Jan 15, 2017

Hà Nội từ 1947 đến 1954 (2) Thế hệ

Trước khi tiếp tục câu chuyện của chúng ta, bắt đầu ở kia (nhưng thật ra phải tính mốc khởi đầu đích thực là ở kia), cần quay ngang, nhìn vào một cuốn sách, trong đó có một chương bàn đúng đến giai đoạn Hà Nội 1947-1954: đó là tác phẩm danh tiếng của Philippe Papin, Lịch sử Hà Nội, mà giờ đây chắc hẳn rất nhiều người đã đọc.

Chương này đặc biệt tồi tệ. Tuy mang tên là "47-54" nhưng về cơ bản, nội dung của nó chỉ đi từ 1951 đến 1954. Và sử gia Papin đã viết cả chương này mà chỉ dựa vào đúng một cuốn sách.

Đó là cuốn sách của Nguyễn Bắc, một dạng hồi ký. Nó đây:


(nguồn ảnh: courtesy of TTP)

Đây là một hồi ký đặc biệt quan trọng, nhưng sự quan trọng của nó nằm ở điểm sau đây: nó gần như là chứng từ duy nhất mà giờ đây chúng ta còn đọc được một cách tương đối dễ dàng về giai đoạn lịch sử này, tức là nó quan trọng vì nó gần như là duy nhất ở trong tầm tay đại chúng. Nhưng xét về bản chất, cuốn sách cực kỳ sơ sài (chưa đầy 100 trang; ấn bản trong ảnh có lời tựa của Tô Hoài, mà Tô Hoài lại là người không hề ở Hà Nội giai đoạn ấy), vả lại nó chỉ chép một số chuyện kể từ lúc Nguyễn Bắc được đưa vào thành phố Hà Nội để hoạt động bí mật, tức là từ 1951 đến 1954. Về cơ bản, cuốn sách chỉ bao gồm đúng một đoạn dưới thời Thị trưởng Đỗ Quang Giai, tức là thị trưởng cuối cùng tính tới 1954 (Đỗ Quang Giai sẽ vào Nam và bị ám sát gần như ngay lập tức).

Chỉ dựa vào đây, Philippe Papin thực chất không hề nói được bất kỳ điều gì về giai đoạn từ đầu 1947 đến 1951. Và điều đó cũng cho thấy, Papin đã không hề nghiên cứu gì cả. Sử gia của chúng ta, khá chua chát, nhận xét rằng thật đáng tiếc vì giờ đây ta không còn biết người dân thường sống trong thành phố thời ấy suy nghĩ như thế nào nữa. Ô hay, tất nhiên là ông không thể biết, vì ông có tìm hiểu đâu.

Philippe Papin đã dựa vào duy nhất một cuốn sách (không chỉ sơ sài, mà thật ra còn có rất nhiều điểm đáng ngờ - riêng về nhân vật Nguyễn Bắc, ta sẽ sớm quay trở lại một cách cặn kẽ) để viết sử cho cả một giai đoạn. Philippe Papin không đọc lấy một tờ báo nào phát hành vào giai đoạn này (và than phiền là không hiểu người dân thường thời ấy nghĩ gì). Ta có thể thấy sản phẩm nổi tiếng của Viễn Đông Bác Cổ là như thế nào.

Viễn Đông Bác Cổ cũng vờ vịt nghiên cứu không khác gì rất nhiều nhân vật trong giới nghiên cứu người Việt Nam. Dường như hai bên thân ái mà lây nhiễm cho nhau những gì là tồi tệ nhất. Rộng hơn về EFEO, xem ở kia.

EFEO là một trung tâm nghiên cứu lớn, lịch sử rất lâu đời. Và sự sa sút chất lượng của các nhà nghiên cứu gắn liền với nơi này cũng cho thấy, ở tầm mức rộng hơn, chất lượng của cái gọi là "ngành Việt Nam học" trên phạm vi toàn thế giới. Sau nhiều năm quan sát, tôi nghĩ đã có thể nói, bốn trung tâm lớn hơn cả trong mảng này (Pháp, Mỹ, Úc, Nhật), tất tật đều thảm hại. Từng có người nói cho tôi, ngành Việt Nam học thật ra chỉ là dạy tiếng Việt (ở mức độ sao cho học viên sau đó đi ăn phở ngoài phố Hà Nội không bị người ta đánh cho) chứ nghiên cứu cái gì đâu, lúc ấy tôi còn chưa tin, nhưng giờ thì gần như tin rồi. Các nhà nghiên cứu người nước ngoài còn có đóng góp phi thường trong việc đẩy Vũ Trọng Phụng trở thành khuôn mặt lớn nhất của lịch sử văn chương Việt Nam - sự méo mó này, theo tôi, sẽ cần nhiều năm mới điều chỉnh được.

Nhà nghiên cứu nước ngoài thực sự có tầm vóc cuối cùng là ai? Dường như tôi đã nhìn thấy: đó là Philippe Langlet. Ta sẽ sớm quay lại với Langlet.

