Jan 28, 2017

Hà Nội từ 1947 đến 1954 (3) Sách trong thành phố

Đâu là quyển sách đầu tiên in ở Hà Nội sau ngày 19 tháng Chạp năm 1946?

Thật ra, cả đời tôi gần như chẳng hề làm gì (bỏ luôn hai chữ "gần như" cũng vẫn được :p) ngoài tự đặt ra vài câu hỏi, những câu hỏi thật ra chẳng có gì đáng nói, rồi sau đó tìm cách đi trả lời. Nếu trả lời được thì tốt, còn như nếu không trả lời được, theo tôi nhiều lúc lại còn tốt hơn nữa. Vậy thì, tại Hà Nội đổ nát sau khi chiến tranh bùng nổ, quyển sách nào nên được tính là quyển sách đầu tiên được in?

Nhưng trước hết, ta nói tiếp câu chuyện hôm trước còn đang bỏ dở (xem ở kia): cái thế hệ tròn hai mươi tuổi ở quãng 1945-1946, đã xuất hiện trên các tờ báo của một Hà Nội đổ nát, tôi đặc biệt muốn nói đến hai nhân vật giờ đây đã hoàn toàn bị lãng quên. Người thứ nhất là Nguyễn Thạch Kiên, người thứ hai là Nhị Lang.

Ta đã nói không ít đến hiện tượng các nhân vật đã xuất hiện, sau đó sẽ xuất hiện trở lại, nếu ta thực sự tìm kiếm (các dấu vết nhiều lúc có thể rất mờ), nhưng theo chiều đảo ngược, lại có hiện tượng các nhân vật phóng chiếu sự hiện diện của mình, ít nhất là từ một lựa chọn điểm nhìn nào đó. Trong thập niên 60, tại Sài Gòn, Nguyễn Thạch Kiên là người in tập truyện ngắn Khái Hưng, như ta đã biết (xem ở kia; về Nguyễn Thạch Kiên, xem thêm ở kia), nhưng Nguyễn Thạch Kiên cũng chính là một trong những người tròn hai mươi tuổi khi các sự kiện lớn của 45-46 xảy ra. Năm 1948, Nguyễn Thạch Kiên đăng thơ trên một tờ báo ra ở Hà Nội, đây là vài ví dụ:



Trên cùng tờ báo, ta thấy xuất hiện họa sĩ Ngym, cũng như Đào Hữu Dương, một nhân vật từng giữ chức vụ không nhỏ trong một bộ chính phủ hồi 45-46 (tôi từng xem sắc lệnh bổ nhiệm Đào Hữu Dương):



Đây là những người thân cận với Nghiêm Xuân Thiện, mà ta đã nhắc tới ở kia. Cũng trong số các nhân vật thân cận với Nghiêm Xuân Thiện này, còn có một người mà giờ đây không ai còn thấy xa lạ nữa: Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân. Riêng hoạt động báo chí của Nhượng Tống tại Hà Nội và rộng hơn là ở miền Bắc (và cả miền Nam) giai đoạn 1947-1948-1949, tôi đặt ra làm một đề tài nghiên cứu riêng, ở đây chưa đi sâu vào chi tiết.

Nhị Lang là Thái Lân, một nhân vật tuổi trẻ khác ở giai đoạn 47-48-49 này. Có thể nói rằng Nguyễn Thạch Kiên và Nhị Lang là hai ngôi sao trẻ tuổi của báo chí Hà Nội một thời.

[ở đây, ta lại rơi vào câu chuyện lằng nhằng của những cái tên: trước 1945, đã có một nhân vật lấy bút danh "Nhị Lang", đó là Dương Mầu Ngọc; chưa kể, Nguyễn Tuân cũng có bút danh "Nhất Lang"; Dương Mầu Ngọc, một người rất không xa lạ với Vũ Bằng, lấy bút danh ấy thì còn có lý, bởi vì mang họ "Dương", nên từ đó liên hệ rất dễ với "Dương Tiễn Nhị Lang thần", nhưng tại sao Thái Lân lại lấy bút danh Nhị Lang? theo tôi, đấy là vì lòng cảm phục Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, mà dường như Nhị Lang Thái Lân từng gặp mặt; vậy là ngoài "Trọng Lang", "Tam Lang", còn có "Nhị Lang" etc.; Tam Lang, như ai cũng biết, là Vũ Đình Chí, ta hãy nhớ cái tên này để đọc tiếp một đoạn riêng về những cái tên nữa ở bên dưới

hốt nhiên, tôi nhớ ra, quyển Cổ kim trùng danh trùng tính khảo của tôi cho ai đó mượn không nhớ nữa, mất đâu rồi]

Sẽ còn cần quay trở lại kỹ hơn với Nhị Lang Thái Lân, giờ chỉ nói thêm một chuyện, để thấy sự vận hành của một số thứ trong đời sống tinh thần của Hà Nội một thời.

