn vào hội Hợp Thiện. Khi chính quyền không thực sự tồn tại, các hội nhóm trở nên rất quan trọng (trong lòng Hà Nội, hội Trí Tri cũng sẽ quay trở lại hoạt động).

Sang đến năm 1947, trước tình hình tan hoang, miền Trung và miền Bắc đã xuất hiện một cơ quan tên là "Hội đồng An dân", trong đó ở miền Trung nổi bật nhân vật Trần Văn Lý (ở Huế giai đoạn này, có vẻ tờ báo Sóng mới rất quan trọng). Miền Bắc cũng có "Hội đồng An dân", và có thêm một "Hợp tác xã": mỗi người dân góp vào đây 5 đồng để hợp tác xã buôn bán lương thực, một hình thức "công ty cổ phần". Về sau, Hợp tác xã ở Hải Phòng có vẻ buôn bán thành công, hằng tháng chia lãi cho cổ đông, trong khi Hợp tác xã ở Hà Nội bị phàn nàn rất ghê, suốt mấy năm không chịu hạch toán lỗ lãi, và đến khi chịu sức ép không nổi thông báo tình hình hoạt động thì hóa ra lỗ nặng, chẳng ai được đồng nào.

Hiển nhiên, nhân vật quan trọng của giai đoạn này tại Hà Nội là Nghiêm Xuân Thiện. Nghiêm Xuân Thiện là ai? là một người rất không xa lạ với Nghiêm Xuân Yêm mà ngày nay ta vẫn biết rõ. Nghiêm Xuân Thiện có vẻ là đồng chí thân thiết của Trần Trung Dung, và Nghiêm Xuân Thiện sẽ là Tổng trấn Bắc phần (chức vụ này khi Bảo Đại đã lên thường được gọi là "Thủ hiến" - và Bảo Đại sẽ nhanh chóng thay Nguyễn Hữu Trí vào chỗ Nghiêm Xuân Thiện, rồi đến cuối 1951 lại cử một người Nam ra thay chỗ Nguyễn Hữu Trí, đó là Thủ hiến Nguyễn Văn Tâm, nhân vật của nội các Trần Văn Hữu).

Về những đoạn "trắng" và "rất trắng" như thế này, cách duy nhất để tìm hiểu, thêm một lần nữa, là: các tờ báo. Nghiêm Xuân Thiện, trước khi trở thành Tổng trấn (dường như trong sự thỏa thuận với "Thủ tướng" Nguyễn Văn Xuân) là một chủ báo.

80 Quán Thánh là địa điểm trung tâm khi ta nói đến đoạn làm báo cuối đời của Khái Hưng: đó là trụ sở ("báo quán") của cả Việt Nam lẫn Chính nghĩa. Đây cần được coi là "thánh địa" của lịch sử báo chí Việt Nam, theo đủ mọi nghĩa mà từ này bao hàm. Ở đó, tầng dưới cùng chính là nhà in. Nghiêm Xuân Thiện sẽ tiếp quản luôn nơi này, đặt làm báo quán cho hai tờ nối tiếp nhau, những tờ báo rất hiếm hoi của một đoạn Hà Nội điêu tàn: trước tiên là tờ Trật tự, rồi đổi tên thành tờ Thời sự (khi đã vào Sài Gòn, Nghiêm Xuân Thiện tiếp tục làm báo, và mở ra tờ Thời luận).

Như vậy, về cơ bản, ta đã có thể hình dung, tại Hà Nội từ đầu 1947 cho tới quãng 1949, ngoài Hội đồng An dân có Tổng trấn Phủ (Nghiêm Xuân Thiện), ngoài ra còn có Dinh Thị trưởng. Thị trưởng Hà Nội giai đoạn này là Phan Xuân Đài. Phan Xuân Đài là thị trưởng sau Trần Văn Lai, Trần Duy Hưng, Bùi Văn Quý và trước Thẩm Hoàng Tín, Đỗ Quang Giai. Rất có thể, Hội đồng An dân cũng chính là Tòa Thị chính, hoặc một "thế thân" của nó.

