Apr 1, 2017

Mất mật khẩu

Sẽ đặc biệt nhàm chán khi cứ nhắc đi nhắc lại rằng Céline tiên tri rất nhiều điều. Vì ngay từ đầu, Đi đến cùng đêm đã nói gần như mọi thứ, rằng cuộc đời con người là chuyến đi, nhưng đó là một chuyến đi có đặc điểm là diễn ra trên một triền dốc, và cái triền ấy không hướng lên, mà hướng xuống. Sau đó, đến Chết trả góp (Mort à crédit): sống thì là đi xuống mãi, nhưng chết, ngay cả chết, cũng không phải là giải thoát, làm gì có giải thoát hay cứu rỗi khi mà chết, nghĩa là chết nhiều lần, chết đi chết lại, và chỉ có chết mới tạo ra lòng tin (crédit), có lòng tin thì mới được phép "mua chịu", "mua trả góp". Tài sản duy nhất mà con người sở hữu chính là cái chết của hắn, nhưng ngay thứ tài sản này cũng nực cười vô cùng.

Có điều, không có văn chương nếu không có tiên tri (về sự tiên tri, xem ở kia); tiên tri nghĩa là nói về tương lai? Không, tiên tri không phải nói về những chuyện sẽ xảy ra: giống như Roland Barthes từng nói trong Mythologies, "tử vi" hay "horoscope", người ta cứ tưởng nó nói về tương lai, nhưng thật ra nó nói chuyện ngày hôm nay, thậm chí nó nói những chuyện của ngày hôm qua. Tiên tri của văn chương là sự chạm vào một cái biết, đó có thể là tối hậu, nhưng đó cũng có thể đồng thời là khởi nguyên. Kafka tiên tri mọi thứ, chẳng hạn như vậy. Kafka mấy năm trở lại đây đã trở thành mốt ở Việt Nam, nhưng trong cái mốt ấy, tôi hiểu là tôi nghĩ đúng, khi thấy rằng chủ yếu người ta tưởng đâu Kafka là một dạng Paulo Coelho (về nhân vật này, xem ở kia). Chúng ta đang thực sự ở trong một thời đại không biết đọc; đến cả điều này, Kafka cũng tiên tri nốt rồi. Nhưng tiên tri của văn chương có thần hộ mệnh không phải Pythie ở đền Apollon, mà là Cassandre.

Ta sẽ bỏ qua các sấm truyền đầy tính chất tâm linh ngớ ngẩn của những Khalil Gibran, Paulo Coelho (với sự hô ứng của mấy nhân vật Việt Nam, nổi bật hơn cả là Thích Nhất Hạnh, Nguyễn Tường Bách và Cao Huy Thuần). Thời đại nào cũng đầy "sound and fury" cũng như dày đặc "tomorrow and tomorrow and tomorrow". Nhưng rất ít thời đại có Céline.

Một ý nghĩa nho nhỏ của Céline: Céline làm cho ta hiểu một phương diện lớn của Jean-Paul Sartre. Tôi từng nói ở đâu đó quên mất rồi, Sartre mới chính là một "bourgeois" đúng nghĩa nhất. Trong câu chuyện liên quan đến Céline, Sartre thể hiện một sự "ngụy tín" (mauvaise foi) vô biên; Sartre và Beauvoir đã ngụy tạo không ít quá khứ riêng để làm ra vẻ khinh bỉ Céline, "nhận ra" Céline từ rất sớm. Câu chuyện này sẽ nói kỹ sau. Sartre trở thành mốt ở Việt Nam chỉ cho thấy một điều: xã hội Việt Nam đang ở pha tư sản hóa mãnh liệt.

Người ta tự xưng hiểu biết triết học, và người ta đọc Sartre. Điều này rất tương đương với những người luôn luôn tỏ vẻ khinh bỉ mọi dạng "best-seller" nhưng lại là độc giả thuần thành của Albert Camus. Nhưng Camus là gì khác ngoài hiện thân của "best-seller" đây? Thêm một mauvaise foi đặc biệt nhàm chán nữa.