Trong năm 1949, Nhị Lang cho đăng dài kỳ một tác phẩm trên báo (ngoài đó ra còn đăng nhiều thứ khác nữa - Nhị Lang thực sự là nhân vật văn chương nổi bật của Hà Nội cho tới đầu thập niên 50), rồi, hết sức đúng tập quán, muốn tập hợp chúng lại để in sách. Tôi từng bắt gặp một bài báo hết sức đanh thép và phẫn uất của Nhị Lang liên quan đến câu chuyện này: quyển sách ấy đã bị kiểm duyệt cấm không cho in. Điều đáng kinh ngạc nằm ở chỗ nhân vật bị Nhị Lang lôi tên ra quy tội cho sự cấm đoán này lại là Nguyễn Trọng Trạc, người từng đứng tên chủ nhiệm (Khái Hưng chủ bút) của tờ Việt Nam thời báo, và trước đó đã có chân trong Ngày Ngay Kỷ nguyên mới. Nhiều câu chuyện thực sự kỳ cục, và không biết đâu mà lần, và hết sức mỉa mai.

-----------

Đâu là quyển sách đầu tiên in ở Hà Nội sau ngày 19 tháng Chạp năm 1946?

Cách đây chừng chục năm hoặc hơn, Nguyễn Thạch Kiên, đã sang Mỹ sống từ lâu, viết lại về quãng đầu năm 1947 ở Hà Nội, trong đó có kể chuyện Nghiêm Xuân Thiện quay trở về Hà Nội sau khi giao tranh đã ngừng, và từ đống đổ nát, nhặt nhạnh các con chữ in, chủ yếu từ nhà in đặt ở 80 Quán Thánh nhưng cũng cả từ các nhà in khác nữa, và có thể tính là chủ nhà in đầu tiên của Hà Nội đoạn này: ta có "nhà in Thời Sự", có tờ báo. Sau khi các tờ báo liên quan mật thiết đến Nghiêm Xuân Thiện đã ra, dần dà có thêm các tờ khác (các tờ báo sẽ là đề tài cho riêng một kỳ "47-54").

Đầu năm 1947 này, có "Hội đồng An dân". Tôi đã gần như xác định được chắc chắn người đứng đầu hội đồng này hồi ấy là Đặng Hữu Chí.

[ta có cả một đống cái tên hao hao nhau, rất dễ lẫn lộn: thủ hiến đầu tiên của Bắc phần tên là Nguyễn Hữu Trí (là người thay chỗ Nghiêm Xuân Thiện khi Bảo Đại đã lập xong chính phủ - đó là giữa năm 1949), người đứng đầu Hội đồng An dân (tồn tại trong khi "Dinh Thị trưởng" hay "Tòa Thị chính" còn chưa thực sự hoạt động - thời Pháp thuộc, cơ quan này tên là "Tòa Đốc lý") tên là Đặng Hữu Chí, rất giống tên bác sĩ Phạm Hữu Chí, một người chết trẻ, từng là đối tác làm ăn của bác sĩ Đặng Vũ Lạc mà ta đã biết đến trong bài về đoạn cuối của Khái Hưng

tôi đã xác định được chính xác một số người từng làm việc cho tòa soạn tờ báo Việt Nam, trong đó có vai trò không nhỏ của Vũ Hoằng, tức Vũ Đình Trí, nhân vật này có cái tên rất hao hao Tam Lang Vũ Đình Chí

thêm một chi tiết: "hợp tác xã" tồn tại thời "Hội đồng An dân", nhận tiền quyên góp của người dân Hà Nội để buôn bán, tên là gì? đến năm 1949, có tờ báo tự ca ngợi mình vì đã làm được cho cái hợp tác xã này đổi tên: từ "Hợp tác xã An Nam", nó đã đổi tên thành "Hợp tác xã Việt Nam"]

Câu hỏi "đâu là quyển sách đầu tiên in ở Hà Nội sau 19 tháng Chạp năm 1946?" động đến một số điều thuộc về nhận thức chung của chúng ta. Thường thì, chúng ta nghĩ rằng những năm loạn lạc thì sách sẽ ít. Không hoàn toàn như vậy, ít nhất là điều này không đúng ở trường hợp Hà Nội 1946.