Cũng như ở đoạn 1945-1946, chuyện Việt Cách và Việt Quốc chống Việt Minh về cơ bản nên coi chỉ là huyền thoại (Việt Cách không chống Việt Minh nhiều cho lắm), ở đoạn 1947-1954, chuyện người Hà Nội sống ở thành phố Hà Nội ủng hộ Pháp cũng chỉ là một huyền thoại nốt. Các tờ báo giai đoạn này đều coi việc đòi Pháp trả độc lập (một cách thực sự) cho Việt Nam là công việc quan trọng nhất của mình.

Nếu đọc sâu vào báo chí ở nhiều giai đoạn, ta có thể đi tới một hình dung về "thời thực dân" ở Việt Nam. Dường như các tờ báo đã tạo ra một không gian hoàn toàn khác. Đọc chúng, ta gần như không thấy có sự hiện diện của người nước ngoài. Các tờ báo làm cho tinh thần Việt Nam được bảo tồn. Nếu đọc thêm các báo tiếng Pháp, ta bắt đầu thấy như thể hai thế giới hoàn toàn cách biệt đang tồn tại, gần nhau nhưng chẳng hề liên quan mấy. Báo tiếng Pháp của người Pháp tại Đông Dương viết (và phát hành ngay tại Đông Dương) lại càng xa vời, cứ như thể là đang không ở đây. Các tờ báo nói lên không chỉ tin tức, chúng còn hé lộ những sâu kín của phong khí, của những gì vô hình, của cả sự cự tuyệt sâu xa.

Ở trên đã nhắc đến mấy tờ rất quan trọng liên quan đến Nghiêm Xuân Thiện, Trật tựThời sự. Nhưng đâu là tờ báo quan trọng nhất của Hà Nội trong giai đoạn lịch sử mà chúng ta đang quan tâm?

Sau rất nhiều năm, tôi mới xác định được mà không sợ nhầm lẫn: tờ báo quan trọng nhất của đoạn này là tuần báo Cải tạo. Tờ báo bắt đầu ra từ năm 1948, của Phạm Văn Thụ.

Vai trò chủ bút hết sức quan trọng của Cải tạo: Đào Trinh Nhất. Có lẽ Đào Trinh Nhất làm chủ bút ngay từ số 1. Một cách chính xác, Đào Trinh Nhất ngừng làm chủ bút sau số 70, trong năm 1949. Ngay sau đó, Đào Trinh Nhất sẽ vào Nam và nhanh chóng qua đời (xem thêm ở kiaở kia). Sự nghiệp báo chí của Đào Trinh Nhất không hề thua sự nghiệp báo chí của Phan Khôi (xem ở kia). Cho đến nay, sự nghiệp ấy của Đào Trinh Nhất cũng là một vùng trắng hoàn toàn.

Cũng trên Cải tạo, Đào Trinh Nhất đăng, nhiều kỳ, với số lượng rất đáng kể, bản dịch Liêu trai chí dị.

6 comments:

  1. Anh Nhị Linh ơi, theo trang 2 quảng cáo trong cuốn "Mẹ hiền con thánh" (Nhà in Tiến Thịnh,1953) thì ông Ngô Thúc Địch chưa chết năm 1952. Vì tháng 5/1953 ông này đang là chủ nhiệm kiêm chủ bút của báo Văn hóa Tùng biên (tòa soạn 29B Trần Bình Trọng).

    http://sach.nlv.gov.vn/sach/cgi-bin/sach?a=d&d=tfbUZs1953.2.1.2&srpos=&e=-------vi-20--1--img-txIN-------#

    ReplyDelete
  2. Văn hoá tùng biên thì tôi cũng có một ít, để xem, tks

    hôm nào tìm hiểu kỹ hơn về cái chết của NTĐ sẽ nói rõ hơn, thông tin NTĐ chết năm 52 trong cuốn sách đã nhắc cũng tương đối không tương hợp với thông tin NTĐ còn là một trong những người sáng lập một trường đại học, từ các nguồn khác