Notre illustre historien Papin a récemment commis encore un nouvel ouvrage (sans bibliographie ni index) traitant toujours son domaine favori: la ville d'Hanoi, d'où émane quelque chose qu'on peut (ou doit) appeler un amour. Ou plus précisément, un amour aveugle.

Khảo luận mới đây của Philippe Papin, vẫn về Hà Nội:


Các nhà nghiên cứu người Pháp rất thích Baudelaire, và các nhà nghiên cứu người Pháp cũng đặc biệt thích Phan Huy Lê:


Tôi còn nhớ, trong một cuốn chuyên khảo về thuốc phiện ở vùng Viễn Đông, một thành viên khác của EFEO cũng trích dẫn rất đẫm Baudelaire. Chỉ có điều, tác giả ấy dường như hoàn toàn không biết một chút nào về Cai của Vũ Bằng hay Chiếc lư đồng mắt cua, Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc của Nguyễn Tuân. Tại sao người ta lại vội vã nói đến "hậu thuộc địa" nhỉ? Biết đâu chủ nghĩa thực dân vẫn còn nguyên chưa hề mất đi đâu ấy chứ... au niveau mental, du moins.

Cuốn sách mới này của Philippe Papin được ấn hành cách đây vài năm, cùng nhà xuất bản in tác phẩm tuyệt vời của Lê Thành Khôi (xem ở kia): đọc cuốn sách này mới thấy, sử gia Papin hiểu rất kém về một nhân vật Việt Nam: lý trưởng.

-----------

Câu chuyện thế hệ ở Việt Nam

Albert Thibaudet có một ý tưởng rất đặc trưng: thế hệ. Trịnh Văn Thảo cũng là người thích nhìn nhận theo "trục" thế hệ, trong các tác phẩm nghiên cứu về trí thức Việt Nam.

Nhìn kỹ hơn, Thibaudet muốn nói đến các thế hệ là tập hợp những người ở độ tuổi 18, 20 vào một thời điểm nhất định, chứ không hẳn là thế hệ theo năm sinh. Đây là một nhìn nhận rất sâu sắc, vì ta hoàn toàn có thể thấy: lương tri con người sẽ in dấu ấn sâu đậm những gì chứng kiến ở lứa tuổi 18, 20, điều đó quyết định rất nhiều cho hoạt động của lý trí, và dẫn dắt con người theo các ngả đường đặc thù. Nói một cách đơn giản, tuổi đôi mươi của chúng ta in đậm những dấu ấn gì thì cuộc đời về sau của chúng ta sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ các dấu ấn đó.

Chúng ta có thế hệ thanh niên Việt Nam mười tám đôi mươi vào đoạn 1925-1926. Đây là thời điểm của Phạm Hồng Thái. Sự kiện Phạm Hồng Thái đã ảnh hưởng rất lớn đến những người sinh ra trong khoảng bảy, tám năm đầu tiên của thế kỷ 20. Đó không chỉ là các nhân vật chính của Yên Bái 1930 (Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp) mà đó cũng chính là các nhân vật như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thế Lữ. Có thể nói rằng, ý thức chung đã có một bước ngoặt rất lớn vào đoạn 1925-1930, mà những ai trải qua một cách thực tế đều bị in dấu ấn không phai.

Thế hệ thanh niên tròn hai mươi tuổi vào năm 1954-1956 là thế hệ của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu.

Ở đây, ta sẽ đặt ra một câu hỏi rồi cố gắng trả lời: thế hệ tròn hai mươi tuổi vào quãng 1945-1946, họ là ai? Tất nhiên, Trần Dần chính là người thuộc thế hệ này, nhưng ta sẽ quan tâm hơn đến những người thế hệ này về sau gần như không được biết đến.

[có một điều hết sức quan trọng: có một nhân vật đến "giữa quãng đường đời" vào đoạn 1945-1946: Nguyễn Tuân; lựa chọn của Nguyễn Tuân vào thời điểm này sẽ liên quan đến rất nhiều chuyện khác, điều này mới chỉ duy nhất có một người nhìn thấy và nói một cách tường minh, đó là Phan Ngọc, xem thêm ở kia; đoạn 1945-1946 này, đâu là tác phẩm quan trọng của Nguyễn Tuân? ai cũng sẽ nói ngay, đó là Chùa Đàn, nhưng không, tôi không nghĩ vậy, quan trọng nhất ở đây phải là tập truyện ngắn Nguyễn: đó chính là lúc Nguyễn Tuân thể hiện mình đã lựa chọn, và Nguyễn Tuân lựa chọn thế nào? tôi nghĩ là đã có thể nói một cách tường minh: Nguyễn Tuân đã chọn làm một người Việt Nam; xưa nay, về "ngôi nhà", người ta hay nhắc đến cái truyện ngắn "Mua nhà" của Nam Cao, nhưng thật ra, chưa bao giờ có gì về ngôi nhà, ngôi nhà Việt Nam, hay ghê gớm như truyện "Nhà Nguyễn" trong tập Nguyễn, in năm 1945]

Có những ai tròn hai mươi tuổi  sống ở Hà Nội quãng ngay sau ngày 19 tháng Chạp năm 1946?