Năm 1945 có phải năm ít sách nhất không? Không. Năm 1946 thì sao? Cũng không phải năm ít sách nhất.

Không phải chính những năm loạn lạc, mà phải là thời kỳ ngay tiếp theo những loạn lạc: Năm có ít sách in nhất ở Việt Nam, tính từ khi hoạt động in ấn ở Việt Nam đã bắt đầu đáng kể, có quy củ (nghĩa là có thể tính từ đầu thế kỷ 20) chính là năm 1947.

Năm 1947, tính trên toàn Việt Nam, kể cả miền Nam, kể cả ở các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Minh, chính là năm in được ít sách nhất. Riêng ở Hà Nội, có thể coi là không hề có quyển sách nào được in.

Năm 1948 là năm ít thứ nhì. Các nơi khác đã bắt đầu hồi phục trở lại, cũng in được sách, tại miền Bắc ngoài Hà Nội cũng có những nơi vẫn in sách, nhưng câu hỏi trở nên hết sức thú vị: năm 1948 ở Hà Nội có sách được in không?

[Hà Nội năm 1949 thì sao? trước hết, xem ở kia]

-----------

Theo như tôi ghi nhận được từ đủ mọi loại nguồn, năm 1947 có thể coi là "năm trắng" trong lĩnh vực in sách ở Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội. Nó không "trắng" hoàn toàn mà chẳng hạn người ta vẫn có in lác đác những loại sách đặc biệt cần, như sách giáo khoa, sách chỉ dẫn dùng cho đời sống cộng đồng, tại miền Bắc chẳng hạn Nam Định không bị tàn phá nhiều thì vẫn có in sách, nhưng số lượng rất nhỏ, miền Nam tất nhiên vẫn có, nhưng về tổng thể, năm 1947 vô cùng thiếu vắng sách. Nhìn tổng thể hơn, thập niên 40 là thập niên Hà Nội in rất nhiều sách, các nhà xuất bản và nhà in ở đây đã đạt tới một trình độ rất cao; chỉ cần Hà Nội không in được sách là tổng lượng sách cả nước sẽ sụt giảm thê thảm - chưa nói đến yếu tố tinh thần (mười năm cuối của đoạn tiền chiến, quãng 1935-1946, báo chí và xuất bản của Hà Nội vượt xa trong miền Nam, trong khi trước đó, chính Nam Kỳ mới là nơi khởi phát của mọi thứ).

Năm 1948, tình hình đã đỡ hơn, và ở đây ta thấy vai trò nổi bật của hai cơ sở: nhà in Thời Sự của Nghiêm Xuân Thiện như trên đã nói, cùng những người Pháp của trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO): các thành viên EFEO đã in ở nhà in Thời Sự ba số tập san Dân Việt Nam (giới sưu tập rất biết mấy tập sách bìa vàng này), bản gốc tiếng Pháp, nhưng cũng có các ấn phẩm rời là bản dịch những bài viết đăng trên tập san. Cùng thời điểm 1948, tất nhiên trong miền Nam tình hình in ấn, xuất bản đã hồi phục nhiều. Trong thành phố Hà Nội cái năm này, cũng có chẳng hạn các bản nhạc được ấn hành (nhạc tờ: xem thêm về "nhạc tờ" ở kia). Các cơ sở xuất bản của Việt Minh ngoài Hà Nội cũng đã bắt đầu in sách một cách quy củ và số lượng lớn hơn.

[ta biết câu chuyện về đống sách của Nguyễn Văn Huyên: ngày 19 tháng Chạp 1946 và ngay sau đó, nhà Nguyễn Văn Huyên bị cháy rất nhiều sách, nhưng rất may mắn, Nguyễn Văn Huyên đã để lại một thùng sách và tài liệu quan trọng ở trụ sở EFEO, nơi ông từng làm giám đốc; đồng nghiệp của Nguyễn Văn Huyên tại đây, Maurice Durand, đã giữ hộ thùng sách và giao trả lại cho Nguyễn Văn Huyên vào năm 1954; tất nhiên, như ta đã biết, Nguyễn Văn Huyên rời Hà Nội rất sớm, đi làm bộ trưởng Giáo dục]