    ReplyDelete
  3. Câu hỏi đặt ra Nghiêm Xuân Thiện là ai ? Xin vài lời giới thiệu để tránh cho mọi người phải "suy luận" lung tung, cái thói quen của người Việt mình.
    Nghiêm Xuân Thiện (bố tôi) được đào tạo kỹ sư. Hồi bấy giờ gia đình sa sút vì cụ tổ (ông nội của ông nội tôi) chống thực dân. Cụ làm án sát Cao Bằng, mà đứng đầu tỉnh vì hồi bấy giờ Cao Bằng không có tuần phủ, không có bố chánh. Theo phong trào Cần Vương, củng cố đât đai, đợi vua Hàm Nghi lên. Nhưng vua không lên được, việc không thành, tuyệt mệnh, gia sản bị tịch thu. Cụ ông tôi đỗ Ấm Sinh, không ra làm quan thì không biết làm gì. Cụ bà, ngày ngày ra bán chợ Hà Đông nuôi chồng nuôi con. Về sau bố tôi học trường Bưởi rổi thi vào trường trung học Albert Sarraut của Pháp. Nhất lớp, năm 1929 được một công ty Pháp cho học bổng sang học trường kỹ sư ở Lille bên Pháp. Hồi chính phủ Trần Trọng Kim, đứng đầu một tổ chức thanh niên, dưới quyền ông Phan Anh. Năm 1946 làm giám đốc nhà máy đèn Hà Nội. Chuyện nhỏ nhưng đáng nói vì liên quan đến ông Võ Nguyên Giáp. Hồi bấy giờ anh em công nhân nhà máy đèn rất phấn khởi, lấy sắt, thép, trong kho tạo vũ khí, tập trận. Việc sản xuất chểnh mảng, điện Hà Nội cắt lên cắt xuống. Quân Tầu do Đồng Minh cho sang tước khí giới Nhật đóng ở đó. Tướng Lư Hán bực mình dọa ông Võ Nguyên Giáp bộ trưởng Nội Vụ, nếu cứ thế này thì sẽ cho lính Tầu vào đóng ở nhà máy và cho kỹ sư Tầu vào điều khiển. Ông Giáp họp Hội Kỹ Sư Việt Nam, bố tôi tình nguyện vào điều khiển nhà máy, Hà Nội lại có điện. Sau bố làm tổng thanh tra kỹ nghệ dưới quyền ông Phạm Văn Đồng, bộ trưởng Kinh Tế. Đồng thời cũng làm dân biểu Quốc Hội cho Việt Nam Quốc Dân Đảng, tuy không có chân trong đảng. Với chức năng tổng thanh tra kỹ nghệ đã mở lại các mỏ than ở Hòn gai và Cẩm Phà sau khi người Pháp bỏ đi, và các nhà máy ở Sáu Kho, Hải Phòng. Sau tác chiến (19/12/1946) mở báo Thời Sự, làm chủ nhiệm, với ông Đào Hữu Dương rồi ông Trần Trung Dung làm chủ bút (ông Dung rất thân với gia đinh chúng tôi, cho đến khi vào Nam ông lấy vợ trong gia đinh ông Ngô Đình Diệm, bố tôi lại chống). Báo đặt trụ sở ở 80 Quan Thánh, trụ sở của báo "Việt Nam" trước kia, do Khái Hưng trước khi ra đi giao chìa khóa nói "Anh ở lại trong thành, tiếp tục tranh đấu".
    Báo chủ trương một nước Viêt Nam độc lập, dưới một chính thể quân chủ lập hiến, làm bạn với nước Pháp. Ông Bảo Đại, bấy giờ chưa bán nước, uy tín còn rất cao, bổ nhiệm bố tôi làm Tổng Trấn Bắc Phần. Chức Tổng Trấn quyền rất cao, có hàng bộ trưởng, ngay cả đứng đầu nội các sau Thủ Tướng, không như Thủ Hiến về sau là nhân viên bộ nội vụ, dễ bảo hơn. Người Pháp không ngờ Tổng Trấn sẽ chống thực dân nên đồng ý. Cuộc tranh đấu được có ngót một năm chứ đâu có nhiều.

    ReplyDelete
  4. Cám ơn ông, những chi tiết rất quý giá.

    Ông có nhớ, tại Hà Nội, quãng đầu 1949, tờ báo tên là "Lẽ sống" không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hồi đó tôi 13 tuổi, học nội trú ỏ Đà Lạt, việc đụng dến nhà thì biết, việc ngoài có biết gì đâu

      Delete
  5. A, hồi nhỏ ông không ở Hà Nội. Cho tôi hỏi thêm, năm nào thì ông sang Pháp, và có phải sau đó ông thi bac ở Paris, học prepa và thi vào trường X?

    ReplyDelete