Nhìn vào những cái "mốt" trong xã hội Việt Nam là một công việc gây rất nhiều kích thích; tôi nghĩ là tôi hiểu tại sao Flaubert hứng khởi như vậy khi biết mình cần làm một việc, là viết bản anh hùng ca về sự ngu của xã hội Pháp thời Louis-Philippe và thời Louis-Napoléon (đây có lẽ là hai nguyên thủ tầm thường nhất trong lịch sử nước Pháp; nhân vật thứ ba, tôi nghĩ, chính là François Hollande). Ta có, trong "giới đọc cao cấp", mốt James Joyce và mốt Virginia Woolf.

Người ta dịch Woolf, rồi người ta lại nhanh chóng dịch lại Woolf. Tôi xem mấy quyển "dịch lại" rồi, nhân vật làm công việc này không bao giờ trở thành nổi dịch giả dẫu chỉ hạng bét đâu. Đó là một trong hai đồ đệ ruột của nhân vật bẩn thỉu tôi đã nhắc tới ở kia; đồ đệ thứ hai thì liên quan đến cái kia.

Woolf là một người chạy trốn sứ mệnh. Văn chương của Woolf là một sự hiểu nhầm khủng khiếp. Đó không phải là văn chương lớn. Woolf cũng rất khinh bỉ món cật rán mà nhân vật của Joyce ăn sáng.

Joyce còn là một nhầm lẫn kinh khủng hơn. Joyce đương nhiên được coi là một trong trinity của văn chương hiện đại. Điều này, tôi đã chắc chắn hoàn toàn sai. James Joyce cũng chính là một thử thách rất lớn của sự đọc, và Beckett nhanh chóng hiểu ngay từ đầu.

Ta hãy đến với Molly của Ulysses. Mấy chục trang cuối cùng xưa nay vẫn được coi là kiệt tác tuyệt đối, khi Molly Bloom độc thoại không dấu chấm. Thế nhưng, Molly này là một Molly sai; Molly đúng phải là Molly của Đi đến cùng đêm, Molly nhân vật của Céline, Molly trong mối quan hệ với Bardamu.

Joyce và Céline tạo thành một ca cực kỳ khó trong lịch sử đọc. Ở trên tôi đã nói đến Sartre và "mauvaise foi", chính nó đấy: trinity của văn chương hiện đại, nếu nhất thiết phải có "trinity", thì trong đó không có Joyce, mà ở vị trí ấy phải là Céline. Thế nhưng, người ta đồng loạt loại bỏ Céline đi, cố lờ Céline đi, trong khi văn chương của Sartre là lấy từ Céline; và đến cả Patrick Modiano, cũng đi từ Céline ra nốt (cf. Quảng trường Ngôi sao). Tại sao lại thế? Tại vì mauvaise foi. Vì sự đạo đức giả của sự đọc. Vì Céline đáng ghét, vì Céline có tiếng là bài Do Thái và hợp tác với người Đức.

Thế nhưng, vẫn chưa ai chứng minh được thực sự Céline có bài Do Thái hơn so với bất kỳ nhà văn Pháp nào khác không, còn như Céline cộng tác với Đức? Chưa hề có bất cứ bằng chứng nào.

Người ta loại bỏ Céline khỏi "vòng" của trinity kia, là bởi vì, điều này mới oái oăm, đồng thời Céline lại thuộc một "vòng" khác, cũng một trinity khác, một trinity không đương nhiên nhiều vinh quang: Céline đứng bên cạnh Knut Hamsun và Ezra Pound trong câu chuyện dính dáng với phát xít.

Nhưng sẽ là phi lý nếu căn cứ đánh giá nằm ở chỗ thấy rằng ai đó vừa thuộc về cái này vừa thuộc về cái kia. Và còn phi lý hơn nếu phủ nhận chuyện Céline nghĩa là thế kỷ XX, không hề khác so với Kafka hay Proust.