Quyển sách đúng nghĩa nhất, có thể coi là điểm mốc đầu tiên cho một "giai đoạn trong thành", một cuốn sách không "thời vụ" mà đã quay trở lại, về cơ bản, với cách in sách trước 19 tháng Chạp 1946, hơn thế nữa, lại là một cuốn sách rất nhiều ý nghĩa: theo mọi tìm hiểu của tôi, nên coi là cuốn tiểu thuyết Quán gió của Ngọc Giao, in ở nhà xuất bản Ngày Mai vào đầu năm 1949 (Ngọc Giao viết xong cuốn sách vào mùa thu năm 1948). Nó đây:







Ngọc Giao là một nhà văn quan trọng, và chính là nhân vật văn chương rất đáng kể của Hà Nội đoạn 47-54. Về Ngọc Giao, xem thêm ở kiaở kia. Trong quãng này, Ngọc Giao cũng cho tái bản tập Một đêm vui đã in trước 1945, xem ở đường link thứ nhất.

Tập phóng sự Ông chọc tiết của Ngọc Giao in không lâu sau Quán gió (đầu năm 1950, cũng tại nhà xuất bản Ngày Mai) rất đặc biệt: nó gồm nhiều bài phóng sự, trong đó bài về "ông chọc tiết" chính là về nhân vật đao phủ Yên Bái chém đầu Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và những người khác:




Một tác phẩm lớn khác của Ngọc Giao, niên đại 1952-1953:


Quay trở lại với Quán gió: ngay lập tức nó khiến tôi nghĩ tới cuốn tiểu thuyết này của Dương Nghiễm Mậu. Cuốn tiểu thuyết của Ngọc Giao cũng như cuốn tiểu thuyết Gia tài người mẹ của Dương Nghiễm Mậu đều là các tác phẩm đi vào sự sụp đổ: Quán gió cũng là câu chuyện về những người trong gia đình giết nhau, con giết cha, anh giết em, tội lỗi nảy mầm từ những quan hệ máu thịt; Quán gió như thể là một dự báo cho Gia tài người mẹ; vợ con một ông quan phủ đã bị giết hồi 19 tháng Tám 1945 đi chạy loạn, mở một quán bán hàng: "quán gió" tức là "quán gió bến mưa". Đây là một cuốn tiểu thuyết lớn, nó ghi nhận rất sâu sắc và ngay lập tức tình cảnh quãng thời gian tiếp sau 19 tháng Chạp 1946.

Cách đây vài năm, có một chương trình in sách rất lớn liên quan đến lịch sử thành phố Hà Nội. Tôi nghĩ đó là cơ hội để làm một tuyển tập tác phẩm Ngọc Giao, để cho thấy đó là một văn chương gắn bó đến mức nào với Hà Nội. Vì người ta kêu gọi rất công khai nên tôi làm đề cương thật cẩn thận và gửi đi, kết quả là cho đến giờ không hề có hồi âm, hehe, và trong quãng thời gian ấy, giới nghiên cứu đã đổ xô vào in không biết bao nhiêu bộ sách dày, trong đó về cơ bản các vị ấy "ăn lại" những đề tài nghiên cứu từ xưa, chất lượng toàn thể bộ sách thì lởm khởm vô cùng, hehe.

Nhà xuất bản Ngày Mai: tôi nói Quán gió của Ngọc Giao là quyển sách đầu tiên, tức là đã thiên về chuyện ý nghĩa và giá trị hơn là lịch trình, niên đại thực tế: trước Quán gió, trong năm 1948 thật ra Ngày Mai đã in được một cuốn Kiều, trong câu chuyện về Kiều, đây được ghi nhận là bản "Đồ Nam cư sĩ". Ngày Mai còn in lại chẳng hạn Đỗ Thúc Vịnh, và như bức ảnh trên đây cho thấy, đó là một nhà xuất bản có tham vọng không nhỏ, chia sách của mình in thành các tủ rõ ràng, Quán gió thuộc "Loại giai phẩm". Cũng đầu năm 1949, Tiểu thuyết thứ Bảy của Tân Dân tục bản.

Một quyển khác do Ngày Mai in, không lâu sau Quán gió:


Phan Bội Châu một thời là đề tài rất hot; dưới đây là một quyển sách được in tương đối sớm sau những sự thay đổi của năm 1954, nhà xuất bản Văn Sử Địa:


Một ví dụ về sách in cuối thập niên 40 nhưng không phải Hà Nội:


Lấn một ít sang năm 1950.