-----------

Trước khi trả lời câu hỏi, về những con người trẻ tuổi sống ở Hà Nội quãng thời gian ấy, ta quay trở lại với Khái Hưng.

Những chuyện đã xảy ra thường hay lại xảy ra, kể cả (hoặc, nhất là) những chuyện khốc liệt hơn cả.

Khái Hưng và Ngũ Tử Tư (vở kịch Khúc tiêu ai oán) lặp lại một lần nữa: ta có Vũ Anh Khanh và Ngũ Tử Tư:


(courtesy of PTV)

Diễn biến cái chết của Vũ Anh Khanh, ta đọc được, thêm một lần nữa, chính trong Cát bụi chân ai của Tô Hoài (xem ở kia). Thật ra, Cát bụi chân ai là một cuốn sách hết sức quan trọng, nội dung của nó tầng tầng lớp lớp chứ không phải một thuật chuyện thông thường. Ta sẽ còn trở lại với nó nhiều lần nữa, nhất là với mục đích tìm cách hiểu xem thực sự Tô Hoài đã muốn nói gì về Nguyễn Tuân.


(còn nữa)



Hà Nội từ 1947 đến 1954 (1)
Đoạn cuối của Khái Hưng

12 comments:

  1. Để tưởng nhớ mùi hương :)

    http://akkumulateur.blogspot.com/2016/12/stone-age-had-double-meaning-thoi-ki-o.html

    ReplyDelete
  2. Văn Cao được hem :D

    ReplyDelete
  3. làm sao chủ blog bám theo nhiều đề tài cùng lúc tốt thế, tôi thấy blog có bài mới hoài mà toàn những nội dung đi sâu

    ReplyDelete
  4. VC mà ở Hà Nội quãng 47-54 thì có mà hoạ trời sụp

    ReplyDelete
    Replies
    1. Văn Cao hay VC? Nhị Linh vui lòng viết rõ cụ thể chút nhe, hong thôi tôi lại hiểu lầm đó. Cũng như ở trên mạng hiện nay người ta cứ nói về cái vụ "Trói Vào Tự Do" gì đó, rồi có chỗ tôi lại thấy họ viết là "Trôi vào..." Tiếng Việt mình hay quá mà, cố gắng bảo tồn hí :p

      Nhìn những tấm hình Hà Nội thuở xưa thật là đẹp. Nói ra sợ mang tiếng là phản động chứ nếu như hồi đó Pháp trở lại tiếp tục vưà bóc lột vưà xây dựng xứ ta một thời gian, rồi trao trả lại độc lập cho Việt Nam một cách êm thấm, thì bây giờ xứ ta còn rất "Tây" và đẹp. Ôi "Thà nhân gian đừng có chúng... mầy" :-... tears.

      Delete
  5. hãm nó vừa thôi

    chưa từng bao giờ người Pháp muốn trả độc lập cho Việt Nam hết, chưa bao giờ

    (kể cả bây giờ)

    ReplyDelete
  6. Thêm một comment về thế hệ: Marc Bloch:"Men who are born into the same social environment about the same time necessarily come under analogous influences, particularly in their formative years. Experience proves that, by comparison with either considerably older or considerably younger groups, their behavior reveals certain distinctive characteristics which are ordinarily very clear. This is true even of their bitterest disagreements. To be excited by the same dispute, even on opposing sides, is still to be alike. This common stamp, deriving from common age, is what makes a generation."
    Nhị Linh có thể cho biết Albert Thibaudet viết về khái niệm thế hệ trong tác phẩm nào được không? Xin cảm ơn.

    ReplyDelete
  7. Nhân đây xin hỏi trí thức Việt Nam trưởng thành những năm 30s có chịu ảnh hưởng nào của May Fourth Movement không? Tôi nhận thấy các tiểu thuyết thời kỳ này và các tiểu thuyết cuối đời Thanh khai thác những chủ đề rất giống tiểu thuyết VN, nhưng hiện không tìm thấy ảnh hưởng trực tiếp nào trong văn học. Điều này hơi lạ vì Tân Thư, rồi thuyết Tam Dân được phổ biến rộng ở VN, tạo một nền móng từ trước, vậy mà đến thời các nhà văn lớp sau không đọc một chút gì văn học Trung Quốc cùng thời? Tôi đọc chưa nhiều, mong Nhị Linh và các cao nhân đi qua chỉ giáo.

    ReplyDelete
  8. Thibaudet định viết một bộ văn học sử Pháp xét từ quan điểm thế hệ nhưng mới được một phần thì chết (năm 1936), năm 1947 Léon Bopp và Jean Paulhan san định bản thảo và in ra quyển (dày) Histoire de la litterature francaise de 1789 à nos jours

    các nhân vật Ngũ Tứ hiện diện ở Việt Nam như thế nào í hả? dễ í mà, tìm hiểu tí là thấy

    ReplyDelete
  9. Tôi không ngại đi tìm nhưng Nhị Linh có thể gợi ý bắt đầu từ nhân vật nào không ạ? Tôi mới thấy các ảnh hưởng trong lý luận, cách mạng khi đọc về VNQDĐ nhưng chưa thấy ảnh hưởng nào trong văn học.

    ReplyDelete