Và thế kỷ XX, trước hết, đó là một trạng thái mất mật khẩu. Đi đến cùng đêmChết trả góp không làm nên toàn bộ tiểu thuyết của Céline. Casse-pipe là tiểu thuyết Céline dùng để kể lại kinh nghiệm quân ngũ của mình (Céline đi lính hồi Thế chiến thứ nhất: dường như Thế chiến thứ nhất đáng tin hơn Thế chiến thứ hai, vì ít nhất cuộc chiến tranh ấy tạo ra những người như Céline, Joë Bousquet hay Gaston Bachelard, trong khi cuộc chiến tranh sau đó, ở thời hậu chiến, là bệ phóng cho những Sartre, những Camus, những Hemingway). Cuốn tiểu thuyết này chưa hoàn thành, chỉ có đúng một chương: một người lính mới đến đơn vị, cảnh tượng hỗn loạn của đời lính, họ hành quân trong đêm, nhưng không qua được trạm gác vì không biết mật khẩu, vì họ đã mất mật khẩu.

Không gì miêu tả rõ chúng ta, kể cả, và nhất là, ngày hôm nay, bằng sự mất mật khẩu này. Cứ thử mất mật khẩu email hay facebook mà xem. Thế nhưng, mất mật khẩu nghĩa là phải ở bên ngoài, không đi vào trong được, không được phép vào trong: đó cũng chính là điều Kafka miêu tả ở cái truyện về cánh cửa "Pháp Luật". Chỉ Proust, Kafka và Céline mới thấu hiểu điều này. Làm gì có nhà văn nào khác miêu tả được theo đường lối gây choáng váng đến thế một điều: sự nhìn trộm (voyeurisme). Hai cảnh nhìn trộm kinh điển nằm trong À la recherche du temps perdu, lần đầu là cảnh làm tình báng bổ của hai "lesbian", lần thứ hai là cảnh làm tình còn báng bổ hơn của hai "gay" (Charlus và Jupien), ở đầu tập Sodome et Gomorrhe. Kafka cũng là chuyện nhìn trộm (cf. Lâu đài, bản dịch tiếng Việt của Trương Đăng Dung, và rất nhiều chỗ khác). Céline cũng là nhìn trộm: không thể rõ hơn nữa, trong Chết trả góp, ông bà chủ làm tình với nhau. Nhìn trộm là vì không được vào, vì đã mất mật khẩu.

Ở đỉnh cao của mình, Haruki Murakami (đừng ngạc nhiên khi tôi nhắc đến nhân vật này ở đây), trong câu chuyện về con chim máy vặn dây (con chim này từ đâu ra? dễ mà, từ Andersen, nhưng nói đúng hơn, Andersen và Murakami lấy nó từ cùng một nguồn), đoạn cuối, là đoạn nhân vật tìm mật khẩu. Tôi biết, chưa ai nhìn thấy điều này đâu: Murakami chính là sự lặp lại của Joyce, lặp lại ở sự vĩ đại giả vờ.

Philippe Muray, trong cuốn sách Céline, viết một điều vô cùng chính xác: "Tuy rằng rất rành rành là nó không biết đọc, thời đại của chúng ta chẳng phải không biết văn chương là kẻ thù của nó." Phải đọc Céline thì mới hiểu được những điều như thế. Phải nhìn thấy sự đáng ghét. Và bản thân Philippe Muray cũng trở thành một nhân vật đặc biệt đáng ghét trên văn đàn Pháp.

Biết làm sao đây?



NB. nhân tiện: mới thêm một đoạn dài dài dài Louis Lambert, thêm "Hiện tượng luận về mối quan hệ thầy trò", cũng như thêm "Đọc Balzac ở Hà Nội" (à, nói trước luôn là mới chỉ thêm một tí chút thôi, đừng thất vọng)




Muốn thất bại
Con chó, con lợn, con mèo
Céline: S, W, Y
phải tuyệt đối đáng ghét
Đi đến cùng đêm

4 comments:

  1. Hay. Gợi nhớ đến F.Badre. Vậy người ta phải làm gì khi "sống trong thế kỷ" nhỉ?

    ReplyDelete
  2. đã "mất mật khẩu" thì thường đi kèm "không lối thoát"

    nói vậy thôi, sẽ có ngày thử "tìm lại mật khẩu" xem sao :p

    ReplyDelete
  3. ai mới thật sự là irlandais lớn của văn chương hiện đại?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Yeats
      http://nhilinhblog.blogspot.com/2017/09/nguyen-tuan-khong.html?m=1

      Delete