Ở trên ta đã nhắc tới Trọng Lang. Đây là một tập phóng sự Trọng Lang in tại Hà Nội năm 1950:



Dòng chữ dưới đây không phải tôi viết, mà là người chủ cũ của quyển sách:


Dòng chữ này muốn nói: "Nhà văn Trọng Lang đã lăng nhục văn chương". Tuy rằng trông tôi thế thôi :p nhưng chưa bao giờ tôi là một người "cực đoan", dẫu có vậy, tôi nghĩ là tôi nhất trí với dòng chữ này, hehe.

Thêm một ví dụ về "sách trong thành phố": Nguyễn Giang, chủ nhiệm tờ Bình minh hồi tháng Ba 1945, Nguyễn Giang đi đâu vào đoạn thời gian này? Nguyễn Giang chẳng đi đâu cả, vẫn ở Hà Nội, và lại trở thành một chủ nhà xuất bản. Dưới đây là một quyển sách do nhà xuất bản Hoành Sơn của Nguyễn Giang in: ông con buồn tình lấy sách cũ của ông bố ra in để kiếm sống:







Hà Nội từ 1947 đến 1954 (2) Thế hệ
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (1)
Đoạn cuối của Khái Hưng


14 comments:

  1. chúc bác năm mới vui vẻ và trong năm nay sẽ nghiên cứu thêm được nhiều điều hay cho mọi người, lắm lúc thấy cái blog này tương phản facebook ghê gớm

    ReplyDelete
  2. Nhị Linh cứ thường làm người ta hết cả hồn thế. Mới đọc tưởng "Thượng Đế Đã Chết Trong Thành Phố" ;p
    Xin chúc Nhị Linh một năm mới an lành và hạnh phúc nhé.
    Dù sao thì cũng tạ ơn đời, "may mà có em"... đanh đá dịu lành... con người dễ thương.

    ReplyDelete
  3. Đôi khi đọc blog này em thấy xấu hổ vô cùng.
    Chúc anh Nhị Linh có những năm ở quãng giữa cuộc đời thật oách:D:D:D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Còn xấu hổ là chưa đọc được NL zồi. Thật, zất.

      Delete
  4. vừa phải thôi, không nhất thiết phải khoe là sành sỏi mấy kiểu nói năng ngu xuẩn thời bây giờ mãi thế đâu

    ReplyDelete
  5. Ông đã ghi câu "Nhà văn Trọng Lang đã lăng nhục văn chương" là một người đã từng rất thân cận với Nguyễn Bính đấy bác. :D

    ReplyDelete
  6. hehe thế à

    nói chính xác hơn, trong câu í, còn không phải "nhà văn" mà đúng ra là "nhà văn quèn" :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ông này có kể câu chuyện Nguyễn Bính lúc túng tiền đã từng chép tay tập thơ "Lỡ bước sang ngang" và đem gửi đấu giá ở nhà sách Nguyễn Khánh Đàm, một đại gia đã mua và sau này mang sang Pháp. Tập ấy giờ chắc vẫn đang ở Pháp. Hehe

      Delete
  7. Toan nguoi nguy hiem

    ReplyDelete
  8. Nhân anh Nhị Linh có đề cập tới Hội đồng An dân ở Hà Nội thời điểm đó, không biết anh có thông tin gì về tờ "Vì dân" không ạ? Vũ Bằng từng nói thoáng qua về tờ báo này của hội đồng an dân và có sự cộng tác của Đào Trinh Nhất ạ.

    ReplyDelete
  9. đương nhiên, nếu tìm ra được, hoặc có thon tin xác thực, thì tôi đã nói rồi

    ReplyDelete
  10. Chào bác Nhị Linh. Tôi có xem được trên đây ảnh chụp cuốn "Quán gió" của Ngọc Giao in năm 1949 của nxb Ngày Mai. Xin nhờ bác giải đáp giúp 2 điều: một là đây có phải bản in sớm nhất của cuốn này không? vì theo 1 thông tin tôi được biết là có bản in của nhà Hương Sơn năm 1948. Hai là bác có thể chỉ dẫn giúp tôi tìm đọc được bản in mà bác chụp được trên không?
    Cám ơn bác!

    ReplyDelete
  11. a, Hương Sơn in "Quán gió" trước Ngày Mai? theo tôi, ấn bản "Quán gió" của Hương Sơn sau ấn bản của Ngày Mai, sau ít nhất là một năm

    ReplyDelete